Những bất ngờ của Trump và Putin 

DANH ĐỨC 09/01/2019 21:01 GMT+7

TTCT - Năm 2018 đã qua là một năm mà hai tổng thống Mỹ và Nga, Donald Trump và Vladimir Putin, “cầm trịch” thế giới, mỗi người một cách. Song, vẫn có điểm chung là cả hai cùng có những quyết định bất ngờ theo cách của riêng mình. Và quả địa cầu cứ thế xoay theo những bất ngờ của hai ông.

Hai ông Trump (trái) và Putin là những nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn nhất trong năm 2018? Ảnh: time.com
Hai ông Trump (trái) và Putin là những nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn nhất trong năm 2018? Ảnh: time.com

 

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” là sáo ngữ giờ đã... xưa. Nay, trong thời đại Internet và mạng xã hội, nhất định phải sửa lại rằng “Facebook, Twitter là cửa sổ tâm hồn”. Đặc biệt trong trường hợp ông Trump, đấy vừa là tâm sự hỉ - nộ - ái - ố, vừa là đòn tâm lý chiến, vừa là công cụ làm việc, thảy đều khó lường đúng như bản tính của ông. Có thể tạm lấy tháng 12 làm “thí điểm” dò đoán các ưu tư hay ưu tiên của ông qua... Twitter.

Bất ngờ kiểu Trump

Ngoài những bực dọc là chuyện thường xuyên hơn, ông Trump cũng không quên sử dụng Twitter để loan báo tin vui, như các đàm phán mới nhất với Trung Quốc nhân cuộc gặp với ông Tập Cận Bình bên lề G20. Hôm 4-12, ông đăng tweet: “Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã bắt đầu. Trừ khi được gia hạn, các đàm phán này sẽ kết thúc 90 ngày kể từ bữa tối tuyệt vời và rất ấm áp của chúng tôi với Chủ tịch Tập ở Argentina...

(Để xem) liệu một thỏa thuận THỰC SỰ với Trung Quốc nay có thể hay không. Nếu có thể, chúng tôi sẽ hoàn thành thỏa thuận đó... Bằng không, hãy nhớ rằng tôi là Người đánh thuế. Khi thiên hạ nhắm đến chuyện cướp bóc sự giàu có vĩ đại của Đất Nước chúng ta, tôi muốn họ phải trả giá cho đặc quyền làm chuyện đó. Đó luôn là cách tốt nhất để phát huy tối đa sức mạnh kinh tế của chúng ta. Chúng ta nay hiện đang thu về hàng tỉđô la tiền thuế. HÃY LÀM CHO NƯỚC MỸ GIÀU CÓ TRỞ LẠI”.

Dường như ông Trump mặn mà hơn cả với các vấn đề kinh tế. Qua Twitter, có thể hiểu thêm đối với ông Trump dầu hỏa là gì. Hôm 5-12, ông viết: “Hi vọng OPEC sẽ giữ dòng (sản lượng) dầu như vậy, mà không hạn chế. Thế giới không muốn thấy, hoặc không cần, giá dầu cao hơn!”.

Nhìn vào biểu đồ giá dầu quý 4-2018 có thể thấy giá giảm đều đặn trong quý, nhất là từ cuối tháng 10 cho tới trước lễ Giáng sinh, từ khoảng 75 USD/thùng xuống 45 USD/ thùng, rồi 42,60 USD/thùng hôm 24-12. Có thể thấy điều này ở cây xăng suốt ba tháng qua. Cùng thời gian đó, Saudi Arabia tăng sản lượng đáng kể.

Có thể đặt câu hỏi: Ông Trump có can dự gì vào sản lượng dầu của đồng minh thân thiết nhất Trung Đông của ông hay không? Câu trả lời có thể tìm thấy qua mẩu tin của CNBC 21-11-2018. Theo đó, “Tổng thống Donald Trump cảm ơn Saudi Arabia vì vai trò của nước này trong việc ngăn giá dầu tăng vọt, và tăng gấp đôi chi phí quốc phòng của vương quốc vốn từng bị chỉ trích rộng rãi.

Hôm thứ ba, ông Trump cho biết ông sẽ sát cánh với Saudi, mặc dù CIA thông báo kết luận thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã ra lệnh giết Jamal Khashoggi” - nhà báo bị giết trong tòa lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul. Trên bề nổi, rõ ràng giá dầu 3 tháng qua giảm nhiều, tác động đến thu ngân sách của Nga suốt 3 tháng cuối năm 2018.

Liệu dầu hỏa Saudi Arabia có phải là một vũ khí để ông Trump có thể mặc cả với ông Putin lúc nào cũng lấn lướt? Trên Forum Daily, một diễn đàn mang tên “Nước Mỹ nói tiếng Nga” của người Mỹ gốc Nga, một tác giả viết: “Ngoài các biện pháp trừng phạt, Trump còn khéo léo sử dụng đòn bẩy dầu khí.

Tháng 8 năm nay, Hoa Kỳ đã đạt vị trí đứng đầu thế giới về sản xuất dầu, đồng thời giành chức vô địch phát triển khí đốt thế giới trong hơn hai năm. Vì Hoa Kỳ là nước tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, và hiện là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất, nên Hoa Kỳ có thể thao túng cả cung và cầu, từ đó áp đặt giá dầu thế giới (trong hai tháng qua giá dầu giảm khoảng 30%)”.

Ít nhất cũng phải ghi nhận rằng ông Trump đã có các bước đi rõ ràng, lớp lang và hiệu quả chống cự ông Putin, chứ đâu có “toa rập” như phe Dân chủ đề quyết.

Ông Trump cũng không “bỏ thí” Syria! Hôm vọng Giáng sinh, ông loan tin: “Saudi Arabia hiện đã đồng ý chi số tiền cần thiết để giúp tái thiết Syria, thay vì Hoa Kỳ. Thấy chưa? Có đẹp đẽ không khi các nước cực kỳ giàu giúp tái thiết các nước láng giềng chứ không phải là “đại gia” Hoa Kỳ, ở cách xa 5.000 dặm. Cảm ơn Saudi!”. Tức Mỹ cũng còn có chân trong dàn xếp chính trị ở Syria, chứ không để Nga muốn làm gì thì làm.

Hôm 23-12, ông Trump đăng lại mẩu tweet của nghị sĩ “bồ ruột” Rand Paul: “Thay thế các chế độ trên thế giới không phải là việc của nước Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống Trump thừa nhận ở Iraq, rằng đó là thảm họa chính sách đối ngoại lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, và ông đã đúng... Các tướng lĩnh vẫn chưa nhận ra sai lầm đó”.

Có thể thấy ông Trump tránh ra mặt đối đầu với ông Putin trong những vấn đề địa chính trị. Điều này có thể thấy qua thái độ không phản ứng của ông trong vụ Nga phái hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 có thể mang vũ khí hạt nhân tới Venezuela hôm 10-12. Suốt tuần lễ đó, không một chữ nào về vụ này xuất hiện trên Twitter của ông. Bởi thế, không khó hiểu tại sao tweet của ông hôm 19-12 lại gây bất ngờ: “Sau những thắng lợi lịch sử trước ISIS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng), nay đến lúc đưa các thanh niên vĩ đại của chúng ta trở về!”.

Từ đó dẫn tới việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gửi và công bố rộng rãi đơn từ nhiệm, khiến ông Trump nổi đóa cho nghỉ ngay. Đến đây có thể đặt câu hỏi phải chăng ông Trump chỉ muốn “chọc” cho tướng Mattis nổi giận mà từ chức, hay còn muốn qua đó chấm dứt vai trò của các tướng lĩnh Mỹ trong những vấn đề chính sách đối ngoại và địa chính trị?

Putin khôn lường

Bên cạnh một Trump đầy bất ngờ toàn diện, từ đối ngoại đến đối nội, là một Putin đầy bất ngờ hầu như tập trung trong lĩnh vực đối ngoại. Hai hoàn cảnh, hai tính cách dẫn đến hai thế giới “bất ngờ” khác nhau.

Hành động bất ngờ mới nhất của ông Putin là việc ông cho phái hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 “Thiên nga trắng” có thể mang vũ khí hạt nhân đến thủ đô Caracas của Venezuela hôm 10-12. Đến nơi, hai oanh tạc cơ này đã thực hiện một cuộc diễn tập trên biển Caribê suốt 10 tiếng, có lúc cùng các chiến đấu cơ Su-27 và F-16 của không quân Venezuela.

Các máy bay trên đã đến sân bay Maiquetia của thủ đô Caracas sau một chuyến bay dài 10.000km, qua Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương “tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, dù không tiết lộ các máy bay ném bom, có khả năng mang tên lửa thông thường hoặc vũ khí hạt nhân với tầm bắn lên tới 5.400km này, có mang theo vũ khí hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giận dữ lên tiếng trên Twitter của ông: “Người dân Nga và Venezuela nên nhìn nhận việc này đúng bản chất: hai chính phủ băng hoại phung phí công quỹ, chà đạp tự do trong khi dân chúng phải chịu đựng khó khăn”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon cũng phản ứng cùng một giọng điệu: “Trong khi Chính phủ Venezuela mưu tìm máy bay chiến đấu của Nga, thì Hoa Kỳ cùng các đối tác khu vực và các tổ chức quốc tế nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela chạy trốn khỏi quốc gia đang gặp khủng hoảng”. Điều mà ông Pahon nói đến - cung cấp viện trợ nhân đạo - chính là chuyến công tác của tàu bệnh viện USS Mercy từ tháng 10 tới hết tháng 12 qua các nước Ecuador, Peru, Colombia và Honduras, với khả năng khám 700 lượt mỗi ngày.

Có vẻ như chính quyền Trump, tuy giận dữ lên tiếng chỉ trích, song “nhất định” không nói gì tới khả năng đe dọa của việc Nga đưa máy bay chiến lược tới Venezuela, hầu như “nhường” việc phân tích mối đe dọa này cho các tổ chức tư nhân. Một ví dụ là nhắc nhở của Miriam Lanskoy, giám đốc cấp cao của phân bộ Nga và Âu - Á thuộc Tổ chức phi chính phủ National Endowment For Democracy: “Tôi không biết rằng điều này có gây ra mối đe dọa quân sự nào không, nhưng đó là một ngụ ý về tầm với toàn cầu của Nga”.

Business Insider 13-12 giải thích thêm: “Đây không phải là lần đầu máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 đến Venezuela. Các máy bay này từng đến đây vào năm 2013 và 2008. Lần gần nhất vào lúc căng thẳng gia tăng do cuộc chiến ngắn ngủi của Nga với Gruzia trong năm đó... Chuyến bay đến mới nhất này diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và cuộc đụng độ gần đây với Ukraine”.

Tương tự, phản ứng của ông Trump sau vụ Nga bắt giữ tàu hải quân Ukraine, đóng cửa eo biển Kerch, chỉ gói gọn trong: (1) yêu cầu Nga thả các thủy thủ Ukraine - yêu cầu bị bác; và (2) hủy gặp thượng đỉnh ông Putin bên lề G20. Rõ ràng, ông Trump bị động trong khi ông Putin chủ động. Hậu vận quan hệ Mỹ - Nga sẽ tùy thuộc vào tương quan đó. Trở lại với nhận xét “dường như ông Trump tránh đối đầu với ông Putin trong những vấn đề địa chính trị?”, nếu quả thực như thế thì... vì sao?■

Bất ngờ gây xúc động nhất của ông Trump là tâm sự rất con người của ông trên Twitter hôm 24-12: “Chỉ có mỗi mình tôi (khổ thân tôi) trong Nhà Trắng, chờ Đảng Dân chủ quay lại và thực hiện một thỏa thuận về an ninh biên giới rất cần thiết...”. Chuyện ông và Đảng Dân chủ “câu mâu” nhau vụ ngân sách dành cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico dẫn đến việc một phần Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể thu hút sự chú ý của thiên hạ hay không, tùy.

Cũng thế, chuyện ông Trump phải ở lại Nhà Trắng chứ không bỏ đi nghỉ Giáng sinh cùng gia đình vào lúc chính phủ bắt đầu đóng cửa. Song, mấy chữ “Chỉ có mỗi mình tôi (khổ thân tôi) trong Nhà Trắng”... nhất định đã gây xúc động cho nhiều người, trong đó có bà Melania Trump.

Trước đó, bà đã dắt con về biệt phủ Mar-a-Lago ở Florida định đón lễ Giáng sinh ở đó. Sau câu tweet “khổ thân tôi”, bà đã hộc tốc quay về Nhà Trắng. Được biết, hôm 22-12, ông Trump đã tweet báo rằng: “Tôi sẽ không đi Florida do vụ đóng cửa chính phủ, ở lại Nhà Trắng”, song vợ ông vẫn đi. Nay bà Trump đã bay về lại Washington, tấm ảnh “đệ nhất gia đình đón tiếp cả ngàn người nhân mùa Giáng sinh” trên trang chủ Nhà Trắng giờ mới thực sự lung linh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận