Tài sản tham nhũng chính là phúc lợi xã hội bị tước đoạt

DANH ĐỨC 10/12/2017 02:12 GMT+7

TTCT - Những vụ “bốc hơi” người và của cải vừa qua không khỏi khiến ta băn khoăn: liệu có chút cơ may nào ngăn chặn nạn dịch này?

mh
Hãy chấm dứt tham nhũng

 

Câu trả lời là có. Thế giới vẫn đang chống tham nhũng không ngơi nghỉ trong sự cộng tác với nhau. Và ngày 9-12 này, cả thế giới sẽ tham gia “Ngày quốc tế chống tham nhũng” - một ngày do Liên Hiệp Quốc (LHQ) đặt ra bên cạnh những ngày như “Ngày thiếu nhi”, “Ngày của nước”, “Ngày Trái đất”.

Yêu cầu thông tin, giáo dục chống tham nhũng 

Sự thiếu vắng tin tức về công cuộc chống tham nhũng trên toàn cầu dễ tạo ra cảm giác rằng “ta” đang cô độc chống tham nhũng, nên chống theo kiểu của ta được tới đâu hay đó.

Một trong những bằng chứng của sự thiếu thông tin này là không mấy người hay biết rằng ở Việt Nam cũng có một cơ sở của UNDOC (Cơ quan LHQ về ma túy và tội ác) chuyên chống tham nhũng (tham nhũng là một tội ác).

Có lẽ cơ quan UNDOC âm thầm hơn số các cơ quan khác thuộc LHQ đang hoạt động tại Việt Nam là do ít tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp với công chúng hơn WB (Ngân hàng Thế giới) hay UNDP (Chương trình phát triển LHQ), IFM (Quỹ Tiền tệ quốc tế).

Các tổ chức khác như WHO (Tổ chức Y tế thế giới), UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ), UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ), IOM (Tổ chức Di dân quốc tế), ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) cũng thường được nghe nói tới nhiều hơn do tính tiếp cận rộng rãi với công chúng trong hoạt động của các tổ chức này.

Sự im ắng về công cuộc chống tham nhũng đó có thể được chỉnh sửa bằng cách áp dụng đúng những yêu cầu thật khiêm tốn từ phía LHQ như có thể thấy qua nội dung tổ chức Ngày quốc tế chống tham nhũng năm nay. LHQ yêu cầu:

1/ Thông tin cho công chúng về nghĩa vụ của nhà nước là (làm sao) để không có tham nhũng. Công lý phải công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người là tối quan trọng cho sự ổn định và tăng trưởng của một quốc gia. Điều đó cũng giúp chống tội phạm có hiệu quả.

2/ Thu hút sự chú ý của công chúng, các phương tiện truyền thông và chính quyền các cấp đến cái giá của nạn tham nhũng đối với các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như y tế và giáo dục. Khi các dịch vụ cơ bản (này) hoạt động, cả xã hội sẽ được hưởng.

3/ Dạy cho những người trẻ tuổi ở nước bạn thế nào là một hành vi đạo đức, thế nào là tham nhũng, và làm thế nào để chống lại nó, và khuyến khích họ đòi hỏi quyền được học hành. Nâng niềm tin của các thế hệ công dân tương lai rằng các nhà nước phải không bị tham nhũng chính là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo với công dân một tương lai tốt đẹp hơn cho họ.

Yêu cầu đầu tiên mà LHQ vạch ra quá rõ ràng, cụ thể và hoàn toàn có thể noi theo được. Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng một khi thanh niên ghi khắc trong đầu khái niệm tối thượng là các nhà nước phải không bị tham nhũng, thì một mai khi họ lên kế thừa, họ sẽ “dị ứng” sẵn với tham nhũng.

Yêu cầu thứ nhì càng củng cố ý thức chống tham nhũng. Cho tới nay, không ít người khi thấy kẻ này giàu phất trong chớp mắt, kẻ kia của cải năm đời ăn không hết, chỉ biết chép miệng rồi thôi, mà không hề nghĩ rằng những tài sản bị tham ô đó chính là những phúc lợi tối thiểu họ bị tước mất là y tế, giáo dục, đường sá...

Thực hiện yêu cầu thứ ba, giáo dục thanh niên thế nào là hành vi đạo đức, cùng lúc với thực hiện yêu cầu thứ nhất, chính là gieo mầm cho một nền văn hóa miễn nhiễm với tham nhũng.

“Ngày hội trồng cây” rủ nhau đi trồng cây, hi vọng sẽ có được một cây cao bóng cả sau này nếu được chăm bón bền vững. Còn “trồng” thế nào là một hành vi đạo đức, thế nào là tham nhũng, và làm thế nào để chống lại thì chính là “trồng” một đội ngũ kế thừa “sạch”.

Có thể thấy khi LHQ đề ra ba yêu cầu thông tin, giáo dục chống tham nhũng nêu trên chính là để giúp người dân các nước hiểu rằng chống tham nhũng là nghĩa vụ của các nhà nước, và rằng họ cũng góp phần trong đó, ngay từ khi còn là thanh niên.

Tăng cộng tác trong xử lý các vụ "bốc hơi" 

Không chỉ hô hào “lý thuyết”, mới tháng 11 vừa qua, từ ngày 6 đến ngày 10, khóa họp thứ 7 của Hội nghị các quốc gia tham gia Công ước LHQ chống tham nhũng nhóm họp tại Vienna đã đưa ra một số nghị quyết, trong đó có thể nêu các điều khoản đặc biệt nhằm xử lý nạn “bốc hơi” người và của như trong các khoản thuộc mục C như sau:

1. Yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên, trong khuôn khổ công ước và phù hợp với pháp luật trong nước, thực hiện các biện pháp cụ thể và tăng cường hợp tác để giữ bất kỳ các thể nhân hoặc pháp nhân nào đã thực hiện hoặc dính líu đến một hành vi tham nhũng phải giải trình, và thu hồi số tiền thu được do tội phạm bằng cách từ chối cho ẩn náu an toàn các thể nhân hay pháp nhân đó...;

3. Yêu cầu các quốc gia thành viên, khi thích hợp và phù hợp với các nguyên tắc pháp lý trong nước của họ, loại bỏ các rào cản đối với việc thu hồi tài sản, bao gồm đơn giản hóa các thủ tục pháp lý trong khi vẫn phòng ngừa việc lạm dụng các thủ tục đó, và xử lý các yêu cầu trợ giúp một cách nhanh chóng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế theo các chương IV và V của công ước, thừa nhận các nguyên tắc cơ bản của quá trình hợp pháp, trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự hoặc hành chính để xét xử các quyền về tài sản.

4. Đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên sử dụng công ước làm cơ sở pháp lý cho sự trợ giúp pháp lý lẫn nhau, đặc biệt là khi không có các hiệp ước song phương hoặc đa phương khác, phù hợp với điều 46, khoản 7 của công ước.

Có thể thấy ba khoản 1, 3, 4 trên đã tháo gỡ một số vướng mắc trong hợp tác quốc tế khi cần xử lý những trường hợp “bốc hơi” người và của cho tới nay vẫn kẹt cứng vì hai bên chưa có các hiệp ước song phương hay đa phương.

Đặc biệt khi nêu rõ cho phép bắt giữ những kẻ “đã... dính líu đến một hành vi tham nhũng phải giải trình”, chỉ cần “dính líu” thôi cũng đủ để bị yêu cầu hợp tác bắt giữ, không cần đợi tòa án phán quyết có tội, đã là một sự tháo gỡ vô cùng to lớn.

Từ nay, có thể hi vọng sẽ xử lý được những vụ “bốc hơi” gây tổn thất tài sản quốc gia và khiến dư luận căm phẫn.

Siết chặt nội bộ

Không chỉ yêu cầu các nước “đến” tháo gỡ các rào cản trong việc xử lý những kẻ đào tẩu ôm tài sản vơ vét được, nghị quyết trên còn nêu rõ những yêu cầu mới, nghiêm khắc đối với các nước xuất phát các vụ “bốc hơi”:

“6. Ngoài ra, cũng kêu gọi các quốc gia thành viên, phù hợp với điều 52 của công ước, có những biện pháp và, nếu phù hợp, củng cố các quy định, phù hợp với luật pháp trong nước mình, yêu cầu các tổ chức tài chính thuộc thẩm quyền của mình tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các tài khoản được duy trì bởi hoặc nhân danh các cá nhân đã được ủy thác qua các chức vụ công quyền then chốt và các thành viên gia đình của họ cùng các cộng sự thân cận”.

Với khoản 6 này, từ nay các nhà nước sẽ phải không chỉ kiểm tra tài khoản các cá nhân chức quyền, mà cả gia quyến và vòng thân cận.

Yêu cầu mở rộng phạm vi kiểm tra tài khoản này sẽ, nếu được thực hiện, “sờ gáy” cả gia đình, họ đương... đứng tên các tài sản - một hiện tượng quá thịnh hành và cho tới nay hầu như là “bất trị” mà Việt Nam cũng đã và đang chịu đựng.

Không dừng ở kiểm tra trong nước, nghị quyết nêu trên còn: “7. Tiếp tục yêu cầu các quốc gia thành viên, phù hợp với các điều 12, 14, 40 và 52 của công ước, thực hiện các biện pháp thích hợp phù hợp với luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm các khuyến nghị của Nhóm đặc nhiệm về tài chính, nhằm thúc đẩy tính minh bạch của các pháp nhân, bao gồm việc thu thập thông tin về quyền sở hữu lợi tức và khắc phục những trở ngại không đáng có thể phát sinh từ việc áp dụng luật bảo mật ngân hàng và ngăn chặn việc chuyển tiền thu được từ tội phạm, cùng xác định các giao dịch tài chính đáng ngờ thông qua các biện pháp kiểm tra hợp lý có hiệu quả”.

Các biện pháp kiểm tra đó như thế nào sẽ hạ hồi phân giải, song chắc chắn đây là giải pháp đối phó với các vụ chuyển ngân các tài sản bất minh tới những ngân hàng mà các thân chủ tin rằng sẽ được bảo đảm tài sản bởi các “bí mật ngân hàng” của những ngân hàng đó.

Nâng cáo nhận thức về tham nhũng 

Trở lại chủ đề “Ngày quốc tế chống tham nhũng”, việc kêu gọi nâng cao nhận thức về tham nhũng nơi dân chúng là một yêu cầu then chốt trong việc phòng chống tham nhũng. Khi người dân hiểu tham nhũng là gì, đơn giản cũng như dịch sốt xuất huyết là gì, họ sẽ vỡ lẽ ra cái gì là tham nhũng và họ mất gì.

Môt trong những báo cáo “Tham nhũng và phát triển” của UNDOC, có đoạn phân tích về “xây dựng cơ sở hạ tầng hay là làm giàu các tài khoản ngân hàng” như sau: “Khi các hợp đồng lợi lộc tăng lên vì vơ vét, hối lộ, gian lận và ăn cắp, điều đó có thể gây hư hại các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Tham nhũng có thể dẫn đến việc tiền bị mất cắp mà cơ sở hạ tầng không được xây dựng hoặc xây dựng nửa vời, không đủ tiêu chuẩn và đôi khi nguy hiểm. Tiền cũng có thể được phân bổ cho các ngành mà nhu cầu không phải là lớn nhất, nhưng lại là béo bở nhất cho việc làm giàu cá nhân.

Ví dụ, một bệnh viện có thể rất cần thiết, nhưng những người có quyền lực lại có thể dẫn đến một dự án ít cần thiết hơn song lại được ưu tiên.

Cuối cùng, khi hợp đồng được trao cho các công ty kém hơn, chất lượng công trình sẽ bị tổn hại. Ngay cả sau thảm họa xảy ra cũng có thể tạo cơ hội cho các nhà khai thác phát triển tham nhũng khi mà đường, cầu, đường hầm, và có khi cả các khu dân cư cộng đồng, phải được xây dựng lại”.

Cũng thế, người dân cần hiểu rõ thế nào là tham nhũng trong y tế. Báo cáo trên của UNDOC nhấn mạnh rằng tham nhũng dẫn đến tổn thất rất lớn trong ngành y tế công cộng, nơi mà các nguồn lực còn hạn chế.

Và con số thống kê được rất choáng váng: “Ước tính ở các nước phát triển, gian lận trong chăm sóc sức khỏe và lạm dụng chi phí chiếm khoảng 12-23 tỉ đôla một năm tùy các chính phủ. Trong lĩnh vực dược phẩm, số tiền lớn lên đến 50 tỉ đôla, được dành hằng năm để mua sản phẩm, và quy mô của thị trường này làm cho nó cực kỳ dễ bị tham nhũng.

Theo đánh giá gần đây của WHO, gian lận và tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau có thể dẫn đến sự biến mất của 25% số thuốc mua được. Ở một số nước, hệ thống y tế công cộng được coi là tổ chức tham nhũng nhất trong dịch vụ công...

Tham nhũng đang làm kiệt quệ ngân sách quốc gia dành cho y tế, làm giảm khả năng cung cấp thuốc thiết yếu của chính phủ trong khi làm tăng nguy cơ các sản phẩm nguy hiểm hoặc không hiệu quả xâm nhập thị trường. Tham nhũng cũng hấp thụ các quỹ cho các cơ sở hạ tầng cần thiết như bệnh viện, phòng khám và các trường y khoa”.

Kết luận sau rất cần nhấn mạnh lại: Theo WHO, các quốc gia có mức tham nhũng cao nhất là những nước có tỉ lệ tử vong trẻ em cao nhất. Nên muốn chống tham nhũng, không chỉ đơn giản là “huy động toàn thể hệ thống chính trị”, mà là huy động nhận thức của người dân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận