Khashoggi: Con tốt trên bàn cờ lớn

SÁNG ÁNH 29/10/2018 16:10 GMT+7

TTCT - Vụ nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) che phủ trong một bức màn bí ẩn như một bộ phim trinh thám - hình sự, nhưng đằng sau cái chết kinh hoàng này còn là gì nữa?

Các em nhỏ Saudi Arabia vẽ một bức tranh tường thái tử MBS ở Jeddah. Ảnh: Reuters
Các em nhỏ Saudi Arabia vẽ một bức tranh tường thái tử MBS ở Jeddah. Ảnh: Reuters

 

Ông Khashoggi, mới định cư một năm nay ở Mỹ và là cộng tác viên của tờ The Washington Post, có hẹn tại lãnh sự quán nguyên quán của ông (Saudi Arabia) ở Istanbul để làm giấy tờ ly dị vợ, hầu đăng ký kết hôn với hôn thê mới người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông để lại điện thoại di động cho cô này, dặn nếu không thấy ông trở ra thì gọi cho một cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cấp báo vì Erdogan coi ông là bạn.

Ba giờ sau, không thấy ông trở ra, cô bèn bấm máy. An ninh Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ra sân bay dò xét một chuyên cơ Saudi Arabia mới đến hôm trước, mang theo một tốp nhân viên tình báo Saudi đến Thổ Nhĩ Kỳ “du lịch”. Không thấy gì khả nghi, họ để chuyên cơ này cất cánh. Một chuyên cơ khác cũng của Saudi, chở một tốp khác, đã kịp cất cánh trước đó.

Ly kỳ như trinh thám

Tăm tích ông Khashoggi thì mù tịt và 18 ngày sau, Saudi Arabia chính thức chia buồn cùng gia quyến, cho biết nhà báo 60 tuổi này đã thiệt mạng trong lãnh sự quán sau một cuộc ẩu đả. Chưa rõ xác ông ở nơi nào, nhưng thái tử Mohammad bin Salman (MBS) được vua cha chỉ định đứng đầu một ủy ban điều tra, sẽ công bố kết quả vào 30 ngày tới.

Trước hết, tướng Ahmed al Assiri, phó giám đốc tình báo Saudi và được coi là cánh tay mặt của thái tử, bị mất chức cùng ba viên chức cao cấp đã bị cách chức. 18 người bị bắt giữ để điều tra. Ngành tình báo Saudi sẽ được thái tử chấn chỉnh và tổ chức lại. Dư luận quốc tế còn xôn xao, phía Hoa Kỳ đến giờ này ra vẻ hài lòng với lời giải thích và kết cục này.

Theo tin không chính thức từ phía an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thì sự việc diễn ra như sau: Trong đêm trước khi ông Khashoggi có hẹn tại lãnh sự quán, 2 chuyên cơ Saudi Arabia chở 15 nhân viên mang danh tính thật sang Istanbul, bao gồm một bác sĩ nổi tiếng đứng đầu ngành pháp y Saudi và 11 nhân viên an ninh thuộc lực lượng bảo vệ thái tử, có lẽ đứng đầu là viên đại tá cận vệ số hai của MBS.

Họ đến lãnh sự quán vài tiếng trước nạn nhân và chỉ 8 phút sau khi Khashoggi vào trong, ông đã bị tra tấn, cưa mấy ngón tay, xiết cổ đến chết, sau đó bị cưa đầu và thân thể ra thành nhiều mảnh. Rồi xác ông được chuyển đến tư gia của tổng lãnh sự và đem đi phân tán đâu đó tại một cánh rừng cách Istanbul 90km.

Chi tiết được an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ghi âm và một phần thu hình tiết lộ là khi tổng lãnh sự Saudi nói: “Các anh làm việc này ở chỗ khác đi, tôi sẽ gặp rắc rối” thì được trả lời: “Mày muốn sống và trở về nước thì im mồm!”.

Nếu tin được câu chuyện của Thổ Nhĩ Kỳ, chính thái tử MBS hay một đệ nhất cận thần (như tướng al Assiri) hẳn đã đích thân ra lệnh giết và phân xác nhà báo Khashoggi mới huy động được lực lượng như vậy.

Đây là chủ tâm giết, cũng không có chuyện mời về hay xảy ra ẩu đả gây thiệt mạng. Vả lại an ninh Thổ Nhĩ Kỳ còn có băng ghi âm. Một cách chạy tội khác cho thái tử là cận thần không hiểu lệnh của ngài. Đây có thể là giải pháp của chính quyền Mỹ, để trả lời với dư luận, thì đành phải hi sinh tướng al Assiri mới xong.

Vậy về phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có bằng chứng sao lại còn ấp úng chọn lọc, kiểu dọa dẫm? Thổ Nhĩ Kỳ là một nước bạn, đồng minh của Hoa Kỳ và Saudi Arabia trong cuộc nội chiến ở Syria, nhưng có vẻ điểm chung... chỉ có thế.

Tại Ai Cập, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cựu tổng thống dân cử Mohamed Morsi là người bị quân phiệt thân Saudi lật đổ. Về mặt ý thức hệ tôn giáo, Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi với phong trào Anh em Hồi giáo mà phong trào Wahabi của Saudi coi là địch thủ trong phạm vi Hồi giáo Sunni và vấy cho đủ thứ tội khủng bố (trong khi thực tế Wahabi mới là giáo phái ảnh hưởng mạnh nhất lên các nhóm khủng bố đạo Hồi).

Mới đây, khi Saudi Arabia cùng UAE phong tỏa và dọa dẫm xâm lăng Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân sang Qatar đồn trú để bảo vệ. Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn về kinh tế và tiền tệ, hẳn cần đến Saudi nên mới úp mở như thế.

Tuy nhiên, trong quan hệ giữa hai nước và về mặt thể diện thì nên biết Tổng thống Erdogan tự coi là hậu duệ của đế quốc lừng lẫy Ottoman. 100 năm về trước, người Thổ Nhĩ Kỳ nghe nói đến mấy tay Ả Rập vùng Vịnh thì khinh thường ra mặt. Đế quốc Ottoman vĩ đại từng thống trị cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Balkan và Đông Âu.

Ông Erdogan đang kích động chủ nghĩa quốc gia, nên tuy có cần chút đỉnh tiền của mấy tay Saudi vẫn không thể để mất thể diện.

Truyền thông Tây phương tuyên dương nạn nhân của việc thảm sát này, nhưng cũng nên biết ông Khashoggi là ai. Ông không phải là nhà báo theo nghĩa thông thường của từ này.

Khi phê bình thái tử MBS “ngăn cấm tự do ngôn luận và tạo bầu không khí khiếp sợ ở Saudi Arabia”, ông không nói thay nhân dân hay quần chúng, mà nói thay cho tầng lớp hoàng tộc trong nước. Ông Khashoggi về thân thế là anh em họ của tỉ phú - tay lái súng người Saudi Adnan Khashoggi.

Tỉ phú lái súng gốc Ai Cập al Fayed từng là thư ký của Adnan và cưới em gái ông này. Họ sống hạnh phúc và sinh ra cậu con đẹp trai Dodi al Fayed, người tình tử nạn cùng công nương Diana ở Paris. Không phải vô cớ mà ông Khashoggi có thể nhận với hôn thê sắp cưới rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là bạn ông.

Thâm cung nội chiến

Jamal Khashoggi giống như một con tốt nữa bị thí trong ván cờ lớn của cuộc thanh trừng ở Saudi Arabia, hiện vẫn đang tiếp diễn. Năm 2017, hoàng thân Al Waleed bin Talal cùng một tá hoàng thân khác bị MBS cầm tù tại khách sạn Ritz Carlton và lột hết một mớ của.

Ba hoàng thân nữa ở nước ngoài bị lừa về nước để bắt giữ, một người bị cướp chuyên cơ riêng. Hoàng thân Miteb, con của tiên vương Abdallah, bị trấn lột 1 tỉ USD. Năm hoàng thân nữa bị bắt đi đâu không biết. Hoàng thân Mansour, con của cựu đệ nhất thái tử Muqrin (tiền nhiệm và anh trai của vua Salman), năm ngoái bị rơi trực thăng chết.

Chuyện xửa chuyện xưa

Jamal, cũng như Adnan Khashoggi hay tỉ phú xây dựng Mohammed bin Laden (cha của Osama), thuộc nhóm tài giỏi ngoài hoàng tộc đã có công đưa vương quốc mở mang trong những thập niên trước. Nhà báo Jamal là thư ký của hoàng thân Turki al Saud và là người phát ngôn cho ông này khi Turki làm đại sứ tại Hoa Kỳ.

Trong 24 năm liền (1977-2001), hoàng thân Turki đứng đầu tình báo Saudi, thao túng mọi chuyện đánh đấm và dấm dúi tiền nong trong khu vực, tức là chính sách ngoại giao đi đêm lẫn đi ngày của vương quốc.

Jamal sang Afghanistan viết bài tung hô các chiến sĩ thánh chiến chống Liên Xô, phỏng vấn Osama bin Laden vào lúc ông này còn “răng lợi” với Hoa Kỳ. Mới đây, con cả của Donald Trump còn đưa lại tin Jamal thân khủng bố, cùng ảnh nhà báo này cầm tên lửa chụp ảnh với khủng bố Afghanistan.

Các tay khủng bố này lúc đó còn được tổng thống Reagan gọi là chiến sĩ của tự do, những hiệp sĩ thánh chiến chống Liên Xô và cộng sản vô thần với tiền và súng của Saudi Arabia và Mỹ.

Ông Jamal bị giết không phải vì dân chủ hay nhân quyền, mà vì ông thuộc phe hoàng tộc cố cựu nhà Saud cần phải tiêu diệt để củng cố quyền lực của phe MBS, nhà Salman. Chuyện phe phái trong hoàng tộc Saudi cũng là lý do khiến chính quyền Hoa Kỳ có mâu thuẫn.

Một số dân biểu quyết làm cho ra lẽ. Ngược lại, Tổng thống Trump là doanh nhân mới nhậm chức và Saudi Arabia đối với ông là MBS. Trước đây, về mặt tiền bạc, khi nguy cấp và túng thiếu, ông từng phải bán du thuyền với giá rẻ cho tỉ phú Al Waleed bin Talal và cả một tầng trong tòa tháp Trump.

Con rể của ông, Jared Kushner, khốn đốn khi đầu tư vào một căn nhà tỉ đô, đi vay nhỏ nhẹ hoàng tộc Qatar 600 triệu USD thôi mà còn bị từ chối, nên giờ thắm thiết với MBS.

Chuyện nhà báo Jamal Khashoggi lâm ly là vì ngoài vị thế và phe phái của những người mà ngòi bút của ông đại diện, còn có tình tiết của một bộ phim gián điệp nhiều tập với người yêu ngoài ngõ, sát thủ hiên ngang không buồn cải danh và một bác sĩ cưa người khi đang nghe nhạc, nhưng những chuyện tàn bạo hơn thế này nhiều không phải là hiếm ở xứ Saudi Arabia và cả vùng Vịnh nói chung.

Chẳng hiểu rồi sẽ đi về đâu, các hoàng thân nhà Saud có đảo chính được nhà Salman hay không, nhưng hình ảnh cải cách và canh tân của thái tử MBS, “người mở lại rạp hát và cho phụ nữ lái xe”, đang bị tổn thương nặng nề trên trường quốc tế.

Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative - FII) do ông tổ chức vào tuần tới với chủ đề “Viễn tượng Saudi 2030” giờ đã bị nhiều nhân vật, tổ chức và chính quyền tẩy chay. Khác với lập luận “khách mua 110 tỉ USD vũ khí cần được tôn trọng” của Tổng thống Trump, họ tỏ ra trọng nghĩa khinh tài.

Công ty Uber năm ngoái nhận 3,5 tỉ USD đầu tư của Saudi Arabia, Công ty Virgin được hứa hẹn 1 tỉ USD và Công ty Blackstone mới ký hợp đồng sơ khởi 40 tỉ USD đều đã rút lui sau vụ ám sát.

Còn nếu nói đến cải cách thì trước MBS đã có các bậc cha chú là nhóm “Các hoàng thân tự do”, đứng đầu là Talal. Ông này (anh cùng cha khác mẹ của vua Salman hiện nay) không thấy nói chuyện cho phụ nữ lái xe hay thần dân xem chớp bóng, nhưng năm 1962 đã đòi một nhà nước pháp trị và nền quân chủ lập hiến và cùng ba hoàng thân khác thành lập “Mặt trận giải phóng Saudi” vào lúc cao trào của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập trong khu vực.■

 

Diễn văn trước Quốc hội của Tổng thống Erdogan ngày 23-10 không có gì mới lạ như nhiều người trông đợi, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dùng dằng thương thuyết với Hoa Kỳ và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, ông Erdogan xác nhận đây là một mưu toan ám sát từ ban đầu, không chấp nhận giả thiết chính thức của chính quyền Saudi Arabia và tiếp tục đòi làm cho ra lẽ. Khác với chính quyền Hoa Kỳ, việc ông đối thoại thẳng với vua Salman và không hề nhắc đến thái tử cho thấy trong chuyện này, Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ trách nhiệm của thái tử.

Mỹ có thể chấp nhận trừng phạt ở mức dưới (như tướng al Assiri và cố vấn Al Qaddani), nhưng Erdogan khi hỏi thẳng vua cha nghĩa là dọa vua Salman phải có biện pháp với chính con mình. Chuyện này như vậy vẫn sẽ còn cò cưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận