Kinh tế học về thịt heo

TTCT- Để hiểu về những nguyên nhân dẫn đến cuộc “khủng hoảng” giá thịt heo hiện nay ở Việt Nam, cần nhiều thông tin phân tích về giá thành sản xuất, khâu trung gian... Nhưng những yếu tố kinh tế gốc rễ của vấn đề cần được nhìn nhận đầu tiên.

Giá thịt heo ở Trung Quốc sẽ quyết định giá cả mặt hàng này trên toàn thế giới -snopes.com
Giá thịt heo ở Trung Quốc sẽ quyết định giá cả mặt hàng này trên toàn thế giới -snopes.com

Trong kinh tế học, thuật ngữ chu kỳ giá heo (pork cycle) được sử dụng để mô tả hiện tượng dao động theo chu kỳ của nguồn cung và giá trên các thị trường vật nuôi (livestock). Có rất nhiều nghiên cứu về chu kỳ giá heo ở các quốc gia trên thế giới.

Câu chuyện vĩnh cửu của chu kỳ

Trên các thị trường chăn nuôi, giá luôn là một tín hiệu quan trọng trong việc mở rộng hay thu hẹp sản lượng.

Giá hiện tại cao so với giá thành sản xuất sẽ tạo ra một mức lợi nhuận cao, dòng tiền tốt cho những người chăn nuôi. Và khi giá tăng cao, người chăn nuôi sẽ đưa ra quyết định tăng sản lượng để kỳ vọng tương lai sẽ có mức lợi nhuận tốt hơn nhờ vào việc tăng doanh thu.

Việc tăng nguồn cung trong tương lai dựa vào tín hiệu giá có thể là một quyết định hợp lý nếu tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nguồn cung.

Tuy nhiên, ở một số thị trường nông sản, nhu cầu tiêu thụ thường giữ ở mức ổn định (do đặc thù loại sản phẩm đó) và giá nông sản dao động phụ thuộc vào sự dao động của nguồn cung.

Khi nông dân thấy giá cao ở hiện tại, quyết định mở rộng sản lượng, trong tương lai, nguồn cung tăng lên sẽ làm giá sụt giảm, giá thường sụt giảm sâu đến mức làm cho những hộ nông dân có năng suất thấp (thường là những hộ nông dân ở ngoài ngành thấy giá hiện tại cao nên quyết định gia nhập ngành) bị thua lỗ, phải rời bỏ ngành, những hộ nông dân có năng suất cao hơn sẽ quyết định thu hẹp quy mô.

Việc thu hẹp quy mô sẽ thường xuyên quá đà, dẫn tới nguồn cung trong tương lai bị thiếu hụt và giá nông sản sẽ tăng lên trở lại.

Việc giải thích về chu kỳ giá heo trên lý thuyết thường đơn giản hơn những diễn biến thực tế. Kiến thức kinh tế sơ đẳng dạy ta rằng cung tăng trong khi cầu không đổi thì giá sẽ giảm, nông dân cũng có những kinh nghiệm đó khi quan sát diễn biến giá heo qua nhiều năm, các nhà quản lý cũng biết điều đó.

Chu kỳ giá heo là một điều tự nhiên do cấu trúc của thị trường thịt heo tạo ra. Nếu muốn thay đổi chu kỳ giá heo, những nhà hoạch định chính sách cần phải nhìn vào tổng thể thị trường để hiểu được nguyên nhân tạo ra chu kỳ giá heo, hành vi ra quyết định của nông dân nuôi heo, tín hiệu giá ảnh hưởng đến hành vi của nông dân như thế nào, sau đó thực hiện các giải pháp để làm thay đổi cấu trúc của thị trường.

Trước tình cảnh giá heo đang giảm như ở hiện tại, Chính phủ có thể áp dụng các chính sách khuyến khích người dân tăng tiêu thụ heo để giải quyết nguồn cung dư thừa.

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng nguồn gốc của giá thịt heo giảm lần này không phải là do hệ thống phân phối có vấn đề, từ trước đến giờ hệ thống phân phối vẫn thế, mà do chu kỳ giá heo tạo nên, do đó các biện pháp giải cứu cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn và đúng trọng tâm hơn.

Doanh thu của toàn bộ thị trường thịt heo bằng lượng tiền của người tiêu dùng trả để mua thịt heo, tức bằng giá thịt heo nhân với khối lượng thịt heo bán ra.

Khối lượng heo bán ra thị trường sẽ bằng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nếu người dân tăng ăn thịt heo lên thì khối lượng sẽ tăng lên.

Chính sách giảm giá của chính quyền chỉ có tác dụng khi giá giảm làm tăng lượng tiêu thụ thịt heo. Đây là một việc khó có khả năng xảy ra khi người dân không vì giá giảm mà tăng lượng tiêu thụ lên, không thể sáng ăn thịt heo, trưa ăn thịt heo, tối ăn thịt heo, cả tháng ăn thịt heo.

 

 

Vì sao giá heo ra nông nỗi?

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp rắc rối vì giá thịt heo giảm mạnh thời gian qua. Nguyên nhân chính thật rõ ràng: cầu và giá thịt heo suy giảm ở Trung Quốc - thị trường thịt heo lớn nhất thế giới hiện nay.

Ngày 1-5, báo Campuchia Khmer Times cho hay Bộ Nông nghiệp nước này xác nhận đã lên chương trình hành động để đối phó với tình trạng giá thịt heo giảm quá sâu trong một năm qua “do nhập khẩu heo sống bất hợp pháp từ các nước láng giềng”.

Bài báo cho biết giá thịt heo (có lẽ là heo hơi) tại Campuchia năm 2016 ở mức trung bình 2 USD/kg, nhưng giờ chỉ còn 1,25 USD/kg, trong bối cảnh mức chi phí cơ bản với người nông dân là 1,88 USD/kg.

Bộ Nông nghiệp Campuchia nói nhập khẩu heo sống trong vài tháng qua đã tăng mạnh và cung đang vượt quá cầu, khiến nhiều nông dân trong nước giảm số lượng bầy heo để tránh thua lỗ. Bài báo cũng nói Việt Nam và Thái Lan đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Bộ Nông nghiệp đã gửi thư cho Bộ Nội vụ yêu cầu can thiệp để ngăn chặn việc nhập lậu và cấm các công ty không có giấy phép nhập heo sống nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì sự ổn định về giá cả - tuyên bố của Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết, đồng thời dự báo - Tới cuối tháng (tháng 5) giá heo sống sẽ tăng ở Việt Nam và Thái Lan và tiên đoán sẽ tiếp tục tăng”.

Ở Úc, các nông dân nuôi heo tại bang Victoria cũng đang đe dọa sẽ tiêu hủy bầy heo của họ nếu tình trạng “giá rơi tự do” tiếp tục như hiện nay, theo trang tin The Weekly Times vào cuối tháng 4.

Andrew Spencer, giám đốc Công ty Australian Pork Limited, nói giá heo ở Úc đã giảm từ 3,70 USD/kg xuống còn 3 USD/kg trong thời gian qua và giảm liên tục từ tuần thứ hai của tháng 1-2017 tới nay, hiện đã ở rất gần mức chi phí sản xuất, ước tính vào khoảng 2,80 USD/kg.

Từng có lúc nó giảm tới 20 xu/kg trong chỉ một tuần” - Spencer than vãn. Ông giải thích giá thịt heo giảm là do cầu tăng và Tết Nguyên đán tại Trung Quốc năm nay “tĩnh lặng hơn bình thường”.

Kiểm tra giá thịt heo tại Trung Quốc trên trang chuyên theo dõi thị trường thịt heo Pig333 (ở địa chỉ www.pig333.com) cho thấy chiều hướng chung là giá giảm (dù không liên tục) từ giữa năm 2016 tới nay, và đặc biệt chỉ có giảm từ tháng 1-2017 tới nay.

Giá thịt heo tại Trung Quốc ở mức đỉnh tháng 7-2016 là 3 USD/kg, nay chỉ còn 2,32 USD/kg, tương ứng với mức giảm 23%!

Tân Hoa xã ngày 24-4 xác nhận chiều hướng này khi cho biết giá thực phẩm nói chung ở 50 thành phố lớn tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 4. Dẫn số liệu từ Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, hãng tin này cho biết giá thịt heo, thịt gà và trứng đặc biệt giảm mạnh.

Trung Quốc, nơi dân số chiếm 1/5 dân số toàn cầu, hiện là nước tiêu thụ một nửa sản lượng thịt heo của cả thế giới, và nhập khẩu cũng với số lượng kỷ lục, chưa tính đàn heo trong nước của họ lên tới 700 triệu con.

Hiện giờ, mỗi người Trung Quốc trung bình tiêu thụ 40kg thịt heo mỗi năm, so với chỉ 12kg vào năm 1980. The Economist nói hiện việc sản xuất thịt heo ở Trung Quốc vẫn còn manh mún và thiếu hiệu quả. 1/5 nguồn cung trong nước của họ xuất phát từ các hộ nông dân nhỏ lẻ chỉ tham gia vào thị trường khi thấy giá cao, và có thể rời thị trường đột ngột.

Điều đó góp phần quan trọng vào sự biến động giá cả rất lớn, bao gồm những đợt tăng giá mạnh các năm 2008, 2011 và 2016, cũng như các đợt giảm giá sâu gần như ngay sau đó, tạo ra một “chu kỳ biến động giá thịt heo” nguy hiểm.

Chính quyền Trung Quốc từng lo lắng về giá thịt heo sau các đợt bệnh dịch tới mức duy trì một nguồn “dự trữ thịt heo chiến lược” để bình ổn giá khi cần thiết. Nhưng nay các đợt bệnh dịch có vẻ không còn là mối đe dọa nữa, một nguyên nhân khác làm nguồn cung tăng.

Để góp phần ổn định giá thịt heo, ngày 24-3 vừa rồi, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã ra mắt chỉ số giá thịt heo chính thức đầu tiên tại Trung Quốc, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp nước này.

Giá thịt heo có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc tới mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này vẫn thường bị giễu nhại là “China Pig Index” (chỉ số giá heo Trung Quốc).

Bộ dữ liệu của DCE giờ đã biến trò đùa đó thành sự thật. Với thông tin thu thập từ 89 nhà cung cấp thịt heo lớn ở 16 vùng khác nhau, chiếm 32% nguồn cung trên cả nước, DCE hi vọng sẽ có thể đưa ra các dự báo tốt hơn cho những biến động giá cả trong tương lai, để các khách hàng của họ thực hiện những hợp đồng kỳ hạn tốt hơn.

Tuy nhiên, bộ dữ liệu này cũng sẽ rất hữu ích với các cơ quan quản lý nhà nước về giá cả, thị trường và nông sản của Trung Quốc.■

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức điểm bán thịt heo tại TP Biên Hòa để giúp người chăn nuôi. Ảnh: A Lộc

 

Giải cứu heo

Đây là những gì diễn ra trên các diễn đàn và các hội chăn nuôi heo khắp nơi từ Nam chí Bắc những ngày qua: thông tin về giá heo hơi được cập nhật liên tục trong âu lo, than vãn.

Hà Tĩnh 18 (18.000 đồng/kg heo hơi), Thái Nguyên 16, Thái Bình 16, Phú Thọ 17. Đâu đó là 20, 22, 23, 25. Một vài nơi 29 và được cổ vũ: “Cố lên! Cố thủ thêm, chờ người khác “chết” thì mình sống”. Rồi có tiếng ngậm ngùi: 15, sáng nay mới cân. Lại có câu đùa trong nước mắt: Thanh Hóa, giá là 30, nhưng... 2kg.

Một số người chăn nuôi nghĩ cách: bỏ qua khâu trung gian, đi thẳng đến người tiêu dùng. Họ tự tổ chức xẻ thịt bán, không chỉ ở Đồng Nai mà khắp nơi.

Các quầy dã chiến được dựng lên. Họ dặn nhau đóng cái bàn to, inox càng tốt, đừng trải bạt xuống đất vì người tiêu dùng sợ mất vệ sinh.

Một số vừa bán vừa tặng nội tạng, có khuyến mãi, tính ra heo hơi được giá... 27.000 đồng/kg. Số khác, được hơn 30.000 đồng.

Coi như lấy công làm lãi, còn hơn để thương lái ép giá, còn hơn để heo treo mõm và ôm cục nợ. Người khoe 51 cân bán được 2 triệu, người 98 cân chỉ được 2,7 triệu, mấu chốt ở chỗ giá heo hơi mỗi nơi một khác, chỗ đầu 34, chỗ sau 22. Bán chỉ cần hòa là đã vui.

Cuộc giải cứu heo đang được phát động trên cả nước, nhưng xem ra không dễ chút nào. Cách đây vài tuần, ở Bình Dương, một quầy thịt heo đã bị đốt khiến giới kinh doanh heo một phen thất điên bát đảo.

Chuyện là, Công ty CP có được nguồn cung dồi dào, giá rẻ, bèn liên kết với Sở Công thương Bình Dương, tổ chức giết mổ, vận chuyển đến bán cho người tiêu dùng tại chợ với giá chỉ 45.000 đồng/kg.

Vậy là tạo ra một cơn sốt hạ giá, và xảy ra mâu thuẫn giữa các sạp của CP, các sạp lấy thịt heo của CP (bán rẻ hơn 10.000 đồng/kg) với các sạp khác lấy hàng từ các lò mổ và đầu nậu khác.

Người tiêu dùng, dĩ nhiên, mua hàng từ các tiệm này, giá vừa rẻ, vừa rõ nguồn gốc. Vậy là ảnh hưởng đến các tiệm khác, khiến một sạp bị đốt để cảnh cáo.

Dõi theo cuộc giải cứu heo, có thể nhận thấy rất nhiều người chăn nuôi đang đổ lỗi cho giới thương lái, vốn là người họ trực tiếp tiếp xúc, ngã giá.

Quả thực, nếu nhìn vào mức giá 50.000 đồng/kg thịt heo khi bán mà không qua bất cứ khâu trung gian nào thì rất dễ đi đến kết luận: khâu trung gian trong chuỗi giá trị của ngành thịt heo (và các ngành khác) đang “ăn quá dày”.

Khâu này gồm: các thương lái mua heo, các lò giết mổ, các chợ đầu mối, tiểu thương và các siêu thị bán lẻ. Nhưng chắc chắn cũng còn vai trò của các đại thương gia và các tiểu thương nắm quyền “sinh sát” ở những dạng thức phức tạp khác.

Trần Phi Tuấn

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận