Ánh sáng vĩnh cửu

TTCT - ... Dù thế nào thì việc nghe xưng tội đẩy tôi đến bờ vực tuyệt vọng. Sự đối mặt với cuộc sống trần thế của các tín hữu và tác dụng phụ độc hại của nó vượt quá sức chịu đựng của tôi...

Bức tranh Xưng tội của Giuseppe Molteni.
Bức tranh Xưng tội của Giuseppe Molteni.

 

Hôm nay nhìn lại, tôi không thể nói là mình mong đợi gì cụ thể khi con tàu chuyển bánh trong buổi sáng mưa gió xám xịt đi về Näfels. Chỉ có một điều là chắc chắn: Không cơn ác mộng tệ hại nào có thể diễn tả những gì chờ đợi tôi ở đó. Có Chúa chứng giám!

Đã đành, nhất định là tôi hơi chộn rộn trong lòng - chộn rộn vì sung sướng. Chả gì thì đợi mãi cũng đến thời khắc trang nghiêm đầu tiên. Ngày đó tôi nghĩ vậy, chắc chắn cảm giác được trưởng thành phải là như thế.

Qua vuông cửa kính, tôi nhìn ra một thế giới với những sườn đá ngày càng dốc đứng và khoảng trời dần bị núi chắn gần hết. Bóng đổ khắp nơi trong thung lũng nằm ngang này. Vậy đây là nơi làm việc đầu tiên của tôi.

Tôi mới chỉ là phó tế, nhưng hiện đang có vấn đề: thầy chủ tế ở làng mới qua đời và không lấp được chỗ trống vì quá ít người kế tục. Giáo hội Cơ Đốc cả nước thiếu chủ tế, do vậy người ta đưa ra các phó tế, như tôi, như một dạng giải pháp quá độ cho những vị trí bị khuyết. Có thể coi đó như kỳ thực tập nối dài hay đúng hơn là thử việc. Mục vụ này của tôi sẽ không đơn giản.

Nhưng trên đường đến làng tôi không hề mường tượng được điều đó. Viền hai bên đường tàu là những ngôi nhà tôn trước khi vào làng, đó là các nhà máy sản xuất chổi sơn, ống sáo đại phong cầm, may quốc kỳ Thụy Sĩ. Phía sau chúng là những cụm mây ướt nhoẹt dính vào sườn đá dốc, cứ như bị mắc kẹt giữa các tán thông.

Ngoài thành tàu, các giọt mưa hối hả trong một cuộc chạy thi, như những giọt lệ trời hấp tấp trốn tránh. Đột nhiên tôi chỉ muốn chạy khỏi đây. Hay ngồi lì trên tàu. Cứ đi mãi, đi mãi. Dường như làm gì cũng đơn giản hơn là dấn bước vào cõi mông lung.

Tàu dừng. Tôi hít một hơi thật sâu và xuống tàu. Tấm biển xanh lam ở ga đề chữ Näfels-Mollis. Tới nơi rồi. Cảm giác lo ngại tan biến khi tôi đi hết đoạn đường mòn qua đồng cỏ có tượng đài kỷ niệm trận Näfels.

Tôi đưa mắt dò xét đôi giày mà nước đã ngấm đến tất. Và khi ngửng lên thì tôi thấy nó trước mặt: nhà thờ Näfels. Ngôi nhà kiểu baroque màu trắng nổi bật trên nền núi đá chọc trời hùng tráng. Trên cao, phía sau chóp nhọn của tháp chuông là một cây thập giá xây sừng sững.

Chúa vẫn ngự trị ở đây, tôi thầm nghĩ với cảm giác ấm áp trong lòng. Nhà thờ của tôi đấy! Diện mạo của nó đánh thức lòng kiêu hãnh trong tôi. Đột nhiên tôi thấy lòng tràn đầy thành kính. Đúng là mắt chưa thấy thì tim chưa đau.

“Cha chắc là cha phó tế Benjamin Ehrsam!” - ông Ferdinand Tolder túm tay tôi và lắc như không bao giờ muốn buông ra. “Xin hân hoan mừng cha đến với cộng đoàn giáo dân! Chúng tôi rất vui đón cha!” - Tolder, người đứng đầu cộng đoàn tín hữu, nói như câu nào của ông cũng kết thúc bằng dấu chấm than.

Ông đón chào tôi thật nồng nhiệt, nhưng tôi không nén nổi nghi ngờ là bất kỳ ai có khả năng, dù chỉ tạm thời, giải quyết các vấn đề của giáo phận đều được ông đón tiếp trọng thị như vậy. “Ngày mai, thứ bảy, cha sẽ làm chủ lễ Tiệc thánh lúc chín rưỡi, buổi chiều là lễ chiều thứ bảy!” - ông ấn vào tay tôi tờ thông cáo giáo phận với các lịch làm lễ sắp tới.

“Giờ thì rốt cuộc giáo phận chúng ta sẽ có lại sự an bình, mà cũng đủ trễ rồi!”. Mãi sau này, khi đã đón nhận các chỉ dẫn của ông và chia tay ông xong xuôi, tôi mới bắt đầu ngẫm nghĩ ý ông là gì khi nói “có lại sự an bình”.

Chẳng bao lâu tôi tỏ tường mọi sự. Näfels là một cái làng mà ngay cả người lạ qua đường cũng được chào. Ai cũng biết ai, và một nửa làng có họ với nhau. Không cần ra siêu thị hay hàng bánh mì, tôi chỉ đến hàng thịt là biết mọi chuyện: nhà thờ - nhà thờ của tôi - đang vướng vào một vấn đề pháp lý, hoặc gọi theo ngôn ngữ của người địa phương là vụ bê bối.

Mà không phải chuyện thường: một vụ giết người, một món nợ cũ, và Ánh Sáng Vĩnh Cửu mà ai cũng tưởng là lung linh kiên định trên ban thờ. Tôi kinh ngạc được biết những chuyện khiến các chức sắc giáo hội đau đầu ấy đã có lịch sử lâu năm. Như thể trong từ vựng của họ không có chữ “dĩ vãng”.

Để tôi thử tóm tắt câu chuyện rối tinh ấy cho mọi người dễ nắm: Năm 1357, một kẻ tên là Konrad Müller được coi là đã đánh chết Heinrich Stucki, không rõ lý do. Để linh hồn người xấu số được thanh thản (hoặc khả năng cao hơn là tránh bị tử hình), hung thủ đã cúng tiến cho nhà thờ Ánh Sáng Vĩnh Cửu: hắn muốn mãi mãi được cung cấp dầu hồ đào để lửa thiêng không bao giờ tắt.

Tất nhiên tội đồ Konrad Müller đã rời bỏ dương thế từ lâu và những cây hồ đào trên miếng đất ngày xưa cũng chẳng còn. Và từ ít lâu nay cũng không cần dầu cho Ánh Sáng Vĩnh Cửu nữa, vì bây giờ trên ban thờ chỉ liên tục đốt nến. Nhưng dường như các chủ lô đất kế tiếp đều giữ lời thỏa thuận lịch sử và năm nào cũng góp bảy chục Franc để nhà thờ mua nến.

Nhưng bây giờ chuyện đó sẽ chấm dứt. Lô đất mang nợ nay được chủ mới thừa kế, và người ấy không chịu nộp tiền cho nhà thờ nữa. Hội đồng cộng đoàn tuy nhiên vẫn dựa vào “luật và truyền thống” để đòi món nợ ngót bảy trăm năm tuổi, do đó ông Ferdinand Tolder được cộng đoàn ủy nhiệm đưa vụ này ra tòa.

Khi tôi đến đây thì tòa án thế tục chưa phán quyết. Ít ngày sau tôi sẽ đích thân có dịp làm quen con người gây ra xích mích trần tục với giáo phận, dù là vào thời điểm ấy bà ta không nói được lời nào nữa.

Tôi xin phép được nói rằng cho đến khi có cuộc gặp mặt đó, tôi nắm tương đối chắc mọi việc. Chẳng phải lên giọng ngạo mạn làm gì, nhưng tôi điều khiển lễ Tiệc thánh, lễ đọc Kinh Mân Côi và các thánh lễ như cả đời chưa làm việc gì khác.

Tôi tin là giáo dân Näfels nể trọng tôi. Và tôi cũng bắt đầu xây dựng quan hệ với họ. Tôi yêu mến họ, những con người khá thu mình trong vỏ ốc nhưng đôn hậu. Vì thế tôi không phải suy nghĩ lâu la khi chánh trương Tolder đến với một đề nghị.

“Thưa cha phó tế Ehrsam! Cha dẫn dắt cộng đoàn chúng ta rất tinh tế và chuyên nghiệp. Cha quả là đại phúc cho giáo phận này! Tiếc là duy nhất có một vấn đề vẫn chưa giải quyết xong: vấn đề xưng tội! Tôi biết, tôi không nên xin cha làm việc đó. Nhưng cha có thể nhận lời xá tội cho các tín hữu được không? Chuyện này cấp thiết lắm! Hơn thế nữa, có cả nhu cầu truy lĩnh!”.

“Nhưng tôi chỉ là phó tế thôi” - tôi dè dặt đáp. Câu đề nghị khá đường đột khiến tôi sửng sốt - “Tôi đâu được phép nhận xưng tội”.

“Tình thế ngoại lệ đòi hỏi biện pháp ngoại lệ! Trong trường hợp ấy thì được phép ngoại lệ!” - ông Tolder kêu lên. Tôi tin chắc ông biết rõ là ông ngụy biện. Nhưng ông đã đắc thắng rút trong túi ra tấm bìa cứng có chữ viết tay và băng dính, rồi dán lên phía trên cửa phòng rửa tội phía cuối cánh trái. Trên đó viết “Trợ giúp”.

Tolder đập bàn tay hộ pháp lên vai tôi động viên, và thế là ý đồ của ông được thỏa mãn. Có lẽ mọi chuyện sẽ đi theo hướng khác nếu tôi cưỡng lại. Có thể. Đường đi nước bước của Chúa là khôn lường. Dù thế nào thì việc nghe xưng tội đẩy tôi đến bờ vực tuyệt vọng. Sự đối mặt với cuộc sống trần thế của các tín hữu và tác dụng phụ độc hại của nó vượt quá sức chịu đựng của tôi.

Để tự biện bạch, tôi chỉ có thể nói thêm là hồi ở trường dòng tôi được học nhiều về Chúa, về đức tin và giáo hội, song rõ ràng biết quá ít về cuộc sống ngoài xã hội. Trong ngăn rửa tội chật chội, tôi lắng nghe những câu chuyện mà cho đến lúc đó tôi nằm mơ cũng không thấy trong cuộc sống được bảo bọc ấm êm.

Một phụ nữ, nghe giọng còn rất trẻ con, thú thực với tôi là đã sinh một đứa con với người tình, rồi gán cho chồng mình là con anh ta. Hay người đàn ông hơi nhịu. Ông ngượng ngùng thì thào sau tấm gỗ đục lỗ ngăn giữa hai người, ông là giáo viên, ông bị cám dỗ nhục dục bởi các nam sinh ở lớp mình và chỉ có thể ngự trị được cảm xúc khi về nhà xem ảnh trên mạng.

Và cuối cùng là một phụ nữ ngày nào cũng đợi tôi đúng ba giờ bốn lăm ở phòng rửa tội bức bối. Lần nào bà ta cũng khóc. Vì bà đã kết hôn, với một người đàn ông, nhưng lại mê say một người đàn bà khác. Bà kể cho tôi về tình yêu tội lỗi của mình.

Về nguồn cơn bị cô thợ làm tóc ở làng bên quyến rũ. Về phát hiện mới trong tình dục cùng những thuộc tính của nó. Về sự khôn kham nhục cảm khi gần chồng mình từ khi có quan hệ mới. Về nỗi ăn năn trước Chúa và Đức Mẹ Maria.

Bà nói nhiều quá mức những gì tôi muốn biết. “Thưa cha phó tế, xin cha giải thích vì sao Chúa phán một tình yêu sâu đậm như tình yêu của chúng con là lầm lạc?” - một hôm bà hỏi tôi.

“Con đi sai đường. Tình yêu giữa những người đồng giới, tức là giữa hai đàn ông hay hai đàn bà, không thể là tình yêu đích thực. Chỉ đàn ông với đàn bà mới tạo thành một đồng nhất thể. Vì tình yêu xác thịt chỉ tồn tại bởi một mục đích duy nhất là tạo ra con người mới”.

“Chúa đã lầm, bạn gái con nói thế. Cô ấy căm thù nhà thờ. Tất cả thật vô cùng khủng khiếp” - bà ta rột roẹt xì mũi khá lâu. “Chúa không bao giờ lầm. Bạn gái của con đã lạc lối. Con phải quay trở về con đường đạo đức” - tôi hết sức nỗ lực, cố làm bà ta ý thức được mức độ trầm trọng của tội lỗi. Nhưng bà chỉ nức nở cay đắng hơn.

Các câu hỏi của bà và lời đáp của tôi lặp đi lặp lại, ngày lại ngày, luôn vào lúc ba giờ bốn lăm. Bây giờ tôi không rõ ai trong hai chúng tôi tuyệt vọng hơn ai nữa. Tôi, với ngót hăm bảy tuổi đời và không biết gì ngoài tình yêu dâng Chúa, nghe kể tất cả những tội lỗi đó khiến tôi trầm uất cực độ. Chẳng mấy chốc tôi chỉ ước gì được lánh xa phòng xưng tội. Nơi làm việc mục vụ đầu tiên ở nhà thờ Näfels đã mở mắt cho tôi thấy những mặt phản cảm của cuộc sống - và của cái chết.

Nhưng ta nói chuyện đó sau. Tôi không muốn kể trước. Nhìn tổng thể, tôi không thể nói khác, đó là một kinh nghiệm lay động và kinh hoàng. Lần đầu tiên trong tôi lờ mờ trỗi lên những hoài nghi về hành vi của tôi, về từ tâm của Chúa, về tất cả những gì mà tôi từng tin tưởng cho đến nay. Vì không có ai khác, tôi tìm lời khuyên ở một người không hề có ý muốn hay có khả năng đáp ứng: chánh trương Ferdinand Tolder.

“Đó không phải việc của tôi, thưa cha phó tế Ehrsam!” - ông kêu lên, nửa giận dữ và nửa thương hại, khi tôi kể cho ông nghe những chuyện gì tín hữu bắt tôi đối mặt và nó làm tôi hoang mang đến mức nào. “Nhất là khi bà ấy khóc - tôi cứ thế kể tiếp - Tôi không sao chịu nổi.

Ngày nào cũng thế, trước bốn giờ, vẫn chuyện cũ về mối tình đồng tính bí mật”. Lông mày bên phải của ông Tolder giật giật. “Trước bốn giờ...” - ông lầm bầm. Trong mắt ông lóe lên một ánh gì đó mà tôi không đoán được ý. “Tệ nhất là người đàn bà ngoại tình đó không hề muốn nghe lời tôi” - tôi nói tiếp.

“Bà ta miễn nhiễm với toàn bộ lý trí và đạo đức. Tôi biết làm gì bây giờ?” - tôi tuyệt vọng kêu lên. “Phải trừng phạt bà ta!” - nét mặt Tolder lúc này toát ra sự khinh bỉ. Tôi giật mình vì sự phẫn nộ của ông. Đó là lần cuối cùng tôi xin ông khuyên bảo.

Thời điểm của quyết định lái sự việc theo hướng tồi tệ là một thứ tư ẩm ướt. Từ ngoài nghĩa trang tôi đã nghe tiếng quát tháo của Ferdinand Tolder. Khi bước vào nhà thờ qua cửa ngách, tôi thấy chánh trương mặt đỏ phừng phừng bên cạnh ban thờ, ông đang vung tay gầm gào với người đưa thư.

“Có chuyện gì vậy?” - tôi hỏi. Người đưa thư mà tôi không quen mặt liền tận dụng khoảng gián đoạn để chia tay bằng cái gật đầu và rảo cẳng chạy khỏi nhà thờ. “Một vụ giết người! Nói cho cùng thì đây là vụ giết người! Và khoản nợ không bao giờ trả hết!” - Tolder run bần bật. “Và con mụ khốn kiếp đó không bị trừng phạt nữa! Chuyện này là điềm gở cho cộng đoàn chúng ta!”.

Tôi thoáng rúm người lại trước lời lẽ thô tục của ông trong nhà thờ của tôi. “Phán quyết này là một tội lỗi! Cho tôi biết cái thứ tòa án nào dám làm như vậy? Không sao hiểu nổi! Xin Chúa phù hộ chúng con!”. Phía trên cao, trên đầu ông Tolder là Jesus gầy gò treo trên thập giá, sau tượng là Ánh Sáng Vĩnh Cửu lay lắt.

Tôi hiểu ngay ra đầu đuôi sự việc: rõ ràng giáo phận đã thua vụ kiện xoay quanh Ánh Sáng Vĩnh Cửu, kể cả khoản tiền bảy chục Franc hằng năm. “Phán quyết này có hệ quả gì đối với giáo phận?” - tôi liều hỏi. “Ta sẽ bị gọi nộp tiền!” - Tolder rít lên.

Tôi xua tay trấn tĩnh ông, để ông hạ giọng, vì dù thế nào thì chúng tôi cũng đang trong nhà của Chúa. “Ta phải trả chín ngàn Franc án phí! - Tolder không thèm để ý và oang oang nói tiếp - Và tất cả chỉ vì con mụ vô thần tội lỗi!”.

Hôm sau người đàn bà ấy chết. Chết mà không ai nhận ra ngay. Ba rưỡi, sớm hơn mọi hôm, tôi ngồi vào phòng xưng tội và thấy phía bên kia đã có người. Mất một lúc tôi mới nhận ra là có ai đó, mà cũng chỉ nhận ra lờ mờ bóng người hoàn toàn không động đậy.

Tôi hắng giọng. Im lặng. Tôi chào rõ tiếng. Vẫn không có phản ứng. Tôi mở tấm lưới gỗ và đóng lại ngay, để sau một giây giật mình lại mở ra. Trên ghế băng là một người đàn bà, đầu tựa vào vách, trông như đang ngủ. Dấu hiệu phủ nhận giấc ngủ là một con dao đâm xuyên tim và một vết nâu đỏ loang lổ trên áo len.

Trông thì biết bà ta không tự sát hay chết một cái chết tự nhiên. Tôi phản ứng như chính mình cũng không ngờ, tức là rất bình tĩnh và hợp lý: tôi khóa phòng xưng tội và gọi cảnh sát. Không hề để ý đến Ánh Sáng Vĩnh Cửu trên ban thờ đã tắt.

Những gì tiếp theo là một cơn ác mộng. Mấy người vận đồ trắng kín mít của bộ phận thu thập dấu vết biến ngôi nhà của Chúa thành một phòng thí nghiệm công nghệ cao. Họ không để qua mắt chi tiết nào. Bất cứ ai từng đặt chân vào nhà thờ đều bị cảnh sát thẩm vấn. Nạn nhân nhanh chóng được nhận diện: Magdalena Bühler ở làng bên. Nghề làm tóc.

Và quan trọng nhất: đó là người thừa kế đồng cỏ đầu làng Näfels, liên quan đến món nợ ngày xưa. Magdalena Bühler là người đàn bà đã kiện giáo phận Näfels ra tòa vì bà không muốn trả tiền cho Ánh Sáng Vĩnh Cửu. Giờ thì ánh sáng của chính bà đã lụi tàn: bà đã chết, bị sát hại, rồi vứt xác trong nhà thờ Näfels.

Và Ánh Sáng Vĩnh Cửu cũng chấm dứt, cứ như bị linh hồn thoát ra của bà ta thổi tắt trước khi lên trời. Khỏi phải nhiều lời để kể lại tin này gây ra hậu quả gì trong làng. Không ai ở trong nhà nữa. Tất cả đổ đến nhà thờ, tụ tập trên đường làng và chụm đầu vào nhau. Chả trách được họ, những giáo dân tội nghiệp phải hứng chịu một thảm kịch đổ xuống đầu.

Bản thân tôi bàng hoàng vì cái chết vô nghĩa của người đàn bà nọ. Và tôi sửng sốt nhận ra rằng Ánh Sáng Vĩnh Cửu bị tắt còn làm những người đi nhà thờ kinh sợ hơn là tin tìm thấy xác chết trong phòng xưng tội. Có vẻ như người ta coi vụ giết người đàn bà đi kiện giáo phận như hình phạt bởi tay Chúa, thậm chí còn là một hình phạt công minh cũng nên.

Ngược lại thì họ thấy Ánh Sánh Vĩnh Cửu bị tắt là một chỉ dấu, một chỉ dấu xấu. Nhiều người tin rằng sẽ có điềm gở ập xuống giáo phận. Tôi gắng hết sức cản họ.

Tôi mời ngay mọi người đến một Thánh lễ bất thường. Mọi người phải tụ tập ngoài sân nhà thờ vì cảnh sát chưa gỡ niêm phong. Nhưng tôi muốn nói gì thì nói, không làm sao ngăn được họ tin là lễ Thăm Viếng sắp diễn ra.

Và đâu đã hết. Ít lâu sau, nhiều tin thất thiệt lan tỏa. Thoạt tiên tôi chỉ nghe tin đồn. Bà hàng bánh mì là người đầu tiên trực tiếp đề cập vụ đó với tôi. “Ông ấy trả thù đấy” - bà thì thào vào tai tôi khi đưa một cái bánh mì nguyên hạt. “Giá mà bà ta trả tiền thì đã còn sống”. “Ai trả thù cơ?”.

“Heinrich Stucki chứ ai!”. Bà ta trố mắt nhìn tôi như kẻ thiểu năng. “Vong hồn ông ấy đã quay về”. Vong hồn nạn nhân Heinrich Stucki bị đánh chết hồi năm 1357 đã quay về, vì sự an bình bị phá vỡ. Và ông ta đã giáng đòn thù vào người đàn bà gây chuyện.

“Cha thử giải thích xem nào, vì sao Ánh Sáng Vĩnh Cửu bị tắt?”. Bà hàng bánh làm bộ mặt bí hiểm. “Đó là chỉ dấu của ông ấy đấy!”. Bà không phải là người duy nhất. Đột nhiên cả làng như bị chứng mất cảm nhận thực tế. Xét tình cảnh hiện tại, tôi cũng thấy không thể trách họ.

Khi tìm giải đáp, người Näfels có nhiều lý thuyết khác nhau. Bà chủ quán ăn “Ochsen” cho tôi biết ý của bà, với sự thuyết phục chắc chắn, khiến tôi suýt tin theo: “Không phải Stucki đâu, mà là Müller!”. Bà đặt cốc nước táo lên bàn trước mặt tôi và nói, không phải nạn nhân, mà thủ phạm ngày ấy đã quay về để cướp đi linh hồn người đàn bà không chịu trả nợ tiếp cho ông ta.

“Mà này, cha có muốn biết thêm không?”. Bà chủ quán chẳng thèm đợi tôi trả lời. “Tôi đã tận mắt thấy. Ông ta khoác áo choàng đen, lẩn khuất xung quanh nhà thờ, mũ trùm xuống mặt”. Không phải ai cũng nói ra ý nghĩ của mình. Những ý tưởng - rằng ở đây nhất định có gì đó siêu nhiên xảy ra - đã bám chắc vào não nhiều người.

Cũng có thể người ta dễ chịu đựng ý nghĩ có vong hồn ra tay hơn là chấp nhận thực tế rằng trong làng mình có một sát thủ bằng xương bằng thịt. Dường như tôi là người duy nhất nghĩ khác. Tôi - và cảnh sát.

Hăm tư giờ sau Ferdinand Tolder bị bắt. Trong mắt cảnh sát thủ phủ Glarus thì vụ này quá đơn giản. Với sự bình tĩnh chuyên nghiệp, họ phớt lờ lời khai linh tinh của các nhân chứng và đóng đinh vị chánh trương với bằng chứng hai năm rõ mười:

Ông có động cơ (thua kiện trước tòa) và không có bằng chứng ngoại phạm (ông khai là đang ở văn phòng tại nhà vào thời điểm gây án, nhưng vợ ông không thể xác nhận vì đi ra ngoài). Hung khí, theo kết quả điều tra, là con dao trong bếp nhà Tolder.

Thậm chí có cả dấu tay trên đó. Dù chỉ có dấu tay của bà vợ, song có lẽ ông đã sử dụng găng tay khi vớ lấy dao trong cơn mê cuồng. Tolder cãi, nhưng chẳng ích gì. Ngay đến những người ngoan cố tin vào vong hồn nhất, nay bỗng nhiên ngộ ra rằng Magdalena Bühler có lẽ đã bỏ mạng dưới bàn tay trần tục của chánh trương thì đúng hơn.

Chẳng phải ông ta là người luôn dễ nổi cáu hay sao, họ nói thế. Nói cho cùng thì một thất bại như thế trước tòa đâu có dễ quên, như người làng thì thào. Không ít người tỏ ra thông cảm với ông, hay ít nhất là thương hại. Không ai nghi ngờ ông có tội. Tôi cũng không tin. Và thế là cộng đoàn Näfels phải tìm một chánh trương mới.

Nhà thờ lại được phép “đưa vào sử dụng”, theo cách nói kém thi vị của cảnh sát trưởng. Tôi còn điều hành vài lễ Tiệc Thánh, lễ đọc Kinh Mân Côi và các Thánh lễ khác, lễ tưởng niệm nạn nhân Magdalena Bühler.

Tôi xin xá tội cho kẻ sát nhân mà mọi người trên các hàng ghế băng trước mặt tôi đều quen. Tôi cho là tôi làm tốt công việc của mình, tức là tốt như sức tôi có thể. Công việc của tôi sắp chấm dứt. Ơn Chúa. Khó mà đợi thêm.

Còn hai ngày nữa ở Näfels. Tôi đang chuẩn bị nghe xưng tội (tôi chỉ dùng phòng phía cuối tay phải, không khi nào vào phòng bên trái nữa) thì nghe một giọng quen tai lúc ba giờ bốn lăm. Lúc này tôi mới sực nhớ ra là đã lâu lâu không nghe giọng ấy nữa, từ hôm tìm thấy xác chết trong phòng xưng tội.

“Thưa cha Ehrsam, con đã làm một việc khủng khiếp”. Lần đầu tiên bà ta gọi tên tôi. Tôi cố hiểu lời bà. Bà nức nở nhiều hơn nói. Nhưng tôi vẫn quen điều đó. “Chuyện gì vậy, con cứ kể đi”. Tôi hạ giọng như một nỗ lực nhằm trấn an. “Ông ấy đã phát hiện ra. Không rõ vì sao ông ấy biết được con yêu một người đàn bà”. “Ý con nói đến chồng con?”.

Bà ta khóc nức lên. “Ông ấy đã đưa con về với lý trí. Con không thể tiếp tục chung sống với tội lỗi của con nữa. Con không muốn là một tội đồ nữa”. “Vậy là con đã chấm dứt quan hệ với người phụ nữ kia?”. Tôi chợt tràn trề hi vọng, ít nhất thì chuyện này cũng có đoạn kết tốt đẹp. “Đơn giản là con không thể tiếp diễn được nữa, cha hiểu chứ? Con như bị xé nát! Giờ thì người ấy chết rồi!”.

Người phụ nữ thở hắt ra một âm thanh than vãn bi ai, không có gì gợi đến tính người. Tôi rúm người lại. Đồng thời một liên tưởng lóe lên trong đầu tôi. Người ấy, lạ thay, có dính dáng đến tóc. Và lập tức một chi tiết trở nên sáng tỏ: cô thợ làm tóc! Magdalena Bühler là thợ làm tóc, ở làng bên. Phải chăng là...

“Người ấy đã chết ở đây, trong phòng xưng tội, đúng không? Lạy Chúa, bạn gái của con chính là Magdalena Bühler?”. Tôi chợt nhận ra sợi chỉ xuyên suốt, nơi tôi không hề đoán có nó trước đây.

Magdalena Bühler là người đàn bà yêu đàn bà. Dễ hiểu là cô ta không muốn quyên tiền cho nhà thờ Cơ Đốc giáo vốn không chấp nhận đồng tính ái. Nhưng vì sao...? “Con đã giết cô ta”. Người đàn bà ngồi đối diện tôi, dù tôi không thể thấy mặt, chợt cất giọng rắn rỏi.

Tuy nhiên tôi không tin bà. “Kể cả khi con thấy tội lỗi trong cái chết của người kia, con không phải là người giết Magdalena Bühler. Sát thủ đã bị vạch mặt. Người kia phải chết, vì đã chống lại cộng đoàn tín hữu này”. “Không. Không phải Ferdinand. Lưỡi dao của con đã cắm vào tim người ấy”.

Giữa những cơn nức nở, bà bập bõm thuật lại hành vi của mình. Dần dần tôi cũng nắm được chuyện gì đã xảy ra. Sau vụ cãi vã với chồng, bà đã đề nghị tình nhân của mình cùng đi xưng tội, ở chỗ tôi, người duy nhất được bà cho biết chuyện. Với hi vọng rằng tôi sẽ giải thích cho Magdalena Bühler hiểu tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của một tín đồ, tôi cần vạch rõ cho người ấy biết là thứ tình yêu đồng giới này không có tương lai.

Vì bản thân bà không đủ mạnh mẽ nói điều ấy cho tình nhân biết. Nhưng đột nhiên Magdalena Bühler không muốn nữa, vì không chịu nổi không khí trong nhà thờ nữa. Hai người cãi nhau.

Lúc đó, bà kể với tôi, bà ngộ ra tình yêu nào mới là tình yêu đích thực: Tình yêu dành cho Chúa. Và bà biết bà sẽ không bao giờ thoát khỏi tội lỗi, chừng nào Magdalena Bühler tồn tại. “Chúa đã nắm lấy tay con và dắt con trở về con đường của Người. Con đã đâm chết Magdalena Bühler”, bà nói và tôi biết là bà nói sự thật. Tôi hỏi câu cuối cùng: “Con là ai?”. “Con tên là Tolder. Vợ Ferdinand”.

Tôi khuyên vợ của vị chánh trương đang ngồi tù ra trình diện cảnh sát. Bà không nghe. Cầu Chúa xá tội cho bà. Còn tôi? Tôi làm gì đây? Tôi bị ràng buộc vào bí mật xưng tội. Đã có một lần tôi kể quá nhiều về những người xưng tội. Trớ trêu thay, lại kể cho người đàn ông có vợ đã tin tưởng gửi gắm cho tôi mối tình bí mật của bà.

Tôi đã nhận được một bài học. Và thế là sự thật giờ đây trở thành một sự thật trong bóng tối mà chỉ có hai người biết. Cũng có thể thêm một người thứ ba: Ferdinand Tolder, người đang trả giá cho tội lỗi không do mình gây ra.

Tấm bảng xanh đề chữ Näfels-Mollis ở ga. Đi thôi. Để lại tất cả sau lưng. Khi lên tàu đi về hướng Luzern, tôi không có cảm giác sầu muộn. Đó là cảm giác được trưởng thành. Hay đúng hơn: được già đi trong một quãng thời gian quá ngắn. Tôi không bao giờ quay lại Näfels nữa.

Lê Quang

(dịch từ nguyên tác tiếng Đức LICHT AUS)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận