Tôi vẫn mong hiểu được bí mật tâm hồn Việt Nam

THU HƯƠNG 04/03/2017 21:03 GMT+7

Nổi danh toàn cầu như một nhạc công guitar thượng thặng và một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc không ngừng sáng tạo, Nguyên Lê sống ở Pháp với hai quốc tịch Pháp và Việt Nam. Từ năm 2011, anh thường xuyên trở lại quê nhà.

Nguyên Lê (phải) và Ngô Hồng Quang -Dominigue Borker


Cùng nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và những người bạn, Nguyên Lê lưu diễn ở Hà Nội (ngày 24 và 25-2), Huế (28-2) và TP.HCM (1-3) để ra mắt Hà Nội Duo, CD thứ 18 trong sự nghiệp của mình. “Dường như tôi đã trở thành một phần của cộng đồng nghệ thuật Việt Nam” - Nguyên Lê nói với TTCT.

Anh bắt đầu quan tâm đến nhạc dân tộc từ bao giờ?

- Tôi có dòng máu Việt vì cả cha mẹ đều là người Việt. Nhưng về mặt văn hóa mà nói thì tôi có đến 90% là Pháp. Có điều rất hay là lẽ ra tôi có thể dừng lại ở 10% Việt, vậy mà giờ lại vượt cả 100% rồi (cười). Phần Việt trong tôi ngày càng lớn.

Khi còn nhỏ, tôi nói tiếng Việt nhưng từ khi bắt đầu vào tiểu học, xung quanh toàn bạn Pháp nên tôi quên mất tiếng mẹ đẻ. Đến lúc mười mấy tuổi, như các bạn cùng trang lứa, tôi chẳng có chút hứng thú nào với Việt Nam, cho rằng đó chỉ là thứ văn hóa cũ kỹ của các ông bà già.

Thời điểm tôi nhận ra tầm quan trọng của nguồn cội là lúc ra đĩa solo đầu tiên năm 1989 mang tên Miracle. Quan điểm của tôi là khi làm một đĩa solo, nghệ sĩ phải có điều gì đó thật riêng, thật quan trọng để chia sẻ, nếu không thì chỉ nên tự chơi nhạc cho sướng thôi chứ ra đĩa làm gì.

Tôi cảm thấy rằng cách tốt nhất để tạo ra bản sắc nghệ thuật của mình là trở về với nguồn cội. Đó là một CD nhạc jazz gồm các tác phẩm của tôi thu tại New York với những nhạc công hàng đầu của Mỹ, nhưng tôi đã đưa vào đó một số yếu tố của âm nhạc Việt Nam.

Tôi chơi guitar điện theo cách riêng của mình, áp dụng vào đó một số kỹ thuật của đàn bầu và ngẫu hứng theo tư tưởng Á châu. Nhưng đến tận lúc đó, quan hệ của tôi với Việt Nam vẫn khá là trừu tượng, chủ yếu mang tính khái niệm, cho đến tận lúc tôi gặp Hương Thanh năm 1995.

Đó mới là lúc tôi thực sự gặp gỡ và làm việc với một con người cụ thể, trước đó tôi chỉ tiếp xúc với âm nhạc Việt Nam qua sách vở băng đĩa mà thôi. Tôi đã học được rất nhiều từ Hương Thanh.

Hương Thanh là ca sĩ người Việt ở Pháp đã cùng anh làm nên những album được giới phê bình phương Tây hết lời ca ngợi. Sau cô ấy, nghệ sĩ người Việt thứ hai anh cộng tác là Tùng Dương?

- Vâng. Tùng Dương tìm đến tôi nhân buổi biểu diễn ở Rooftop (Hà Nội) năm 2011. Chúng tôi làm việc với nhau qua sự kết nối của nhạc sĩ Huy Tuấn và thấy thực sự hợp nhau, Dương hát nhạc tôi rất hay, nhiều cảm xúc.

Dương đề nghị tôi làm đĩa cho cậu ấy. Đó chính là Độc đạo. Tôi muốn làm một cái gì đó mà mình đầu tư cả công sức vào đó không chỉ với tư cách nhà sản xuất nhạc tạp kỹ nên hỏi Dương có đồng ý ra đĩa dưới tên hai người không và cậu ấy đã bằng lòng.

Vậy sao đĩa này là album duy nhất của anh chỉ được phát hành ở Việt Nam?

- Đúng là rất tiếc. Tôi đã hỏi hãng đĩa của tôi là ACT xem họ có muốn phát hành ở châu Âu không nhưng không được. ACT là hãng đĩa chuyên về jazz mà CD này không phải là jazz, nếu phải phân loại thì có lẽ nên gọi đó là một CD world-pop thì đúng hơn.

Rất khó để bán một sản phẩm như thế này dù nhiều người bạn của tôi đánh giá cao chất lượng của nó. Cũng phải nhìn thẳng vào thực tế một chút.

Nói các bạn đừng giận chứ ở châu Âu, nhạc châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng bị coi là loại nhạc nhà hàng, thứ nhạc ngọt ngào tạo nền âm thanh ở quán khi người ta ăn nem. Còn khi nói đến world music là người ta nghĩ ngay tới nhạc châu Phi với tiết tấu sôi động chứ ít nghĩ tới nơi khác.

Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ người Việt thứ ba mà anh cộng tác?

- Quang sống ở Amsterdam (Hà Lan) từ 4 năm nay. Cậu ấy thực sự là một nhạc sĩ chất lượng cao, học hành bài bản, học sáng tác đương đại và hiểu biết mọi thể loại nhạc truyền thống. Quang vừa là một pho từ điển âm nhạc lại vừa là ca sĩ, đúng là mẫu người tôi vẫn kiếm tìm bao lâu nay.

Một người có hành trang văn hóa và truyền thống đầy đặn, lại trẻ trung cởi mở nên tôi có thể thỏa sức thử nghiệm cùng cậu ấy. Thật là tuyệt khi có cảm giác không có giới hạn nào hết ngoài trí tưởng tượng của chính mình.

Nguyên Lê (phải) và Ngô Hồng Quang -Dominigue Borker
Nguyên Lê (phải) và Ngô Hồng Quang -Dominigue Borker

 

Có cảm giác như Ngô Hồng Quang là cuộc gặp trời cho với anh?

- Đúng vậy, tôi thấy quan hệ giữa chúng tôi tiến triển tốt, cậu ấy càng ngày càng có niềm tin vào bản thân và vào tôi hơn. Album mới ra mắt nhận được sự quan tâm rất lớn của báo chí quốc tế, ở Âu - Mỹ có nhiều bài báo nhận xét rất tốt.

Sau tua diễn ra mắt ở Việt Nam, chúng tôi sẽ có nhiều buổi diễn tuyệt vời và đẳng cấp nữa, đặc biệt là buổi diễn mở màn cho Norah Jones ở Marseille (Pháp) hay diễn tại Kolner Philharmonie, một khán phòng với sức chứa 2.000 khán giả ở Cologne (Đức)...

Nhạc dân tộc có vị trí như thế nào trong âm nhạc của anh?

- Tâm hồn thực sự của một đất nước thể hiện qua truyền thống nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng. Lâu nay tôi luôn vẫn mong hiểu được bí mật tâm hồn Việt Nam và cho rằng cách tốt nhất để tìm ra câu trả lời là nghiên cứu âm nhạc truyền thống.

Tuy là một nhạc sĩ jazz, tôi vẫn nghĩ mình học được rất nhiều từ nhạc dân tộc và sẽ làm nhạc của mình phong phú hơn nữa khi đưa vào đó những yếu tố của nhạc dân tộc. Dù tôi có chơi nhạc gì đi nữa thì những yếu tố nhạc Việt vẫn ở đó, tôi đã tập nhiều đến mức nó trở thành một phần của mình.

Cảm hứng từ âm nhạc dân tộc trong tôi thể hiện qua hai khía cạnh: sáng tác và biểu diễn. Tôi có thể sáng tác những tác phẩm giống hệt như những bản nhạc ngũ cung cổ điển, và khi biểu diễn guitar điện, tôi có thể chơi các luyến láy đặc thù của nhạc truyền thống Việt Nam.

Buổi biểu diễn tối 25-2-2017 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Từ trái qua: Ngô Hồng Quang, nghệ sĩ trống Alex Tran, Nguyên Lê-Tuấn Anh
Buổi biểu diễn tối 25-2-2017 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Từ trái qua: Ngô Hồng Quang, nghệ sĩ trống Alex Tran, Nguyên Lê-Tuấn Anh

 

Các nỗ lực của anh nhằm tạo ra chỗ đứng của nhạc dân tộc Việt Nam trong nền âm nhạc đương đại thế giới đã có hiệu quả thế nào?

- So sánh thời điểm 1996 khi tôi ra CD Tales from Vietnam cùng Hương Thanh với thời điểm hiện tại thì tôi nghĩ đã góp phần làm thay đổi khá nhiều cách nhìn nhận của khán giả châu Âu về âm nhạc Việt Nam.

Trước đây, các nghệ sĩ jazz Tây Âu khi chơi nhạc của tôi đôi khi cũng thấy lạ vì chất nhạc không giống jazz. Bây giờ, họ đã chấp nhận cách viết ấy.

Tôi hài lòng vì nhạc của mình tiếp tục gây ngạc nhiên cho thính giả phương Tây. Với đĩa Hà Nội Duo chẳng hạn, nhiều nhà phê bình nhận xét nó như tiếng gọi lãng du.

Trong quan niệm của người Âu, nhạc châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng có thể xếp vào hai loại, một là “nhạc nhà hàng” rẻ tiền, hai là nhạc new age, thứ nhạc dùng để thư giãn không có nội dung gì.

Mong muốn của tôi là tạo ra thứ âm nhạc vừa có tính suy tưởng như tâm hồn người châu Á lại vừa năng động vui tươi như cách phương Tây ưa thích. Nói thế này nghe có vẻ rất thiếu khiêm tốn nhưng thực sự tôi muốn nâng hạng cho âm nhạc châu Á trên thế giới.

Tôi rất vui là mình đã bắt đầu một con đường mà giờ đây nhiều nhạc sĩ khác có thể đi theo. Hồi đầu có người bảo tôi: “Này họ đang bắt chước anh đấy”. Tôi thì thấy vui khi được người khác bắt chước.

Khi sang Việt Nam dạy các lớp nâng cao, tôi gặp nhiều nghệ sĩ jazz trẻ tuổi. Họ bảo rất thích việc tôi làm và hỏi làm sao đưa được âm thanh Việt Nam vào ngôn ngữ của fusion, jazz hay nhạc điện tử.

Tôi bảo họ: “Bạn hãy sang nhà nhạc công đàn tranh ngay cạnh nhà mình ấy mà học và chơi cùng anh ta. Với bạn thì dễ quá vì bạn sống ngay ở Việt Nam. Tôi thì đã phải mất hàng năm trời nghiên cứu sách vở băng đĩa”. Tôi cũng bảo họ: “Tất nhiên phải tập đàn như điên, như tôi đã tập hàng năm trời mới có thể làm chủ được ngôn ngữ âm nhạc và nhạc cụ và nhất là, đừng quên mình từ đâu ra”.

Rất cảm ơn anh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận