Mở mắt thấy đồng bằng

KHẢI ĐƠN 21/02/2018 17:02 GMT+7

TTCT - Mùa Tết của chị có khi chẳng cần lịch âm dương gì. Cứ ngủ một giấc trên sông, tiếng ghe lạch tạch đơm đều như con chim mổ thân cây, chị mở mắt nhìn bình minh rưới xuống nước, rồi thấy hàng hàng lớp lớp ghe bạn bên cạnh mình đua nhau chuyến sớm về Sài Gòn.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Dọc bờ kênh, mỗi buổi tối, nhà đò cập hông vô bờ, xếp mấy nải chuối ngả chín, chục bưởi lăn lóc và một vun cao chôm chôm, biến bờ Nhiêu Lộc - Sài Gòn thành cái tiểu cảnh nhỏ xíu giáp miền Tây.

Vợ chồng chị hàng thường tự tay lựa trái cho khách. Bưởi này nặng, ngon, chắc. Chuối này ngủ một giấc sáng mai ăn là vừa. Có hôm, họ từ chối bán cho tôi quả mít vì lo nó không chín tới kịp, ăn không ngon.

Họ theo những con nước Tiền Giang, Bến Tre, Sa Đéc... đi thật xa, rồi luồn qua Soài Rạp, đi hết ngạch kênh, len lỏi dưới chân cầu, vào những ngã thâm sâu nhất giữa đô thị, để chào bán thức quà quê đến tận cuống trái.

Chị hàng kể ghe nhà chị cứ đi một ngày một đêm từ Bến Tre là tới Sài Gòn, nghe tiếng xe ầm ào trên đường là biết đã vào phố. Đời chị sinh ra đã trên ghe, theo cha má đi giáp vòng sông nước, rồi cứ tiếp tục vậy tới khi chị lấy chồng, sinh thằng nhỏ.

Thằng nhóc chị gửi nhà ngoại nuôi, cho nó khỏi lênh đênh, còn được đi học và khi ngủ biết cái vững chãi của đất liền. Người ở sông, ở miết rồi nhớ cái chênh chênh dập dềnh của nước, áp cả nền gỗ boong thuyền lên má trong giấc ngủ. Lớn lên trên thuyền sẽ chẳng bao giờ muốn vào bờ nữa - như chị và anh từ thuở còn tắm mưa vầy nước dưới mặt sông lào rào gió lạnh.

Chỗ đậu ghe bán có vài gia đình, cập hông vào thì cột neo gần nhau, rỉ rả nói chuyện vườn, giá cả, mất mùa, được trái... rồi chuyện người Sài Gòn thích mua xoài chua chua, chớ xoài Thái giờ ngọt ngay hoặc sượng sùng xa lạ; chuyện cô bé bằng tuổi em út ở nhà nhưng nhìn quả bưởi không biết lựa quả nào ngon, nên nhờ hàng ghe lựa giùm cho khỏe.

Mùa cuối năm, trái cây đủ loại về, giá cũng đắt dần theo từng ngày ngấp nghé Tết. Anh chị bán gấp gáp khúc cuối, đợi đêm nước xuống vừa ghe đi qua dạ cầu là quay máy về quê, đặng đổ đầy khoang trái cây về kịp bán ngay chiều hôm sau. Người Sài Gòn hào phóng chi xài hơn khi Tết đến. Họ muốn thấy sung túc, an ổn, thấy đầy ắp thơm tho bàn thờ tổ tiên...

“Mùa này vợ chồng tui lái suốt ngày đêm, thay nhau ngủ, bán, ăn Tết mà, bán rồi về nghỉ chớ tụi nhỏ cũng sắp nghỉ học rồi. Tết ở Sài Gòn cũng ai mua đâu mà bán” - chị cười mà coi bộ cụm từ “ai mua đâu” lẽ ra phải làm cô hàng buồn hiu nay lại vui như mở cờ trong bụng, được dịp nhân đó dẹp ghe “trốn” về quê chơi với đứa nhỏ xa tay mình mấy tháng trời.

Mùa Tết của chị có khi chẳng cần lịch âm dương gì. Cứ ngủ một giấc trên sông, tiếng ghe lạch tạch đơm đều như con chim mổ thân cây, chị mở mắt nhìn bình minh rưới xuống nước, rồi thấy hàng hàng lớp lớp ghe bạn bên cạnh mình đua nhau chuyến sớm về Sài Gòn.

Vậy là biết Tết tới!

Ghe kiểng Sa Đéc giăng đầy mặt sông. Những ghe đầy cúc vàng ươm, đầy thân mai khẳng khiu nâu thẫm, đầy phát tài xanh ướt lá, đầy hồng lốm đốm mở cánh, đầy mào gà rực đỏ... hớt hải tăng tốc cả đêm lẫn ngày về Bình Đông, về Nhiêu Lộc...

Ghe trái cây Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang dìm mình sát rạt con nước vì đầy những phật thủ, bưởi, dừa, xoài, quýt... Và nghe vô vàn tiếng người ăn cơm trên boong cười đùa, trêu ghẹo, nghe là hiểu Tết tới.

Con sông Soài Rạp là cái cổ phễu hút tất cả dòng mật nhựa lấp lánh đó về phố, cung phụng, đưa đón, chiều chuộng thức quà tươi ngon nhất về Sài Gòn.

Tới lượt dân phố thành, đem xe cộ đổ về bờ kênh, đem theo háo hức và đủ dáng khệ nệ khênh bưng, tấp sát vào bờ nước đen ngòm bên bến Bình Đông hay quãng nào đó giữa Nhiêu Lộc, chụp lấy chậu cúc từ tay anh chủ ghe, vội về nhà cho kịp ngày cuối năm dọn tết.

Rồi sớm mai, khi đi đâu đó ngang qua ngả bến Bình Đông - Võ Văn Kiệt, từ bất cứ hướng nào nhìn xoáy vào ngã ba dòng nước đó, người ta phải kinh ngạc vì con nước đen hôi hám suốt cả năm trời tự dưng hóa thành cả khối lộng lẫy hồn nhiên như lâu đài vụt dậy trên bãi cát trống sau đêm.

Xôn xao phiên chợ cuối cùng. Xôn xao háo hức của những chủ vựa kiểng và trái cây trứ tiếng khắp ngả Cửu Long. Xôn xao tiếng người phu vác hoa và những chủ ghe thức cả ngày đêm dong hàng kịp tết. Xôn xao như âm thanh đập vào mi mắt chị hàng trái cây từ thuở thiếu niên, ngủ một giấc dài, mở mắt, thấy cả đồng bằng đang trôi về phố trên con nước.

Khi ấy, chị biết tết tới, không cần một cuốn lịch nào. Vậy là thằng nhóc ở nhà sắp nghỉ học, đợi má về kịp tết đêm ba mươi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận