Một gánh xôi - Một đời

PHẠM VŨ 17/02/2018 16:02 GMT+7

TTCT - Đi qua những dâu bể thời cuộc, những xoay chuyển náo loạn của kế sinh nhai, những thời thượng biến thiên chóng mặt của nghề nghiệp, vẫn còn những con người an nhiên bình thản nắm giữ một cái nghề đơn giản, nuôi sống cả một gia đình.

Bà Kiệm bên gánh xôi mỗi sáng. Ảnh: Tự Trung
Bà Kiệm bên gánh xôi mỗi sáng. Ảnh: Tự Trung

 

Và giờ, khi người ta lo âu nói về tương lai, nhốn nháo với những thay đổi công nghệ làm nghề này biến mất, nghề kia sung túc, những câu chuyện này cho thấy sức sống bền bỉ của một nền kinh tế thật, nơi những làm ăn chăm chỉ, siêng năng, tận tụy với nghề... vẫn là những giá trị thật đẹp, thật lành và có lẽ chẳng bao giờ mất.

5h30, trời vẫn còn tối, đèn đường đêm còn chưa tắt, gió vẫn còn hơi lạnh tích tụ cả đêm. Một chiếc honda chở người với lỉnh kỉnh quang gánh dừng lại ở góc đường Pasteur - Lê Thánh Tôn, bên cái tủ điện quen thuộc. Gánh xôi bà Kiệm bắt đầu buổi bán hàng của mình, như 64 năm qua. Những người đi tập thể dục trên con đường này tụ lại đứng chờ, thói quen cũng đã hình thành bao năm qua.

Từ hơn một năm nay, bà Kiệm không còn theo gánh ra gặp khách hàng được nữa. Tuổi 86 với mấy mươi năm dầm mưa dãi nắng đã bắt bà phải nằm lại trên giường.

Con gái bà - chị Thảo, thành thục từng động tác đã học của mẹ bao năm: từ tốn hỏi ý khách, thong thả trải miếng lá chuối lên mảnh giấy báo, xới thìa xôi dẻo, rắc thìa đậu, lại thêm mảnh lá bọc kín xôi, thêm gói hành phi, chút đường đã được vào từng bao nhỏ. “Từ từ, không vội, ăn miếng xôi nên chậm lại một chút” - ngày xưa bà từng nói thế, nói với con gái và cả với khách, dù khi khách đứng chờ đã chật góc đường.

Tôi mua xôi của bà nhiều năm như bao nhiêu khách hàng khác. Chỉ có ba món xôi xéo, xôi ngô, xôi lạc nấu kiểu Hà Nội mà bà giữ được bao nhiêu khách hàng quen trong bao nhiêu năm.

Đi tập thể dục, đi làm, đi học, đi bộ, đi xe máy, ôtô, cứ ghé qua góc đường và đứng chờ, ngắm bà thong thả gói xôi. Khi nào cũng phải chờ, mà chưa bao giờ nghe ai đó giục giã bà “mau, nhanh” cả. Ai vội, tất sẽ có người nhường cho lấy trước.

Chị Thảo - con gái bà Kiệm - nối nghiệp mẹ giữ gánh xôi giữa phố. Ảnh: Tự Trung
Chị Thảo - con gái bà Kiệm - nối nghiệp mẹ giữ gánh xôi giữa phố. Ảnh: Tự Trung

 

Nhiều lần ngồi chờ, tôi ngẫm câu bà nói: “Ăn miếng xôi nên chậm lại một chút”. Chừng như trong ấy chất chứa quan niệm sống của bà, những trải nghiệm một đời. Bà cứ lắc đầu trước những câu hỏi của khách, cười hiền lành như gánh xôi của bà.

“Sao bà không làm các loại xôi khác, bán thêm xôi thịt, chả?” - “Sức không có để làm. Quen thế này, khách cũng quen rồi, món khác đã có người khác bán”. “Sao bà không kiếm một căn nhà để mở cửa hàng?” - “Đã có nhà ở gần cầu Lê Văn Sĩ đủ ở rồi, khách cũng quen quang gánh góc này rồi, không đi nơi khác được”... Bà cứ thong thả gói xôi, thủng thẳng đáp.

“Chậm lại một chút” mới thấm được vị ngọt lành của hạt xôi. “Chậm một chút” mới nhận được mùi hành phi vừa sực nức lại vừa lẩn khuất. “Chậm một chút” mới hiểu được vẻ an yên bên góc phố mấy mươi năm, đã bốn lần cây me góc đường này bị thay thế.

Chiếc đòn gánh bằng tre già cong trĩu dưới sức nặng của mấy mươi cân xôi mỗi ngày cũng đã được thay đến chục lần. Lưng bà còng xuống mà vẫn gồng vẫn gánh.

64 năm, kể từ ngày di cư từ Bắc vào Nam, gánh xôi của bà vẫn phong cách Hà Nội xưa: chỉ xôi xéo, xôi ngô thơm dẻo với gạo, đậu, ngô được chọn kỹ lưỡng, hành phi thơm giòn tự làm tại nhà, mảnh lá chuối tươi lau sạch, ngày chỉ một gánh, bán đến 8h30 là đã hết.

Từ đó đến nay, những gánh xôi từa tựa vậy ở Hà Nội đã phát triển thành những cửa hàng xôi bạc tỉ với hàng chục loại xôi khác nhau, với trứng, thịt, chả, lạp xưởng, ruốc, với những hộp xôi bằng xốp, bằng nhựa vuông vức và hàng chục người thoăn thoắt bán. Những khách ăn xôi của bà đã lớn lên, đã thành đạt, đã đi xa, đã già. Sài Gòn đã đi qua cả một cuộc chiến tranh, đi qua những giai đoạn bao cấp - mở cửa.

Một bận tôi hỏi bà: “Bán ở góc đường này ngày xưa chắc nhiều Tây, nhiều Mỹ qua lại, bà có bán cho họ không?” - “Họ mua thì bán, cũng là khách hàng cả, chọn góc đường này vì đông người qua lại, lại cũng nhiều người Bắc”. “Hồi Mậu Thân 1968, súng nổ ngay đây, bà có bán không?” - “Mấy ngày tết thì năm nào cũng nghỉ, mùng 5 lại đi bán như thường. Lính biết mình đã bán nhiều năm cũng không làm khó. Mình bán việc mình, họ canh gác việc họ.

Trước Mậu Thân, mấy ông đảo chính cũng bắn nhau đì đùng, tôi vẫn cứ bán”. “Thế ngày 30-4-1975 thì sao?” - “Họ bỏ chạy đi đâu không rõ, tôi thì vẫn đi bán như thường, mà vẫn có người mua. Người ở lại vẫn đông hơn, lại cần thức ăn hơn”...

Quan điểm “bình tĩnh sống” nổi tiếng, thái độ “núi đổ cũng không chuyển sắc mặt” trong tiểu thuyết đây sao? Khi xưa bà ngồi ở góc phố, chầm chậm gói xôi cho khách, thỉnh thoảng vài câu chuyện xoay quanh việc chọn gạo, đồ xôi. Nay bà nằm trên giường, nhưng cứ 4h30 đã thức xem chị Thảo chuẩn bị chu đáo cho gánh xôi rồi ra đi. Bà lại chờ chị về kể chuyện: “Nay có mấy người khách hỏi thăm mẹ”.

Ganh Xôi bà Kiểm
Ganh Xôi bà Kiệm

 

Gánh xôi bà Kiệm đã nuôi mười người con khôn lớn, tử tế. Gánh xôi bà Kiệm đã lên báo, lên phim, được khách Tây chụp ảnh mang đi khắp thế giới, nhưng vẫn là một hình ảnh bình an giản dị không thể thiếu ở góc đường Pasteur - Lê Thánh Tôn ngày càng lộng lẫy, bình an đi qua cả những ngày mà chiến dịch dẹp lòng lề đường ồn ào nhất.

Bà giờ chỉ mong một ngày khỏe mạnh, ra ngồi với gánh xôi chào khách quen một tiếng cho vui. “Đời tôi có gánh xôi, nay gần đất xa trời rồi, gánh xôi vẫn còn” - bà cười. Hạnh phúc một đời người, một đời xôi là như thế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận