“Ép chín” cho chỉ tiêu vô địch!

NGUYỄN NGUYÊN 23/11/2018 23:11 GMT+7

TTCT- Thầy trò HLV Park Hang Seo đã có 3 trận tại AFF Cup 2018. Về lý thuyết 7 điểm, hiệu số 5-0 cùng vị trí nhì bảng vẫn có thể bị loại, nhưng khả năng này cực khó xảy ra vì tuyển Việt Nam phải thua Campuchia “vừa đủ” và Malaysia thắng Myanmar cũng “vừa đủ”.

Thủ môn Đặng Văn Lâm - người hùng trong trận thắng Malaysia 2-0 tại Mỹ Đình. Ảnh: Nguyên Khôi
Thủ môn Đặng Văn Lâm - người hùng trong trận thắng Malaysia 2-0 tại Mỹ Đình. Ảnh: Nguyên Khôi

 

270 phút chưa thủng lưới và có 5 bàn thắng (riêng với Lào, đội cuối bảng và vừa thua Campuchia đã có 3 bàn) chưa phải là một thành tích đáng để đặt hết niềm tin vào cửa vô địch, nhưng cũng là một hành trình đủ dài để điểm lại những gì đã làm được và còn cần nỗ lực hơn.

Tối 20-11, tôi ngồi xem trận Myanmar - Việt Nam qua truyền hình cùng các “thầy”, trong đó có những vị từng là trưởng đoàn bóng đá Việt Nam, HLV trưởng đội tuyển nữ, HLV các CLB, giám sát, thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF)... thì đa số đều có chung nhận định: Đội tuyển chúng ta năm nay “ngoan hơn”, không bị phân tâm chuyện ngoài sân như những kỳ AFF Cup trước, nhưng để đạt đến ngôi vô địch thì còn cần phải nhiều yếu tố nữa, nhất là may mắn.

Có ý kiến còn thẳng thừng: “Điều đáng ngại nhất hiện nay là đội tuyển đang được “ca” quá. Truyền hình ca ngợi các em như những siêu sao, báo mạng chuyển qua “lăngxê” cả các bà vợ, người yêu của từng cầu thủ cứ như những nàng WAG của bóng đá Anh. Sao không “thả lỏng”, thậm chí là bị chê như thời ông (Henrique) Calisto dẫn dắt thế hệ tài năng đá AFF Cup 2008 để họ bớt áp lực!”.

Công Phượng ôm đầu tiếc rẻ sau một tình huống đối mặt thủ môn Myanmar nhưng dứt điểm quá hiền! Ảnh: Nguyên Khôi
Công Phượng ôm đầu tiếc rẻ sau một tình huống đối mặt thủ môn Myanmar nhưng dứt điểm quá hiền! Ảnh: Nguyên Khôi

 

Cái khó cho đội tuyển hiện nay là họ hay bị lấy hệ quy chiếu của vòng chung kết U-23 châu Á (vào chung kết) hay Asiad 2018 (vào bán kết) rồi áp cho đội tuyển phải vô địch. Cả hai giải đấu gây tiếng vang lớn trên đều mang đậm dấu ấn Việt Nam đại diện cho cả Đông Nam Á khi các láng giềng cùng hoặc hơn đẳng cấp Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều rụng sớm.

Ở các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến, thành tích của bóng đá trẻ rất đáng trân trọng, nhưng đó được xem là nền tảng cho tương lai, chứ không bao giờ bị ép chín vô địch trẻ thì phải vô địch cấp đội tuyển ngay.

Ta thì cứ “hốt” được một cấp trẻ là dán ngay cái nhãn của một nền bóng đá quốc gia. Như lứa U-19 năm 2016 vừa vượt ngưỡng dự vòng chung kết U-20 World Cup là nhồi nhét để có ngay một đội U-23, rồi một đội tuyển phải vô địch Đông Nam Á, trong khi lứa kế thừa U-19 hai năm sau thì... “mất điện”.

Trở lại với đội tuyển hiện nay, vốn là hình hài của U-23 châu Á có tăng cường - hay đúng hơn là thành phần dự Asiad có bổ sung. Nhìn vào dễ thấy vẫn một bộ khung cũ có giặm thêm vài vị trí giàu kinh nghiệm. Như Đặng Văn Lâm lấy chỗ Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải thay vị trí trung vệ của Bùi Tiến Dũng của Viettel, Anh Đức, Văn Quyết mỗi người cặp vào một khu vực.

Người mới có giặm thêm, nhưng cơ bản là lối chơi mang đậm dấu ấn Park Hang Seo vẫn không đổi. Vẫn là chơi chắc chắn với hàng thủ cố định (gần như không đổi), còn lại là những điều chỉnh ở tuyến trên tùy vào đối thủ và mục đích.

Lối đá mà chính ông Park Hang Seo cũng thú nhận rằng các đối thủ sẽ nghiên cứu chúng ta rất kỹ qua tiếng vang với những gì đạt được ở vòng chung kết U-23 châu Á và Asiad 2018.

Trận khai mạc với Lào chỉ là thế trận một chiều, sẽ khó có thu hoạch nhiều về chuyên môn. Trận thắng Malaysia có lẽ là dấu ấn đậm nét nhất của đội tuyển cho tới lúc này, khi chúng ta chơi phòng ngự phản công đúng chất nhà á quân U-23 châu Á.

Đó là 90 phút thầy trò ông Park Hang Seo phát huy hết sức mạnh với hệ thống phòng ngự đan chặt vào nhau kiểu từng nút chặn, không xa nhau quá bán kính 10 mét. Phần còn lại là phản công dựa vào những cầu thủ có khả năng tận dụng khoảng trống tốt.

Sau trận Việt Nam thắng Malaysia 2-0, trong số rất nhiều bài ca ngợi và tung hô như kiểu chúng ta sắp vô địch đến nơi, tôi lại chú ý nhất lời nhắn nhủ của cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải: “Thắng Malaysia 2-0, đường đến bán kết rộng mở! Nhưng nói thẳng: Nếu cứ đá như hôm nay mà không có may mắn song hành thì đi xa thế nào được đây?”.

Một chiến thắng cần thiết và đáng khen, nhưng được đẩy đi quá xa như một kỳ tích thì có thể tạo ra ngộ nhận, và nguy hiểm hơn, ảo tưởng, trong khi khó nhìn ra những gì còn cần cải thiện, cần bổ sung, và cả những may rủi đôi khi phản ánh quá nhiều trong kết quả cuối cùng, phải “tri bỉ tri kỷ”, thì mới hi vọng bách chiến bách thắng được.

Vì thế, trận hòa Myanmar đã mở ra nhiều nút thắt mà hai chiến thắng trước những lời tán tụng vô tình gút lại. Trận thắng Malaysia, trong khi cũng có những may mắn nhất định trong một số tình huống, chính là những gì tuyển Việt Nam cần thể hiện nhiều hơn trên hành trình còn lại của AFF Cup, nhất là ở những vòng loại trực tiếp, khi mọi cơ hội đều cần chắt chiu và các đối thủ sẽ khó chịu hơn nhiều.

Trận hòa với Myanmar tuy không phải là tai họa, nhưng nó cho thấy một chút vận may không như ý (hay trong trường hợp này, một quyết định sai sót của trọng tài), một đối thủ đã nghiên cứu kỹ chúng ta, và một vài tình huống có cơ hội bị bỏ qua, có thể dẫn tới một kết quả thất vọng ra sao.

Nhưng một điểm đó không nhất thiết là điều dở. Một trận đấu không như ý để vỡ ra nhiều vấn đề, để khắc phục kịp thời trước bán kết cũng là điều tốt, thay vì sự lạc quan thái quá với những lời tán tụng hay sự nuối tiếc với một bàn thắng bị cướp mất.

Cứ để đội tuyển “lớn dần” theo khả năng, chứ đừng “ép chín” với hào quang như thể sẽ san bằng tất cả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận