Lý lẽ của mèo

HỒNG PHÚC 31/10/2017 01:10 GMT+7

Có hai cách chạy trốn khỏi những nỗi khổ ở đời: âm nhạc và mèo. (Albert Schweitzer)

 

 

Con trai tôi mê điện thoại thông minh hơn sách, hẳn đó là vấn đề với nhiều cậu bé ngày nay. Vì thế, chúng tôi đặt ra một luật, mỗi ngày phải đọc 5 trang sách.

Tụi nhỏ khá chật vật thực hiện “luật nhà” sau khi liên tục nghĩ ra các lý do “mặc cả”: Hôm nay con nhiều bài, hôm nay con mỏi mắt, mai con đọc gấp đôi...

Một ngày, tôi mang về cuốn sách Nhật ký mèo khôn (1): “Con đọc thử cuốn này đi, đúng là con vật con thích đấy”.

Thằng bé mê động vật, lâu lâu nó tuyên bố lại một lần rằng lớn lên con làm nhà sinh vật học. Nhưng không phải cuốn sách nào vẽ con vật cũng làm nó động lòng và chấp thuận thỏa hiệp. “Hừm, mẹ lại mang cái thứ vớ vẩn về chứ gì?”, nó thốt ra câu cửa miệng quen thuộc. “Thì con thử đọc hai trang đi đã”.

“Hừm, thôi được rồi, để coi sao”. Rồi nó làm một mạch 20 trang. Thỉnh thoảng cười khoái trá: “Cái con mèo này, khôn thật đấy, đúng là đồ máu lạnh rồi lại máu nóng”.

Rồi nó đọc một số đoạn to lên cho cả nhà nghe cùng. Thằng bé đọc hết cuốn sách gần 200 trang trong vài ngày, không cần mặc cả mỗi ngày 5 trang. Và nó tuyên bố cuối tuần sẽ đọc tiếp Nhật ký chó Fox Mikki(2) “để xem cái con chó này thì nghĩ gì”.

Nhật ký mèo khôn là cuốn sách của Tamara Kriukova, nữ nhà văn được yêu mến ở Nga. Bà như hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh ở Việt Nam, là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi nhưng được cả người lớn đọc say mê.

Làm sao người lớn không động lòng cho được khi mèo khôn Barsik có những phát ngôn “đốn tim” thế này: “Nền văn minh đã làm hỏng con người. Họ không thể sống mà thiếu kỹ thuật ngu ngốc”. Hay: “Một số người bảo mèo không biết yêu thương. Không đúng đâu. Chúng tôi không thể hiện tình yêu của mình ra ngoài. Nhưng chẳng lẽ tình yêu sẽ ít hơn vì không làm nó rùm beng trong mỗi góc nhà?”.

Tôi chẳng những vui mừng vì con tôi thích lý lẽ của chú mèo thông minh Barsik trong cuốn sách, mà còn vui mừng vì văn học Nga hiện đại đã xuất hiện lại trên giá sách ở Việt Nam.

Thế hệ chúng tôi, lớn lên với Bác sĩ Aibolit, Bình minh mưa, Chiến tranh và Hòa bình... nhưng thiếu hẳn ý niệm về nước Nga hiện đại, hài hước, nồng hậu và có cả những u sầu lặng lẽ chảy trong văn chương suốt 20 năm qua.

Hơn thế, những cuốn sách như vậy còn khỏa lấp một chỗ trống lớn trong khu vực sách cho thiếu nhi. Sách cho thiếu nhi tại Việt Nam hiện không hiếm, nhưng sách hay, sách tốt, nhân văn và được xuất bản nghiêm túc thì quả thực còn ít ỏi.

Có lẽ đó là một trong những lý do mà con tôi, cũng như trẻ em chỉ loanh quanh Nguyễn Nhật Ánh, Doraemon rồi quay sang cái điện thoại.

Nữ nhà văn Nga Tamara Kriukova trong lời đề tựa cho độc giả Việt Nam đã viết: “...Trẻ em là độc giả tốt nhất thế giới. Chúng chân thành và cởi mở trước tất cả mọi điều. Trò chuyện với trẻ em, tôi hiểu ra trong thời đại điện tử, những giá trị chính yếu vẫn không thay đổi. Đó là tình bạn, tình yêu, lòng tốt và sự thủy chung”.

Tác giả kể Barsik được trẻ em và người lớn ở Nga yêu thích, nên bà “hi vọng chúng sẽ mang nụ cười từ phía bắc xa xôi tới Việt Nam”. Giống như bà, tôi tin mèo cũng là những nhà ngoại giao tuyệt vời. Bởi ngôn ngữ nào cũng hiểu được tiếng “meo”.■

Chú thích:

(1) Nguyên tác: “Дневник кото сапиенса”, tác giả Tamara Kriukova. Bản tiếng Việt Nhật ký mèo khôn, Phan Xuân Loan dịch, NXB Trẻ, 2017.

(2) Nguyên tác: “Дневник Фокса Микки”, tác giả: Sasha Chyornyi (1880-1930). Bản tiếng Việt: Nhật ký chó fox Mikki, Phan Xuân Loan dịch, NXB Trẻ, 2017.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận