Cần "kế hoạch hành động" cho cây hồ tiêu

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 07/07/2017 02:07 GMT+7

TTCT - Cho tới thời điểm này, việc giá hồ tiêu vẫn tiếp tục giảm có lẽ đã đủ để khiến những ai cho rằng giá của “gia vị vua” này giảm là nhất thời, do có thêm Brazil thu hoạch trùng với Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia... phải suy nghĩ lại.

Nông dân thu hoạch hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước -Nguyễn Trí
Nông dân thu hoạch hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước -Nguyễn Trí

 

Trong bối cảnh như vậy, dự báo kịch bản giá hồ tiêu chắc chắn hữu ích đối với tất cả những ai quan tâm tới sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu nước ta.

Chuyện điều tiết giá hồ tiêu thế giới 

Nhiều năm trở lại đây lan truyền câu chuyện rất ấm lòng về nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới.

Đó là, dù vào thời điểm thu hoạch, lượng cung tăng đột biến, giảm giá, hoặc bị ép giá... nhưng với tiềm lực kinh tế đủ mạnh, họ đủ sức để găm hàng chờ giá lên mới tung ra thị trường.

Số liệu thống kê của ITC (Trung tâm Thương mại quốc tế) cho thấy nếu so với giá bình quân của tất cả các quốc gia sản xuất hồ tiêu khác, từ năm 2010 trở về trước, hầu hết là giá của nước ta thấp hơn, nhưng từ năm 2011 trở lại đây đều cao hơn.

Cụ thể trong vòng sáu năm qua, chúng ta đã xuất khẩu ra thị trường thế giới gần 840.000 tấn hồ tiêu, thu về hơn 6,3 tỉ USD và được lợi về giá hơn 440 triệu USD, bằng 7% kim ngạch xuất khẩu.

Việc găm hàng chờ giá lên là hoàn toàn đúng trong giai đoạn cán cân cung - cầu nghiêng về phía người bán, còn khi “gió đã xoay chiều” thì đương nhiên “mũi tên lại nhắm vào chính cung thủ”.

Nếu như năm 2010 chúng ta xuất khẩu hồ tiêu với giá 3.606 USD/tấn, đến năm 2015 đạt đỉnh 9.578 USD/tấn. Trong điều kiện như vậy, găm hàng chờ đương nhiên sẽ xuất khẩu được giá cao hơn.

Nhưng từ năm ngoái, giá xuất khẩu đã giảm mạnh, còn 8.035 USD/tấn mà vẫn găm hàng hẳn nhiên là thua thiệt rất lớn.

Nhưng theo số liệu thống kê của nước ta, trong giai đoạn 2010 - 2014, hầu như năm nào hồ tiêu xuất khẩu của nước ta cũng cao hơn sản lượng, tức là phải nhập thêm để xuất.

Thực tế, câu chuyện găm hàng chờ giá... xuống không chỉ diễn ra ở mặt hàng này, mà còn ở những mặt hàng nông sản khác. Như chuyện hàng triệu tấn gạo trong các năm “sốt”, “nóng” giá cả thế giới năm 1998 và 2008 thì được cất kỹ đâu đó, chờ đến khi “đại hạ giá” mới đẩy ra thị trường thế giới.

Chuyện găm hàng chờ giá xuống trên quy mô lớn như vậy bắt nguồn từ việc chúng ta không đoán được xu thế diễn biến của giá hồ tiêu thế giới và đây là công việc không dễ dàng.

Lý do vì đây không phải là loại cây trồng quá quan trọng và chỉ có FAO (Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc) là cơ quan tập hợp và cung cấp các số liệu thống kê từ các quốc gia, nhưng rất chậm, cho nên tương quan cung - cầu của thị trường thế giới như thế nào luôn luôn là một ẩn số.

Tới thời điểm này, FAO mới cho biết tổng diện tích hồ tiêu thế giới năm 2014 giảm mạnh so với năm 2006.

Trong đó, quốc gia có diện tích lớn nhất là Ấn Độ giảm từ 260.000ha xuống còn 124.000ha, còn diện tích của quốc gia trồng hồ tiêu lớn thứ hai thế giới là Indonesia cũng giảm từ 193.000ha xuống còn 163.000ha. Đây chính là nguồn gốc gây ra “cơn địa chấn” giá hồ tiêu thế giới năm 2015.

Nguyên nhân khiến hai “ông lớn” này ồ ạt xóa bỏ khoảng 1/3 diện tích hồ tiêu của mình chủ yếu là do năng suất quá thấp, chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 năng suất bình quân của thế giới, khiến nông dân ở những vùng có năng suất còn thấp hơn nữa tại hai quốc gia này buộc phải từ bỏ cây trồng truyền thống của mình.

Sau khi chạm đáy năm 2012, sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2013 đã tăng trở lại. Dự báo tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm nay có thể vượt khá xa ngưỡng 500.000 tấn và tình trạng khủng hoảng thừa đã rất rõ ràng.

Giảm đến khi nào?

Trong điều kiện triển vọng cung - cầu như vậy, câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là: giá hồ tiêu sẽ còn giảm bao nhiêu nữa và còn kéo dài bao lâu?

Trước hết, nếu nhìn vào những diễn biến của sản lượng và giá cả mặt hàng này trên thị trường thế giới gần 60 năm qua thì có thể thấy nhiều chu kỳ biến động rất dài nối tiếp nhau theo những chiều hướng trái ngược.

Theo đó, khi sản lượng biến động theo chiều hướng tăng thì giá lại biến động theo chiều hướng giảm, và ngược lại.

Năm 1998, sản lượng hồ tiêu thế giới chỉ ở mức 259.000 tấn và giá hồ tiêu được buôn bán trên thị trường thế giới đạt kỷ lục 4.660 USD/tấn, nhưng đến năm 2002, khi sản lượng liên tục tăng và gần chạm ngưỡng 400.000 tấn thì giá bình quân của hồ tiêu buôn bán trên thị trường thế giới chạm đáy, chỉ với 1.804 USD/tấn. Như vậy, giai đoạn được mùa mất giá này kéo dài tới bốn năm.

Hẳn nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng là mức và tỉ lệ giảm giá của thị trường hồ tiêu thế giới trong năm 2016 vừa qua và bốn tháng đầu năm nay đã rất cao so với cơn sốt lạnh giá hồ tiêu gần đây nhất.

Thế nhưng, thời gian “đổ dốc” kéo dài tới bốn năm và giai đoạn vẫn còn rất khó khăn tiếp theo cũng kéo dài tới bốn năm lại là điều vô cùng đáng ngại.

Tóm lại, sự thăng trầm của cây hồ tiêu là hiện tượng mang tính quy luật toàn cầu. Do vậy, tham gia vào “cuộc chơi” toàn cầu này, đương nhiên chúng ta cũng không thể né quy luật đó.

Và các nhà quản lý cần vào cuộc để xét đoán xem triển vọng của thị trường hồ tiêu có sáng sủa hơn không và từ đó có kế hoạch hành động có lợi nhất cho cây hồ tiêu nước ta.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận