Điện ảnh thời đại Trump

LÂM LÊ 04/02/2018 17:02 GMT+7

TTCT - Oscar không còn quá trắng; Oscar tôn vinh nữ quyền; Oscar loại trừ những kẻ lạm dụng tình dục; Oscar mang đến nhiều dụ ngôn chính trị trong thời đại Trump, dù là nhìn về quá khứ, “mượn xưa nói nay”...

FILE PHOTO: Nominees for the 90th Oscars, Best Actress Awards (L-R) Sally Hawkins, Meryl Streep, Margot Robbie, Saoirse Ronan and Frances McDormand.  REUTERS/Staff/File Photos
FILE PHOTO: Nominees for the 90th Oscars, Best Actress Awards (L-R) Sally Hawkins, Meryl Streep, Margot Robbie, Saoirse Ronan and Frances McDormand. REUTERS/Staff/File Photos

 

Ta có thể thấy được những điểm nổi bật này qua danh sách đề cử Oscar lần thứ 90 vừa công bố.

“Một cuộc phục hưng đang diễn ra và nhiều tiếng nói, tài năng mới được công nhận.

Trong tình trạng đất nước hiện nay, Oscar đã hướng tới thời cuộc và đề cao các giá trị mới” - Jordan Peele, đạo diễn gốc Phi, mới chỉ là người thứ 3 trong lịch sử 90 lần trao giải Oscar được đề cử cùng lúc 3 hạng mục cá nhân quan trọng nhất (phim hay nhất, đạo diễn và biên kịch xuất sắc nhất) cho Get Out, bộ phim kinh dị hài đậm màu sắc phúng dụ và giễu nhại, phát biểu ngày 23-1 khi tên anh trở thành một phần của lịch sử Oscar và chắc chắn còn được nhắc tới nhiều sau này.

Nhưng Oscar lần thứ 90 còn nhiều điều đáng nói hơn thế.

Dấu ấn thời đại Trump

Trên đường đua Oscar năm nay, hai bộ phim luôn dẫn đầu và cạnh tranh kịch liệt ở các hạng mục quan trọng nhất là The Shape of WaterThree Billboards Outside Ebbing, Missouri.

Giống như cặp đối thủ La La LandMoonlight năm ngoái, Oscar năm nay dường như cũng chỉ là cuộc đua song mã này.

The Shape of Water dẫn đầu với 13 đề cử, chỉ kém kỷ lục 14 đề cử của All About Eve (1950), Titanic (1997) và La La Land (2016) một đề cử. Three Billboards được 7 đề cử nhưng là những hạng mục quan trọng với cơ hội chiến thắng rất cao, sau khi đã về đích tại giải Quả cầu vàng và giải SAG (Hiệp hội diễn viên) mới đây.

Hai ứng cử viên này đều đề cập đến những câu chuyện xảy ra trên nước Mỹ nhưng lại do hai đạo diễn, biên kịch nước ngoài thực hiện: đạo diễn - biên kịch Guillermo del Toro của The Shape of Water là người Mexico, trong khi đạo diễn - biên kịch Martin McDonagh của Three Billboards là người Anh.

Dù mang hơi hướng phim giả tưởng, kể về mối tình lãng mạn giữa một cô lao công bị câm và một sinh vật lưỡng cư có hình dáng con người, The Shape of Water thực ra là một dụ ngôn chính trị mà người xem có thể soi chiếu vào thời đại ngày nay.

Bộ phim có bối cảnh chiến tranh lạnh những năm 1960, ở cao điểm của cuộc đua khẳng định bá quyền và tham vọng với vũ trụ Liên Xô - Mỹ.

Trong thời kỳ đó, thân phận những con người nhỏ bé hoàn toàn không được đếm xỉa, trở thành kẻ bên lề và hứng chịu nhiều định kiến xã hội. Một cô lao công nghèo bị câm, một anh nghệ sĩ già đồng tính, một phụ nữ da màu cũng làm nghề lao công đại diện cho 3 loại người bị xã hội kỳ thị (khuyết tật, đồng tính và da màu).

Nhưng chính 3 con người nhỏ bé và đơn độc đó lại thể hiện tính người rõ nhất trong một thời đại thiếu vắng đức tin và nhân bản.

“Nếu chúng ta không làm gì thì chúng ta cũng không phải con người” - cô gái câm đã nói (bằng ngôn ngữ người câm) với người hàng xóm, người bạn đồng tính già cô độc của cô, khi ông từ chối giúp cô giải cứu một sinh vật lưỡng cư trong phòng thí nghiệm cho mục đích nghiên cứu để chinh phục không gian của Chính phủ Mỹ.

Cuối cùng, họ hiệp lực với nhau, với sự trợ giúp của một điệp viên người Nga dưới vỏ bọc nhà khoa học, để giải cứu sinh vật được xem như một vị thần ở Amazon. Dù mang dáng dấp dụ ngôn chính trị, The Shape of Water vẫn là bộ phim điện ảnh lãng mạn thuần khiết với những hình ảnh tuyệt mỹ thể hiện nhãn quan và tầm nhìn độc đáo của Guillermo del Toro.

Trong khi đó, Three Billboards là bộ phim hình sự hiện thực giàu màu sắc châm biếm, một tác phẩm phản ánh mặt trái của xã hội Mỹ đương đại với cái nhìn sắc sảo, không khoan nhượng.

Một bà mẹ đơn độc (do nữ diễn viên kỳ cựu Frances McDormand đóng) đi tìm công lý cho con gái út của bà bị hãm hiếp và sát hại dã man.

Chính quyền thờ ơ và bất lực, bà đã thuê ba tấm biển quảng cáo ở Ebbing, Missouri để đăng những dòng chữ thách thức và chỉ trích sự vô cảm của công lý. Hành động của bà khiến người dân và chính quyền ở vùng đất vốn hẻo lánh, ngoại vi nước Mỹ này phải thức tỉnh.

Nếu The Shape of Water Three Billboards là câu chuyện của những con người đơn độc, nhỏ bé, bên lề tự hành động hay đi tìm tiếng nói của họ trong một xã hội thiếu vắng tính người, thờ ơ, vô cảm thì hai tác phẩm nổi bật khác đến từ nước Anh: Dunkirk (8 đề cử) và Darkest Hour (6 đề cử) lại dựa trên sự kiện lịch sử có thật diễn ra ở nước Anh trong giai đoạn đầu Thế chiến 2.

Dunkirk của đạo diễn, biên kịch Christopher Nolan và Darkest Hour của Joe Wright lần lượt tái hiện hai mặt trận nóng bỏng (ngoài chiến tuyến và trong phòng nội các chiến tranh) của nước Anh trước những thời khắc lịch sử đen tối và có thể nhấn chìm đất nước nếu không có những nhà lãnh đạo kiệt xuất không bao giờ đầu hàng.

Chất sử thi và những bài học lịch sử qua những con người có thật luôn gây cảm hứng và không bao giờ là cũ với con người, dù trong bất kỳ thời đại nào.

Nhưng dưới thời đại của Trump, hình ảnh vị lãnh đạo kiệt xuất nước Anh Winston Churchill trong Darkest Hour chắc chắn khiến nhiều người dân Mỹ ngày nay mang ra để so sánh.

Thời “Phục hưng” của Oscar

Nếu một mùa giải Oscar chỉ hướng đến những bộ phim sặc mùi chính trị, hay những thông điệp thời cuộc (dù là trực diện hay phúng dụ) thì điện ảnh không còn là điện ảnh nữa.

Một bộ phim đi vào lòng người xem cuối cùng vẫn là một tác phẩm điện ảnh thuần khiết đề cao những nhà làm phim tài năng, thể hiện nhãn quan, ngôn ngữ điện ảnh độc đáo và tầm nhìn vượt giới hạn của họ.

Nếu Guillermo del Toro, McDonagh, Nolan hay Wright là những nhà làm phim tài danh đã được công nhận qua nhiều bộ phim mẫu mực trước đây thì mùa giải Oscar lần thứ 90 cũng tôn vinh nhiều tài năng mới, những nhà làm phim giàu sáng tạo, thể hiện bản sắc cá nhân đậm nét, dù ngay ở bộ phim đầu tay. Get Out của Peele và Lady Bird của Greta Gerwig là hai ví dụ nổi bật.

Ra mắt từ đầu năm 2017, Get Out, bộ phim kinh dị hài của Peele - nhà biên kịch, đạo diễn, sản xuất vốn xuất thân là diễn viên hài vô danh - lập tức tỏa sáng và trở thành hiện tượng của năm với tiếng cười trào lộng trong thời kỳ “hậu Obama”.

Với kinh phí chỉ 4,5 triệu USD, bộ phim đã thu về 255 triệu USD khắp toàn cầu. Cùng với thành công lớn về mặt doanh thu, Get Out còn có mặt trong hầu hết cuộc bình chọn, giải thưởng cuối năm và mới đây nhất là 4 đề cử Oscar, trong đó có đến 3 đề cử cá nhân quan trọng cho Peele.

Anh mới chỉ là nhà làm phim thứ 3 và là đạo diễn da màu thứ 5 trong lịch sử 90 mùa giải Oscar có được thành tích này.

Tương tự, Lady Bird của Gerwig - bộ phim nhỏ kể về tuổi trưởng thành của một cô gái mới lớn ở thành phố nhỏ trung tây California - cũng gây tiếng vang lớn nhờ sự tinh tế giàu nữ tính và cái nhìn chân thật về tâm lý, bản chất con người.

Từ một diễn viên, biên kịch của dòng phim độc lập, Gerwig đã chứng minh tài năng của cô với vai trò biên kịch và đạo diễn trong bộ phim này, đồng thời mang về 2 đề cử Oscar cá nhân cho cô, trong đó có đề cử đạo diễn xuất sắc nhất; đưa cô vào top 5 nữ đạo diễn ít ỏi có được đề cử danh giá luôn thuộc về đàn ông này.

Peele (39 tuổi) và Gerwig (34 tuổi) là hai phát hiện sáng giá nhất của mùa giải Oscar lần thứ 90, cho thấy 8.400 thành viên của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Mỹ đề cao sự đa dạng và tôn vinh nhân tố mới trong lá phiếu bầu cử của họ so với các năm trước.■

Loại trừ những ngôi sao dính bê bối xâm hại tình dục

Trong một năm mà xìcăngđan xâm hại tình dục gây chấn động Hollywood và phong trào nữ quyền - chống lạm dụng tình dục đang lan tỏa mạnh mẽ, Oscar cũng thể hiện quan điểm bằng cách loại James Franco khỏi danh sách đề cử nam diễn viên chính xuất sắc (phim The Disaster Artist do chính anh đạo diễn), dù ngôi sao này từng thắng giải Quả cầu vàng và có mặt trong hầu hết danh sách đề cử khác.

Một ứng viên sáng giá khác cho đề cử phim hay nhất là The Floria Project cũng chỉ nhận được một đề cử nam diễn viên phụ xuất sắc cho Willem Dafoe, do những cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào nhà sản xuất Andrew Duncan.

Người “hưởng lợi” từ vụ xìcăngđan là Christopher Plummer, nam diễn viên kỳ cựu 88 tuổi được mời thay thế ngôi sao tài năng Kevin Spacey của bộ phim All Money in the World. Dù chỉ quay trong 10 ngày, vai diễn của Plummer đã giúp ông có thêm một đề cử Oscar nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, qua đó lập kỷ lục là nam diễn viên lớn tuổi nhất được đề cử Oscar!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận