Khi người Nhật "Sống một cuộc đời không hối hận"

AN NHIÊN (NHẬT BẢN) 18/12/2018 20:12 GMT+7

TTCT - Đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Sống một cuộc đời không hối hận, cuốn Kui no nai jinsei dày chưa đến 250 trang của tác giả Saito Takashi đầy ắp các điển cố, thư tịch đề cập đến tư tưởng, suy nghĩ của người Nhật về cuộc sống, bệnh tật và cái chết.

Bìa sách Sống một cuộc đời không hối hận tiếng Nhật và tiếng Việt
Bìa sách Sống một cuộc đời không hối hận tiếng Nhật và tiếng Việt

Nghĩ về cái Chết và sự Sống

Những cuốn sách nổi tiếng như Lưu hồn lục (Ruykonroku) của Yoshida Shouin (1850 - 1859), Diệp ẩn (Hagakure) của Yamamoto Jocho (1659 - 1719) & Tashio Uramoto (1678 - 1748), Dưỡng sinh huấn (Yojokun) của Kaibara Ekiken (1630 - 1714)... lần lượt được trích dẫn nhiều lần trong sách, bởi với tác giả, “khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời và sức khỏe trở nên suy yếu, tôi bắt đầu để bản thân được đuổi theo những suy nghĩ về cái chết.

Thời điểm đó, nền tảng tư duy của tôi chính là những cuốn sách văn học và điển tích đông tây kim cổ mà đến giờ tôi vẫn đọc mỗi khi có dịp. Tôi thấy những gì mình từng đọc đi đọc lại hiện lên tươi mới và phát hiện được không ít điều mới mẻ”.

Từ xa xưa, người Nhật đã nghĩ về cái chết một cách tích cực, thẳng thắn. Từ Yoshida Shoin, nhà tư tưởng, nhà giáo dục lừng danh mở Trường Shoka Sonjuku - nơi thai nghén Minh Trị duy tân, cho đến các nhà thơ, nhà văn yểu mệnh như Masaoka Shiki (1867 - 1902), Miyazawa Kenji (1896 - 1933), tất cả đều dũng cảm đối mặt, đương đầu với khổ nạn, bệnh tật trong đời.

Bìa sách Sống một cuộc đời không hối hận tiếng Nhật và tiếng Việt
Bìa sách Sống một cuộc đời không hối hận tiếng Nhật và tiếng Việt

Bởi họ thấu hiểu “chính vì có sự kết thúc mang tên “cái chết” mà “sự sống” mới có thể tỏa ra ánh sáng lấp lánh của nó”.

Để rồi, thay vì sợ chết, người Nhật “thiết tha tự hỏi mình cần làm những gì trước khi nhắm mắt xuôi tay”, khiến cho “nỗi trăn trở về cái chết sẽ đưa ta đến với sự thay đổi bản thân lớn nhất đời mình”.

Sự thay đổi đó không gì khác hơn là chuyển từ cách sống thụ động, thờ ơ, chỉ biết có bản thân sang cách sống tích cực, lạc quan, biết quan tâm đến người khác; chuyển mối quan tâm từ chỉ biết vật chất ăn no mặc ấm, nhà cao cửa rộng sang cuộc sống tinh thần phong phú, mở rộng giao lưu, học hỏi những khi có thể.

Điều đó khiến cuộc sống phong phú, tầm mắt được mở mang, trái tim tràn trề năng lượng sống mà không hề cảm thấy sợ cái chết đến gần. Bởi vì ta đã sống cuộc đời trọn vẹn đến từng khoảnh khắc.

Cả khi không may, bệnh tật bám riết, ta vẫn biết cách chuyển hóa tinh thần, và cái con người - bệnh nhân khi ấy trở thành nguồn động viên, “khích lệ những kẻ bình thường”, thậm chí, giúp những người chăm bệnh hiểu ra vấn đề quan trọng trong điều trị “chăm sóc về mặt tinh thần quan trọng hơn chăm sóc thể xác”.

Sống một cuộc đời không hối hận còn là sống “vì những người ở lại”. Một cuộc sống giàu tình thương, dồi dào trải nghiệm, tinh thần mạnh mẽ. Tất cả những điều này được thể hiện qua gia huấn của mỗi gia đình và gia huấn đó quan trọng không kém gì ADN trong cơ thể con người. Ai cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con cháu của mình.

Nhưng những gì tốt đẹp nhất ấy là gì? Một căn nhà mặt phố cho thuê hàng chục triệu đồng mỗi tháng? Một dải đất ruộng cò bay thẳng cánh? Một tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng? Hay một công ty độc quyền thao túng thị trường?

Không, gia huấn của Saigo Takamori (1827 - 1877), samurai đúng nghĩa cuối cùng của nước Nhật, là “không được mua cho con cháu đất đai màu mỡ”. Còn gia huấn của những thương nhân Omi - những người hành thương, bán rong xuất phát từ thời Kamakura (1185 - 1333) là “sanpoyoshi - tam phương hưởng lợi”. Tức người bán được lợi, người mua được lợi, thế gian được lợi.

Đương nhiên, không dễ hoàn toàn có thể theo lời những bậc tiền nhân đáng kính bởi thời đại quá khác biệt, cả người Nhật cũng cảm nhận như thế.

Thậm chí, một cách đầy mâu thuẫn, người Nhật tìm đến cái chết trước khi cái chết tìm đến với họ. Tỉ lệ tự tử của người Nhật hiện nay cao hàng đầu thế giới cho thấy điều này. Cũng như những vụ bê bối về tài chính, quyền lực, thành tích... gần đây trong các lĩnh vực, ngành nghề ở Nhật khiến niềm tin về cuộc sống, về con người dường như không ngừng lung lay.

Nhưng, bằng cách đối diện với sự sống, và “đặt cái chết vào bên trong sự sống để sống và cảm nhận sâu sắc thế giới này”, đại đa số người Nhật vẫn đang nỗ lực cống hiến cho quốc gia, cho nhân loại một cuộc sống tinh thần cao độ và ý thức tiên phong qua những sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống vật chất lẫn tinh thần cho con người khi sống và cả khi về với cát bụi.

sakurasou - một hình thức mai táng người chết đậm chất thiên nhiên Nhật Bản đang trở thành sự chọn lựa của nhiều người Nhật, cũng là một trong những dịch vụ như thế.

Nghĩa trang sakurasou ở Takatsuki, Osaka. Nguồn: trang web của cơ sở quản lý
Nghĩa trang sakurasou ở Takatsuki, Osaka. Nguồn: trang web của cơ sở quản lý

Sakurasou và vẻ đẹp của nỗi buồn biệt ly

Thật ra, sakurasou - mai táng dưới gốc anh đào - là một ý tưởng không mới. Nhà sư Nhật Bản Saigyou (Tây Hành pháp sư, 1118 - 1190) đã làm bài thơ bày tỏ mong muốn được chết dưới cội anh đào đầy hoa vào đêm trăng rằm. Mong muốn đó của ông đã thành hiện thực.

Cho đến hàng mấy thế kỷ sau, hậu bối của ông đang biến ý tưởng đó thành khái niệm tuyệt đẹp, biến hóa nỗi buồn biệt ly người đã khuất thành một vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ như cánh hoa sakura.

Sakura là loài hoa biểu tượng của nước Nhật, của tinh thần Nhật Bản. Hơn bất kỳ loại cây, hoa nào, sakura chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm hồn người Nhật. Và vì thế, người Nhật công nhận hình ảnh yên nghỉ dưới gốc cây anh đào hợp với người Nhật hơn bất kỳ dân tộc nào.

Lay động và luyến tiếc trước cánh hoa lìa cành sau một thời gian khoe sắc ngắn ngủi là những cảm giác thường thấy của người Nhật, được thể hiện nhiều qua văn chương, thi phú, được nhiều nhà nghiên cứu các nước đề cập từ xưa đến nay. Bởi cảm xúc đó thể hiện triết lý về sự sống, cái chết của người Nhật.

Người viết bài này từng có dịp tham dự lễ giỗ cho những người được mai táng theo hình thức sakurasou gần một ngôi chùa cổ ở Takatsuki, Osaka. Chỉ cách nhà ga tàu điện gần nhất chừng hai mươi phút xe hơi, nhưng bầu không khí nghiêm cẩn, tĩnh lặng của nghĩa trang sakurasou Takatsuki không hề bị phá vỡ bởi đời sống náo nhiệt, sầm uất bên ngoài.

Ngoài những yếu tố vật chất như chi phí thấp, không mất công chăm sóc phần mộ (do có cơ sở quản lý)... vốn cũng ảnh hưởng không ít đến sự lựa chọn được xem là “được yêu thích” hiện nay của nhiều người Nhật thì vẻ đẹp tinh thần ẩn chứa trong sakurasou thật sự đáng ngưỡng mộ. Như thể một tinh thần Nhật Bản xuyên suốt qua hàng trăm, hàng ngàn năm đã không hề mai một, dù đó là người Nhật ở tầng lớp nào.

Ông Nagano Teruhiko, ba nuôi người Nhật của tôi, vẫn luôn nhắc về kỷ niệm với người vợ đã khuất, bà Chiyomi, bằng ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.

Hạnh phúc vì ông bà đã được gặp nhau, có nhau trong đời, hạnh phúc vì họ đã cùng nhau ngắm hoa hơn 40 năm, rong chơi nước Nhật từ Bắc chí Nam trong suốt 2 năm, hạnh phúc vì đến tận cuối đời, ông và bà vẫn đồng lòng trong việc chọn lựa cách mai táng dù đó là thời điểm nhạy cảm khi bà đang đấu tranh với bệnh tật để giành giật sự sống.

Và hạnh phúc vì chính ông cũng đã chọn sẵn cho mình một phần đất diện tích nhỏ bằng một tấm giấy origami thông thường (15x15cm) bên cạnh bà, trên một đồi sakura lộng gió mà cả ông bà đều nhất trí: “Nếu ngày giỗ không về được thì con cháu vẫn biết phương hướng chắp tay cầu nguyện mà không phải áy náy”.

Còn tôi, đã 5 năm trôi qua, vẫn không thể nào quên cảm giác vỡ òa trong lòng khi hay tin mẹ nuôi mất, khi biết bà chọn sakurasou để không phiền đến con cháu, để con cháu vẫn được có niềm vui thưởng hoa cùng bà vào tháng 4 hằng năm, và khi ngộ ra rằng làm gì cần có phương hướng nào cho ngôi mộ bình dị của bà bởi bà luôn trong tim những người thương yêu.

Những vẻ đẹp được ngợi ca trong văn học Nhật Bản mà tôi từng đọc từ trước đến nay như hội tụ trong một người Nhật rất đỗi bình dị như bà. Tôi nhận ra bà đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn biết bao, cả khi đã về cõi vĩnh hằng.■

Cuộc sống con người như cánh hoa sakura, trước khi một cánh hoa thanh thoát bay trong gió là khoảng thời gian chừng hai tuần khoe sắc tỏa hương. Để có khoảng thời gian đầy kiêu hãnh với sắc hương ấy, những nụ hoa ủ mình trong gió tuyết, là những cành cây trơ trọi giữa mùa đông giá lạnh trước khi xuân về. Đời người cũng vậy. Nếu một người sống đẹp, sống có ích, sống hết mình vì mọi người, hẳn người ấy không nao núng, luyến tiếc, hay hối hận khi cái chết cận kề, bởi chắc chắn cuộc đời họ đã như cánh hoa sakura kia. Yên nghỉ dưới gốc cây anh đào, tức họ lại đang trở về với chính vẻ đẹp của “vô thường” và góp phần tôn vinh vẻ đẹp ấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận