Từ "cái hộp" của ông Trương Nguyện Thành 

LÊ HỌC LÃNH VÂN 17/05/2017 19:05 GMT+7

TTCT_ Việc GS Trương Nguyện Thành (Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM) mặc quần đùi trong giờ học đã tạo một cơn bão mạng. Bài viết này xin chú tâm tới “cái hộp” của GS mà người viết thấy thực sự quan trọng và có ích.

tt

Khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Quốc hội VN ngày 28-4, ông Thành cho biết để phát triển tư duy sáng tạo, người ta cần suy nghĩ ra ngoài cái hộp (out of the box). Nhưng có thật cần phải bước ra khỏi cái hộp không?

Theo ông, không cần, bởi vì trong đầu óc của mỗi người không có cái hộp nào cả! Cái hộp có là do định kiến xã hội tạo ra. Muốn phát triển tư duy sáng tạo, một người cần gỡ bỏ tất cả các rào cản, thành kiến, định kiến...

Về lý luận, không có gì phải bàn. GS Thành đang đề cập điều kiện, tính chất và phương pháp luận tư duy sáng tạo. Tôi xin góp thêm ý kiến từ góc nhìn thực tiễn của hoạt động kinh doanh.

Trong rất nhiều buổi làm việc về ý tưởng kinh doanh, kế hoạch kinh doanh... các nhà kinh doanh thường nhắc nhở nhau nên suy nghĩ ra ngoài cái hộp (think out of the box).

Công ty nào cũng muốn nhân viên của mình sáng tạo để tạo ra thay đổi, đưa công ty lên một đẳng cấp phát triển cao hơn. Sáng tạo do đó gắn liền với thay đổi, là điều kiện cho thay đổi và phát triển. Tinh thần sáng tạo là một yêu cầu khi tuyển dụng và đề bạt nội bộ.

Là người thực tế, có những mục tiêu rất thực tế, đo lường được, có thời hạn xác định để đạt, có nguồn lực nhất định, các nhà lãnh đạo công ty biết rất rõ phương tiện lớn nhất để cạnh tranh là tri thức và sáng tạo.

Và họ cũng biết mỗi người đều có cái hộp trong đầu. Ai cũng có, bởi vì cùng làm việc trong một môi trường của công ty, cùng chia sẻ những giá trị cốt lõi, những tầm nhìn và sứ mạng chung... Cái hộp đã được tạo ra bởi môi trường sống, môi trường làm việc.

Do đó, sáng tạo, xét trên bình diện công ty, phải là nỗ lực cộng hưởng của các tầng nấc tổ chức của công ty, từ cá nhân, nhóm làm việc, phòng chức năng cho tới công ty.

Trong khi khuyến khích nhân viên không để cái hộp trong đầu ngăn cản ý tưởng sáng tạo, các nhà lãnh đạo đồng thời chủ động đưa ra cam kết: công ty không áp đặt bất kỳ cái hộp nào lên cái đầu của bất kỳ ai.

Những ý tưởng sáng tạo nhất, đưa tới những cải tiến hiệu quả nhất được vinh danh, tưởng thưởng xứng đáng. Không có bất kỳ sự trừng phạt, chế tài nào đối với bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào hay sự truyền bá các ý tưởng đó.

Bởi sáng tạo ý tưởng mới là một việc, áp dụng ý tưởng đó như thế nào là trách nhiệm của người lãnh đạo. Khi dỡ bỏ các cái hộp, người lãnh đạo sẽ thu được nguồn dồi dào các ý tưởng sáng tạo từ nhân viên. Đó chính là nguồn lực cạnh tranh lớn nhất của công ty.

Lãnh đạo không được sợ ý tưởng sáng tạo, không được ngăn cản các ý tưởng sáng tạo bởi vì điều đó ngăn cản sự phát triển của tập thể, công ty.

Thực tiễn chứng minh rằng các công ty phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, tồn tại lâu hơn là các công ty chọn lựa thay đổi và quản lý thay đổi thành công. Đó là những công ty biết tạo ra không gian tự do cho nhân viên sáng tạo mà không có bất kỳ rào cản nào.

Trong thời đại mà sự cạnh tranh phát triển là thay đổi và quản lý thay đổi thì công thức phát triển được nhiếu người công nhận là: “Tự do tư duy -> Sáng tạo -> Thay đổi -> Phát triển”.

Bất kỳ rào cản nào ngăn cản tự do tư duy đều ngăn cản sáng tạo. Cho dù là rào cản pháp lý, rào cản thói quen, tập tục, rào cản tâm lý xã hội hay rào cản ý thức hệ, đã là rào cản tự do tư duy tất phải là rào cản sáng tạo, và là rào cản phát triển.

Sự cạnh tranh và phát triển quốc gia cũng có cùng công thức. Nước Mỹ, nước có tự do sáng tạo nhất là nước phát triển nhất, có khả năng thay đổi nhất để thích hợp với các thách thức mới và cơ hội mới luôn xuất hiện và vận động, chuyển biến.

Các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật... hay những nước phát triển có kích thước nhỏ hơn như Đan Mạch, Na Uy... đều là các nước mà dân chúng có tự do tư duy.

Người VN có năng lực tư duy không thua kém các nước xung quanh, tại sao họ có thể “hóa rồng” sau hai thập niên, còn ta đã hơn bốn thập niên hòa bình và thống nhất mà vẫn còn thua họ xa như vậy?

Minh chứng nằm rõ rệt trong thứ tự xếp hạng thấp của VN so với các nước dựa trên các chỉ số khách quan đo lường năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, mức độ đóng góp vào thành tựu chung của nhân loại...

Các chỉ số này đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới mức độ sáng tạo của quốc gia. Phải chăng nước ta chưa có đủ không gian tự do cho sáng tạo?

Nếu vậy thì cái rào cản nào còn tồn tại? Cái hộp nào còn nhốt lại năng lực tư duy và sáng tạo của dân ta?

Tôi nghĩ rằng trong các “phong trào” khởi nghiệp và sáng tạo được phát động gần đây, nước ta chỉ mới chú trọng truyền bá các phương pháp, công cụ cho tư duy sáng tạo. Điều cần hơn là tạo điều kiện cho tự do sáng tạo, nghĩa là gỡ bỏ các cái hộp cố định đầu óc sáng tạo của người dân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận