Ngô Hồng Quang: Chàng du ca bay từ đồi non

MAI VINH 23/12/2018 17:12 GMT+7

TTCT - Gặp nghệ sĩ Ngô Hồng Quang ở sân bay Liên Khương - Đà Lạt chỉ hai ngày sau khi anh về VN. Hỏi anh không chịu nổi cái nắng của miền xuôi vì đã trót quen khí hậu ôn đới? Anh cười: “Tôi về đồi non”.

Mỗi khi về VN, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang lại đi tìm núi đồi để
Mỗi khi về VN, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang lại đi tìm núi đồi để "nhóm lửa" cảm xúc. Ảnh: Huy Barack

 Bước ra khỏi nhà chờ sân bay, Quang không lên xe vội. Anh hít từng hơi thở thật chậm, bảo: “Cảm xúc của tôi nhạy với khí trời. Nó mạnh mẽ và nhiều năng lượng khi từng luồng không khí từ rừng núi ập vào tôi. Và nó có thể vặt vẹo như thể không còn một chút sức sống chỉ sau vài ngày tôi phải khép nép bon chen giữa một phố thị sầm uất”.

“Thân tôi là của đồi non”

Tôi hay nghĩ rằng sớm muộn gì anh cũng tìm đến một căn nhà nhỏ ở một khoảnh rừng, sẽ sống chung với những người đồng bào, sáng chiều thích hát ca?

- Đó là mơ ước của tôi từ khi tôi phát hiện ra con người mình uể oải giữa phố thị. Tôi thèm thở cùng cây cỏ. Tôi sợ máy lạnh và cái mùi quánh đặc của Sài Gòn, Hà Nội. Và tôi cũng không thích khi phải xa VN. Có lẽ tôi tự mâu thuẫn với chính mình khi yêu núi rừng nhưng phải chọn một nơi ngoài VN, không gần đồi núi để sống, để thực hiện hành trình du ca kết nối văn hóa VN với âm nhạc thế giới. Cuộc sống bình yên kia xin đợi tôi một ngày khác. Lúc này tôi chọn du ca là hạnh phúc.

Nhiều năm nay về VN rong ruổi rồi lại ra đi đến nhiều nơi trên thế giới, sau đó quay về ra mắt những sản phẩm mới. Anh đang đi theo một chu trình khép kín?

- Chu trình sáng tạo của tôi đấy (cười). Nghe có vẻ máy móc nhưng thực tế là vậy. Ngay từ khi sang Hà Lan học, tôi đã xác định con đường tôi đi là mang những giá trị văn hóa VN kết nối với thế giới. Mỗi khi tôi quay về tôi lại đi tìm những giá trị dân gian mà tôi chưa nhận ra trước đó để làm chất liệu sáng tác.

Khi rời đi, giữa một nơi đủ xa VN khiến tôi nhớ quay quắt thì những sáng tác lại bật ra trên cái nền âm nhạc đương đại. Tôi mang nỗi nhớ VN đã thành hình trên những khuôn nhạc đi biểu diễn khắp nơi. Đến khi tôi thấy mình đã cũ, năng lượng âm nhạc cạn, tôi lại quay về.

Hiển nhiên là phải về những nơi rất xa phố thị, giữa đồi non để tìm kiếm chất liệu cho một hành trình dài đi qua nhiều nước sắp tới. Không quay về tôi có thể bị thải loại trên hành trình kết nối âm nhạc dân tộc với thế giới bởi tôi sống và sáng tạo bằng chất VN.

Vậy những album anh từng ra là một nhịp dừng?

- Đúng! Dừng để kết lại một hành trình và mở ra một hành trình mới. Cho nên không có nhịp dừng nào giống nhịp dừng nào. “Hà Nội duo”, “Nam Nhi” cũng không là ngoại lệ.

Phần nhiều thời gian anh viết và hát nhạc dân tộc ở châu Âu. Có lúc nào anh thấy mình cô đơn?

- Du ca là cô đơn và mất nhiều năng lượng để lấp đầy những trống trải đó. Lạc lõng cùng nỗi nhớ núi đồi trở thành chất xúc tác để tôi viết nhạc hoặc hòa âm lại những giai điệu dân ca. “Nhớ” thực sự là cảm giác thú vị trong âm nhạc. Nó lọc ra giai điệu nào làm mình tâm đắc, cảm xúc nhất.

Có người bạn bảo tôi là ngôi sao cô đơn, tôi không nhận mình là ngôi sao. Có lẽ thân tôi là của đồi non nên tôi cứ mãi nghĩ về cách khiến những giai điệu núi rừng bay xa. Tôi làm điều đó bằng tất cả năng lượng cô đơn mà tôi có được mỗi khi xa những ngọn núi hùng vĩ VN.

Kỳ lạ là tôi nhạy với thiên nhiên, tôi kết nối với rừng núi theo cách nào đó mà tôi không thể diễn tả được. Chỉ vài ba nốt đồng dao vu vơ nào đó của một đứa trẻ, hay một điệu đàn môi tỏ tình của một chàng trai người H’Mông cũng đủ để tôi viết thành một bản nhạc sau đó.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn đàn tính và đàn bầu khi hát ca khúc Tình đàn.-Ảnh: Huy Barack
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn đàn tính và đàn bầu khi hát ca khúc Tình đàn.-Ảnh: Huy Barack

 Đĩa rau luộc thêm miếng phômai

Chưa bao giờ anh về lại VN mà không ra mắt sản phẩm mới? Lần nay là gì thưa anh?

- Lần này tôi về mang theo album “Nhìn lại”. Chúng tôi đang làm hậu kỳ để kịp ra mắt vào ngày 26-12. Đó là sự kết hợp giữa tôi và GS Phan Lê Hà, Trường ĐH Monash (Úc). Tôi tình cờ quen chị qua Internet. Sau đó chị mời tôi biểu diễn tại nơi chị giảng dạy. Hai chị em nghĩ xem nên cùng làm điều gì với nhau. Và kết quả chị viết thơ, tôi viết nhạc.

Tôi đã nói rồi đấy, tôi sẽ làm nhạc dân tộc gần gũi hơn bằng cách kết hợp với điện tử với nhạc cụ dân tộc. Tôi nhận thấy nhạc điện tử có nhiều cái hay quá hay, bỏ qua thì uổng, nhưng ứng dụng nhạc điện tử để nỗi mất chất, lấn át nhạc cụ dân tộc thì không còn là Ngô Hồng Quang.

Nói theo cách của giới trẻ thì tôi đang theo trend (trào lưu), còn nghĩ theo cách của mình là hòa theo hơi thở cuộc sống. Ở “Nhìn lại”, sáo, đàn môi, đàn tranh, tam thập lục, sáo mèo sẽ kết hợp vói nhạc điện tử. Quang hát cùng Hà Linh.

Anh có nghĩ anh đang liều lĩnh khi đưa một thứ quá hiện đại phối hợp với những nhạc cụ đã rất cũ, ít người biết đến?

- Trời ạ. Đừng tự đánh giá mình cao quá mà không dám thử nghiệm, sợ thất bại. Âm nhạc mà, không thử nghiệm sao có cột mốc để cùng nhìn lại. Không pha trộn nhạc điện tử với những giai điệu dân ca thì làm sao cảm được sự pha trộn của 2 “món” này.

Tôi tin đó là sản phẩm gần gũi nhờ chút xíu nhạc điện tử được phối trộn với âm thanh của những nhạc cụ dân tộc. Ở “Nhìn lại” tôi cho rằng đó là đĩa rau xanh mát thêm miếng phômai. Vừa lạ vừa quen, thêm chất và sẽ có nhiều ngạc nhiên.

Khi tôi đi học ở Hà Lan, thầy bảo làm bài tập. Tôi viết một cách hồn nhiên, thầy nhận ra sản phẩm của tôi bởi chất âm của các nhạc cụ. Khi tôi dùng nhạc cụ phương Tây để làm bài tập, thầy cũng nhận ra chất VN trong ấy.

Như vậy, máu của nhạc sĩ có chất Việt hay không quan trọng hơn nhạc cụ. Lúc quyết định sử dụng nhạc điện tử cho album “Nhìn lại” tôi nghĩ về câu chuyện này và quyết định để âm nhạc cổ - kim tự nâng nhau và làm sáng nhau.

Sản phẩm của anh kén người nghe, có bao giờ anh đặt câu hỏi anh đang viết cho ai?

- Tôi viết cho người Việt. Đa số những sáng tác bật ra trên đường du ca của tôi. Tôi có thể viết nhạc bằng tiếng Anh để dễ dàng biểu diễn ở nước ngoài nhưng tôi vẫn dùng tiếng Việt để sáng tác. Văn hóa mà tôi muốn giới thiệu đến thế giới không chỉ là nhạc cụ, giai điệu mà còn là tiếng Việt và tiếng của nhiều dân tộc thiểu số ở VN.

Có thể tác phẩm của tôi kén người nghe nhưng không sao. Tôi nỗ lực cân bằng khi pha trộn giữa yếu tố quốc gia và âm nhạc thế giới. Những tác phẩm tôi đóng góp cho đất nước, giới thiệu tới người VN là những tác phẩm đã được cộng đồng âm nhạc thế giới ghi nhận.

Anh thường xuyên nhắc đến sự kết hợp, pha trộn vào cân bằng trong âm nhạc của mình?

- Con đường tôi đi là thể hiện cái chất âm nhạc của VN trong dòng chảy của thế giới hiện đại nói chung. Nhìn góc nào thì cũng phải hợp thời. Tôi đã mang những cây đàn như tingning, kny của người Jarai đến Pháp biểu diễn và gây sự tò mò của người Pháp về âm nhạc dân tộc VN.

Sắp tới tôi lại kết hợp với các nghệ sĩ Senegal để thực hiện các tác phẩm âm nhạc mới. Trong đó, nhạc cụ dân tộc VN và Senegal cùng hòa âm. Có thể sẽ có nhạc điện tử.

Ngoài quảng bá văn hóa, anh còn nhận lấy sứ mệnh nào khác cho hành trình du ca của mình?

- Tôi tham gia vào bảo tồn kiến trúc. Bằng âm nhạc dân tộc đương đại tôi tạo ra những mỹ cảm cho người nghe. Sau đó hình thành nên những ý niệm về cái đẹp có vết dấu cổ xưa, những rung cảm với quá khứ. Có ý niệm này, ý thức bảo tồn nói chung và riêng đối với công trình kiến trúc sẽ được nâng cao.

Tôi đến Đà Lạt biểu diễn tại chương trình nghệ thuật đương đại “Sống lại vàng son” do Phố Bên Đồi tổ chức nhân 125 năm Đà Lạt vì ý tưởng xuyên suốt 3 tháng diễn ra chương trình là nâng cao ý thức bảo tồn đô thị. Khi tôi biểu diễn tại Thụy Sĩ, Pháp trong những công trình cổ tôi nghĩ đến Đà Lạt, Hà Nội và TP.HCM. Tôi cùng những nghệ sĩ hội họa gieo những rung cảm quá khứ vào cộng đồng. Có cảm xúc sẽ có níu giữ...■

Với cộng đồng âm nhạc đương đại quốc tế, Ngô Hồng Quang là cái tên quen thuộc với biệt danh “chàng du ca toàn cầu”. Anh sống ở Hà Lan, đã biểu diễn hàng trăm chương trình ở hơn 40 quốc gia, chủ yếu tại châu Âu. Ngô Hồng Quang hợp tác với nhiều nghệ sĩ quốc tế sau khi hoàn thành chương trình tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Hà Lan.

Bên cạnh khả năng tự biểu diễn các sáng tác của mình, Ngô Hồng Quang chơi được hàng chục loại nhạc cụ, có khả năng sáng tác, hòa âm... Nhạc sĩ Dương Thụ từng nhận xét: “Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ đương đại nổi bật nhất VN”. Tháng 3-2018, Hãng đĩa ACT của Đức đã đề cử nghệ sĩ Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang cùng các nghệ sĩ quốc tế khác vào giải thưởng Tiếng vọng jazz 2018 của hãng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận