Cánh cửa đã mở, nhưng...

KIM SƠN THỰC HIỆN 16/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, có nhiều cơ sở y tế, BV công triển khai ký kết hợp tác với các đơn vị đầu tư thiết bị hoặc BV tư sẵn có và gọi đó là hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế.

Nếu làm đúng, hợp tác công - tư trong y tế sẽ giúp giải rất nhiều bài toán hóc búa với Nhà nước.-Ảnh: evidencenetwork.ca
Nếu làm đúng, hợp tác công - tư trong y tế sẽ giúp giải rất nhiều bài toán hóc búa với Nhà nước.-Ảnh: evidencenetwork.ca

 

Thậm chí có người “nâng tầm”, gọi đó là PPP với những vận dụng linh hoạt lợi thế của Nhà nước và tư nhân. Vậy PPP đúng nghĩa trong lĩnh vực y tế là gì?

Từ việc khai thác cơ sở vật chất, giá cả dịch vụ, thời hạn ăn chia lợi nhuận... ra sao để đảm bảo quyền lợi cả ba bên: Nhà nước - tư nhân - người bệnh? TTCT nêu vấn đề này với BS NGUYỄN THẾ DŨNG - phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế VN, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ông phân tích:

Mô hình đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới từ những năm 1970 -1980 đến nay. Tại Pháp, mô hình PPP trong y tế đã có từ lâu và BV công rất mạnh, theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, BV tư còn ít.

Đây là hệ thống y tế được Tổ chức Y tế thế giới bình chọn là hệ thống y tế tốt nhất (báo cáo năm 2000).

Tôi đã có nhiều dịp trao đổi cùng các chuyên gia Pháp về mô hình PPP, họ triển khai như sau: ví dụ BV công A có một mảnh đất và có nhu cầu xây dựng một cơ sở điều trị mới trên mảnh đất này gồm bao nhiêu tầng, các chuyên khoa gì, bao nhiêu giường, trang thiết bị y tế ra sao...

Họ làm đề cương các yêu cầu và đưa ra công khai, minh bạch trong cộng đồng để các nhà đầu tư tham khảo (nhà đầu tư thường là nhà đầu tư kết hợp: 1/ bên xây dựng, kiến trúc, 2/ bên trang thiết bị, 3/ ngân hàng...) và đưa ra thời hạn.

Chẳng hạn sau 3 tháng sẽ công khai việc xét chọn đề án. Nhà đầu tư được chọn tiến hành ký kết hợp đồng.

Hợp đồng dịch vụ y tế PPP là hợp đồng dài hạn vài chục năm (thường 15-30 năm), giữa một BV công và một hoặc nhiều công ty tư nhân hoạt động với tư cách một pháp nhân (nhà đầu tư) như nói trên.

Phần kiến trúc, xây dựng sẽ tiến hành xây dựng hoàn chỉnh trong vòng vài năm (thường là 3 năm nếu đề án lớn), phải đảm bảo chất lượng công trình theo các tiêu chuẩn cam kết, vì sau khi trao chìa khóa cho BV sử dụng vẫn phải tiếp tục bảo hành, bảo trì toàn bộ phần xây dựng này đến khi kết thúc hợp đồng (15-30 năm).

Phần trang thiết bị cũng vậy, phải bảo hành, bảo trì, sửa chữa trang thiết bị y tế đến khi kết thúc PPP. Nếu họ không theo nổi thì bị phá vỡ hợp đồng (trách nhiệm cùng quyền lợi đôi bên sẽ theo cam kết trong hợp đồng và đương nhiên toàn bộ tài sản lúc bấy giờ thuộc về BV).

Ngược lại, nhà đầu tư cũng ràng buộc nếu nhân viên y tế vận hành sai làm hư hỏng máy móc, thiết bị thì BV phải chi trả.

Đáng lưu ý là các công ty tư nhân không can thiệp gì vào việc vận hành, toàn bộ việc quản lý, điều hành, đào tạo nhân sự, giá dịch vụ y tế... đều do BV quyết định.

Giá dịch vụ cũng không đổi so với trước khi triển khai PPP (trừ khi có những kỹ thuật nào mới thì BV sẽ phải bàn, xin ý kiến quyết định của ngành y tế và dĩ nhiên theo cơ chế thị trường vì bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nên họ kiểm soát rất chặt).

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: vậy quyền lợi của nhà đầu tư ở đâu? Đúng là Nhà nước nắm chắc phần mình, nhà đầu tư rủi ro nhiều. Nhưng tất cả họ đều đã tính toán và thỏa thuận theo các cam kết trong hợp đồng.

Ban lãnh đạo BV sẽ phải có trách nhiệm chi trả (vốn lẫn lãi) với các mức theo định kỳ đã cam kết. Sau thời hạn (15-30 năm), BV đã trả đủ và kết thúc PPP thì toàn bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị sẽ thuộc về BV nhà nước.

Có các điều khoản như nếu BV quản lý giỏi có thể hoàn tất chi trả sớm. Khi đã ký cam kết, ban lãnh đạo BV phải làm sao cho BV hoạt động có hiệu quả và đảm bảo chi trả đúng hạn cho nhà đầu tư. Nếu giám đốc BV làm không tốt thì phải thay giám đốc mới.

*** Error ***
BS Nguyễn Thế Dũng, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế VN, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM

 

Như vậy có nghĩa: với diện tích đất công sẵn có, kêu gọi đầu tư PPP thì tư nhân cũng có lợi, BV có thêm cơ sở điều trị mới nhằm phục vụ tốt hơn người bệnh và uy tín, thương hiệu BV cũng được nâng cao?

Đúng vậy. Với mô hình PPP như trên thì BV công ngày càng vững mạnh và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Có thể nói mô hình này đáp ứng được quyền lợi của cả ba bên: nhà đầu tư - BV - người bệnh.

Gần đây, tại TP.HCM có một số BV công ký kết hợp tác với BV tư đã sẵn có cơ sở vật chất để hợp tác triển khai một vài chuyên khoa cũng gọi là “PPP”. Giá cả dịch vụ thu cao hơn BV công rất nhiều, nên người bệnh không chịu chuyển sang BV tư và có nơi chỉ hợp tác một thời gian thì... “chết yểu” vì bệnh nhân quá ít?

Với VN chúng ta, mô hình PPP còn rất mới. Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được Chính phủ ban hành ngày 14-2-2015 quy định các lĩnh vực đầu tư theo PPP khá đa dạng, bao gồm: công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và các dịch vụ liên quan, trụ sở của cơ quan nhà nước...

Tuy nhiên, nghị định 15/2015 không đề cập riêng cho lĩnh vực y tế và đến nay vẫn chưa có thông tư nào hướng dẫn.

Theo tôi, ngành y tế cần một nghị định về PPP riêng vì đây là một ngành đặc thù. Hiện có 3 giá dịch vụ y tế: giá BHYT chi trả cho bệnh nhân BHYT, giá ngoài BHYT, giá hoạt động theo xã hội hóa.

Tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất ngân hàng hiện nay đã 7%, trong khi đầu tư PPP thì lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay (nghị định 85/2012 ngày 15-10-2012, điều 9 khoản 1, điểm c).

Như vậy, xấp xỉ 10% lại gặp rủi ro nhiều với nguy cơ phá vỡ hợp đồng do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng... nên nhà đầu tư sẽ đắn đo khi tham gia PPP nếu mức lãi không phù hợp.

Liệu có khác mô hình khoa bán công trong BV công cách đây hơn 20 năm?

Trước đây, TP.HCM có thí điểm hai khoa mắt bán công ở hai đơn vị là BV Mắt và BV Nguyễn Trãi theo thông tư 31 của Bộ Y tế, BV nhà nước góp vốn tỉ lệ cao hơn tư nhân.

Theo quy định, những năm sau vốn nhà nước được tăng từ phần thu được, còn vốn tư nhân thì không được phép nên tỉ lệ góp vốn của họ ngày càng teo lại. Mô hình này hiện đã kết thúc nhiệm vụ.

Được biết doanh nghiệp đầu tư PPP không chỉ được miễn thuế đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất tín dụng ưu đãi đầu tư... Nhưng trong lĩnh vực y tế thì giá có được kiểm soát, vì hiện nay ngay ở các khoa dịch vụ của các BV công giá cũng gần như thả nổi?

Vấn đề là phải có một nghị định về PPP riêng cho y tế vì đây là ngành đặc thù. BV hợp tác công - tư theo nguyên tắc win - win thì người dân cũng phải được win. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Tại TP.HCM, có trạm y tế phường đã được tư nhân đầu tư thêm nhiều trang thiết bị - gọi là PPP - nhằm nâng chất lượng dịch vụ và vẫn đảm bảo các chức năng của trạm. Bác sĩ cho biết về tính hợp lý và những ưu, nhược điểm của việc này?

Ngành y tế chúng ta mang “bệnh nặng” là quá tải, bây giờ muốn chữa chỉ có xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình với phương châm gần dân, đến dân.

Nếu trạm y tế phường, xã được đầu tư PPP thì đáng mừng, vì hoạt động phục vụ dân cư tại chỗ sẽ tốt hơn và nên có thêm chức năng là trung tâm điều phối bác sĩ gia đình ở địa phương.

Trung tâm điều phối này giúp bác sĩ gia đình thực hiện đúng quy định của ngành y tế, phối hợp hoạt động nhịp nhàng (ví dụ phân công trực vào ngày giờ nghỉ tại trạm y tế ở những nơi có nhu cầu), nâng cao trình độ qua các buổi đào tạo; tổ chức phòng khám gia đình mẫu giúp cho việc đào tạo, nâng chất lượng hoạt động bác sĩ gia đình...

Bác sĩ làm phòng khám đa khoa ở địa bàn dân cư cũng gần giống bác sĩ gia đình nhưng cần đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng bác sĩ gia đình để tham gia mạng lưới bác sĩ gia đình.

Nếu các trạm y tế khai thác được mặt bằng cả ngày lẫn đêm và tổ chức, điều phối, huy động bác sĩ gia đình trong chăm sóc sức khỏe người dân ngay tại địa bàn sẽ giải quyết “bệnh” quá tải ở các BV.■

Nguyên lý hợp tác công - tư là phải hai bên cùng có lợi (win - win), công phải win - mà tư cũng phải win, với bệnh viện (BV) hợp tác thì người dân cũng phải được win. Như vậy, hợp tác trong y tế phải khác, sử dụng nguồn lực kinh tế sao cho người dân cũng được hưởng.

Ông Nguyễn Thế Dũng

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận