Ta đã tiến xa đến đâu trong điều trị ung thư?

THỦY TIÊN 20/11/2018 00:11 GMT+7

TTCT - Chúng ta đã có được những bước tiến nào trong điều trị ung thư; trình độ bác sĩ, phương pháp điều trị đang ở mức độ nào so với khu vực và thế giới cùng những khía cạnh mới trong điều trị ung thư đang được nhìn nhận, thay đổi ra sao?

TS.BS Phạm Xuân Dũng. Ảnh: Duyên Phan
TS.BS Phạm Xuân Dũng. Ảnh: Duyên Phan

 TTCT trao đổi với TS.BS CKII Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trong nỗ lực bước đầu đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM thành lập từ năm 1985, từ đó đến nay là một quá trình dài đáng kể trong điều trị ung thư. Hiện nay, chúng ta đã tiến được tới đâu trong hiệu quả điều trị, thưa ông?

- Khi mới thành lập Trung tâm Ung bướu (1) (sau này đổi tên thành BV Ung bướu), chúng tôi chỉ có máy xạ trị dùng tia X năng lượng thấp, so với mặt bằng kỹ thuật lúc đó thì kém nhiều. Nhưng đến giờ BV đã có những bước tiến quan trọng, các máy xạ trị cobalt, máy xạ trị trong suất liều cao được đưa vào sử dụng.

Hiện BV Ung bướu TP.HCM cùng nhiều trung tâm, BV điều trị ung thư lớn trên cả nước như BV K trung ương, Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai... đã được trang bị những thế hệ máy xạ trị gia tốc mới hiện đại. Trung tâm xạ trị proton trong nước đang được nghiên cứu xây dựng.

Các đầu tư quan trọng khác được bắt đầu từ khoảng 10 năm nay trên cả phương tiện chẩn đoán và điều trị, giúp cải thiện kết quả điều trị ung thư. Vấn đề là các phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại đều rất đắt tiền, nên cần sự đầu tư nhiều hơn nữa từ Nhà nước.

Trình độ bác sĩ ung thư của Việt Nam về thực hành không thua kém khu vực vì cũng được đi đào tạo ở nhiều nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore… Chỉ có điều cách tổ chức hoạt động của chúng ta còn hạn chế nên chưa phát huy hết nguồn nhân lực này. Trước đây tài liệu y khoa không nhiều, giờ các bác sĩ có thể tiếp cận gần như đầy đủ các nguồn tài liệu y khoa hiện đại.

Vấn đề là cách đào tạo của các nước phát triển có những ưu điểm nên chất lượng đội ngũ bác sĩ ung thư tương đối đồng đều, một chín một mười, thời gian đào tạo và thực tập rất lâu, có những chuyên ngành ung thư phải mất 10 năm để có thể hành nghề.

Tại Singapore chẳng hạn, khi bác sĩ của họ bắt đầu đi làm, họ đã có kế hoạch về tài chính tạo nguồn kinh phí để có điều kiện đào tạo tiếp tục về sau. Trình độ bác sĩ ung thư tại Việt Nam chưa đồng đều, con đường theo học tiếp để nâng cao trình độ cũng khá gian nan, chúng ta cần có chiến lược giúp các bác sĩ ung thư được liên tục đào tạo tại chỗ, được đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước để họ nâng cao trình độ, tiếp cận những kiến thức và kỹ thuật mới trong điều trị ung thư trên thế giới.

Vấn đề nhân lực rất quan trọng. Trong dự án cơ sở mới của BV Ung bướu TP.HCM, Nhà nước đã dành một nguồn tiền khoảng 98 tỉ đồng cho công tác đào tạo các chức danh khác nhau, phần lớn dành cho đào tạo bác sĩ, điều dưỡng.

Mức độ thiếu người của chúng ta trầm trọng tới mức nào?

- Tỉ lệ bệnh nhân ung thư tăng mỗi năm tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Globocan (2) 2018 ước tính Việt Nam có hơn 164.000 ca ung thư mới năm 2018 và hơn 114.000 ca tử vong.

Ghi nhận quần thể ung thư tại TP.HCM do BV Ung bướu thực hiện cho thấy mỗi năm số bệnh nhân gia tăng khoảng 10% và chỉ riêng BV Ung bướu TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 30.000 ca bệnh mới mỗi năm, trong đó 64% là các ca ung thư mới được chẩn đoán.

Do vậy, tại BV Ung bướu và các BV chuyên khoa hoặc các BV tuyến cuối có chuyên khoa ung thư không những quá tải bệnh nhân mà các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cũng quá tải, họ đã phải làm việc từ 6h sáng, tại khoa xạ phải làm việc 3 ca. Để chuẩn bị cho BV Ung bướu cơ sở 2 với 1.000 giường, chúng tôi phải tuyển thêm hơn 200 bác sĩ mới để đào tạo.

Như thế, đào tạo đủ nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế nói chung và ung thư nói riêng là cấp thiết và quan trọng. Thực tế tại nước ta có sự phân bố không đều bệnh nhân tại các trung tâm ung thư lớn, các BV tuyến cuối… nên phân bổ bệnh nhân ung thư phù hợp cho các tuyến, các vùng để giảm quá tải cho các BV chuyên khoa hoặc tuyến cuối là cần thiết.

Tất cả phải tạo thành mạng lưới điều trị ung thư rộng khắp. Chúng ta cũng cần thêm khảo sát thực tế mới đánh giá đúng mức độ thiếu nguồn nhân lực y tế trong lĩnh vực ung thư.

Về phương pháp điều trị và thuốc, chúng ta ở trình độ như thế nào so với khu vực và thế giới?

- Không kể các nghiên cứu cơ bản thì chúng ta tiếp cận các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới khá nhanh. Hiện nay, với nhiều lĩnh vực trong ung thư, chúng ta đã tiếp cận sự phát triển của nền y khoa tiên tiến, có thể phát hiện và chẩn đoán những bướu, tổn thương có kích thước nhỏ tới 5mm.

Mục tiêu điều trị ung thư cũng có những thay đổi: không chỉ điều trị bệnh mà còn bảo tồn chức năng thẩm mỹ, chức năng sinh học và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư.

Chúng ta cũng đã thực hiện ghép tủy xương tại nhiều trung tâm BV như tại BV Truyền máu - huyết học TP.HCM, BV Chợ Rẫy, Viện Truyền máu - huyết học trung ương…, có ngân hàng tủy, ngân hàng máu cuống rốn.

Phẫu thuật bảo tồn, vi phẫu, tái tạo, robot trong ung thư ngày càng được áp dụng nhiều hơn. Với các dòng máy xạ trị hiện đại, chúng ta đã thực hiện được các kỹ thuật xạ trị kỹ thuật cao như IMRT, IGRT, VMAT, SBRT tại nhiều BV.

Những nhóm thuốc mới như hầu hết các nhóm thuốc nhắm đích phân tử cần thiết, ngay cả thuốc điều trị miễn dịch cũng đã có tại Việt Nam. Mà để sử dụng được những thuốc đó, chúng ta đã có những bước chuẩn bị tốt thông qua sự phát triển của lĩnh vực sinh học phân tử, xét nghiệm gen…

Vấn đề là để tiếp cận sớm các thuốc mới, việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để tiếp nhận các nghiên cứu lâm sàng quốc tế là rất cần, tương tự là phải có được sự đồng nhất về chuyên môn giữa các BV. Khó khăn lớn là do trang thiết bị chưa đủ, bệnh nhân đông, tài chính của người bệnh… nên không phải tất cả người bệnh ung thư đều được tiếp cận những phương pháp chẩn đoán và điều trị mới.

Hợp tác giữa BV với các quỹ nghiên cứu hiện nay diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta có các hội thảo khoa học để tiếp cận các phương pháp điều trị mới và các dòng thuốc mới, có các chương trình hợp tác hoặc nghiên cứu lâm sàng quốc tế để tiếp cận những phương pháp chẩn đoán và điều trị mới. Qua đó, các bác sĩ cũng được đi học liên tục.

Trong nước hầu như chưa có mối liên kết trong nghiên cứu, không có nhiều nghiên cứu lâm sàng mới. Có nhiều đề tài nghiên cứu trong nước có thể có được nguồn kinh phí cho nghiên cứu nếu đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp thành phố.

Tuy nhiên, các nghiên cứu ung thư hiện tại phần nhiều là hợp tác quốc tế và là các nghiên cứu lâm sàng, không phải là nghiên cứu cơ bản. Chỉ một số BV như Chợ Rẫy, Ung bướu, Viện K, Bạch Mai… có tham gia nghiên cứu cơ bản với quốc tế.

Trong những năm gần đây, chúng ta chủ yếu hợp tác nghiên cứu lâm sàng, về thử nghiệm thuốc. Các nghiên cứu về gen, sinh học phân tử đòi hỏi rất nhiều điều kiện về nhân lực và tài chính, về đào tạo. Việc thiếu các bác sĩ chuyên làm nghiên cứu do thu nhập cũng là một lý do.

Các bác sĩ ung thư hiện chú ý như thế nào tới vấn đề thông tin, tâm lý bệnh nhân? Khi phải thông báo tin xấu cho bệnh nhân, ông chuẩn bị cho điều đó như thế nào?

- Do vấn đề văn hóa và truyền thống, chúng tôi thường nói cho người nhà trước để thông tin sơ bộ như một bước chuẩn bị, sau đó mới thông tin cụ thể tới bệnh nhân. Bệnh nhân ung thư đối diện vấn đề thông tin bệnh rất khó khăn, do đây là cú sốc lớn.

Những dự định, ước muốn của cuộc đời có thể thay đổi rất lớn nên nhiều người chỉ vừa mới đi xét nghiệm, trong khi chờ kết quả chừng một tuần đã ốm hẳn đi, tinh thần đi xuống đáng kể do lo lắng. Yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng nên chúng tôi phải rất cân nhắc.

Nhưng bây giờ vấn đề là tiếp cận đúng thời điểm, hiểu rõ những vấn đề riêng của bệnh nhân và phải chú trọng bảo đảm quyền riêng tư về thông tin bệnh tật. Một người đang là doanh nhân, làm chủ một khối tài sản lớn, việc thông tin cho người nhà (vợ con, anh em…) cũng sẽ là vấn đề phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ.

Việc chuẩn bị tâm lý cho từng bệnh nhân tùy thuộc vào hoàn cảnh của họ. Trước đây, vấn đề này chưa được chú ý nhiều do chúng tôi phải tập trung vào vấn đề điều trị như phương pháp và tiến trình điều trị. Nhưng về sau này, chúng tôi quan tâm nhiều hơn tới vấn đề tâm lý của bệnh nhân.

Cần có những quy định, chế độ đãi ngộ để có đội ngũ chuyên gia tâm lý hay tư vấn viên chuyên nghiệp. Hiện nay, các bác sĩ thường đảm nhận công việc của các chuyên viên tâm lý để giải thích, thuyết phục và động viên họ hợp tác tốt nhất với bác sĩ suốt quá trình điều trị.

Vấn đề là lượng bệnh nhân vô cùng lớn, chỉ khám thôi cũng đã là một áp lực lớn về thời gian và nhân lực, chúng tôi đang tìm cách để thực hiện trợ giúp tinh thần cho bệnh nhân ngay từ ban đầu.

Làm việc nhiều năm trong một lĩnh vực có tỉ lệ bệnh nhân chết cao, áp lực và thực tiễn điều trị rất nhiều khó khăn, ông có khi nào cảm thấy mình và các bác sĩ chuyên ngành ung thư có một độ chai sạn nhất định về cảm xúc, về độ quan tâm tới bệnh nhân không?

- Theo tôi, hầu như không có việc các bác sĩ chai sạn được vì đây là ngành nghề đặc biệt, tiếp xúc trực tiếp với con người. Các bác sĩ chuyên nghiệp hơn, có thể đè nén cảm xúc tốt hơn để ưu tiên thể hiện sự chuyên nghiệp, đáng tin cậy trước bệnh nhân, khiến họ yên tâm tin tưởng hợp tác và tuân thủ quá trình điều trị.

Ở những hệ thống y tế tiên tiến, người ta xác lập ngay những tiêu chí cho một bác sĩ muốn bước vào nghề, bao gồm cả sự cảm thông, quan tâm tới bệnh nhân và tiến trình điều trị nhân văn. Chúng tôi mong muốn các bác sĩ tương lai cũng được chú trọng đào tạo về vấn đề đó. Người bác sĩ cần được tiếp cận với những khó khăn khổ sở của người bệnh trước để hiểu về bệnh nhân hơn. Hiểu nhiều hơn mới cảm thông hơn và có các quyết định chuyên môn phù hợp hơn.

Giữ được độ nhạy và sự quan tâm thực sự tới bệnh nhân, người bác sĩ mới có thể chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Ngay cả các bác sĩ nhiều năm trong nghề, lớn tuổi cũng vẫn giữ được sự nhạy bén và cảm thông này, nhưng họ phải chế ngự được cảm xúc và cũng cần có thời gian, không gian để thể hiện mối quan tâm đó.

MH

Như vậy thì ông nghĩ sao về việc bệnh nhân tìm đến các giải pháp khác như thiền, yoga, khí công, các liệu pháp trị liệu tinh thần…?

- Đó là các giải pháp bổ trợ, điều trị hỗ trợ (complementary therapy). Như với yoga chẳng hạn, cho đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh yoga có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư (Hiệp hội Ung thư Anh công bố chừng 10 công trình nghiên cứu về yoga và ung thư (3), năm 2017 công bố thêm một số nghiên cứu trong phạm vi ung thư vú hoặc ung thư hạch lympho, xác định các giải pháp điều trị bổ trợ đó có tác dụng giảm stress, lo âu, giảm những suy nghĩ tiêu cực, khiến tâm hồn người bệnh yên bình hơn để họ sẵn sàng đối diện với những phản ứng phụ từ quá trình điều trị).

Các động tác yoga giống như tập luyện thể thao, có thể giúp họ dễ ngủ hơn, giúp thở tốt hơn hoặc làm huyết áp tốt hơn, tức là về khía cạnh thể chất, có thể giúp làm giảm một số triệu chứng do bệnh lý và quá trình điều trị gây ra.

Nhưng nếu nói yoga có thể điều trị được ung thư thì đến nay chưa có bất cứ dữ liệu lâm sàng và bằng chứng khoa học nào chứng minh cả. Vấn đề là yoga cũng có những tác dụng phụ nếu tập luyện tư thế sai hay hít thở không đúng cách. Hiệp hội Ung thư Anh vì thế khuyến cáo phải tìm được người thầy tốt để học.

Liệu có khả năng các hormone tiết ra bởi não có thể làm thay đổi chức năng sinh học của các tế bào ung thư? Và quá trình tập luyện, thiền định đúng cách làm tinh thần trở nên tích cực, lạc quan hơn có thể giúp cho quá trình điều trị?

- Vấn đề là khi nói ra với người bệnh và đưa vào điều trị, chúng ta cần những bằng chứng khoa học, kết quả nghiên cứu xác tín và được kiểm chứng, được chứng minh khoa học. Đúng là sau khi tập yoga trên cơ thể có thể có thay đổi tích cực, nhưng vẫn không thể nói đó là có tác động thực sự tới điều trị bệnh ung thư.

Chúng ta không thể dựa trên các suy luận gián tiếp. Do vậy, cần diễn đạt chính xác là các giải pháp có tác dụng hỗ trợ TRONG quá trình điều trị ung thư, chứ không phải hỗ trợ điều trị ung thư. Có những giải pháp bổ trợ giúp chống lại lo âu, giảm mệt mỏi, giúp suy nghĩ tích cực, tăng sức chịu đựng của cơ thể, giúp đối mặt tốt hơn với những khó khăn trong quá trình điều trị, chẳng hạn do phản ứng phụ của thuốc.

Như thế thì không chỉ yoga hay thiền, mà bất cứ việc tập luyện đúng cách nào cũng có thể trợ giúp tốt. Chúng ta cũng cần tránh bị lợi dụng bởi những hứa hẹn hay quảng bá mập mờ, gây hiểu lầm và ảo tưởng.

Tương tự, truyền thông nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh, tập luyện tăng cường sức khỏe để giảm bớt nguy cơ ung thư rất quan trọng.

Tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi và kéo dài cuộc sống hơn có những tiến triển tích cực nào trong khoảng 5 năm gần đây, thưa ông?

- Có rất nhiều tiến triển tích cực. Tại BV Ung bướu TP.HCM, nghiên cứu trên một số loại ung thư cho thấy cải thiện kết quả sống, kéo dài thời gian lui bệnh một cách có ý nghĩa trong 5 năm gần đây, đặc biệt trên những bệnh nhân giai đoạn sớm.

Có hơn 80% số bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú... phát hiện ở giai đoạn sớm kéo dài thời gian sống hơn 5 năm sau, thậm chí dài hơn và nhiều người khỏi bệnh.

Hiện nay đã có sự thay đổi giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán, 60-70% bệnh nhân ung thư vú đã được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (trước đây tỉ lệ này là 40%), đem lại hiệu quả điều trị. Đây cũng là đóng góp lớn của truyền thông về nâng cao ý thức người dân về bệnh, khiến họ đi khám sớm hơn. Việc chủng ngừa viêm gan siêu vi B, hoặc văcxin ngừa HPV - tác nhân gây ung thư cổ tử cung - sẽ là một lý do làm giảm xuất độ ung thư gan, ung thư cổ tử cung.

Rất cảm ơn ông. ■

Chú thích:

(1): Trên cơ sở hợp nhất BV Ung thư và khoa ung bướu của BV Bình Dân.

(2): Một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agence on Cancer Reseach - IACR) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tập hợp dữ liệu dịch tễ ung thư của các nước và đưa ra các ước tính về tỉ lệ mắc mới và tỉ lệ tử vong do ung thư.

(3): www.cancerresearchuk.org.

 

“Tôi rất mong muốn bệnh nhân có sự hợp tác tốt với các bác sĩ trong quá trình điều trị. Chúng ta cần có thời gian và không gian để gia tăng giao tiếp, trò chuyện, tạo sự cảm thông lẫn nhau giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Tôi vẫn thường nói với các bác sĩ rằng họ cần nhìn ra ngoài bệnh án, kết quả xét nghiệm và các phác đồ điều trị để hiểu hơn về tâm lý, cuộc đời từng người bệnh. Người bệnh cũng cần thông tin đầy đủ, trao đổi với bác sĩ chi tiết hơn về tình trạng cơ thể hay tâm trạng của mình, như thế sẽ giúp tránh các phản ứng tiêu cực, các tác dụng phụ của thuốc và quá trình điều trị, tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị y khoa và các lời khuyên khác từ bác sĩ.

Nhiều bệnh nhân sợ không dám nói, không nói đầy đủ, hoặc bác sĩ không hỏi thêm… tất cả đều dẫn tới những bất lợi cho điều trị. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải giải quyết các vấn đề lớn hơn về sự quá tải và thiếu hụt nguồn lực trong các bệnh viện trước đã”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận