“Giấc mơ Trung Hoa" trên sân bóng 

HUY ĐĂNG 06/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Năm 2013, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra học thuyết “Giấc mơ Trung Hoa”. Giấc mơ đó không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà tất cả, dĩ nhiên có cả bóng đá.

Ông Tập Cận Bình là người yêu bóng đá. -Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Tập Cận Bình là người yêu bóng đá. -Ảnh: GETTY IMAGES

 

“Giấc mơ Trung Hoa” trong lĩnh vực bóng đá của Trung Quốc càng thêm nóng khi ngày 15-6-2013 - sinh nhật 60 tuổi của Chủ tịch Tập Cận Bình - cũng là hôm đội tuyển Trung Quốc... thua thảm Thái Lan 1-5!

119 và giấc mơ vô địch World cup 2050

Những năm qua, cái tên “Trung Quốc” đang ngày càng gây ồn ào cho làng bóng đá thế giới. Nền bóng đá của họ cải tổ mạnh mẽ, tiền bạc được các CLB vung ra vô kể để mang về các ngôi sao nước ngoài, còn những học viện bóng đá mọc lên như nấm. Tất cả thuộc về một dự án bóng đá được giới truyền thông phương Tây gọi bằng cái tên “Dự án 119”.

“119” thật ra không phải là một dự án về bóng đá, mà dành chung cho các môn thể thao Olympic. Năm 2001, dự án này ra đời với mục đích giúp Trung Quốc đạt tham vọng vượt qua Mỹ ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Con số 119 tượng trưng số huy chương họ đặt ra ở Olympic 2008. Bản chất “dự án 119” nhằm cải thiện những môn thể thao không phải thế mạnh của Trung Quốc.

Olympic 2008 kết thúc đã nhiều năm, tại sao cái tên “119” vẫn còn tồn tại? Đó thật ra không phải là cách gọi của người Trung Quốc, mà là của báo giới phương Tây khi ví von về dự án phát triển bóng đá của quốc gia đông dân nhất thế giới. Người ta cho rằng dự án 119 của bóng đá ra đời sau ngày 15-6-2013 “lịch sử”.

Ông Tập Cận Bình từ lâu đã nổi tiếng là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Và thảm bại 1-5 trước Thái Lan - một đội tuyển đến từ vùng trũng Đông Nam Á - là không thể chấp nhận được và cuộc cải cách quy mô nhất, ồn ào nhất trong lịch sử bóng đá thế giới ra đời từ đó.

Từ đây, chúng ta hiểu “119” là của bóng đá bao gồm 3 mục tiêu chính, với bước đầu tiên là chống tham nhũng. Đến nay, có thể nói Trung Quốc đã thành công tương đối trong mục tiêu này khi hàng loạt quan chức bóng đá tham gia các đường dây hối lộ, nhũng nhiễu, dàn xếp tỉ số bị đưa ra ánh sáng.

Cameron Wilson - biên tập viên Wild East Football, một blog nổi tiếng về bóng đá châu Á - nhận định: “Rõ ràng các đường dây dàn xếp tỉ số đang ngày càng bị triệt bỏ. Nhưng thật khó nói đã chấm dứt hoàn toàn hay chưa” - trang inbedwithmaradona.com dẫn lời.

Khi mà bước thứ nhất đã tương đối hoàn thành xong, “119” hướng về bước thứ 2 - nâng tầm giải vô địch bóng đá của họ - China Super League (CSL). Các đội bóng của CSL được bơm tiền mạnh mẽ để mang về các ngôi sao từ châu Âu và Nam Mỹ.

Và nguồn tiền đến từ những công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc. “Những công ty lớn hỗ trợ bóng đá để đổi lại các lợi ích chính trị, những ảnh hưởng trong hành lang chính trị ở Bắc Kinh” - ông Wilson nhận xét.

Và suốt 3 năm qua, làng bóng đá thế giới liên tục rúng động bởi những vụ chuyển nhượng bom tấn của các CLB Trung Quốc. Oscar sang Shanghai SIPG với giá 54 triệu bảng Anh, Hulk có điểm đến tương tự với giá 50 triệu bảng, Alex Teixeira về Jiangsu Suning với giá 45 triệu bảng, còn Carlos Tevez - cầu thủ đã hết thời - cũng được Shanghai Senhua chào đón với mức lương “không tưởng” 34 triệu bảng Anh/năm...

Hai mục tiêu đầu tạo ra những luồng thông tin ồn ào, hao tốn vô kể bút mực của báo giới, nhưng mục tiêu thứ 3 - thầm lặng hơn - mới thực sự là thứ đòi hỏi nhiều đầu tư nhất: phát triển công tác đào tạo trẻ. Theo đó, đến năm 2017 sẽ hoàn tất 20.000 ngôi trường bóng đá.

Từ mỗi ngôi trường này sẽ đào tạo ra ít nhất 10 cầu thủ chuyên nghiệp, như vậy Trung Quốc sẽ có khoảng 200.000 cầu thủ được đào tạo bài bản trong vòng 10 năm tới.

Và cái đích cuối cùng của “119” là vô địch World Cup 2050!

Con đường mơ hồ?

Sau bốn năm, thử nhìn lại “119” đã làm được những gì?

Sự hiện diện của các ngôi sao đã tạo nên cú hích rõ rệt. Cụ thể, lượng khán giả đến sân ở CSL đang tăng đột biến. Mới mùa giải năm 2010, lượng khán giả trung bình mỗi trận của CSL chỉ là 15.427. Con số này ở mùa giải vừa kết thúc đã tăng lên thành 24.971, vượt qua cả Serie A cùng Ligue 1.

Năm 2015, bản quyền truyền hình của CSL được bán với giá vỏn vẹn 6 triệu bảng Anh. Nhưng sang đến mùa giải sau đó, gói bản quyền mới được bán với giá 190 triệu bảng/mùa, tăng 30 lần.

Nhưng đằng sau những con số hào nhoáng đó vẫn có nhiều nghi ngờ về tính bền vững của “119”. Những ngôi sao nước ngoài giúp CSL sôi động hơn, nhưng chưa hẳn là nhiều ích lợi hơn. Bản quyền truyền hình tuy giúp CSL thu về 190 triệu bảng, nhưng cũng trong khoảng thời gian đó các CLB dự CSL đã bỏ ra hơn 500 triệu bảng Anh mua cầu thủ, phần đông là từ các CLB châu Âu.

Đó là chưa kể những khoản lương khổng lồ mà họ phải trả. Carlos Tevez - ngôi sao hưởng lương 34 triệu bảng/năm - hoàn toàn là thương vụ thất bại. Anh lười tập, đá dở và còn chê bai đội nhà.

Tevez chỉ là một trong số các ngôi sao thất bại bên cạnh Teixeira, Jackson Martinez, Ezequiel Lavezzi... Vì thế, xét về hiệu quả kinh tế, CSL âm nặng nề. Và chỉ sau vài năm đầu tư, nhiều đội bóng đang tỏ dấu hiệu hụt hơi trong cuộc đua tài chính. Hồi tháng 7-2017, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đã cảnh cáo 13 đội bóng vì tình trạng nợ lương cầu thủ.

Ngay cả con đường dài hơi - các học viện bóng đá - cũng bị nghi ngờ về khả năng thành công. Tom Byer - HLV bóng đá người Mỹ từng có thời gian dài làm việc ở châu Á - nhận định: “Họ đã đi sai đường, chúng tôi có những thống kê về nhiều nền bóng đá từng chi hàng trăm triệu USD cho các học viện như Mỹ, Úc và Ấn Độ, các ngôi sao của họ ở đâu?”.

Ông Byer cho rằng những cầu thủ đẳng cấp thế giới được hình thành không chỉ nhờ vào các học viện, mà còn đến từ một nền tảng thể thao học đường, gia đình và cuộc sống. “Trước khi bước vào học viện, Messi đã được đào tạo kỹ năng đá bóng ở trường, trong gia đình và ngay trên đường phố, đó là những thứ không phải chỉ bỏ tiền xây học viện là có thể đạt được”.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn cả, đó là từ giờ đến năm 2050 vẫn còn 33 năm nữa, những người kế nhiệm ông Tập Cận Bình liệu có đam mê bóng đá?■

CLB Trung Quốc không có truyền thống

Ông Rowan Simons - nhà đầu tư trong lĩnh vực thể thao đã hoạt động ở Trung Quốc nhiều năm qua - tin rằng mô hình các CLB ở CSL là không hề bền vững.

“Ở Anh có khoảng 30.000 CLB nghiệp dư, nhưng ở Trung Quốc không có, họ không có cơ sở hạ tầng cho bóng đá nghiệp dư. Một đội bóng hàng đầu châu Âu luôn liên kết những CLB nghiệp dư, các trường học, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, các tổ chức dân sự lại với nhau. Một đội bóng là mô hình kim tự tháp với các ngôi sao hiện tại chỉ là phần đỉnh” - ông Simons nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận