Malaysia: Trăm mối tơ vò

DANH ĐỨC 23/12/2018 17:12 GMT+7

TTCT - Trước trận chung kết lượt đi AFF Cup tại Malaysia, người hâm mộ Việt Nam đã được dặn dò cẩn thận do sẽ có biểu tình hôm thứ bảy cuối tuần đó (8-12) tại thủ đô Kuala Lumpur. Biểu tình vì điều gì? Điều gì đang diễn ra? Hậu vận sẽ ra sao?

Malaysia là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Ảnh: SCMP
Malaysia là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Ảnh: SCMP

 

Hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg tóm tắt cuộc biểu tình 8-12 bằng tựa: “Chính quyền Mahathir đối diện cuộc biểu tình lớn đầu tiên khi mấy ngàn người tuần hành vì vấn đề ICERD”. ICERD là gì mà chỉ sáu tháng hơn sau cuộc tổng tuyển cử ngày 9-5-2018, nguyên lão Thủ tướng Mahathir Mohamad - ở tuổi 93 lại phải ra gánh vác việc nước, 15 năm sau khi rời chức vụ này - nay phải “đối diện”?

Món quà bất ngờ cho phe đối lập

Bloomberg tường thuật cuộc biểu tình: “Các đảng đối lập đã lãnh đạo người dân tộc Malay ở Kuala Lumpur phản đối một công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chống phân biệt chủng tộc. Thủ đô tràn ngập những người biểu tình mặc đồ trắng, những người đến bằng xe buýt từ khắp nơi trên đất nước để tụ tập chiều hôm đó.

Theo cảnh sát trưởng Kuala Lumpur Mazlan Lazim, ước tính khoảng 55.000 người (phe đối lập nói có tới nửa triệu người) đã xuất hiện và cuộc biểu tình đã diễn ra yên ổn mà không có sự cố nào xảy ra”.

Công ước LHQ mà phe đối lập lấy làm lý do xuống đường chính là Công ước quốc tế loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), một công ước ra đời từ... tháng 12-1965 và có hiệu lực từ 4-1-1969, tức suýt soát 50 năm trước, song Malaysia chưa tham gia.

Mấy mươi năm qua, công ước này “ngủ” ở Malaysia, nay “khi không” được đánh thức bởi loan báo hôm 24-10 của Bộ trưởng Chánh Văn phòng Thủ tướng Waytha Moorthy: “Chính phủ cam kết thông qua sáu hiệp ước, trong đó có Công ước ICERD, vào quý 1 năm tới.

Tôi muốn tuyên bố rằng việc phê chuẩn các công ước này, kể cả ICERD, là đúng với cương lĩnh của Pakatan Harapan (PH, tức Liên minh hi vọng đang cầm quyền). Bộ trưởng Tôn giáo Datuk Mujahid Rawa cũng cam kết như thế. Cam kết này từng được Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah và Thủ tướng Mahathir Mohamad nhấn mạnh tại Đại hội đồng LHQ mới đây”.

Còn nhớ hôm 25-9, Thủ tướng Mahathir đánh dấu sự quay trở lại dự Đại hội đồng LHQ bằng một bài diễn văn đầy lý tưởng: “Malaysia mới sẽ kiên quyết tán thành các nguyên tắc được LHQ quảng bá trong các cam kết quốc tế của chúng tôi.

Đó là các nguyên tắc của sự thật, quyền con người, nhà nước pháp quyền, công lý, công bằng, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cũng như tính bền vững. Chính trong bối cảnh này, chính phủ mới của Malaysia cam kết phê chuẩn tất cả các công cụ cốt lõi còn lại của LHQ liên quan đến việc bảo vệ quyền con người.

Sẽ không dễ dàng vì Malaysia là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ dành không gian và thời gian cho tất cả mọi người cân nhắc và quyết định một cách tự do dựa trên nền dân chủ”.

Phát biểu “vị tiến bộ” của Thủ tướng Mahathir ở LHQ đã vô tình trở thành cơ hội cho những đảng phái nay là đối lập ra khỏi vị thế “kẻ thua cuộc” từ sau cuộc bầu cử tháng 5. Nhiều cuộc biểu tình của những người phản đối ICERD đã diễn ra.

Những người phản đối lo ngại rằng ICERD sẽ ảnh hưởng đến những đặc quyền của người Malay bản địa.

Ngay sau khi Bộ trưởng Chánh Văn phòng Thủ tướng Waytha Moorthy loan báo sẽ phê chuẩn các công ước LHQ, các phe này đã nhao nhao hô hào phản đối, đến nỗi một tháng sau, hôm 23-11, Văn phòng Thủ tướng Malaysia cho hay chính phủ PH sẽ không phê chuẩn ICERD và rằng chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ hiến pháp liên bang, trong đó bao gồm khế ước xã hội được tất cả các sắc tộc tại Malaysia nhất trí kể từ khi lập quốc.

Khế ước xã hội đó được quy định rõ ràng trong hiến pháp nước này, chủ yếu là ở điều 153, một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất trong hiến pháp. Khi được thông qua năm 1957, điều khoản này là một sự tiếp nối của pháp luật thời Malaysia còn là thuộc địa của Anh, nhằm đảm bảo sự bình đẳng cơ hội cho dân tộc Malay.

Những người Malay ở nước Malaysia độc lập, dù chiếm đa số nhưng lại chủ yếu sống ở những vùng nông thôn nghèo khó, trong khi hầu hết các thị dân giàu có là người thiểu số chủng tộc Hoa hoặc Ấn.

Điều 153 đấy “đảm bảo vị trí đặc biệt của dân tộc Malay” và được diễn dịch bằng việc phân bố theo hạn ngạch (quota) trong nhiều mặt đời sống chính trị - xã hội: “Người không gốc Malay không chiếm hơn 1/4 số vị trí công chức mới thu nhận”, việc dành sẵn phần lớn nhất cho người gốc Malay trong kinh doanh một số ngành nghề, việc cấp học bổng hay hỗ trợ giáo dục...

Thảo luận về việc xóa bỏ điều 153 ở Malaysia, thậm chí là ở quốc hội, là vi phạm pháp luật. Đây dễ hiểu là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi suốt tiến trình lịch sử đất nước, và là một trong các lý do chính dẫn đến Singapore rời khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965.

Tất cả những đảo điên đó nhắc nhở Thủ tướng Mahathir cùng liên minh cầm quyền PH rằng thắng lợi ở cuộc bầu cử tháng 5 không có nghĩa là liên minh sẽ trở nên bất khả xâm phạm, dù đảng cầm quyền cũ suốt từ khi Malaysia độc lập vào năm 1957 nay đang tự tan rã! Tính đến chủ nhật vừa qua (16-12), đã có 11/79 nghị sĩ quốc hội thuộc UMNO “cởi áo” tuyên bố ra khỏi đảng, đứng độc lập trong quốc hội hoặc xin gia nhập liên minh cầm quyền PH.

Tham ô, bè phái và khủng hoảng lãnh đạo

Việc cựu thủ tướng Najib Razak của UMNO bị bắt giữ hôm 19-9 và bị cáo buộc sáu tội vi phạm hình sự về lòng tin liên quan đến các quỹ của chính phủ trị giá hơn 1,5 tỉ USD, đáng kể nhất là quỹ đầu tư 1 Malaysia Development Berhad (1MDB) do chính ông Razak sáng lập vào năm 2009, cùng 32 cáo buộc rửa tiền và tham nhũng khác, cho thấy thế nào là hiểm họa tự băng hoại nơi những nhà cầm quyền mà quyền lực thì dư thừa song không hề bị kiểm tra và cân bằng. Hậu quả của “sáng kiến” đầu tư 1MDB của ông Razak là số nợ khổng lồ lên đến 11,73 tỉ USD, trong đó có vụ phát hành vào năm 2013 lên đến 2,7 tỉ USD trái phiếu qua “thu xếp” của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, mà phí “thu xếp” ngân hàng này được hưởng lên đến 600 triệu USD, theo báo Malaysia The Star ngày 17-12.

Các cáo buộc hình sự theo luật chứng khoán Malaysia cũng đã được tống đạt cho Ngân hàng Goldman Sachs cùng hai cựu lãnh đạo ngân hàng này - Tim Leissner và Roger Ng - với tội danh cố tình giả mạo hoặc làm sai lệch chứng từ tài chánh.

Những số tiền khổng lồ trên, nếu bị chứng minh là hoạt động phi pháp, thể hiện một đặc tính mới trong hành vi và kế hoạch tham nhũng. Giới quan chức, qua các quỹ nhà nước và hợp tác với những tập đoàn tư bản tài chánh nước ngoài, đã “thu vén” rất nhanh chóng chỉ trong vòng vài năm chứ không “gặm nhấm” rỉ rả như trước nữa.

Có thể gọi đây là một hình thức “tham nhũng kỹ trị” với sự trợ lực của những đầu sỏ tài chánh quốc tế!

Đây là một hiện tượng phổ quát tiêu biểu của thế kỷ 21 mới bắt đầu này mà mọi chính phủ công chính sẽ phải dè chừng.

Không chỉ ở Malaysia với mỗi ông Najib Razak, ở nhiều nước đang muốn nổi lên khác, giới lãnh đạo chính trị lũng đoạn có thể sử dụng các công cụ tài chánh phức tạp như phát hành trái phiếu chính phủ hay trái phiếu của các công ty nhà nước được bảo lãnh, với sự “thu xếp” của các ngân hàng nước ngoài, để rồi bỏ túi riêng. Trường hợp Malaysia thực sự là một kinh nghiệm xương máu đáng lưu ý với mọi quốc gia cùng hoàn cảnh!

Nếu như đảng cầm quyền suốt 61 năm ở Malaysia đang “chết” vì tham nhũng và bè phái, thì trong nội bộ liên minh cầm quyền mới cũng thấy có những dấu hiệu của chủ nghĩa gia tộc, thân hữu.

Sáng thứ hai 17-12, một ủy viên trung ương Đảng Công lý nhân dân (PKR, đảng lớn nhất trong liên minh PH) là bà Latheefa Koya đã lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao đảng này lại bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp bang chỉ những người thuộc một trong hai phái chính trong nội bộ đảng này.

Bà Latheefa còn nêu ra trường hợp bổ nhiệm bà Nurul Izzah, con gái ông chủ tịch đảng Anwar Ibrahim, người sẽ thay thế đương kim thủ tướng trong hai năm tới vào vị trí lãnh đạo đảng bộ bang Penang. Báo hại bà này tối đó viết tâm thư từ chức phó chủ tịch đảng kiêm lãnh đạo đảng bộ Penang!

Có thể thấy các vấn đề ở các nước như Malaysia vừa là “vạn biến” - đủ màu sắc, câu chuyện và ngóc ngách - lại vừa mang tính “bất biến”, trước sao nay vậy, tỉ như định kiến, thành kiến xã hội, nạn bè phái, gia tộc và tham nhũng! ■

Việc Thủ tướng Mahathir nay muốn phê chuẩn công ước không phân biệt chủng tộc ICERD là một dấu chỉ hướng đến tiến bộ, nhưng đụng chạm đến đặc quyền, đặc lợi của người gốc Malay từ 61 năm qua nên gặp phải sự bất bình của cộng đồng này là đương nhiên. Việc ông sau đó rút lại ý định này được phe đối lập, Đảng Tổ chức dân tộc Malay thống nhất (UMNO) và Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS), xem như một thắng lợi của chính họ mà thực ra là “bất chiến tự nhiên thành”! Thừa thắng xông lên, họ thông báo xuống đường diễu hành mừng thắng lợi tại thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 8-12 như đã thấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận