Thể công- ngày trở lại

VŨ CÔNG LẬP 12/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Trở về với V-League, sau một thời gian dài chia xa, đấy là lúc, cả trên sân cỏ lẫn trên khán đài, lá cờ mang dòng chữ “Cơn lốc đỏ” lại mặc sức vẫy vùng. Còn trong lòng người lại ngập tràn bao cảm xúc, ngổn ngang bao nghĩ suy…

Chuyến tập huấn tại Hungary của những anh bộ đội đá bóng. Trong đội hình này có hai anh em lừng danh - Cao Cường (đầu tiên ở hàng ngồi từ phải sang) và Thế Anh (đầu tiên ở hàng đứng từ phải sang). Ảnh: Trần Văn Thành cung cấp
Chuyến tập huấn tại Hungary của những anh bộ đội đá bóng. Trong đội hình này có hai anh em lừng danh - Cao Cường (đầu tiên ở hàng ngồi từ phải sang) và Thế Anh (đầu tiên ở hàng đứng từ phải sang). Ảnh: Trần Văn Thành cung cấp

 

Chúng ta yêu bóng đá. Bóng đá luôn nằm trong dòng chảy bất tận, không ngưng nghỉ của thời gian. Bóng đá Việt Nam những năm qua là sự vất vả chuyển mình dựng xây một nền bóng đá chuyên nghiệp, trong một xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường.

Không phải chỉ là khoác lên mình bộ quần áo mới, mà là sự đổi thay cốt tủy trong máu thịt, trong hồn cốt. Trong dòng chảy đổi thay dữ dội đó, có những CLB bóng đá mới sinh thành và phát triển, nhưng nhiều đội bóng cũ với những cái tên thân thương, gần gũi, tự hào cũng không còn nữa. Âu cũng là cái lẽ sinh tử thông thường của bản thân sự sống.

Một lần và mãi mãi

Trong hoàn cảnh đó, Thể Công là một hiện tượng đặc biệt, hết sức đặc biệt. Nhiều năm qua, cái tên Thể Công không còn, nhưng tất cả chúng ta đều cảm thấy Thể Công vẫn hiện diện, không trên sân cỏ, nhưng trong trái tim của cả triệu người hâm mộ. Trong muôn vàn sự lãng quên, Thể Công luôn luôn là một ghi nhớ. Ngày cái tên Thể Công mất đi và tan về Thanh Hóa, rồi tạm tái hiện chút hình hài qua cái tên Viettel, chúng ta vẫn tin rằng rồi sẽ có một ngày Thể Công đích thực sẽ trở lại.

“Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công”. Thể Công là tình yêu, niềm tự hào, lòng tin tưởng. Chúng ta cảm nhận được Thể Công bằng cả cuộc sống của chúng ta. Không cần giải thích, mà cũng rất khó giải thích.

Năm 1955, là một chú bé 9 tuổi, tôi được bác tôi - lúc ấy là cán bộ quân đội - dẫn vào xem đá bóng ở sân Cột Cờ. Bác tôi mang theo một cái ghế nhỏ để tôi có thể đứng xem cho rõ, không bị che khuất. Nhưng ghế không phải dùng tới, vì các chú bộ đội nhường cho tôi vào ngồi trong, sát bên sân bóng. Thế rồi tôi lập tức yêu bóng đá, yêu Thể Công.

Thể Công là bộ đội. Những chú bộ đội tôi đã được gặp ở Thanh Hóa sau chiến thắng Điện Biên. Những chú bộ đội đã bế bổng tôi lên, lần đầu tiên cho tôi xem phim, phim nói về Việt Nam trên đường thắng lợi. Bây giờ là những chú bộ đội đá bóng cho tôi xem. Thứ bóng đá hay hơn nhiều so với những trận bóng chúng tôi tự chơi ngày kháng chiến, mà trái bóng là quả bưởi, là bong bóng lợn, hay đơn giản chỉ là những bó vải cuốn lại. Đấy là lần đầu Thể Công.

Để đến bây giờ là mãi mãi Thể Công. Ngày 23-9-2018, Thể Công tròn 64 tuổi. Tôi “mãi mãi Thể Công” cũng đã 63 năm. Thời chiến tranh chống Mỹ, có lúc Thể Công đổi tên thành Trường Sĩ Quan Lục Quân, hay Câu lạc bộ Quân Đội. Vẫn là đội bóng ấy, vẫn là những cầu thủ ấy, vẫn là lối chơi ấy, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng thấy ngờ ngợ.

Đối với lứa khán giả chúng tôi, Thể Công là một cái gì rất khác, không thay thế được. Tôi nhớ về sau, khi tên Thể Công được phục hồi, trong một lễ xuất quân mùa giải mới, khi lá quân kỳ quyết thắng được trao cho đội bóng trong tiếng kèn rộn rã của đội quân nhạc, tôi ngồi dưới mà ứa nước mắt.

Năm 1998, lần cuối Thể Công lên ngôi vô địch, chúng tôi cùng nhau viết một cuốn sách mang tên “Cơn lốc đỏ”. Và ngày 29-9-2018 vừa rồi, Cơn lốc đỏ ấy mới lại cuộn lên, sau trận thắng Bình Phước 2-0, trận thắng đánh dấu một mùa giải hạng nhất có giá trị phục hồi một cái tên. Đối với tôi, đấy là cái tên đẹp nhất của bóng đá Việt Nam, gắn với cái tên “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Bóng đá chuyên nghiệp tôn vinh những cái tên CLB như một thương hiệu. Thể Công là một thương hiệu đặc biệt, cho dù trong suốt quá trình xây dựng đội bóng, chưa ai học về những nguyên lý xây dựng thương hiệu trong kinh tế thị trường.

Một chiến dịch lớn đã thành công. Bắt đầu vào ngày 13-4-2018, khi Trung tâm thể thao Viettel làm lễ xuất quân bước vào mùa giải mới, với quyết tâm “giành suất lên hạng để được phép Bộ Quốc phòng lấy lại tên Thể Công cho đội bóng”. Dự lễ hôm ấy có Nguyễn Sỹ Hiển, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Nhật, Vương Tiến Dũng..., lứa “tiền bối” vẫn đang từng ngày từng giờ dõi theo lứa con cháu mình trong mỗi bước chân.

HLV Nguyễn Hải Biên, đội trưởng Bùi Tiến Dũng đều phát biểu, hứa hẹn, thể hiện rõ quyết tâm. Không khí ra quân khác hẳn những lần trước. Có một cái gì đó nao nao, háo hức. Khiến ta nhớ lại cả một chặng đường dài, những trận thắng tuyển Cuba, hạ Bát Nhất, những lần vô địch quốc gia, những cầu thủ ngày xưa đã không còn, trong đó có Anh hùng Quân đội Phạm Ngọc Khánh..., nhớ để biến kỷ niệm thành sức mạnh.

Ngày 29-9-2018, chiến dịch kết thúc. Lãnh đạo Trung tâm thể thao Viettel hôm nay là Đỗ Dũng, Thanh Hải, ngồi trên khán đài là Bảo Khanh, Minh Dũng..., cầm quân là Hải Biên, Thanh Phương, Ngô Dũng..., bình luận trận đấu trên truyền hình là Phương Nam, Hải Long... Và tôi tin chắc, ngồi trước màn ảnh truyền hình là tất cả các cựu cầu thủ Thể Công, những người tin yêu Thể Công, và vô số người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Lại nhớ tới Đức Thắng, Việt Hoàng đang cầm quân ở Thanh Hóa, Hải Phòng, nhớ Như Thuần vẫn xuất hiện trên các kênh sóng, hay Hồng Sơn đang gắn kết với một chương trình bóng đá thiếu nhi... Thể Công đấy, là người người lớp lớp nối tiếp nhau, không bao giờ ngưng nghỉ, là mọi mặt trận - khắp chốn khắp nơi, là mọi thời gian - như từ 64 năm nay vẫn thế, là chiều sâu, là độ dầy, là bản lĩnh, cho một lá quân kỳ cứ mãi mãi bay.

Viettel mừng chức vô địch Giải hạng nhất 2018, và sẽ tham dự V-League 2019 với tên Thể Công. Ảnh: Anh Quang
Viettel mừng chức vô địch Giải hạng nhất 2018, và sẽ tham dự V-League 2019 với tên Thể Công. Ảnh: Anh Quang

 

Nỗi lo ngày trở lại

Với niềm vui lớn lao và khó diễn tả của ngày trở về, chúng ta còn nhận được một thông điệp rất nghiêm túc khác: Thể Công chúng ta từng có là duy nhất, vì nó là một sản phẩm quý giá của lịch sử. Mà lịch sử thì không lặp lại. Để Thể Công đứng vững trong V-League và phát triển trong tương lai, chúng ta phải tìm một con đường khác. Những phương pháp hiệu quả của Thể Công xưa bây giờ khó có thể áp dụng. Những bài học của Thể Công thời đổi mới chắc đã khiến chúng ta tỉnh ngộ. Xem Viettel đá trong trận thắng Bình Phước 2-0, chúng ta dường như đã thấy cái giới hạn trong mô hình quá độ này. Cái chất lượng đang có, trên cái nền tảng vật chất hiện tại, là chưa đủ độ vững vàng cho một niềm tin.

Hãy xét một ví dụ về đào tạo trẻ. Lứa Thể Công 1969 là một thành công huy hoàng. Hai đợt tập huấn ở Triều Tiên và Hungary tạo ra một tiền đề lớn. Chúng ta đã tiếp cận thành công bóng đá hiện đại, và cầu thủ trẻ Thể Công sớm dày dạn trận mạc ngay cả trên đấu trường quốc tế.

Sau này, chúng ta dường như muốn học lại phương pháp ấy, khi cho lứa cầu thủ trẻ sang tập huấn ở Bulgaria và CHLB Đức. Nhưng nếu so sánh hai kết quả của cùng một phương pháp, chúng ta thấy rõ sự khác biệt. Lứa Thể Công Bulgaria - Đức đã chẳng làm nên sự nghiệp gì, cho dù Trịnh Quang Vinh, Quốc Long, Ngọc Duy... cũng có những đoạn đường lóe sáng. Là bởi thời cuộc đã khác, suy nghĩ cũng khác, và cách hành xử cũng đã rất khác.

Năm nay, khi Thể Công quay lại V-League, thì tương quan thế và lực giữa Thể Công và các đội bóng khác cũng đã rất khác xưa. Có thể nói xuất phát điểm của Thể Công nằm lùi lại một khoảng khá xa so với vạch khởi hành của các đội bóng khác. Thua về độ dày dạn và về kinh nghiệm, thua trong mô hình cấu trúc của CLB, thua trong lực lượng, đặc biệt là những vấn đề mang tính quốc tế.

Cái mà Thể Công có là một cơ sở vật chất tương đối khang trang, và có lẽ với một đơn vị đỡ đầu như Viettel thì Thể Công cũng không quá đáng lo về đầu tư, về tiền bạc. Nhưng ở Thể Công biết lấy ai đứng mũi chịu sào đây, như bầu Đức, như bầu Hiển, và kể cả như bầu Kiên khi chưa vướng vòng lao lý. Nhìn Nam Định lao đao trong năm đầu lên hạng, thấy như có lời cảnh báo khá khắc nghiệt với Thể Công trong ngày trở lại.

Viettel, trong tư cách là tiền đề của Thể Công, mới chỉ là một trung tâm đào tạo trẻ. Đấy chưa hẳn là phôi thai đã chín muồi cho một CLB bóng đá chuyên nghiệp. Hơn nữa, trong cái lò đào tạo trẻ ấy, yếu tố truyền thống và kinh nghiệm thì dồi dào, nhưng mầm mống công nghệ mang tính hiện đại thì chưa thể nói là đầy đủ. Hơn nữa, những thiếu hụt về nhân sự trong quản lý cấp cao, sự không rõ ràng trong cấu trúc - thiết chế nhà nghề về mặt tài chính, phân quyền, định hướng chiến lược... là một thách thức lớn.

Nó đòi hỏi một tư duy khác, một bản đề án khác. Thể Công mới trở lại sẽ không đi theo những ngả đường xưa. Muốn giữ được thương hiệu của mình, Thể Công sẽ đi một con đường khác. Thời kinh tế, ta vẫn nói đến tiền, nhưng làm sao để có một cấu trúc sinh ra tiền, hay chí ít thì cũng biết sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả, không phí phạm.

***

Nhưng thôi, đấy là chuyện của ngày mai. Bây giờ chúng ta hãy cùng vui cái đã. Niềm vui chính đáng cho một ngày trở lại xứng đáng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận