Ăn rừng, nuôi rừng 

NGUYỄN ĐỨC LAM 12/08/2017 15:08 GMT+7

TTCT - Mất rừng đã được chỉ ra là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến các trận lũ lớn gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền núi (và cả miền xuôi) từ nhiều năm nay, mà mới đây nhất là ở Yên Bái và Sơn La.

Cô bé Giàng Thị Mái vớt gỗ từ lòng suối Nậm Kim lên bờ. Cơn lũ lớn tại Mù Cang Chải đã đưa một lượng lớn gỗ và củi từ trên đỉnh núi xuống lòng suối.-Ảnh: Nguyễn Khánh
Cô bé Giàng Thị Mái vớt gỗ từ lòng suối Nậm Kim lên bờ. Cơn lũ lớn tại Mù Cang Chải đã đưa một lượng lớn gỗ và củi từ trên đỉnh núi xuống lòng suối.-Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Một phóng sự ảnh trên trang VietNamNet ngày 4-8 vừa qua đã mô tả cận cảnh 4km chiều dài của hồ tích nước thủy điện tại xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) biến thành “hồ củi” với khối lượng cực lớn. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, bất cứ người nào cũng có thể vớt được hàng khối củi.

Liệu có phải trận lũ ống lịch sử xảy ra trước đó một ngày đã phơi bày hết những tổn thương của các khu rừng, từ trước đó, nơi mọi loại cây đã bị chặt, bị cưa, bị đốn?

Dù khó có câu trả lời khẳng định hoàn toàn, nhưng mất rừng đã được chỉ ra là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến các trận lũ lớn gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền núi (và cả miền xuôi) từ nhiều năm nay, mà mới đây nhất là ở Yên Bái và Sơn La.

Chúng ta “ăn rừng”

Vào giữa thế kỷ 20, nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas đã viết về cuộc sống của người M’Nông Gar, một nhánh của tộc người M’Nông, trong tác phẩm Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô.

Đó là đời sống của một làng M’Nông Gar theo chu kỳ năm nông nghiệp, nhưng lại không tính bằng ngày tháng mà bằng cách gọi tên khoảnh rừng làng đã khai phá để làm ra cái ăn trong năm nông nghiệp ấy, cái năm làng “ăn” khoảnh rừng đó.

Nếu theo cách tính này, liệu trong mấy chục năm qua, người Việt Nam chúng ta đã “ăn” bao nhiêu khoảnh rừng, bao nhiêu cánh rừng?

Thực ra, tỉ lệ che phủ của rừng trên toàn quốc vào năm 1943 là 43%; hơn 30 năm chiến tranh làm giảm xuống còn 33,8% vào năm 1976; giảm thấp nhất còn 28% vào các năm 1990-1995; sau đó tăng dần lên giữ ở mức trên dưới 40% vào những năm 2009-2015, như năm 2015 tỉ lệ che phủ của rừng trên toàn quốc là 40,8%.

Như vậy, nhìn trên bề mặt, màu xanh của rừng hiện giờ phủ gần như bằng năm 1943. Thậm chí ở Yên Bái năm 2015, độ che phủ của rừng đạt 62,2%, thuộc nhóm cao nhất nước.

Thế nhưng, hơn bảy thập kỷ trước, đó hoàn toàn là rừng tự nhiên.

Chỉ có rừng tự nhiên với hệ thực vật đa dạng, nhiều loại cây đan chen nhiều tầng mới thật sự có tác dụng giữ nước, giữ độ ẩm giàu có cho đất, theo các mạch ngầm rỉ ra tiếp nước cho các dòng sông, cho các vùng đồng bằng hạ lưu, ngăn lũ.

Trong khi đó, hiện nay rừng tự nhiên không còn bao nhiêu.

Số liệu chính thức cho thấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất là nguyên nhân lớn nhất làm giảm diện tích rừng.

Cao su, sắn, cà phê, hạt tiêu dù mang lại lợi ích kinh tế nhưng thường không được đặt trong mối tương quan với những chi phí, thiệt hại kéo theo như: không thể thay thế rừng giữ nước, làm đất cằn cỗi, khô hạn, không cản được lũ.

Hoặc việc xây dựng thủy điện làm diện tích đất rừng bị thu hẹp, tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng.

Bên cạnh đó, nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn, các loại gỗ to, gỗ lâu năm, gỗ quý được vận chuyển ra khỏi rừng mang đi tiêu thụ mà không vấp phải sự ngăn chặn của cơ quan chức năng. Điều này khiến dấy lên những nghi ngờ rằng có nơi chính quyền bao che, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Rừng luật và luật rừng

Sau khi Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 được thông qua, đến năm 2016, hơn 120 văn bản dưới luật gồm nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng, thông tư của các bộ đã được ban hành ở trung ương nhằm hướng dẫn thi hành luật.

Không những thế, ở địa phương, HĐND và UBND cũng cho ra các văn bản về bảo vệ, phát triển rừng; cộng thêm nhiều quy định khác ở các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, môi trường, khai khoáng liên quan đến rừng.

Những văn bản này tạo hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh để điều chỉnh các hành vi trong khai thác, bảo vệ, phát triển rừng.

Nhìn từ mặt khác, có thể nói mặc dù có một “rừng luật” nhưng việc bảo vệ rừng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) có đoạn: “Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp”.

Trong việc bảo vệ rừng, bên cạnh pháp luật của Nhà nước còn có “luật của rừng”, luật tục - luật lệ linh thiêng của những người đã sinh ra và lớn lên trong rừng.

Luật tục Ê Đê, M’Nông, hay của nhiều bộ tộc khác ở Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, Trung Bộ cũng cho thấy rừng là môi trường sinh tồn, nuôi sống con người.

Người Ê Đê quan niệm “đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà”; đó không phải là tài sản để buôn bán, giao dịch, “phát đất để làm ăn sinh sống nhưng không phải bán kiếm tiền”.

Đó là môi trường sống của cộng đồng, ở đâu rừng không còn thì ở đó nguồn nước cạn. Cho nên người Ê Đê, M’Nông khai thác rừng cẩn trọng theo cách “nuôi rừng” để “ăn rừng”.

Luật tục của họ quy định từ việc chặt rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng thiêng, không xúc phạm thần núi, đất rừng - đất rẫy, tập tục làm rẫy, săn bắt thú rừng...

Các tộc người vùng Tây Nguyên như Ê Đê, M’Nông không phá rừng làm rẫy; rừng cây to không bao giờ dân dám tự tiện vào chặt cây, mà phải xin phép thần cây, thần rừng, phải cúng. Người ta chỉ đốt rừng, làm rẫy loại rừng cây nhỏ.

Người Ê Đê, M’Nông rất tuân thủ luật tục của mình về đất, rừng, sông suối, đây có thể là nguồn bổ trợ cho pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như rừng.

Hai người đàn ông đang cố gắng xẻ một khúc gỗ mới vớt lên được từ lòng suối Nậm Kim (Mù Cang Chải).-Ảnh: Nguyễn Khánh
Hai người đàn ông đang cố gắng xẻ một khúc gỗ mới vớt lên được từ lòng suối Nậm Kim (Mù Cang Chải).-Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Nuôi rừng

Năm 2016, trong đợt lũ quét ở Lào Cai, Sải Duần là thôn duy nhất của xã Phìn Ngan không bị lũ quét nhờ những thân cây lớn đã che chắn.

Những cây rừng lớn lên được lại nhờ từ hơn 30 năm trước người dân đã giữ rừng, lập đội tuần tra, giữ tất cả những người vào chặt cây trong rừng và bắt nộp phạt.

Còn trên phạm vi toàn quốc, những cuộc khảo sát, nghiên cứu khác nhau đều chỉ ra cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò chủ chốt trong bảo vệ rừng, giống các chủ rừng nhà nước khác như ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp. Nhiều khi họ bảo vệ rừng còn tốt hơn ban quản lý.

Chính quyền địa phương ở một số nơi như Đắk Nông, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Sơn La đã ghi nhận cộng đồng dân thôn bản bảo vệ rừng tốt hơn các chủ rừng nhà nước nhiều.

Thậm chí vào năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi hơn 850ha rừng tự nhiên của một công ty lâm nghiệp để giao cho người dân thôn Bu Nor quản lý.

Thế nhưng, quyền của cộng đồng đối với rừng chưa đủ tạo động lực để tham gia hiệu quả vào việc bảo vệ rừng một cách bền vững.

Theo Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, họ chỉ được coi là người sử dụng rừng chứ không phải chủ rừng, cho nên quyền ít hơn nhiều. Chẳng hạn, do không có quyền thế chấp, cho thuê, hoặc góp vốn kinh doanh từ rừng được giao, người dân đã không thể huy động được vốn để đầu tư vào rừng, nên không nhìn thấy bất kỳ phương án kinh tế khả thi nào để duy trì khu rừng cộng đồng của họ.

Tình trạng này, cùng với việc quyền khai thác bị hạn chế, tiền hỗ trợ từ Nhà nước quá nhỏ, không được hưởng lợi từ việc phát hiện, bắt giữ lâm tặc đã làm người dân mất đi động lực, bỏ bê tuần tra, bảo vệ rừng hoặc trả lại rừng được giao, thậm chí khai thác trộm ngay trong khu rừng họ quản lý.

Hơn nữa, trong số hơn 18.000 cộng đồng thôn bản sống trong hoặc quanh rừng mới chỉ có khoảng 10.000 có quyền pháp lý đối với rừng, mặc dù hầu hết họ đều nghèo và sống phụ thuộc vào rừng (theo Trung tâm vì con người và rừng - RECOFTC, năm 2016).

Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng trình Quốc hội giữa năm nay đã đề xuất khắc phục điều này bằng cách đưa ra quy định: các cộng đồng địa phương được công nhận là chủ rừng hợp pháp.

Các quyền của họ đối với rừng phải được mở rộng, bao gồm khai thác lâm sản không những cho nhu cầu gia dụng mà còn cho mục đích thương mại nếu họ muốn phát triển các doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng; quyền cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao.

Bên cạnh đó, ở những nơi các cộng đồng địa phương chưa được giao rừng, Nhà nước nên tiến hành giao rừng cho dân lấy từ diện tích rừng hiện thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã.

Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho UBND các xã vốn không có nguồn lực để quản lý rừng, đồng thời trao cơ hội cho các cộng đồng địa phương quản lý tài nguyên rừng và phát triển sinh kế một cách bền vững.

Ở phương diện xây dựng luật, chúng ta nên học hỏi các quốc gia như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Brazil - những nơi đang nhấn mạnh tính bền vững trong bảo vệ, khai thác, sử dụng rừng.

Nguyên tắc khai thác rừng mà không làm suy giảm chức năng của rừng được coi là ưu tiên số một trong quản lý và sử dụng rừng.

Chính vì thế, luật cần quy định rõ ràng về việc gỗ và sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc hợp pháp được xác định qua việc yêu cầu về chứng chỉ rừng. Cuối cùng, như nhà văn Nguyên Ngọc từng quan sát, đừng thấy rừng là gỗ, mà hãy thấy rừng là Mẹ, là cội nguồn sự sống, là tôn trọng tự nhiên, là phụng dưỡng rừng.■

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Quốc hội năm 2017, trong 10 năm (2006 - 2015), diện tích rừng trên toàn quốc giảm gần 107.000 ha, trong đó giai đoạn 2006 - 2010 giảm hơn 70.000 ha; diện tích rừng tự nhiên năm 2015 là 246.004,65 ha, giảm so với năm 2014 là 5.077,3 ha.

Các nguyên nhân chủ yếu làm giảm diện tích rừng gồm: do chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hơn 51.000 ha; do bị thiệt hại hơn 39.000 ha; do cháy rừng hơn 22.000 ha; phá rừng trái phép như phá rừng làm nương rẫy làm giảm 17.000 ha.

Cũng trong khoảng thời gian đó, có khoảng 327.000 vụ vi phạm liên quan đến rừng. Trong đó, hơn 159.000 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, chiếm gần 50% tổng số vụ; 31.000 vụ khai thác rừng trái phép, tức gần 10%; phá rừng làm nương rẫy có khoảng 24.000 vụ, chiếm hơn 7%; cháy rừng có khoảng 45.000 vụ, chiếm 1,4% số vụ; vi phạm về chế biến gỗ có gần 12.000 vụ.

Một già làng Ê Đê nói với chuyên gia xã hội học nghiên cứu về luật tục Ê Đê: “Ở buôn mình có ít rừng thông, chỗ gần khu mộ địa của buôn đó, dân tự giác giữ lắm. Chả ai động vào cây. Ngày xưa cây cối nhiều, dân làng đâu có chặt phá, không dám đâu, mà chặt sao nổi.

Mấy chục năm trước, không biết người ở đâu đến, đông lắm, họ mang gỗ đi. Bây giờ ra bến nước còn mỗi cái cây to của cả buôn”.

Theo luật tục Ê Đê, các thế hệ phải trông nom để “đất đai mãi mãi tươi tốt, sông suối không ngừng chảy, chuối mía mọc xum xuê”

(trích "Luật tục Ê Đê và một nền tư pháp hòa giải" của TS Trương Thị Hiền).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận