Có ai nghĩ mình dạy con sai cách?

LÊ QUANG 03/06/2018 17:06 GMT+7

TTCT - Cha mẹ nào cũng muốn con cái tự lập, nhưng sự tự lập - và độc lập - có những luật chơi của nó mà chính người lớn trước hết phải tuân theo đã!

MH

Ở Tây...

Michael Rotondo là đứa trẻ chưa trưởng thành lắm, vì vậy khá được chiều chuộng. Cu cậu không phải đi chợ hay rửa chén bát, chẳng phải giặt giũ hay phụ cha mẹ làm việc nhà như hầu hết trẻ con ở phương Tây. Ừ thì phương châm giáo dục mỗi nhà một khác, mỗi phụ huynh cũng có mức độ kiên nhẫn khác nhau.

Ông bà Mark và Christina Rotondo đã đành rất kiên nhẫn và cũng chẳng tệ bạc gì với con. Từ 8 năm nay, họ gọi cậu về ở cùng sau một loạt thất bại ngoài đời. Nhưng một ngày xấu trời, họ nhận ra cu cậu đã 30 xuân xanh rồi mà cứ nằm ườn cả ngày không chịu kiếm công ăn việc làm, đã thế cũng chẳng giúp gì trong nhà. Cãi vã chán, viết 5 lá thư cảnh cáo bất thành (lá thư cuối viết ngày 13-2-2018), họ đành nhờ pháp luật can thiệp. Tòa án mất đúng 30 phút lắng nghe rồi tuyên án: Michael phải ra khỏi nhà!

Trái với các tin đồn vô căn cứ ở ta, trẻ con Tây không phải cứ đủ 18 tuổi là ra khỏi nhà. Một điều tra của Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ đăng trên tờ Washington Post số 23-5-2018 cho thấy năm 2017 có khoảng 19,6% nam thanh niên 25-34 tuổi còn sống cùng bố mẹ, con gái có vẻ tự cắt dây rốn sớm hơn (12,5%).

Ngay cả các nước Trung Âu và Bắc Âu có nền an sinh xã hội toàn diện hơn, bảo đảm hỗ trợ sinh hoạt phí cho trường hợp khó khăn thì xu hướng “ăn báo cô” phụ huynh cũng vẫn ở mức đáng ngại. Cục Thống kê Liên bang Đức cho biết năm 2015 có 13% nam thanh niên 30 tuổi còn làm khách dài hạn ở “Hotel Mama” (Khách sạn phụ huynh), nữ chỉ 6%.

Cũng không phải vô cớ: ở đó luôn có dịch vụ nấu ăn, dọn phòng, ủi quần áo tinh tươm, cho mượn ôtô đã bơm đầy xăng, về cơ bản là... miễn phí. Song nói nghiêm túc, lý do chủ yếu vẫn là kinh tế. Các nước Nam Âu như Hi Lạp, Ý, Tây Ban Nha - với GDP tương đối thấp - có tỉ lệ nam thanh niên chưa vợ “ăn vạ” bố mẹ chiếm đến 70%, họ có hẳn một danh từ riêng là “Mammismo” (bám váy mẹ).

... và ở Ta

Chuyện Michael Rotondo chấn động giới truyền thông Mỹ từ hai tuần trước (ngày án có hiệu lực thi hành), cu cậu được mời phỏng vấn trên nhiều kênh truyền hình và nhật báo. Từ khóa “Michael Rotondo” trên Google sau 0,4 giây đã kích hoạt 10 triệu tin! Điều đó chứng tỏ văn hóa phương Tây dù sao cũng lạ lẫm với hiện tượng “Mammismo”, khác với ở Nam Âu hay phương Đông - nơi cuộc sống “tam đại đồng đường” vẫn được coi trọng hoặc ít nhất chưa có biểu hiện phân rã trong làn sóng đô thị hóa hôm nay.

Một lần nữa phải nhắc lại lý do kinh tế đóng vai trò chính. Khi nhà đất đắt đỏ, hệ thống bảo hiểm y tế và hưu trí còn khó khăn thì đại gia đình vẫn là mô hình phổ biến, bảo đảm sự tương trợ về tài chính, trông nom lẫn nhau khi ốm đau, lúc về già, hay đơn giản chỉ để có “bà nuôi dạy trẻ” miễn phí tại gia.

Chuyện các con đi làm rồi mà vẫn phải dựa vào bố mẹ cũng không hiếm ở ta. Sống riết cả mấy trăm năm như thế quen rồi, các cụ có không muốn làm phiền con cái cũng chẳng dám tách riêng mâm bát, chỉ ngại hàng xóm nói ra nói vào vụ “nước mắt chảy xuôi”. Mắng mỏ cũng chỉ khe khẽ, chúng nó “cấm vận” không cho bồng bế cháu nữa thì chết!

Cuộc sống chung chạ vài ba thế hệ cũng có nhiều mặt trái của nó. Ra vào đá thúng đụng nia đã đành, thêm nữa là do chịu ảnh hưởng kiểu dạy bảo mỗi người (lớn) một phách trong nhà mà trẻ con ở ta chẳng biết nghe ai, sinh ra chậm trưởng thành so với phương Tây.

Các gia đình thành phố thì ngày càng đẻ ít, tạo ra một thế hệ “ông hoàng, bà chúa” trong nhà, được cung phụng đến tận răng, mãi không học được các kỹ năng sống cần thiết, nói gì đến thuê nhà riêng để sống tự lập sau này. Đối diện nhà chung cư tôi ở, ban quản lý buộc phải cử người điều khiển thang máy và thu mỗi chuyến 500 đồng chỉ vì “ở đây có các cháu chỉ ăn cơm khi đi thang máy lên xuống”(!) Chẳng nói đâu xa, một thằng cháu nhà tôi chỉ chịu ăn cơm khi được trèo lên xe máy dựng giữa phòng khách nổ máy phành phạch! Không cần trí tưởng tượng phong phú cũng hiểu được thảm cảnh đó giữa ngày hè nóng như lửa này.

Đó sẽ là các Michael Rotondo tương lai. Có khác chăng chỉ là ở Mỹ, trong lứa tuổi 30, có một phần ngàn như Michael, còn ở ta thì... hình như không có thống kê, ta tự ngó quanh và đoán thôi.

Quay lại chuyện Tây...

Đã đành vụ Michael Rotondo là hiện tượng khá cực đoan, song nó có tiền sử phức tạp. Cu cậu từng đủ bản lĩnh rời khỏi vòng tay bố mẹ ở Syracuse (bang New York, Mỹ) và tự nuôi thân. Song sự kiện vang dội đó đã cách đây 8 năm. Sau khi mất việc - cũng là chuyện thường, cậu quay về “cố thủ” tại nhà, không góp tiền ăn, tiền điện nước...

Khi ra tòa, Michael Rotondo không mời luật sư mà tự bào chữa, dẫn chiếu một trường hợp tương tự trên Internet được tòa cho phép ở thêm nửa năm để tìm nơi ở mới. Thẩm phán lắc đầu: “Về mà xin bố mẹ!”. Ngoài hành lang tòa án, Michael Rotondo nói vào rừng ống kính máy ảnh sẽ đòi ở thêm 30 ngày để... có thì giờ kháng án! Nói xong, cu cậu nguẩy lưng về nhà. Nhà bố mẹ, tất nhiên!

Hai cụ già sẽ làm gì đây? Dự đoán là họ chẳng cạn tàu ráo máng với ông quý tử này đâu, nhưng xét về lý thì bố mẹ hết trách nhiệm nuôi dạy con khi chúng vượt ngưỡng 18 tuổi và không đi học hay học nghề. Cũng nói thêm là luật Mỹ không cho phép đuổi con cái ra đường, mà phải xin lệnh của tòa án. Vấn đề đáng chú ý ở đây không chỉ là bày cho con học kỹ năng sống, mà chơi gì cũng phải có luật chơi và sự mập mờ vô luật lệ khiến mọi cách giải quyết có lý có tình phức tạp hơn đáng lẽ.

Ở Đức chẳng hạn, Bộ luật dân sự quy định bố mẹ phải chu cấp tiền nhà cho con trên 18 tuổi nếu chúng muốn chuyển ra ở riêng, hoặc quan hệ gia đình quá xấu. Bố mẹ không đủ tiền thì nhà nước hỗ trợ.

Thế nào là “quá xấu”? “Khi bố mẹ có biện pháp giám sát không phù hợp”, ví dụ 1: một cô gái 18 tuổi kiện bố mẹ vì bị bắt phải để ngỏ cửa phòng khi có bạn trai đến thăm; hay ví dụ 2: Tòa thượng thẩm Hamburg đã xử bố mẹ một cô gái 18 tuổi phải trả tiền đi thuê nhà mới cho con gái, vì họ cấm bạn trai cô ta đến nhà khi phụ huynh vắng nhà - chiếu theo tinh thần hiến pháp: “Không được phép dùng nội quy nhà ở hay các can thiệp tương tự gây ảnh hưởng đến nhân phẩm và quyền tự do phát triển nhân cách”. Quả là toàn chuyện khó tin với những ai xuất thân từ một xã hội còn nặng giá trị Nho giáo.

Cũng phải chú thích thêm: đó là luật Tây. Mỗi nhà mỗi cảnh, không việc gì phải lấy hàng xóm làm gương. Nhưng có thể hàng xóm cũng có chuyện tích cực cần học chứ!?

... để ngẫm chuyện Ta

Bởi vì trong thế giới phẳng hôm nay, chuyện xê dịch tầm ngàn cây số không còn quá khó, nay mai làm việc hoặc sống ở một môi trường văn hóa khác cũng chẳng phải vô tưởng. Nhưng cái mà gia đình và cả trường học trang bị cho trẻ con thì nên xem lại.

Vì nhiều thập kỷ trở lại đây chúng ta cứ thế đẩy con cái chúng ta ra xã hội, những đứa bé có lớn chứ chưa khôn, đi thi học sinh giỏi thì được huy chương vàng chứ không biết luộc ngô mấy phút sẽ chín, đọc vanh vách các công thức toán và bài văn mẫu nhưng nếu phải vào bếp chỉ biết trứng luộc hay mì tôm, nói gì đến thông thạo và sống theo pháp luật hay dạy dỗ con cái của chúng.

Chuyện học sinh Việt Nam do gia đình có của ăn của để tự bỏ tiền cho học đại học ở Đức mấy năm qua không đến 30% nhận được bằng tốt nghiệp là tín hiệu rất đáng lo. Một môi trường khá lý tưởng về vật chất và tinh thần như Đức cũng chịu thua, không thể thay bố mẹ Việt Nam đặt chuông báo thức và dạy cách tiêu tiền sao cho đủ đến cuối tháng - là những kỹ năng mà lẽ ra phải được dạy từ tấm bé.

Tôi đã gặp một giáo viên thể dục ở Đức ngã ngửa sửng sốt vì sinh viên Việt Nam đến từ một nước nhiệt đới san sát sông suối mà không biết bơi, đành phải kể cho ông ta biết là theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm nước tôi có hơn 11.000 trẻ chết đuối, đứng thứ nhì thế giới sau Bangladesh.

Ngày 1-6 là ngày vui, chỉ xin nói mấy chi tiết nho nhỏ thế thôi, chứ kỹ năng sống của trẻ em còn là hiểu biết thiên nhiên, quý trọng môi trường, biết đánh răng đúng cách, tự vệ trước hành vi xâm hại... mà khuôn khổ bài báo ngắn không cho phép đi sâu.

Làm cha mẹ, ai cũng nghĩ là mình dành cho con mọi điều tối ưu, không ai tin là mình giáo dục con sai, nhưng kết quả mới là minh chứng rõ nhất. Hãy ý thức được rằng ta không thể bế ẵm con cái mãi được. Sẽ có ngày chúng phải bước ra đời, đi bằng đôi chân của chúng và những gì ta không dạy được thì cuộc đời sẽ phải dạy thay: trong khi ta chỉ dám phát yêu vào mông con thì cuộc đời sẽ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay tàn bạo hơn nhiều! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận