Xóm lò

HÀ ÂN 12/09/2017 01:09 GMT+7

TTCT - Đứng bên đường, nhìn thấy nóc của những xóm lò tỏa khói lên bầu trời xanh mây trắng. Níu con khói bằng cách qua một con đò.

Ảnh: Thuận Thắng
Ảnh: Thuận Thắng

 

Xóm lò gạch hiện ra trong cái nắng nóng mùa hè còn quá đỗi hiền lành so với sức nóng của lửa nung. Khoảng sân rộng vốn mênh mông, nay được lấp kín bởi những viên gạch nâu chờ nung còn thơm mùi đất mới.

Chị nói mình cũng như bao người phụ nữ ở xóm lò này. Con chữ không có, cái khó bám theo sau. Buộc lòng vào lò, làm nặng làm nhọc gì miễn có tiền mua gạo là chị cố để làm.

Rồi gặp chồng. Ông bà chủ lò thương, cho hai vợ chồng tá túc ở đây luôn. Coi lò là nhà, là nồi cơm để sống. Rất nhiều mối tình được kết tóc xe duyên bởi ông “thần lò”.

Và những đứa trẻ lần lượt ra đời tại đây rất vô tư, như bản tính vốn dĩ của những người phu cửu vạn. Nhiều người xa xứ đến đây làm rồi gặp nhau khi còn đôi mươi.

Họ đến với nhau, cùng nhau xây một cái chòi bên hông lò gạch, nhà không có, tiền chẳng đủ lo, cứ nương nhau mà sống. Bầy con nheo nhóc khiến căn chòi thêm xiêu vẹo, nắng và ngọn lửa lò thay phiên nhau bào mòn nhan sắc đàn bà.

Rồi những người đàn ông đó cứ ra đi biền biệt theo những mối tình mới không tên, chỉ còn lại nơi khu lò rất nhiều người đàn bà sáng cõng gạch, tối ôm con, khóc cạn nước mắt cho một mảnh đời dang dở.

“Đó là chuyện lúc trước, giờ đỡ rồi” - chị kể. Có máy móc phụ trợ, bớt cảnh người phụ nữ phải bê gần trăm viên gạch trên lưng đến nỗi làn da nổi từng vảy sừng u cục.

Cũng khuất bớt đi những mái chòi, gió lùa chẳng kín nổi, nuôi trong đó những câu chuyện ngặt nghèo như chuyện của nhà văn Nam Cao.

Bọn chị có nhà tập thể, chỉ có gạch thô, dùng ximăng bôi trét tạm bợ nhưng đỡ mưa nắng. “Được cái thần lò thương” - họ nói vậy, những người xa xứ, kiếm không được cục đất chọi chim.

Chị kể xứ ở đây không có nước máy, hằng ngày phải xách mấy can ra sông lấy nước về xài, một ngày xài mấy can, phải đẩy xe đi mấy bận vậy đó.

Điện thì chủ lò không lấy tiền, “nhiều khi nghĩ thần lò cũng có tướng tá y chang chú chủ lò, thương người khốn khó”.

Ngoài sân, dưới cái nắng gắt mùa hè, những đứa trẻ đang nghịch viên gạch sống vỡ làm đôi. Vừa xếp gạch lên xe vừa trông con, những người phụ nữ thêm vào tay đôi mắt: “Tụi nhỏ chơi đất cát vậy mà khỏe ru, có bệnh tật gì đâu. Chắc nhờ ông thần lò độ cho tụi nó”.

Thằng bé con chị độ bốn tuổi, không mang dép, ngồi bệt xuống sân, mải mê nhào nặn viên đất thành đủ hình thù, lúc thì hình tròn, khi thì hình vuông, khoái chí với thứ mà chỉ nó mới biết là gì.

Không có ai cằn nhằn người thằng nhóc lem nhem cát bụi, cũng không có ai xuýt xoa lau vội vệt đất nâu trên đôi má ửng hồng.

Bởi lẽ những người sống nơi xóm lò đều tin những đứa trẻ sinh ra tại đây luôn được thần lò che chở, chúng sẽ lớn lên khỏe mạnh và ngoan cường như những viên gạch nhỏ rắn rỏi dần trong lửa.

Những đứa trẻ ở đây lớn lên cùng với nhau, đứa lớn trông đứa nhỏ, đứa nhỏ trông đứa bé. Vì xung quanh không có trường mầm non, trường mẫu giáo thì cách đó một chặng đò, toàn những thứ khiến dân lao động thoái chí, nản lòng. Trẻ lò gạch mười tuổi chưa biết buồn, ai hỏi sống ở đâu là khoe luôn: thì sống ở lò gạch chớ đâu.

Trẻ lò gạch cũng sớm lo, vừa chơi vừa nhìn trời. Mưa sập xuống, tụi nó phụ mẹ che bạt số gạch đang phơi xong mới tính chuyện chạy chơi tắm mưa.

Những cột khói đen từ lò gạch bay hun hút lên cao, lẫn vào những đám mây tối mù. Rồi lũ trẻ này lớn lên, có lẽ sẽ có đứa vì mưu sinh mà bỏ ngang con chữ, rồi lại trở thành một phu cửu vạn, lẫn vào hàng ngàn lớp người đi trước, lẩn khuất cuộc đời sau những hàng gạch.

Và chắc hẳn cũng sẽ có đứa rời khỏi đám khói đen tù mù nơi xóm lò, mang theo những ký ức tuổi thơ gắn liền với viên gạch nâu còn thơm mùi đất mới, với ước mơ về một ngôi nhà của riêng mình...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận