Một cuộc chiến ý thức hệ mới?

HẢI MINH 08/02/2018 07:02 GMT+7

TTCT - Không phải là quyền lực cứng của những can thiệp vũ trang và đe dọa quân sự, nhưng cũng không còn là quyền lực mềm của chỉ ảnh hưởng văn hóa và kinh tế; mà là một kiểu khác, quyền lực rắn, không hùng hổ, dữ tợn nhưng cũng chẳng hề mềm mỏng.

So sánh sức mạnh Mỹ - Trung

 

Sự chênh lệch giàu nghèo và những bất ổn xã hội ngày càng gia tăng ở các nền dân chủ phương Tây đã làm xói mòn không ít lòng tin vào chủ nghĩa tư bản và nguyên tắc mỗi người một lá phiếu, đã được coi là giá trị phổ quát ít ra là từ sau Chiến tranh lạnh.  Trong bối cảnh đó, dễ hiểu là một thể chế toàn trị với nhiều sức mạnh kinh tế như Trung Quốc đang đòi có tiếng nói lớn hơn.

Thế cục xoay vần. Ngày nay, dân chủ được coi là điều nghiễm nhiên ở hầu hết các nước trên thế giới, ngay cả chỉ là hình thức. Nhưng trong khi lịch sử của những nguyên lý dân chủ thì rất lâu đời, ít ra là từ thời Hi Lạp cổ đại, sự phổ quát của chúng còn là cực kỳ mới mẻ.

Mới 62 năm trước, thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev, trong bài phát biểu với các đại sứ phương Tây ở Ba Lan, còn hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chôn vùi các vị”.

Vào năm 1956 đó, lòng tin về một cuộc “đấu tranh sôi nổi, kinh tế, chính trị, và hệ tư tưởng giữa giai cấp vô sản và lực lượng xâm lược của chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới” (cũng lời Khrushchev, 5 năm sau ở Viện Chủ nghĩa Marx-Lenin, Matxcơva) vẫn còn cơ sở vững chắc.

Quyền lực rắn

Nhưng rồi Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh chấm dứt, và Mỹ khẳng định vị thế siêu cường trong ít ra là 3 thập kỷ sau đó, gieo rắc những giá trị của họ trên toàn cầu, bằng cả sức mạnh quân sự, quyền lực kinh tế, văn hóa, và tư tưởng.

Lúc này, khi mà Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chi tiêu quốc phòng mỗi năm một tăng, xuất khẩu văn hóa ồ ạt, dễ hiểu là Bắc Kinh có nhu cầu đặt lại câu hỏi về hệ tư tưởng phổ quát. Một kịch bản cũ của đối đầu giá trị: Đông - Tây, tư bản chủ nghĩa - xã hội chủ nghĩa, dù trong những bối cảnh, chiều kích và hệ giá trị hoàn toàn mới, đang hiển hiện phía chân trời.

Những nỗ lực tạo ảnh hưởng của Trung Quốc mang tính chiến lược và đa phương diện. Trong một hội thảo lớn và gây tiếng vang vào tuần trước, Quỹ Niên liễm quốc gia vì dân chủ Hoa Kỳ (NED) đã nêu ra một định nghĩa mới về quyền lực của Trung Quốc: không phải là quyền lực cứng (hard power) của những can thiệp vũ trang và đe dọa quân sự, nhưng cũng không còn là quyền lực mềm (soft power) của chỉ ảnh hưởng văn hóa và kinh tế; mà là một kiểu khác, quyền lực rắn (sharp power), không hùng hổ, dữ tợn nhưng cũng chẳng hề mềm mỏng.

NED mô tả các khía cạnh của sự mở rộng ảnh hưởng quyền lực rắn từ Bắc Kinh: không chỉ thu hút sự ủng hộ mà còn kiểm soát thái độ ở nước ngoài với họ; “hướng dẫn” người Hoa ở hải ngoại tham gia vào các hoạt động chính trị theo hướng ủng hộ chính quyền trong nước; bổ nhiệm người nước ngoài có ảnh hưởng chính trị vào các vai trò quan trọng trong doanh nghiệp Trung Quốc; mở rộng truyền thông tiếng Hoa ở hải ngoại, bao gồm mua lại các hãng tin nước ngoài qua những doanh nhân có quan hệ mật thiết với chính quyền; thiết lập quan hệ đối tác với các đại học để định hình các nghiên cứu và tranh luận học thuật ở tầm chiến lược.

Tháng 12-2017, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, sau nhiều sức ép dư luận, đã giới thiệu dự luật cấm các đóng góp từ những nguồn nước ngoài cho các hoạt động chính trị trong nước. Ông cảnh báo về “những nỗ lực chưa có tiền lệ và ngày càng tinh vi” để lèo lái chính trường nước này.

Dự luật được thông qua sau khi một nghị sĩ Úc buộc phải từ chức trước cáo buộc ông thông báo cho một nhà tài trợ Trung Quốc rằng điện thoại của ông có thể bị tình báo Úc nghe lén.

Tại New Zealand, một nghị sĩ sinh ở Trung Quốc bác bỏ cáo buộc nói ông là gián điệp sau khi báo chí phát hiện ông có nhiều năm theo học các trường quân sự hàng đầu ở Trung Quốc. Gần đây hơn, vào giữa tháng 1-2018, Mỹ bắt giữ một cựu sĩ quan tình báo Mỹ gốc Trung Quốc từng làm việc ở Hong Kong vì giữ các tài liệu vượt thẩm quyền “có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho an ninh nước Mỹ”.

Tại Đức cuối năm 2017, báo chí cũng phanh phui việc các công ty Trung Quốc sử dụng mạng xã hội chuyên về tuyển dụng LinkedIn để lôi kéo các quan chức cả đã về hưu lẫn đương nhiệm của nước này. Từ trong nước, truyền thông Trung Quốc nói các động thái đó là “sự hoang tưởng cuồng loạn” mang màu sắc phân biệt chủng tộc nhắm vào cộng đồng người Hoa hải ngoại.

Tất cả những hoạt động đó - trong mắt hai nhà nghiên cứu tổ chức hội thảo của NED với chủ đề “Quyền lực rắn: Ảnh hưởng gia tăng từ các chế độ toàn trị”, Jessica Ludwig và Christopher Walker - đã “nâng các rào cản với ảnh hưởng chính trị và văn hóa từ bên ngoài ở trong nước, đồng thời liên tục lợi dụng sự cởi mở của các hệ thống dân chủ ở nước ngoài để thực thi ảnh hưởng của họ”.

Các nỗ lực với quyền lực mềm của Trung Quốc đã được thực thi từ lâu. Lấy ví dụ: khoảng 500 Viện Khổng Tử với ngân quỹ và nhân viên từ chính quyền đang hoạt động ở các đại học và 1.000 “lớp học Khổng Tử” ở các trường phổ thông trên toàn cầu.

Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn khó thuyết phục được thanh thiếu niên phương Tây về sự khả tín của mô hình chính trị Trung Quốc. Chính vì vậy mà “quyền lực rắn” cần được thực thi. Tinh vi, quyết liệt, và có lẽ là hiệu quả hơn, cách làm mới tìm cách can thiệp vào chính trị, truyền thông, và học thuật, quảng bá hình ảnh tích cực về Trung Quốc, nêu ra các cuộc tranh luận về hiệu quả của mô hình quản trị nhà nước...

Theo các tác giả ở NED, quyền lực rắn mang ba đặc điểm: tính toàn thể, tạo ra sự tự kiểm duyệt, và khó có bằng chứng rõ ràng là do bàn tay của chính quyền.

Tháng 12-2017, thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã yêu cầu mở điều trần về “Cánh tay dài của Trung Quốc”, trong đó ông nói: “Chúng ta nói rất nhiều về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, nhưng những nỗ lực của Trung Quốc ảnh hưởng lên chính sách và các quyền tự do cơ bản của chúng ta phổ biến hơn nhiều so với nhiều người có thể nhận ra” (Washington Post, ngày 10-12-2017).

Ông Rubio cũng cảnh báo về khía cạnh ý thức hệ trong nghị trình quốc tế mới này của Trung Quốc, dựa trên việc kiểm duyệt ở trong nước và tạo ảnh hưởng ở nước ngoài, cả hai đều ngày càng tinh vi.

Cái bẫy Thucydides

Nhưng đó là một vòng xoáy nguy hiểm: phương Tây càng coi Trung Quốc như một mối đe dọa và tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của họ, Trung Quốc càng tự coi mình là kẻ bị bắt nạt và càng tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

“Khi một siêu cường nổi lên thách thức một siêu cường đang thống trị, chiến tranh thường nổ ra. Triển vọng đó, được gọi là cái bẫy Thucydides, theo tên sử gia người Hi Lạp, người đầu tiên viết về nó, đang che phủ mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ở thời điểm hiện giờ - The Economist viết trong một bài xã luận ngày 14-12-2017 - ... Ngay cả khi Trung Quốc không tìm kiếm sự chinh phạt về lãnh thổ, nhiều người sợ rằng họ đang muốn chinh phạt về tư duy ở nước ngoài”.

Những khác biệt với quá khứ được bài báo chỉ rõ: Phương Tây cần phải phản ứng trước các động thái từ Trung Quốc, nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ dựng lên các rào cản và tìm kiếm sự đối đầu. “Không giống như Liên Xô, Trung Quốc hiện là một phần của nền kinh tế thế giới” - The Economist viết. Thực ra Trung Quốc hiện là một phần không thể tách rời của nền kinh tế thế giới.

Chính vì lẽ đó, nhiều chính phủ trên thế giới, bởi các động cơ “cơm áo gạo tiền” trước mắt, đành phải lựa chọn khác đi, như Campuchia khi phủ quyết các nghị quyết của ASEAN liên quan tới Biển Đông, hay gần đây hơn, khi Hi Lạp bỏ phiếu bác một tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền (ngay sau khi một công ty Trung Quốc đầu tư vào cảng Piraeus, trong đại dự án Con đường - Vành đai).

Ngày nay, Trung Quốc có những lợi ích ở nước ngoài lớn hơn bao giờ hết, có thể nói là lớn nhất trong lịch sử 5.000 năm tồn tại của nền văn minh này. Khoảng 10 triệu người Hoa đã chuyển ra hải ngoại từ năm 1978.

Các công ty, cả nhà nước lẫn tư nhân, của Trung Quốc đầu tư mạnh tay, thâu tóm hàng loạt ở hầu hết các nước quan trọng trên thế giới, vào cả tài nguyên, hạ tầng, đất nông nghiệp lẫn tài chính, ngân hàng, bất động sản. Lợi ích kinh tế mang tới hi vọng, dù là mong manh, tạo ra sự cân bằng nhất định với những tham vọng dân tộc chủ nghĩa cũ kỹ của nước này.

Các siêu cường, bao gồm Trung Quốc, sẽ phải học cách hành xử có trách nhiệm để tránh lại rơi vào cái bẫy Thucydides, mà nhân loại đã quá nhiều lần mắc kẹt trong đó. Năm 1992, trong không khí hân hoan ở phương Tây sau khi Liên Xô sụp đổ, Francis Fukuyama xuất bản cuốn sách nổi tiếng End of History (Kết thúc của lịch sử) khẳng định nhân loại đã đi tới cao điểm cuối cùng trong sự tiến hóa của các thể chế: chủ nghĩa tư bản, dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập...

Nhưng lịch sử đang chứng minh Fukuyama có thể đã vội vàng. “Chúng ta cần thừa nhận rằng cuộc đấu tranh cả về ý thức hệ và giá trị vẫn tiếp diễn - Andrew Nathan của Đại học Columbia nói với Washington Post - Chúng ta đã thắng Chiến tranh lạnh, nhưng lịch sử không hề kết thúc”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận