Biển Đông thời Donald Trump

DANH ĐỨC 25/11/2020 21:11 GMT+7

TTCT - Có thể nói bốn năm qua là thời gian của sự quay trở lại Biển Đông của Mỹ, nhất là từ năm 2019, vấn đề là đã có những gì thay đổi?


Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien lắng nghe những câu hỏi của sinh viên Học viện Ngoại giao. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Sau khi thực hiện chuyến đi qua eo biển Đài Loan định kỳ lần thứ tư trong năm nay, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Barry (DDG 52) đã trở lại Biển Đông vào hôm 21-11 để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ngày hôm sau tại Hà Nội, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện truyền cảm hứng với những sinh viên trẻ của Học viện Ngoại giao. Qua thứ hai 23-11, ông O’Brien đến Manila trao một số vũ khí chính xác giúp quân đội Philippines giải quyết chiến sự với du kích phản loạn tại Mindanao.

Những cam kết cuối trào

Có thể thấy rằng cho đến những tuần lễ cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, các thành viên chính quyền ông vẫn liên tục có các hoạt động nghị sự nhằm củng cố và phát triển quan hệ đồng minh và đối tác với các nước ven Biển Đông. Ông Trump dù không tiếp xúc trực tiếp với ASEAN, song các thành viên cấp cao chính phủ cũng như lực lượng võ trang Mỹ đã ra mặt hoạt động hơn bao giờ hết cùng ASEAN trong khuôn khổ thực thi kế hoạch Ấn Độ - Thái Bình Dương mà ông Trump đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng 2017. Sự gia tăng hoạt động cả ngoại giao lẫn quốc phòng này cho thấy ít nhất ông Trump cũng "nói được, làm được" ít nhiều, tạo nên sự khác biệt so với các trào tổng thống tiền nhiệm.

Cuối tháng 10 vừa rồi, Ngoại trưởng Mike Pompeo vào giờ chót đã bổ sung chặng Hà Nội vào vòng công du châu Á, theo The Diplomat 29-10. Chính thức mà nói là để kỷ niệm 25 năm quan hệ Mỹ - Việt, song, nếu nhìn lên bản đồ sẽ thấy đây là chặng bổ sung cần thiết để hoàn tất vòng cung Ấn Độ - Thái Bình Dương qua lộ trình Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia, và Việt Nam.

25 năm quan hệ chưa là nhiều, nhưng cũng chính vì thế mà Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng tôn trọng người dân Việt Nam và chủ quyền của đất nước quý vị”. Đoan chắc tôn trọng chủ quyền cũng là điều mà Cố vấn an ninh quốc gia O’Brien tuyên xưng trong chuyến thăm cuối tuần rồi, không đầy một tháng sau chuyến ghé của ông Pompeo. Ông O’Brien giải thích đâu là nền tảng quan hệ hai nước: “Tình hữu nghị của chúng ta được xây dựng dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng sâu sắc đối với tự do, độc lập và chủ quyền của nhau”.

“Tôn trọng chủ quyền”, từ khóa của bài nói chuyện tại Học viện Ngoại giao Hà Nội, cũng là một cam kết trấn an: “Hệ thống chính trị của chúng ta có thể khác nhau, nhưng trong các bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Việt Nam, các giá trị giống nhau đã được ghi nhận”. Trước cử tọa là sinh viên ngoại giao, ông O’Brien gián tiếp trả lời những băn khoăn, nếu có: “Trong suốt lịch sử của mình, nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân Mỹ, đã chống lại những kẻ tìm cách xâm phạm chủ quyền của các bạn - hi sinh bản thân mình để giữ gìn sự khác biệt và không gian chiến lược của Việt Nam”. Rồi ông cam kết “không lật kèo”: “Chúng tôi tôn trọng lòng yêu nước của các bạn, tầm nhìn của các bạn, quyết tâm của các bạn và đam mê của các bạn đối với một đất nước độc lập và thực sự có chủ quyền, không khuất phục nước khác”.

Ông còn giải thích chính sách can dự của Hoa Kỳ với khu vực và Biển Đông, mà ông cho là chỉ có thể “…dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải”, chớ không phải “cứ kẻ mạnh là có quyền”. Từ chân lý toàn cầu đó, Cố vấn O’Brien rọi vào chính sách của Hoa Kỳ: “Đó chính là lý do tại sao Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn chống lại hành động cưỡng bức bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông và các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng ở khu vực sông Mekong”. Trước cử tọa là những nhà ngoại giao tương lai, ông nhắc nhở nghĩa vụ với các thế hệ sau: “Từ Biển Đông đến ven bờ sông Mekong, các tài nguyên phong phú của đất nước các bạn thuộc về con cháu các bạn. Di sản thừa kế đó không thể bị lấy đi đơn giản chỉ vì một người hàng xóm lớn hơn cứ muốn biến những gì là của các bạn thành của riêng họ”.

Ông cũng cho biết, sau cuộc gặp các lãnh đạo Việt Nam, rằng các quan ngại được nêu ra là về “các hành động của Trung Quốc nhằm ngăn cản Việt Nam khai thác các nguồn tài nguyên ngoài khơi như cá và khí đốt tự nhiên”. Và rằng đã nghe đến những quan tâm về việc “chia sẻ thông tin quân sự nhiều hơn cũng như về việc có thêm thiết bị bổ sung từ Cảnh sát biển Hoa Kỳ để bảo vệ tốt hơn các khu vực hàng hải”.

Hiện diện liên tục

4 năm qua trong trào Tổng thống Trump, Hải quân Mỹ đã tiến hành các nhiệm vụ thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) nhiều hơn trước. “Việc liên tục hiện diện ở Biển Đông là rất quan trọng trong việc duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” - hạm trưởng Chris Gahl của chiếc USS Barry tuyên bố. “Quyền tự do đi lại của tất cả quốc gia trong các vùng biển quốc tế là cực kỳ quan trọng. Việc đi qua eo biển Đài Loan ngày hôm qua đã đảm bảo quyền và tạo niềm tin cho tất cả các quốc gia trong thương mại và giao thông ở Biển Đông”. Có hai ý chính trong thông điệp của ông Gahl: (1) giữ cho khu vực bình yên, và (2) một số quốc gia đang có những e ngại về giao thương qua Biển Đông, nên cần “tạo niềm tin” cho các nước này.

Trên mặt trận ngoại giao, Hoa Kỳ cũng đã tỏ ra rất tích cực ở khu vực trong năm cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Một ví dụ là thông báo ngày 6-4: “Chúng tôi thực sự lo ngại trước các báo cáo về việc CHND Trung Hoa đánh chìm một tàu cá Việt Nam ở vùng lân cận quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Vụ việc này là mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của CHND Trung Hoa nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”. Qua thông báo này, Bộ Ngoại giao Mỹ công khai bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng khai thác sự mất tập trung hoặc dễ tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật của mình ở Biển Đông”.

Đến 1-6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công hàm về các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Công hàm nêu rõ lý do: “Do lẽ công hàm của Trung Quốc khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức không nhất quán với luật biển quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển năm 1982, và do lẽ những tuyên bố đó nhằm can thiệp bất hợp pháp vào các quyền và tự do được hưởng bởi Hoa Kỳ và tất cả các nước khác, Hoa Kỳ phải nhắc lại các phản đối chính thức của mình về những khẳng định trái pháp luật này”. Với công hàm này, lập trường và quan điểm của Hoa Kỳ đã được nâng lên hàng chính sách xuyên chính phủ trước toàn thế giới, bất kể bây giờ hay sau này là chính quyền nào đi nữa!

Tái bố trí lực lượng

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 24-6, tướng Charles Q. Brown Jr., tư lệnh không quân tại Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ, điểm lại tình hình: “Khi nhìn ra toàn khu vực, nền hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đảm bảo nhờ sự sẵn sàng hợp tác của các quốc gia tự do và sức mạnh chiến đấu của Hoa Kỳ trong khu vực. Tôi lo ngại về việc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động cơ hội nhằm ép buộc các nước láng giềng và thúc ép các tuyên bố chủ quyền biển trái pháp luật của họ trong khi khu vực và thế giới đang tập trung giải quyết đại dịch COVID”.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite thì nói hôm 17-11 trong lễ kỷ niệm 245 năm thành lập lực lượng Thủy quân lục chiến: “Trung Quốc đã thể hiện sự hung hăng trên toàn cầu, bắt đầu là vùng cực Bắc: sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực là chưa từng thấy. Gần đây nhất, tôi đã có một chuyến đi đến Viễn Đông: mọi đồng minh và đối tác của chúng ta đều lo ngại về việc Trung Quốc đã tỏ ra gây hấn như thế nào” (USNI 17-11). Bộ trưởng Braithwaite cho biết sẽ bổ sung hạm đội 1 cho hạm đội 7 và 3 nhằm giảm bớt căng thẳng cho hạm đội 7 vốn đang gánh khu vực Đông Á: “Chúng tôi muốn thành lập một hạm đội mới. Và chúng tôi muốn đặt hạm đội mới đó ở ngã tư giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và thực sự có dấu ấn của Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Hiện trong khu vực Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ có hai hạm đội: hạm đội 7 hoạt động ngoài khơi Nhật Bản và bao phủ một lượng lớn không gian từ múi giờ 0 đến biên giới Ấn Độ - Pakistan, còn hạm đội 3 hoạt động ngoài khơi San Diego và bao phủ từ múi giờ 0 đến Bờ Tây Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Braithwaite cũng cho biết ông sẽ đến Ấn Độ để thảo luận về cả những thách thức an ninh của nước này và cách Hải quân Mỹ có thể giúp Ấn Độ, cũng như cách Ấn Độ có thể giúp Mỹ. Ông Braithwaite nói rõ Mỹ sẽ không hành động một mình, và sẽ cần sự hỗ trợ của các quốc gia trên Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Đây thực ra là điều mà Hải quân Mỹ vốn đang làm cùng các nước rồi. Đầu tháng 11, khu trục hạm USS John S. McCain đã diễn tập cùng các tàu HMAS Ballarat II của Úc, và JS Oonami của Nhật trên Ấn Độ Dương… Diễn tập của nhóm tàu ba bên này tiếp nối giai đoạn thứ nhất của cuộc tập trận MALABAR do Hải quân Ấn Độ chủ trì ở vịnh Bengal. Hạm trưởng chiếc USS John S. McCain giải thích ý nghĩa của cuộc diễn tập: “Ở Ấn Độ Dương này, hoạt động của chúng tôi với các tàu của Úc và Nhật Bản không chỉ củng cố liên minh các quốc gia chúng ta, mà còn cho phần còn lại của thế giới thấy rằng chúng ta sẵn sàng ứng phó bất kỳ hành động nào đe dọa quyền tiếp cận mở đường hàng hải và hàng không của mọi người” (theo dvidshub.net 8-11). 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận