Đã đến, đã thấy, đã chinh phục?

DANH ĐỨC 31/03/2019 20:03 GMT+7

TTCT - Chuyến thăm Ý, Monaco và Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây ắt hẳn sẽ làm hoàng đế Julius Cesar và đạo diễn Jean Yanne giật mình “thức dậy” khi thấy vào cuối thập niên thứ nhì của thế kỷ 21, Trung Quốc đang bắt đầu chinh phục châu Âu không bằng quân đội, mà bằng sức mạnh mềm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ở Rome. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ở Rome. Ảnh: Reuters

 

Có thể nói, hôm thứ năm tuần trước (21-3), ông Tập đã đến và đã thấy đế chế La Mã ngày nào nay phủ phục trước “giấc mộng Trung Quốc” của ông, chẳng khác gì hoàng đế Julius Cesar cách đây hơn 2.000 năm sau chiến thắng Zela trước vua Pharmaces II của vương quốc Pontus bắc cầu qua hai bờ Âu - Á rồi viết thư cho nguyên lão viện: “Tôi đã đến, đã thấy, đã chinh phục”.

Một chút lịch sử

Cũng thế, đạo diễn người Pháp Jean Yanne, tác giả của bộ phim Người Hoa đến Paris (Les Chinois à Paris) đầu năm 1974 đã làm khán giả cười ngả nghiêng khi tưởng tượng ra việc quân đội Trung Quốc thời Mao tiến quân vô tới kinh thành Paris và rồi dân Pháp được “quân quản” bằng cách… ai nguyên quán ở đâu về đó mà khai thường trú.

Cả nước đổ ra xa lộ tìm về nguyên quán, kẹt xe vô tận kiểu kịch phi lý của E. Ionesco. Đóng cửa kinh doanh, tất cả vô hợp tác xã, chế độ tem phiếu. Muốn có miếng bít-tết phải lò dò trong đêm gõ cửa một nông trại quen biết, chủ trại xẻo “sống” một miếng thịt trên con bò, rồi băng lại, hèn chi con bò sẹo đầy mình.

Tất nhiên, bộ phim chế giễu này bị tòa đại sứ Trung Quốc tại Pháp phản đối kịch liệt: Chúng tôi đâu có ý đồ xâm lược ai bao giờ đâu! Kẹt cái bộ phim được chiếu chỉ vài tuần sau vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1-1974, truyền hình, báo chí thế giới và Pháp dạo đó đăng đầy, rồi sinh viên Việt Nam biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Paris nên càng gây ồn ào!

Không, ông Tập chinh phục nước Ý không bằng quả đấm dứ như ở nơi khác, mà bằng sức mạnh mềm. Trong bài viết “Chuyến thăm của Tập Cận Bình: Một hiệp ước chiến lược với Ý”, ký tên ông Tập đăng trên tờ Corriere del Sera của Ý, ông tự giới thiệu:

“Chúng tôi đã sẵn sàng, cùng với đối tác Ý, xây dựng Vành đai và con đường - Con đường tơ lụa mới, phát triển đầy đủ các thế mạnh lịch sử, văn hóa và địa lý mà sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Vành đai và con đường có thể mang lại”.

Tại sao ông Tập lại nhắc đến “thế mạnh lịch sử, văn hóa và địa lý”? Trung Quốc có thói quen viện dẫn lịch sử để chứng minh hiện tại.

Lần này với “Con đường tơ lụa mới” mà ông đã rủ được nước Ý tham gia, ông Tập không tiếc công dẫn chứng lịch sử, vừa để mối quan hệ chiến lược toàn diện 15 năm tuổi Trung - Ý thêm “cơ sở lý luận”, vừa để các nước châu Âu khác bớt xem Trung Quốc như là một ngoại nhân đột nhập: “Trung Quốc và Ý là biểu tượng của nền văn minh phương Đông và phương Tây, và đã viết nên một số chương quan trọng và ý nghĩa nhất trong lịch sử văn minh nhân loại…

Mối liên hệ giữa hai nền văn minh lớn, Trung Quốc và Ý, có nguồn gốc lịch sử. Hơn hai nghìn năm trước, Con đường tơ lụa cổ đại cho phép kết nối Trung Quốc cổ đại và La Mã cổ đại, bất chấp khoảng cách lớn lao ngăn cách… Nhà Hán đã phái Cam Anh đi tìm hiểu Đại Tần (cách người Hán gọi đế chế La Mã), trong khi trong các bài thơ Virgil và tác phẩm của nhà địa lý La Mã Pomponio Mela có nhiều viện dẫn đến “Đất nước tơ lụa”.

Tác phẩm Miêu tả thế giới của Marco Polo (một người Ý) đã giải phóng “niềm đam mê Trung Quốc” lần đầu tiên trong lịch sử phương Tây, và ông trở thành người tiên phong tiếp xúc các nền văn hóa phương Đông và phương Tây”. (Trên thực tế, Cam Anh đi về phía tây theo chỉ thị của danh tướng thời Đông Hán Ban Siêu vào năm 97, chưa hề đặt chân tới La Mã. Nơi xa nhất ông tới là vịnh Ba Tư).

Người đọc Ý có thể thấy an tâm khi “Con đường tơ lụa mới” mà Thủ tướng Giuseppe Conte của họ ký kết tham gia chẳng xa lạ gì mà là nối tiếp hành trình của tổ tiên Marco Polo. Họ cũng không chỉ sướng tai khi ông Tập nhắc đến nhà thơ cổ đại Virgil mà còn thấy ông trích cả nhà văn lớn của thế kỷ 20 để kết luận về sự dấn thân này của chính phủ Conte: “Nhà văn nổi tiếng người Ý Alberto Moravia đã viết: “Tình bạn không được chọn một cách ngẫu nhiên mà theo những đam mê chi phối chúng ta”.

Những “đam mê” chung tạo nên “tình bạn” ấy là gì nếu không phải là “Con đường tơ lụa mới” cùng các dự án của Trung Quốc ở Ý tới đây: “Chúng tôi cam kết gắn ý tưởng kết nối của sáng kiến Con đường tơ lụa mới với các dự án “xây dựng cảng phía bắc” và “đầu tư vào Ý” nhằm tạo ra một kỷ nguyên mới cho Vành đai và con đường trong các lĩnh vực như hàng hải, hàng không, hàng không vũ trụ và văn hóa”.

Ảnh: FAIR
Ảnh: FAIR

 

Sức mạnh kim tiền

Ông Tập đã khéo léo gắn Vành đai và con đường với các dự án của một nước Ý đang rất cần xây dựng mới cơ sở hạ tầng, song lại thiếu vốn và nợ nần. Bởi thế, 29 hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ được ký kết, mà 2/3 là giữa các tổ chức nhà nước, ước tính sẽ mang về ngay lập tức 2,5 tỉ euro và thêm 20 tỉ euro tiềm năng nữa, chính là “bình khí oxy” mới cho “con bệnh Ý”. Theo Euronews ngày 4-2: “Nợ công của Ý đang gây lo lắng.

Các ngân hàng Ý đã vay hơn 435 tỉ euro từ các ngân hàng châu Âu. Trong đó cho vay nhiều nhất là các ngân hàng Pháp và Đức. Lãi suất cho vay với Ý tăng cao liên tục, trong khi nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái quý 4-2018”.

Trong cơn túng quẫn đó, đồng vốn từ Vành đai và con đường cùng các nhà đầu tư Trung Quốc, sau làn sóng du khách Trung Quốc tràn ngập Venice khiến Ý phải cho cảnh sát Trung Quốc qua cùng tuần tra, quả là phao cứu sinh. Có mở cảng Genova và Trieste cho đầu tư Trung Quốc vào cũng là “đôi bên cùng có lợi”.

Ý thì sửa sang, nâng cấp các cảng lớn của mình, còn Trung Quốc có đầu cầu ở đấy. Theo kế hoạch cải cách lĩnh vực cảng và hậu cần do Bộ trưởng Giao thông và hạ tầng Graziano Delrio đề xướng, chỉ cần đầu tư 450 triệu euro mỗi năm cũng đủ làm các cảng biển của Ý hiệu quả và cạnh tranh hơn ở cấp độ toàn cầu. Con số cho thấy vai trò của nguồn tiền Trung Quốc lớn ra sao.

Sau Ý, ông Tập Cận Bình đã tới thăm Pháp, nơi Tổng thống Emmanuel Macron đã ra lệnh cấm biểu tình ở Khải Hoàn Môn trước đó một tuần nhằm chuẩn bị cho cuộc đón tiếp. Chuyến thăm được đánh dấu bởi một đơn đặt hàng khổng lồ 300 chiếc Airbus giữa Công ty thiết bị hàng không nhà nước Trung Quốc CASC với Tập đoàn Airbus, với giá trị tổng cộng 35 tỉ USD.

Thêm vào đó là các thỏa thuận 10 tỉ euro giữa Công ty điện lực Pháp EDF với đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực điện gió, và hợp đồng của Công ty vận tải CMA-CGM mua 10 tàu chở container được đóng tại Trung Quốc với giá 1,2 tỉ euro.

Paris và Bắc Kinh cũng tuyên bố hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là trong việc khám phá Mặt trăng, và hợp tác văn hóa với việc khai trương trung tâm triển lãm nghệ thuật Beaubourg ở Thượng Hải tháng 11 tới.

Hai bên cũng loan báo quyết tâm bảo vệ một “chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ”. “Không một quốc gia nào, dù hùng mạnh đến đâu, lại có thể chiến thắng nếu hệ thống đa phương sụp đổ. Vào thời điểm mà sự cân bằng của thế giới đang nghiêng ngả, Trung Quốc và Pháp có trách nhiệm xây dựng trạng thái cân bằng của ngày mai”.

Xem ra, đồng tiền quả biết nói năng!■

Thiệt ra, Ý không phải là nước duy nhất ở châu Âu không ái ngại Vành đai và con đường. Công quốc Monaco - mà ông Tập thăm hôm chủ nhật, 24-3 - rất hân hạnh khi “lãnh đạo nước lớn nhất thế giới thăm nước hầu như nhỏ nhất thế giới” (Monaco có diện tích chỉ 2km², dân số khoảng 35.000 người). Năm ngoái, Monaco đã ký hợp đồng mạng 5G với Công ty Huawei. Có gì phải sợ khi mà kinh tế gồm du lịch, casino, ngân hàng là chính.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận