Cuộc chiến sau tay lái

CHIÊU VĂN 08/11/2018 03:11 GMT+7

TTCT - Những hãng vận tải hành khách - công nghệ như Grab, Uber, bởi tính mới mẻ của họ, gặp phải sự chống đối và thách thức khắp nơi, trong bối cảnh nhà chức trách, ngay cả ở những nước phát triển, với hệ thống pháp luật và pháp luật kinh doanh tương đối hoàn chỉnh, cũng lúng túng chưa biết xử sự ra sao, vì còn thiếu tiền lệ.

Ảnh: Foreign Policy
Ảnh: Foreign Policy

 

Tại Úc, các tài xế taxi đã mở một vụ kiện đòi Hãng taxi - công nghệ Uber chi trả 500 triệu USD tiền bồi thường do những hoạt động “phạm pháp” của họ thời kỳ đầu xâm nhập thị trường. Trong khi tại châu Âu, nhà chức trách Đức và Uber đang ngồi lại tìm cách giải quyết những tranh cãi về pháp lý kinh doanh sau nhiều năm bế tắc.

Cả hai vụ việc nhận được rất nhiều chú ý, bởi lẽ với việc các hãng như Uber hay Grab đều muốn mở rộng ra quy mô toàn cầu, ứng xử của các nước tiên phong như Úc và Đức sẽ nêu ra bài học tiền lệ quan trọng cho các quốc gia theo sau đó, vốn cũng đang đau đầu với “cuộc chiến sau tay lái” này.

Xới lại chuyện cũ

Ngày 19-10, trang tin Úc news.com.au cho biết các tài xế taxi ở Melbourne sẽ khởi kiện Uber đòi bồi thường nửa tỉ USD. Bên nguyên đơn nói hãng taxi - công nghệ này đã cướp mất công ăn việc làm và đe dọa sinh kế của họ khi hoạt động bất hợp pháp ở thủ đô Úc trong giai đoạn đầu, trước khi Uber được hợp pháp hóa.

Đáng nói hơn, chi phí cho vụ kiện, hiện đã huy động được 20 triệu USD, sẽ tới từ các nguồn bên ngoài, đồng nghĩa các tài xế sẽ không phải móc tiền túi của họ.

Công ty luật Maurice Blackburn là đơn vị đứng đằng sau vụ kiện. Đối tác góp vốn cấp cao ở công ty này, Elizabeth O’Shea, nói với Hãng tin AAP rằng khoảng 1.000 người có giấy phép lái taxi trong thời gian Uber “hoạt động bất hợp pháp” đã mất tiền vì sự cạnh tranh trái luật.

Theo luật của bang Victoria, Úc, các công ty như Uber phải có giấy phép lái taxi mới được phép hoạt động, nhưng đơn kiện dân sự nói Uber vẫn hoạt động bất chấp điều này.

Uber lần đầu có mặt ở Úc vào tháng 11-2012, nhưng chỉ hoạt động hợp pháp ở bang Victoria từ tháng 8-2017. Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách thương mại Victoria, Rod Barton, nói vấn đề nằm ở chỗ Uber “biết rõ” họ đang hoạt động bất hợp pháp.

“Chúng tôi kiện Uber vì họ vào thị trường Victoria khi đã biết rõ những yêu cầu theo luật phải có giấy phép taxi mới được hoạt động - ông Barton nói với news.com.au - Họ đã cố tình không làm thế và có lợi thế lớn về thương mại so với các hãng taxi khác ở đây và điều đó gây ra tổn thất cực lớn cho chúng tôi”.

Sự xuất hiện của những loại hình vận tải mới như Uber cũng buộc chính quyền phải xem xét lại chính sách cấp giấy phép lái taxi. Uber và chính quyền Victoria trước đó đã đạt được thỏa thuận về việc giảm lệ phí giấy phép này xuống còn chỉ 55 USD. Con số này là hết sức ấn tượng nếu biết rằng mới năm 2010, giá chuyển nhượng giấy phép để lái taxi ở mức đỉnh tại bang này là 500.000 USD.

“Tôi không nghĩ rằng việc một công ty vào một thị trường, không tuân thủ quy định hiện hành và kiếm rất nhiều tiền nhờ đó lại là điều đúng - bà O’Shea nói - Đây là một vụ khó khăn... nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi rất có cơ sở”.

Năm 2017, Tòa Công lý châu Âu từng phán quyết Uber chỉ là một hãng vận tải, chứ không phải công nghệ.

Uber phải học cách làm ăn tốt hơn

Trước đó, vào đầu tháng 10, Uber đã được phép trở lại thành phố Dusseldorf, Đức, nơi họ buộc phải ngưng hoạt động vào năm 2015 sau những tranh chấp pháp lý kéo dài. Hãng tin Bloomberg bình luận đây là “một chiến thắng cho cả giới quản lý Đức và cho Uber, hay đúng hơn là cho mô hình hoạt động mới của họ dưới quyền giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi.

Nó cho thấy công ty có trụ sở ở San Francisco này có thể hoạt động thực sự như một nền tảng công nghệ, chứ không chỉ thuần túy là một doanh nghiệp taxi giả vờ là một nền tảng công nghệ”.

Đây là một vấn đề then chốt trong cuộc tranh cãi hiện nay về các hãng taxi - công nghệ như Grab và Uber, bởi đi kèm việc hoạt động như một doanh nghiệp vận tải hành khách thuần túy ở rất nhiều nước là các đòi hỏi pháp lý, thuế má, giấy phép, bảo hiểm, chế độ lao động... nghiêm ngặt, trong khi một hãng công nghệ chịu ít ràng buộc hơn hẳn.

Ba năm trước, vào năm 2015, Uber phải bỏ dở việc mở rộng ở Đức, khi đồng loạt rời 3 thành phố lớn Hamburg, Frankfurt và Dusseldorf sau một năm cung cấp dịch vụ. Các tòa án Đức đã phán quyết Uber không được phép sử dụng các tài xế không chuyên, thiếu các giấy phép đặc biệt và những bảo hiểm đi kèm cần cho hoạt động vận tải hành khách theo luật Đức.

Uber cố gắng bám trụ với việc hỗ trợ tài xế của họ xin giấy phép và chiêu mộ những người đã đủ tiêu chuẩn, nhưng rồi thủ tục giấy tờ vẫn quá rườm rà. Rốt cuộc ở Đức vào năm 2015, Uber chỉ duy trì hoạt động tại Berlin và Munich, 2 thành phố lớn nhất, và ngay cả ở những nơi đó, dịch vụ của họ cũng chỉ là gọi một chiếc taxi truyền thống bằng ứng dụng Uber.

Tuy nhiên, không hổ danh các hãng công nghệ khởi nghiệp vốn luôn “di chuyển nhanh, phá vỡ tất cả”, họ đã tìm ra giải pháp.

Việc trở lại Dusseldorf “cho thấy Uber mới mạnh mẽ ra sao”, một thông cáo báo chí từ người đứng đầu hoạt động kinh doanh tại Đức của hãng, Christoph Weigler, cho biết. Hiện giờ, Uber cung cấp ba loại dịch vụ tại Đức, theo DW, tất cả đều sử dụng tài xế chuyên nghiệp: Uber Taxi là ứng dụng gọi taxi truyền thống; UberX cung cấp dịch vụ xe thuê với tài xế riêng; và Uber Green, dịch vụ chuyên cho thuê xe hơi chạy điện, rất quan trọng ở một nước quan tâm tới vấn đề môi trường như Đức.

Tất nhiên, việc hợp tác với các hãng cung cấp xe - chứ không chỉ các tài xế riêng lẻ - là một phần tự nhiên trong hoạt động kinh doanh của Uber. Nhưng phiên bản ở Đức hiện giờ của Uber sẽ không có chỗ cho những dân nghiệp dư “nông nhàn” hay muốn kiếm việc “tự do” và ngồi vào sau vôlăng.

Thay vì thế, để tuân thủ pháp luật (không thể đùa với pháp luật ở Đức), họ tìm kiếm các công ty có tài xế chuyên nghiệp, hay những cá nhân có các giấy tờ cần thiết trong ngành vận tải hành khách.

Việc kiện tụng của Uber ở châu Âu thực ra không chỉ dừng lại ở Đức. Năm 2017, Tòa Công lý châu Âu từng phán quyết Uber chỉ là một hãng vận tải, chứ không phải công nghệ. Mô hình mới ở Dusseldorf, vì thế, là sự tương nhượng từ cả hai phía và hợp lý hơn với bản chất của Uber, với chuyên môn của họ trong việc xây dựng các ứng dụng và hiệu ứng mạng lưới trên toàn cầu.

Thêm nữa, Bloomberg bình luận nhờ thế Uber giờ sẽ “không cần đối mặt với cơn đau đầu và chi phí của việc thương lượng với từng tài xế đơn lẻ, những người mà thu nhập quá thấp và vấn đề nhân thân không bảo đảm nhiều khi làm hoen ố hình ảnh của hãng”.

Qua hợp tác với các hãng cung cấp tài xế và xe, Uber vẫn có thể cung cấp dịch vụ rẻ hơn taxi truyền thống, đồng thời bảo đảm quyền lợi người lao động và tuân thủ quy định của nhà chức trách. Tính toán của Bloomberg cho thấy tại Dusseldorf, một chuyến đi 11,2km bằng taxi từ nhà ga trung tâm tới sân bay tốn khoảng 33 euro (38 USD). UberX và Uber Green chào mời hành trình tương tự với giá 18-26 euro. Không còn “rẻ như cho” so với thời kỳ đầu, nhưng ở mức hợp lý hơn cho mọi người.

Những biến động với ngành vận tải hành khách đô thị nói chung cũng là không quá lớn, taxi sẽ không bị loại khỏi thị trường vì các hãng cung cấp xe kèm tài xế chỉ chiếm thị phần nhỏ, và các hãng taxi có thể điều chỉnh để cạnh tranh, cũng là điều cần thiết.

Với người tiêu dùng, giá cả dịch vụ sẽ thấp hơn, nhưng không thấp tới mức đe dọa sự an toàn của họ, như trong nhiều vụ tài xế tấn công khách hàng diễn ra khắp nơi với các hãng xe công nghệ do việc kiểm tra nhân thân lỏng lẻo, thiếu giấy phép chở khách, thiếu bảo hiểm...

Như thường lệ, những gì đột phá, nhất là trong công nghệ, và các vấn đề quản trị nhà nước và doanh nghiệp tiếp nối, thường diễn ra trước hết ở các nước phương Tây. Lần này, nhà chức trách châu Âu đã mạnh tay với tham vọng mở rộng của Uber, nhưng đồng thời họ có lẽ cũng đã tìm được một tiếng nói chung cho doanh nghiệp, các hãng cạnh tranh và người tiêu dùng. Mô hình chỉ dùng tài xế chuyên nghiệp của Uber ở Đức có thể sẽ được mở rộng ra các nước khác nữa, khi mà câu chuyện vận tải - công nghệ sẽ còn nóng ít nhất là trong tương lai gần.■

Không chỉ bị các đối thủ cạnh tranh kiện, Uber gặp rắc rối với chính các tài xế của họ. Ở Anh, 40.000 tài xế Uber, qua nghiệp đoàn của họ GMB và Công ty luật Leigh Day, đã kiện Uber đòi khoản bồi thường 18.000 bảng (23.000 USD) mỗi người, mà họ cho là khoản tiền Uber còn nợ họ dưới dạng tiền nghỉ phép, nghỉ ốm, đáp ứng lương tối thiểu...

Một tòa án Anh hai năm trước đã phán quyết Uber phải chi trả khoản tiền đó, nhưng Uber đang kháng án. “Trong khi công ty đang phí tiền vào hết vụ kháng án này tới kháng án khác, thì... hàng nghìn tài xế đang vật lộn trả tiền nhà và nuôi sống gia đình. Đã tới lúc Uber chấp nhận thất bại và chi tiền” - luật sư của GMB Sue Harris, nói với The Guardian ngày 28-10.

Lý lẽ của Uber là gần như mọi tài xế mà họ thuê mướn “đã làm nghề tự do nhiều thập kỷ” trước khi Uber tồn tại. Uber cũng dẫn một nghiên cứu của Đại học Oxford (dựa trên một cuộc thăm dò do... Uber tài trợ) cho thấy các tài xế Uber kiếm được cao hơn so với mức lương sống được ở London.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận