Vỏ Hollywood, ruột Trung Quốc

NGUYỄN VŨ 08/12/2018 16:12 GMT+7

TTCT - ​Trong 100 phim ăn khách nhất của Mỹ trong vòng 5 năm qua thì tới 41 phim có sự tham gia của các hãng phim Trung Quốc, phần lớn đóng vai trò hỗ trợ tài chính.

Transformers 4 có một phần bối cảnh ở Hong Kong. Ảnh: WVPE
Transformers 4 có một phần bối cảnh ở Hong Kong. Ảnh: WVPE

 Để hình dung về mức độ xâm lấn này, ta có một số liệu so sánh: 100 phim ăn khách nhất từ năm 1997 đến 2013, tức trong quãng thời gian dài gấp ba trước đó, chỉ 12 phim có sự tham gia góp vốn của Trung Quốc.

Tờ New York Times làm thống kê so sánh này để minh họa sự lấn sân của Trung Quốc vào lĩnh vực điện ảnh Mỹ, trong đó đồng tiền đầu tư và sức hút của thị trường đông dân nhất thế giới này đang có những tác động kiểm duyệt không ai ngờ tới.

Dùng điện ảnh như một công cụ quyền lực mềm

Chẳng hạn đố ai tìm thấy một phim Mỹ nào trong mấy năm gần đây mà nhân vật phản diện chính là người Trung Quốc. Có một phim miêu tả cảnh hư cấu trong thời chiến tranh lạnh, lính Trung Quốc xâm chiếm một thành phố Mỹ, làm năm 2012.

Quay xong xuôi, báo chí Trung Quốc đánh hơi biết được kịch bản bèn phản đối, nhà sản xuất mới giật mình, vội vàng thuê người sửa từng khung hình, tốn mất 1 triệu đôla để xóa cảnh lính Trung Quốc, thay bằng một nước giả định khác.

Đến phim hoạt hình Pixels, kịch bản ban đầu là người ngoài hành tinh bắn thủng một lỗ trên Vạn lý trường thành, nhưng giới lãnh đạo Sony e sợ cảnh này có thể làm phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc nên thay Vạn lý trường thành bằng đền Taj Mahal.

Nên nhớ đây là thảm họa người ngoài hành tinh gây ra trên toàn cầu, thế mà dân làm phim vẫn ngại, vẫn tự kiểm duyệt trước. Thế nên nói chi đến các phim kiểu như Seven years in Tibet do Brad Pitt thủ vai chính ngày xưa nữa.

Dùng điện ảnh như một công cụ xây dựng quyền lực mềm là một chính sách lớn của Trung Quốc, nên việc các hãng phim Trung Quốc rót tiền hợp tác với Hollywood làm phim cho cả thế giới xem không còn là điều lạ.

Thị trường khách xem của Trung Quốc cũng tạo doanh thu ngày càng lớn: quý 1-2018, lần đầu tiên tổng doanh thu bán vé ở Trung Quốc cao hơn cùng kỳ 2017 ở thị trường Mỹ. Một phim bình bình ở Mỹ nhưng ăn khách tại Trung Quốc cũng có thể đảo ngược từ lỗ thành lãi, nên các hãng phim rất sợ bị tẩy chay ở thị trường này.

Phim World of Warcraft kinh phí 160 triệu đôla, nhưng tuần lễ công chiếu đầu tiên ở Mỹ chỉ thu được chưa đến 25 triệu đôla. May sao chỉ 5 ngày ra mắt ở Trung Quốc, phim này thu về đến 156 triệu đôla, một kỷ lục!

Theo New York Times, chủ tịch một hãng phim Trung Quốc phát biểu thẳng với những tay sừng sỏ ở Hollywood: “Chúng tôi có thị trường khổng lồ và chúng tôi muốn chia sẻ nó với quý vị. [Nhưng] chúng tôi cũng muốn có phim chuyên sâu về văn hóa Trung Quốc không chỉ một hai cảnh, mà cả những trường đoạn tích cực về Trung Quốc”.

Cũng vì để thu hút người xem ở Trung Quốc nên nhiều phim cố ý viết kịch bản có nhân vật là người Trung Quốc hay gốc Hoa, do diễn viên nổi tiếng ở Trung Quốc đóng. Lúc chưa bị dính vào xìcăngđan trốn thuế, Phạm Băng Băng thủ những vai nhỏ trong các phim X-Men: Days of Future Past, Iron Man 3...

Phim The Great Wall (tựa tiếng Việt: Tử chiến Trường Thành) có siêu sao Matt Damon và dàn diễn viên hùng hậu, nhưng thất bại về cả doanh số lẫn chuyên môn. Ảnh: tmdb.org
Phim The Great Wall (tựa tiếng Việt: Tử chiến Trường Thành) có siêu sao Matt Damon và dàn diễn viên hùng hậu, nhưng thất bại về cả doanh số lẫn chuyên môn. Ảnh: tmdb.org

 Tự kiểm duyệt để tạo hình ảnh đẹp

Tự kiểm duyệt để tạo hình ảnh đẹp cho Trung Quốc cũng là một hướng khác của Hollywood. Có lẽ nhiều người còn nhớ phim Martian (2015), khi cơ quan không gian Trung Quốc xuất hiện như vị cứu tinh vào cuối phim.

Hay phim Transformer 4 (năm 2014 thu về đến 320 triệu đôla từ thị trường Trung Quốc) có một phần đặt bối cảnh ở Hong Kong, toàn phim quảng cáo khéo léo rất nhiều sản phẩm Trung Quốc, đã để Trung Quốc đứng lên đương đầu với lũ robot xâm lăng trong khi Mỹ xem như đã đầu hàng! Phim Rogue One: A Star Wars Story dành nhiều đất diễn cho diễn viên Chân Tử Đan để lôi kéo fan Trung Quốc.

Thế nhưng nhiều phim hợp tác giữa các hãng phim hai nước với những khoản đầu tư lớn như phim The Great Wall (2016) với Matt Damon, kinh phí lên đến 150 triệu đôla lại không thành công ở thị trường thế giới.

Phim Air Strike (2018) với những tên tuổi như Mel Gibson (không diễn xuất mà làm nhà thiết kế), Bruce Willis lại thất bại. Phim The Flowers of War về vụ thảm sát Nam Kinh với diễn viên chính Christian Bale chỉ thu được 311.000 đôla ở Mỹ, trong khi kinh phí thực hiện lên đến 100 triệu đôla.

Chưa thể đánh giá nỗ lực xây dựng quyền lực mềm thông qua điện ảnh của Trung Quốc là thành công hay thất bại, nhưng tác động tạo ra nỗi lo tự kiểm duyệt lên Hollywood là có thật. Dân chuyên môn Hollywood cũng được mời qua Trung Quốc tham gia làm phim, với tham vọng đưa phim Trung Quốc ra thế giới.

Đáng tiếc, nhắc đến điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây, rất khó kể tên những tác phẩm để lại ấn tượng ở người xem. Trong khi đó, những phim giai đoạn trước dù không cần vốn đầu tư quá lớn, quảng bá nhiều vẫn chiếm cảm tình của nhiều người như Cao lương đỏ, Đèn lồng đỏ treo cao... Ngay cả những phim võ thuật kiểu Ngọa hổ tàng long cũng ngày càng hiếm. Thế mới biết tiền không mua được nghệ thuật.

Dàn sao hùng hậu của phim The Great Wall (tựa tiếng Việt: Tử chiến Trường Thành), một dự án hợp tác Trung Quốc - Hollywood điển hình, từ trái sang: Pedro Pascal, đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Cảnh Điềm và Matt Damon. Ảnh: AFP
Dàn sao hùng hậu của phim The Great Wall (tựa tiếng Việt: Tử chiến Trường Thành), một dự án hợp tác Trung Quốc - Hollywood điển hình, từ trái sang: Pedro Pascal, đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Cảnh Điềm và Matt Damon. Ảnh: AFP

 Đã qua thời trăng mật

Phi vụ Tập đoàn Wanda (Trung Quốc) mua lại Hãng phim Legendary Entertainment của Mỹ với giá 3,5 tỉ đôla là đỉnh cao của thời trăng mật giữa ngành điện ảnh của hai nước. Những thương vụ tương tự trong năm 2018 đã đi vào bế tắc, như vụ Hãng Huahua Media của Bắc Kinh hứa hẹn đầu tư 1 tỉ đôla vào Hãng Paramount Pictures không đi đến đâu; rồi Hãng Dick Clark Productions tuyên bố hủy thương vụ bán mình cho Tập đoàn Wanda, còn đòi 25 triệu đôla phí tổn đàm phán.

Đến nay, hai bên mới tỉnh ngộ: khác biệt văn hóa khó lòng lấp đầy bằng tiền. Dân Mỹ mê anh hùng Mỹ như kiểu Captain America, dù đây chỉ là những anh hùng bước ra từ truyện tranh. Họ không thể nào “cảm” nổi các người hùng đấu đá kungfu từ một triều đại xa xôi nào đó, múa may quay cuồng suốt phim.

Trung Quốc cũng thất vọng vì tiền đầu tư không đem lại kết quả như mong muốn. Đầu tư của Trung Quốc vào công nghiệp điện ảnh Mỹ đạt mức kỷ lục 4,78 tỉ đôla vào năm 2016, sau đó tụt dốc thảm hại, mười tháng đầu năm 2017 chỉ còn 489 triệu đôla.

Một trong những lý do Hollywood muốn hợp tác với các hãng phim Trung Quốc ngoài chuyện tiền còn có chuyện tránh “hạn ngạch”. Trong nỗ lực bảo hộ nền điện ảnh trong nước, chính quyền Trung Quốc đặt hạn ngạch mỗi năm chỉ cho nhập khẩu tối đa 34 phim nước ngoài thuộc loại bom tấn. Những phim hợp tác sản xuất với một hãng phim nội địa thì được miễn tính hạn ngạch.

Vấn đề nằm ở chỗ phim hợp tác không chỉ tính chuyện vốn, mà còn đòi hỏi phải có cảnh quay ở Trung Quốc, phải có diễn viên Trung Quốc, nói cách khác phải tuân thủ những ràng buộc về nội dung mang tính kiểm duyệt. Phim hợp tác sản xuất nhìn chung đều thất bại về doanh thu, nên Hollywood cũng dần không xem đây là công thức tốt nhất để thâm nhập thị trường ngoài Mỹ nữa.

Phim Crazy rich Asians có kinh phí 30 triệu đôla nhưng doanh thu lên đến 238 triệu đôla, chưa cần đến những ngày chiếu ở Trung Quốc. Và trong thực tế khi cuối cùng Trung Quốc cho chiếu phim này cuối tháng 11-2018, phim cũng không được đón chào ở nước này như tại thị trường Bắc Mỹ.

Quốc hội Mỹ tỏ ra lo ngại trước sự “xâm lấn” của Trung Quốc vào nền điện ảnh nước này. Sau thương vụ Wanda mua lại Legendary, 18 nghị sĩ từ cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đã gửi thư đến Văn phòng Giải trình trách nhiệm của Chính phủ Mỹ yêu cầu có biện pháp rà soát kỹ hơn các khoản đầu tư như thế. “Nên chăng định nghĩa về an ninh quốc gia phải được mở rộng để giải quyết các mối quan ngại về tuyên truyền, kiểm soát truyền thông và các thể chế quyền lực mềm” - bức thư viết.■

Nhắc đến điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây, rất khó kể tên những tác phẩm để lại ấn tượng ở người xem. Những phim giai đoạn trước dù không cần vốn đầu tư quá lớn, quảng bá nhiều vẫn chiếm cảm tình của nhiều người như Cao lương đỏ, Đèn lồng đỏ treo cao… Ngay cả những phim võ thuật kiểu Ngọa hổ tàng long cũng ngày càng hiếm. Thế mới biết tiền không mua được nghệ thuật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận