Một thế giới vỡ vụn

TƯỜNG ANH 29/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Cuộc thảo luận các vấn đề thế giới của Câu lạc bộ Valdai năm nay (diễn ra từ ngày 15 đến 18-10 tại Sochi, Nga) xoay quanh báo cáo “Cuộc sống trong thế giới vỡ vụn”, vẽ nên một thế giới mà những cách thức tiếp cận cũ đã không còn hiệu quả nhưng một trật tự mới vẫn không thể hình thành...

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) ở Câu lạc bộ Valdai 2018 - Ảnh: valdaiclub.com
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) ở Câu lạc bộ Valdai 2018 - Ảnh: valdaiclub.com

Khi người hô hào toàn cầu hóa kêu gọi... chấm dứt toàn cầu hóa

Báo cáo này cho rằng sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), các nước phương Tây - gồm Mỹ và các đồng minh Âu- Á - đã có cơ hội có một không hai thiết lập một trật tự thế giới mới.

Tuy nhiên, kỳ vọng về khả năng có được một cơ sở chính trị tư tưởng và giá trị chung hóa ra chỉ là ảo tưởng. Trung Quốc bước vào quỹ đạo phát triển ấn tượng nhưng sự phát triển kinh tế, rồi theo đó là chính trị, đã không đưa đất nước này chuyển đổi theo mô hình thiết chế xã hội phương Tây mong muốn.

Tiếp đó, Nga, một ứng viên hứa hẹn, cũng sớm ngừng đáp ứng các tiêu chuẩn “sàng lọc” để đi theo con đường tự quyết. Thế giới không đạt được trật tự phát triển như phương Tây mong đợi và những nỗ lực ổn định lại biến thành một loạt biện pháp có tính chiến thuật, làm trầm trọng hơn vấn đề thay vì giải quyết.

Trả lời câu hỏi tại sao thất bại xảy đến, báo cáo cho rằng theo lẽ thường, kết quả của bất cứ mâu thuẫn hệ thống nào (trong trường hợp này là chiến tranh lạnh) đều là kẻ thắng sẽ hình thành các công cụ và thể chế đáp ứng lợi ích của họ. Đó đã là một tiêu chí lịch sử nhưng vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, tiêu chí này không đạt được.

Báo cáo viết: “Bởi chiến tranh lạnh là một cuộc xung đột kỳ lạ. Tuy đã có nhìn nhận rõ ràng dù phi chính thức về “kẻ bại” và “người thắng” nhưng về mặt pháp lý quốc tế, không có người thắng. Mà những phương cách khác thiết lập trật tự thế giới, ngoài phương pháp “kẻ thắng được tất” - tức được phép quyết định ai có quyền gì, lại chưa được nghĩ ra.

Sự mập mờ chính trị này đi kèm với toàn cầu hóa kinh tế xóa nhòa các ranh giới thị trường, tự do dịch chuyển, tự do thương mại quốc tế, các phương tiện truyền thông dễ tiếp cận, đặc biệt là Internet.

Các nước khác nhau phản ứng với quá trình này theo những cách khác nhau và vào thời hoàng kim của hệ thống giữa những năm 2000, hầu như tất cả đều thu được lợi ích từ nó. Thế nhưng đến một điểm nào đó, cái giá cho sự thích ứng bắt đầu tăng.

Bởi những mâu thuẫn chưa được giải quyết giữa một bên là thiết chế kinh tế đã toàn cầu hóa với bên kia là thiết chế chính trị chưa có được cơ chế hiệu quả và phổ quát cho nền quản trị toàn cầu. Kết quả là việc thúc đẩy chấm dứt toàn cầu hóa xuất phát từ bản thân đất nước từng hô hào và bảo đảm chính cho nó - Hoa Kỳ.

Bởi người Mỹ đang ngày càng không hài lòng với sự phân bố không đồng đều những lợi ích của toàn cầu hóa và yêu cầu được bảo vệ khỏi hậu quả của nó”.

Không cần phải “minh họa” thêm cho những nhận định này, chỉ cần nhắc những bước đi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến các vấn đề toàn cầu: rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mới nhất là ngày 20-10, khi Tổng thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân với Nga!

Thế giới “vỡ vụn” là bởi mỗi tay chơi ở cấp độ và quy mô của mình đang đóng vai trò là tác nhân cho biến đổi. Nga cố gắng đặt dấu chấm hết cho sự độc quyền sức mạnh của phương Tây, nhưng dần thay thế sự độc quyền đấy lại là sự bất ổn trong cán cân quyền lực.

Hoa Kỳ, bằng nỗ lực mạnh mẽ, đang ra sức thay đổi hệ thống kinh tế thế giới và một số khu vực riêng của hệ thống này. Trong khi đó, Trung Quốc tạo ra những điều kiện mới, mở rộng quy mô kinh tế ra toàn cầu bằng việc chào mời các quốc gia những nguồn phát triển thay thế.

Đức thật sự góp phần vào việc làm biến dạng hệ thống chính trị châu Âu, vốn chính thức luôn dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Ấn Độ trỗi dậy cũng ra sức thay đổi nền địa chính trị châu Á.

Phản biện các nhận định này, giáo sư William Wohlfort (Mỹ) thuộc Đại học Dartmouth cho rằng báo cáo đã phóng đại nguy cơ thảm kịch hủy diệt. Theo ông, nếu phân chia trật tự thế giới thành ba phần: an ninh, kinh tế và pháp lý thì rõ ràng những lĩnh vực này sẽ không sụp đổ cùng lúc và tốc độ phá hủy của chúng cũng không giống nhau.

Ông cho rằng trật tự thế giới đang “chuyển từ sự mở rộng của những năm 1990 sang vị trí phòng thủ”, nên sẽ sai lầm nếu nhầm lẫn nó với sự sụp đổ.

Tuy nhiên, giám đốc khoa học Clifford Kupchan (Mỹ) của Tập đoàn tư vấn Á-Âu đã hỏi vặn chẳng lẽ Wohlfort tin rằng những bước đi của chính quyền Trump không đang gây ảnh hưởng tới cấu trúc của trật tự thế giới?

Đáp lại, Wohlfort cho rằng chẳng qua các nước đang “nhìn vào nhà mình và củng cố những thành quả của thập niên 1990”; rằng đó không phải là sụp đổ, mà là “lùi lại một bước và sắp xếp lại trật tự khu vườn của mình”.

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Vì sao những cách tiếp cận cũ không còn hiệu quả?

Những vấn đề hiện nay của thế giới, được tóm tắt trong báo cáo, bao gồm: chính trị hóa gay gắt các cuộc chiến tranh thương mại, sử dụng rộng rãi các công cụ chiến tranh kinh tế, biến thông tin thành công cụ quan trọng nhất của kiểm soát và đối đầu, các luồng di cư, địa phương hóa - tất cả là mặt trái của toàn cầu hóa, hình thành từ giai đoạn trước.

Nói đúng hơn, đây là hệ quả của việc phụ thuộc nhau trở nên phổ biến và chặt chẽ, trước đây là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng, giờ lại trở thành điều kiện gây ra tổn thất đau đớn cho nhau.

Báo cáo nêu rõ: “Vấn đề là bối cảnh hiện nay đã thay đổi, trong kinh tế và chính trị thế giới hiện không còn 2 hay 3, mà tới 5 đấu thủ then chốt với những hình dung khác nhau về văn hóa, chính trị. Trong số này có 2 người khổng lồ về dân số: gần 1,5 tỉ dân mỗi nước.

Trong khi đó, các quốc gia cỡ trung, để bảo vệ lợi ích của mình, muốn hay không cũng đã góp phần cho việc thay đổi những trật tự và luật lệ thông thường.

Thêm vào đó là các đột phá trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ thuật người máy, vật liệu mới, dẫn tới những cú nhảy vọt trong lĩnh vực sản xuất (cần ít nhân lực hơn), thương mại (ít trung gian hơn) và nhân đạo - xã hội (tuổi thọ cao hơn dẫn đến những thay đổi trong xã hội). Các nước trở nên ích kỷ và tập trung giải quyết vấn đề của riêng mình”.

Trong bối cảnh hiện nay, sự dễ thay đổi, tính cơ động, tính tình huống đã trở thành những đặc điểm xác định của các tiến trình thế giới. Trong khi đó, quốc gia là những tổ chức quy mô lớn của những kế hoạch dài hạn, vốn rất cần sự ổn định.

Có ba yếu tố bất định mà báo cáo cho rằng gây trở ngại cho việc kết cấu hóa các cấu trúc quốc tế: (1) bất định cân bằng quyền lực: Liệu phương Tây có tiếp tục thống trị? Việc trỗi dậy của châu Á có vai trò gì?; (2) bất định an ninh: Liệu sự ổn định quốc tế hiện nay có được bảo đảm? và (3) bất định với các cấu trúc quốc tế: Chúng bền vững tới đâu?

Một trong những đề tài được thảo luận tại Câu lạc bộ Valdai 2018 là diện mạo những cuộc chiến tranh của tương lai. Andrey Bezrukov (Nga), phó giáo sư thuộc Đại học Quan hệ quốc tế Matxcơva, cho rằng trước kia người ta dùng thanh gươm và lá chắn để tấn công và tự vệ, còn nay mọi thứ khá mờ nhạt.

Ông đặt câu hỏi: Liệu có thể coi cấm vận kinh tế và can thiệp vào chính trị nội bộ một quốc gia cũng là một hình thức chiến tranh? Giám đốc nghiên cứu về an ninh và quốc phòng Bắc Âu và Nga tại Đại học Pembroke Andrew Monaghan (Anh) cho rằng vấn đề là ở chỗ khái niệm chiến tranh được hiểu khác nhau tại các cộng đồng. Thomas Gomart (Pháp), giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, đồng tình với Monaghan, cho rằng chiến tranh là khi có tổn thất con người và trừng phạt kinh tế không phải là chiến tranh.

Tuy nhiên, Dmitry Suslov, chuyên gia quan hệ quốc tế người Nga, phản bác rằng hiểu biết của con người hiện đại về chiến tranh không nên giảm xuống chỉ còn tổn thất con người và đã dẫn lời nhà tư tưởng quân sự Phổ Karl von Clausewitz, người từng viết: “Chiến tranh không phải là một hiện tượng độc lập, mà là việc tiếp tục chính trị bằng những phương tiện khác”.

Arvind Gupta (Ấn Độ), giám đốc Quỹ quốc tế Vivekananda, cũng cho rằng không nên thu hẹp khái niệm chiến tranh. Có nhiều cách truyền đạt giải thích bản chất của chiến tranh: phi tuyến tính, vô tận, chiến tranh lai... Điều đó chứng minh chiến tranh hiện nay bao trùm mọi lĩnh vực: văn hóa, ngoại giao, kinh tế, công nghệ...

Arvind nhắc lại ẩn dụ chính của Valdai 2018: “Thế giới vỡ vụn”, cho rằng các xung đột tương lai sẽ tăng lên: “Thế giới đang thay đổi, các liên minh mới đang xuất hiện, quyền lực mới đang phát triển và làm gia tăng số lượng xung đột. Chúng ta đang sống trong một thế giới tương thuộc, mà ở đó sương mù chiến tranh đang dày lên”.

Việc các chuyên gia tham gia tranh luận không thể đưa một định nghĩa rõ ràng về chiến tranh, không làm rõ cách thức chúng được tiến hành, càng bồi thêm sương mù vào cuộc chiến tranh của tương lai này. Dù kết luận hiển nhiên có thể rút ra là không một quốc gia hay chính phủ nào có thể một mình giải quyết những vấn đề này. “Chúng ta cần đối thoại, nếu không muốn thế giới chết trong một cuộc đổ máu” - Andrey Bezrukov kết luận.■

Câu lạc bộ Valdai là một tổ chức nghiên cứu - diễn đàn hằng năm quy tụ các chuyên gia quốc tế thảo luận về những vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa của thế giới. Diễn đàn là nơi lắng nghe ý kiến đa chiều, thậm chí mâu thuẫn nhau, để tạo ra sức bật khai phóng cho tư duy, theo họ tự giới thiệu. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các chuyên gia quốc tế đặt câu hỏi trực tiếp cho tổng thống Nga, người liên tục 15 năm qua có mặt tại diễn đàn này. Một số học giả, như giáo sư chính trị quốc tế Daniel Drezner của Trường luật và ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, gọi Valdai là “một hội thảo phô trương cấp cao của giới tinh hoa Nga” và là “Davos của nước Nga”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận