Lạc giữa vùng quá khứ

KHÔI VŨ 06/12/2017 03:12 GMT+7

TTCT - Quả thật những suy nghĩ “mặc định” đã níu ông ở lại một vùng quá khứ, quẩn quanh hoài niệm mà chẳng giải quyết được gì. Mà ông thì đang sống ở một thời hiện đại và quá sinh động!

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Thời gian ở Paris quá ngắn, nên con gái ông chỉ chọn một số điểm tham quan “không thể không đến”. Cùng với tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn môn... là Bảo tàng Louvre. Ngay buổi sáng thứ nhì, cả nhà đã đón Bigbus để đi Louvre.

Ông đã qua thời học sinh trung học hơn năm mươi năm, “nói chữ” là hơn nửa thế kỷ. Nhưng những hình ảnh về nước Pháp in trong mấy cuốn sách dạy tiếng Pháp của Mauger như vẫn hiển hiện rõ ràng trước mắt ông.

Từ ngày ấy, một nước Pháp hoa lệ, văn minh đã nằm trong ước mơ được đặt chân đến của cậu học sinh trung học là ông.

Chiều hôm trước, chuyến tàu từ London đã đưa gia đình ông đến nhà ga Paris, một chiếc taxi đã đưa mọi người về khách sạn book sẵn ở gần đó với chi phí hơn 5 euro, một Việt kiều tình cờ gặp lúc phố lên đèn đã chỉ đường cho cả nhà tìm đến một tiệm ăn của cặp vợ chồng Việt - Hoa có bán phở, và cuối cùng là một giấc ngủ ngon lành trong căn phòng khách sạn nhỏ xíu kê một giường đôi, một giường đơn, hơi bị chật cho ba người lớn và một đứa trẻ.

“Con book khách sạn này vì nó ở gần ga tàu, giá lại rẻ. Ở Paris này, cái gì cũng đắt đỏ lắm nên mình tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy” - con gái ông giải thích.

Bây giờ thì Paris buổi sáng hiện ra trong mắt ông. Qua cửa kính xe buýt. Rồi chiếc Bigbus dừng lại ở một trạm kế bờ sông Seine, mà bên kia đường là một cổng bên hông vào Bảo tàng Louvre. Đường chỉ thấy xe hơi các loại, nên băng qua an tâm hơn đường Việt Nam đầy xe máy. Không nhiều du khách đi cùng gia đình ông để vào Court Napoleon.

Dừng chân ở cuối khoảng sân rộng mênh mông, chỉ tay về phía trước, con gái ông nói:

- Đó là mô hình kim tự tháp bằng kính, nơi gia đình mình sẽ đến xếp hàng để xuống tầng hầm trước khi đi thăm các khu bảo tàng...

Ông cũng đã vào mạng đọc trước và biết kim tự tháp bằng kính này sau nhiều tranh cãi đã được xây dựng và khánh thành năm 1989, vốn là công trình của một kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa. Khách du lịch vào thăm bảo tàng bằng đường duy nhất qua mô hình kim tự tháp này và khi về sẽ ra bằng một đường khác, cũng là duy nhất.

- Có cả thảy ba “cánh” với ba nội dung trưng bày khác nhau, mình sẽ vào “cánh nào” hả con gái?

- Ưu tiên một là ngắm tận mắt bức tranh Mona Lisa, nên nhà mình sẽ vào “cánh” Devon bố ạ. Sau đó thì tùy thời gian còn lại sẽ đi tiếp hay không hai “cánh” Richelieu hay Sully.

Trước khi cả nhà bước theo nhau lên những bậc thang tới tầng một, ông ghé quầy bán hàng lưu niệm mua mấy cây bút bi có in hình Mona Lisa phía ngoài để về làm quà. Viết thử lên giấy thì rất êm, cảm giác khác hẳn bút bi trong nước. Ông nghĩ: “Chẳng lẽ mình bị tự kỷ ám thị rằng cái gì của Pháp cũng hơn của nước mình sao!? Mình vọng ngoại đến thế sao!?”.

Qua một dãy hành lang trưng bày các bức tượng cổ mà ông say sưa chụp ảnh, đến khu trưng bày tranh, cuối cùng ông cũng được đứng trước bức tranh của Leonardo da Vinci, danh họa Ý nổi tiếng. Cô con gái mê bức Mona Lisa, nhưng thích gọi là La Giocondo hơn, đứng chen với nhóm du khách chụp ảnh bức tranh. Ông thì vừa chụp ảnh tranh, vừa chụp ảnh con gái.

Trước chuyến đi, một người bạn nói với ông: “Tôi đến Louvre khá lâu rồi, hồi ấy người ta không cho chụp ảnh tranh Mona Lisa. Bây giờ thì không biết thế nào?”. Bây giờ, bức tranh treo trên một bức tường được du khách tự do chụp ảnh, nhưng nó được bảo vệ bằng một vành cong gỗ phía trong cùng một rào chắn bằng dây phía ngoài, hai bên vành cong gỗ còn có hai nhân viên ngồi quan sát khách.

Bức tranh vốn được vẽ trên một tấm gỗ dương, nay được phủ phía trước bằng tấm kính chống đạn, dù sao nhìn cũng không còn là thật, nhất là khi những ánh đèn máy ảnh lóa lên phản chiếu lại từ tấm kính. Ánh mắt và nhất là nụ cười của người phụ nữ trong tranh thì nhìn mờ nhòe, dẫu vẫn quyến rũ và đầy bí ẩn.

Một chút thất vọng xuất hiện, nhưng ông vẫn selfie một tấm để làm kỷ niệm trước khi quay qua xem những bức tranh khác trong phòng, dừng khá lâu ở một bức tranh khổng lồ chiếm gần hết diện tích một bức tường.

- Mình trở ra, bố ơi!

Con gái gọi ông. Đứa cháu trai được bà ngoại dẫn đã đi trước một quãng. Ông đi sau cùng. Ngang chỗ những bức tượng, ông còn nấn ná chụp thêm nhiều tấm ảnh.

Và rồi, một lúc nọ, ông không thấy người thân nào, trước mặt và sau lưng. Ông nghĩ mình đi sau họ, lại dừng chân để chụp ảnh, vậy chắc chắn họ đã đi trước. Ông rảo bước đuổi theo. Nhưng tận tới đầu những bậc thang dẫn xuống cửa ra vào của “cánh” Devon, ông vẫn không thấy ai trong gia đình mình.

“Chắc họ đã xuống cửa ra vào và đợi mình ở đó” - ông nghĩ rồi bước xuống những bậc thang, theo cửa ra đến quầy bán hàng lưu niệm. Không thấy ai! Ông hơi hoảng khi nghĩ là mình đã lạc gia đình. Hay là họ không thấy mình nên quay lại tìm và sau đó trở thành những người đi sau?

Nghĩ thế, ông tìm một chỗ ngồi đợi. Du khách qua lại, lên xuống tấp nập. Ông nhìn mọi người mà dường như không ai để ý đến ông. Ông sốt ruột xem đồng hồ, một giờ đã qua đi.

“Coi như chấp nhận là mình đã lạc. Vậy tốt nhất là tìm về khách sạn”. Ông quyết định như thế, trong bụng thấy tiếc đã không nghe lời con mua cái sim điện thoại cho máy của mình. Nếu có, ông đã liên lạc được với con gái và mọi việc trở nên dễ dàng hơn. “Coi như một kinh nghiệm quý cho những chuyến đi xa sau này vậy”. Ông mỉm cười một mình khi nhận ra mình cứ thường “coi như...” để tự trấn an.

Đi theo dòng người cùng “exit”, ông đến khu trung tâm thương mại rồi theo thang cuốn lên mặt đường. Một cảm giác nhẹ nhõm đến với ông, khi ông nghĩ rằng mình vừa thoát khỏi một vùng quá khứ để trở về với hiện tại, cái hiện tại thực tế của một người đi lạc, chẳng còn gì hoài niệm hay mơ mộng, mà phải đương đầu với cuộc sống. Đây là thủ đô nước Pháp, đâu phải thành phố Biên Hòa quê ông, nơi ông thuộc hầu hết ngõ ngách!

Trước hết phải có tiền euro để trả cước taxi! Ông tìm được một quầy đổi tiền gần đó và đổi tờ một trăm đôla Mỹ. Nhưng khi đảo mắt tìm taxi trên đường thì ông lại đổi ý. Ông vẫn nhớ cái trạm mà chiếc Bigbus dừng lại để cả nhà ông xuống và nghĩ hay là mình trở lại chỗ ấy, vì gia đình thế nào cũng phải ra đấy để đón xe về. Ý kiến hay! Ông tự khen mình rồi rảo bước.

“Coi như mình có dịp đi bộ ngắm cảnh đường phố thủ đô nước Pháp vậy”. Ông cười tự chế giễu khi mình lại thêm một lần “coi như”...

Ông đợi ở trạm Bigbus sau ba chuyến xe đến rồi đi. Anh chàng vẽ tranh chân dung bên đường cũng đã hoàn thành bức vẽ cho khách, một cô gái tóc tai, ăn mặc điệu đàng. Nhìn qua bên kia đường, ông vẫn chẳng thấy bóng dáng người nào trong gia đình mình từ sân Napoleon bước ra.

Đã gần trưa. Ông thất vọng và quyết định đón taxi về khách sạn. Chiếc taxi dừng lại. Tài xế là một phụ nữ. Ông đưa danh thiếp của khách sạn, người lái xe gật đầu và chiếc xe lăn bánh. Giá như ở Việt Nam, thế nào ông cũng trò chuyện với cô tài xế về việc mình bị lạc gia đình. Nhưng ở đây là nước Pháp, ông học tiếng Pháp thời trung học và mấy chục năm qua không sử dụng, đọc còn lõm bõm thì nói gì đến nói! Xe dừng trước cửa khách sạn.

Ông trả tiền và lúc này mới nói được câu cảm ơn: “Merci beaucoup!”. Bất ngờ là cô tài xế quay lại cười với ông và nói: “Have a good trip!”. Ông đứng ngẩn bên vỉa hè trước cửa khách sạn. Sao ông không nghĩ rằng tiếng Anh mới là ngôn ngữ giao tiếp thông dụng, dù đây là nước Pháp!

Ông đang sống theo một “nguyên tắc mặc định” - ở nước Pháp thì phải nói tiếng Pháp! Trong khi cái “nguyên tắc” ấy thật sự đã lạc hậu?

oOo

Người tiếp tân khách sạn mới thấy ông đã nói: “Con gái ông đã gọi điện về báo là ông đi lạc. Đây là thẻ từ mở cửa phòng. Mời ông lên phòng nghỉ ngơi”. Ông nói cảm ơn bằng tiếng Pháp như đã nói “Bonjour” lúc sáng, vừa bước ra khỏi thang máy, chào anh tiếp tân.

Khách sạn nhỏ, ít “sao”, thang máy cũng nhỏ xíu, chỉ vừa ba người lớn. May mà lần đi lên này chỉ có một mình ông. Ông đứng trước cửa phòng, áp cái thẻ từ vào vị trí ấn định. Nhưng cái đèn báo phía trên cửa vẫn đỏ và cửa không mở ra được khi ông xoay đi xoay lại nắm đấm cửa. “Hay là mình đặt sai chỗ?”.

Ông tự hỏi, loay hoay với cái thẻ từ, khi áp mặt này, lúc áp mặt kia, khi phía trên, lúc phía dưới... Đèn vẫn đỏ và cánh cửa phòng vẫn im ỉm đóng. Hành lang hẹp, lại chẳng thấy một bóng người để ông nhờ giúp. Cuối cùng, ông đành ra thang máy đi xuống quầy tiếp tân.

Người nhân viên tiếp tân hướng dẫn ông cách sử dụng thẻ từ để mở cửa, vừa chậm rãi nói vừa cẩn thận làm mẫu. Ông nói cảm ơn rồi đi thang máy lên. Ông làm đúng mọi chỉ dẫn. Cánh cửa vẫn trơ trơ thách thức và như trêu ghẹo ông.

Bất lực, bực bội, ông định đi xuống và ngồi đợi gia đình ở phòng tiếp tân. “Coi như mình...” - ông chỉ nghĩ tới đó mà không nghĩ tiếp. Mới đi vài bước thì ba người còn lại trong gia đình ông xuất hiện ở hành lang.

- Sao bố không vào phòng nghỉ? - con gái ông hỏi.

- Ông ngoại đi lạc hả? Ông ngoại có sợ không? - thằng cháu nắm tay ông chia sẻ.

Ông đưa cái thẻ từ cho con gái:

- Bố mở cửa phòng mãi không được...

Con gái ông nhận cái thẻ từ, áp nó vào đúng vị trí như ông đã mấy lần làm. Đèn vẫn báo màu đỏ. Thử lại lần nữa vẫn không có kết quả, con gái nói: “Cả nhà đứng đây đợi một lát”. Trong lúc đợi con gái trở lại, vợ ông kể là con gái ông thấy còn thời gian nên quyết định đi tiếp đến hai “cánh” Sully và Richelieu để xem nghệ thuật của phương Đông cổ đại.

Vừa đi vừa trông chừng thằng bé hiếu động, hai mẹ con cứ tưởng ông đi ngay phía sau, tới khi phát hiện “vắng” ông thì họ đã qua “cánh” Sully. Con gái bảo hai bà cháu đứng lại chờ, rồi quay lại tìm ông. Một lúc sau, cô thất vọng trở lại và quyết định bỏ không đi xem bảo tàng nữa, để đi tìm người lạc. Những nơi ba người tìm đến đều trùng với những nơi mà ông đã từng đợi, nhưng khác thời gian! Hèn chi họ không gặp được nhau.

Con gái ông trở lại:

- Con yêu cầu đổi cái thẻ từ khác xem sao.

Đèn lập tức báo màu xanh khi cái thẻ được áp vào vị trí chỉ dẫn. Thằng cháu xoay nắm cửa. Cửa mở. Ông nói như tự trách:

- Bố không hề nghĩ đến việc cái thẻ từ kia bị hỏng!

Cô con gái nói ngay:

- Hiện đại đến mấy thì cũng có lúc bị hỏng hóc chứ bố!

Ông nín thở khi lại nghĩ rằng sự “mặc định” trong mình đã đến mức trầm trọng...

Ông nằm dài trên chiếc giường đơn. Sau mấy tiếng đi loanh quanh ở khu vực Bảo tàng Louvre, rồi loay hoay với cái thẻ từ mở cửa phòng ở khách sạn, được nằm thẳng lưng mới thấy dễ chịu làm sao!

Ngẫm nghĩ việc đi lạc của ông cũng không đến nỗi bị “lỗ”. Nhờ đó mà ông có dịp biết tự đổi tiền, biết tự đón taxi, nhất là có dịp đi bộ ngắm mấy đoạn đường phố Paris, ngắm một đoạn sông Seine. Có tiếc chăng là con gái ông đã không thể xem những kiệt tác nghệ thuật phương Đông cổ đại.

- Cả nhà nghỉ một chút thôi rồi xuống phố tìm cái gì đó bỏ bụng, trưa trầy trưa trật rồi! - con gái ông nói.

Cô quay qua nói thêm với ông: “Một là con sẽ mua cho bố cái sim điện thoại. Hai là sau này bất cứ ai thấy mình lạc mọi người thì cứ đứng tại chỗ để chờ những người kia quay lại tìm”.

Ừ nhỉ! Ông ngồi bật dậy. Đơn giản thế, thực tế thế mà ông không nghĩ ra.

Quả thật những suy nghĩ “mặc định” đã níu ông ở lại một vùng quá khứ, quẩn quanh hoài niệm mà chẳng giải quyết được gì. Mà ông thì đang sống ở một thời hiện đại và quá sinh động!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận