Điều tốt ở trong cách nhìn

VĨNH HÀ 02/01/2019 22:01 GMT+7

TTCT - Trong phổ màu xám xịt của giáo dục năm 2018, có thể tìm và chọn ra điều gì để giữ lại lòng tin và cảm giác hi vọng?

Thầy Mai Văn Túc trao đổi kỹ năng thực hiện bài thí nghiệm vật lý với một số giáo viên. ảnh: Nguyễn Yến
Thầy Mai Văn Túc trao đổi kỹ năng thực hiện bài thí nghiệm vật lý với một số giáo viên. ảnh: Nguyễn Yến

 

Sự lan tỏa theo chiều ngang

Tháng 10-2018, một cuộc “tập huấn” đặc biệt về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý, giáo viên 15 trường THPT diễn ra ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Những người tới tập huấn chính là lãnh đạo và giáo viên ở một trường THPT - Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), tới để thực hiện một điều đơn giản “người biết nhiều chia sẻ cho người biết ít, người biết ít chia sẻ cho người chưa biết”.

“Hướng dẫn các thầy cô về kỹ thuật thì không quá khó, nhưng quan trọng là để các thầy cô tin rằng họ có thể làm được, thậm chí làm được trong điều kiện thiếu thốn, miễn là dám làm, khát khao đổi mới và đặt mục tiêu vì học sinh trên hết” - thầy Trần Văn Huy, giáo viên vật lý, một người trong nhóm đi tập huấn cho đồng nghiệp, nói.

Thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng ngôi trường đi “tạo sự lan tỏa”, cho biết thay đổi suy nghĩ và quyết tâm là điều đầu tiên cần có ở những người đứng đầu nhà trường, chỉ có vậy mới tạo sự tin tưởng cho giáo viên.

“Chúng tôi đi chia sẻ không có nghĩa là chúng tôi cho đi, mà chúng tôi được rất nhiều” - ông nói. Cái được thứ nhất là có thêm cơ sở để tin điều mình làm là đúng, cái được thứ hai là càng tập huấn cho người khác thì mình càng thành thạo, nảy ra những ý tưởng mới.

“Mỗi lần đi chia sẻ, tôi lại thấy rất rõ khát vọng đổi mới ở một số lãnh đạo, thầy cô giáo, nên tôi tin nếu có những tác động và lan tỏa sự tích cực thì sẽ có nhiều trường áp dụng được những công nghệ, phương pháp giáo dục hiệu quả” - ông cho biết. Chính Trường Phan Huy Chú cũng đưa giáo viên vào một số trường trong TP.HCM trao đổi, học hỏi thêm.

Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) từng có nhiều năm tổ chức các chuyến từ thiện cho một trường học ở vùng cao tỉnh Hà Giang. Trong các chuyến từ thiện, họ không chỉ mang tiền hỗ trợ xây trường, xây đường, xây nhà vệ sinh, hỗ trợ đồ dùng cho học sinh, thiết bị dạy học, lớn hơn cả chính là sự “chia sẻ chuyên môn”.

Các cô giáo của Trường Nguyễn Tất Thành được giao nhiệm vụ đứng lớp tại trường vùng cao để các đồng nghiệp ở đó quan sát, học hỏi. Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

“Chứng kiến các thầy, cô vùng cao đi vận động học sinh đến trường, tôi rất cảm phục. Nhưng tôi cũng trao đổi với các thầy cô ở Hà Giang là ngoài đến nhà “vận động”, có thể nghĩ cách để tổ chức các hoạt động làm cho bọn trẻ thấy vui, vui thì các em sẽ tự giác đi học. Chúng tôi đã thử làm thành công” - cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành, kể lại.

Với cô Thu Anh, đó là cách “từ thiện cho chính mình” bởi qua các chuyến đi này giáo viên của trường có thêm kinh nghiệm, hiểu ý nghĩa của việc “cho là nhận”, khi trở về thì họ là những người làm tốt hơn việc giáo dục học sinh ở trường mình.

Thầy Nguyễn Minh Quý, hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), kể mình từng định vào miền Nam học hỏi mô hình tự chủ của một số trường nhưng khi nghe nói về Trường THPT Phan Huy Chú, thầy đã tìm đến. “Họ làm thành công và đi lên từ điều kiện khó khăn, chứ không thuận lợi về tài chính như nhiều trường khác” - thầy Quý giải thích.

Giữa hai trường đã hình thành một mối quan hệ khăng khít để trao đổi, hỗ trợ triển khai các nội dung chuyên môn... Học của nhau, làm cùng nhau, nhiệt tình và niềm tin vào những điều tốt đẹp của những giáo viên và ngôi trường này cũng lan tỏa.

Và lan tỏa ngược

Ngành giáo dục từng có nhiều chỉ đạo đúng nhưng chưa đến được giáo viên thì đã tắt ngấm, hoặc nhanh chóng trở thành phong trào mang tính hình thức. Sự lan tỏa của chủ trương, chính sách gặp quá nhiều cản trở nên cái đúng thì thiếu yếu tố kích hoạt, cái sai lại nhanh chóng loang rộng.

“Với những bất cập hiện nay ở VN, tôi cho rằng cần có sự lan tỏa từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống” - Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh từng dịch nhiều cuốn sách về giáo dục ở Nhật Bản, nhận định.

Thay vì đưa ra chính sách áp từ trên xuống nhằm mục đích chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, giáo dục VN cần có những cơ sở giáo dục làm thực chất, đi tiên phong với các mô hình, phương pháp mới. Thành công của họ không chỉ tạo nên sự lan tỏa ngang, mà còn tác động để cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi.

Vấn đề “tự chủ trường phổ thông”, tức là chủ động với kế hoạch dạy học, đến bây giờ mới được đề cập trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng gần một thập kỷ trước, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã là trường đầu tiên của cả nước thử nghiệm việc tự chủ xây dựng chương trình.

Dựa vào chương trình giáo dục của bộ, các tổ bộ môn của trường rà soát, thiết kế lại nội dung môn học để cắt giảm những nội dung trùng lặp, quá khó, bổ sung những nội dung dạy học, hoạt động trải nghiệm tăng hứng thú cho học sinh qua các chủ đề, dự án học tập... Nhờ vậy, quỹ thời gian cho giáo dục của trường có thêm nhiều hoạt động có ích để học sinh phát triển toàn diện.

Thành công này của Trường Nguyễn Tất Thành đã gợi ý cho Bộ GD-ĐT ra hướng dẫn 791 vào năm 2012 để các trường phổ thông cả nước chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Với một số trường như THPT Phan Huy Chú, THPT Yên Hòa, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), việc chủ động xây dựng kế hoạch dạy học như “luồng gió mới”, làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động của nhà trường, giúp họ vượt qua nhiều trì trệ, yếu kém.

Đó cũng là tiền đề cho việc phát triển các nhà trường theo hướng tự chủ. Hoạt động dạy học gắn với sản xuất kinh doanh ở nhiều trường, trong đó có những trường ở vùng khó khăn như Lào Cai, Tuyên Quang, học qua di sản, tổ chức đánh giá học sinh qua dự án nghiên cứu khoa học, dự án học tập theo hướng mở rộng không gian lớp học cũng chính là những thực tiễn, gợi ý cho cơ quan quản lý tiến hành các điều chỉnh mà ta thấy trong chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay.

Những lan tỏa ngược này đã và đang tạo nên những hiệu ứng tích cực. Dẫu nó còn ít và càng ít hơn so với cách “chỉ đạo từ trên xuống”, song đó vẫn là những đốm lửa gần gặn và sống động để các giáo viên, các trường có thêm động lực và sự gắn bó để cùng nhau đổi mới. ■

Trung tâm Vật lý thực hành Edison của thầy Mai Văn Túc, giáo viên vật lý Trường THPT chuyên KHTN (ĐHQG Hà Nội) không chỉ đón nhiều học sinh tới học vật lý qua các bài thực hành thí nghiệm, mà rất nhiều giáo viên từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam... đã chủ động tìm đến.

Thực tế nhiều giáo viên các môn thiên về thực hành ứng dụng như lý, hóa, sinh rất yếu kỹ năng thực hành do không được đào tạo tốt tại các trường sư phạm, cũng không có môi trường rèn luyện khi ra nghề. Nhiều thầy cô ngại làm thí nghiệm cho học sinh chỉ vì họ không tự tin làm thành công. Họ sợ thất bại trước mặt học sinh. Tình trạng dạy chay phổ biến, trong khi ở nhiều trường thiết bị thực hành mua tiền tỉ “đắp chiếu” để đó.

“Còn có các thầy cô vượt đường xa đến “tầm sư học đạo” có nghĩa niềm tin vào giáo dục chưa tàn lụi, vì chính họ cho thấy lòng khao khát, tự trọng và tâm huyết nghề nghiệp” - thầy Mai Văn Túc đúc kết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận