Felizitas

HẠNH PHÚC (ĐỨC) 16/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - ... Và tôi xấu hổ trước tượng đài mới của lòng mình. Tôi cúi đầu trước tấm gương sáng quắc về sự tự hào và trí thông minh của con người biết làm chủ cuộc đời mình...

Bức tranh Snow Day của họa sĩ Nigel Vanwieck
Bức tranh Snow Day của họa sĩ Nigel Vanwieck

 

Trời tuyết mịt mù và những bông tuyết ẩm theo gió hun hút lùa vào tận đoạn sân ga được che gần hết bằng mái kính. Tối chủ nhật bao giờ cũng là thời điểm nặng nề nhất tuần - như mọi khi, tôi một mình ra ga Ostbahnhof để về trường, sau một cuối tuần vui vẻ bên người yêu.

Tôi không bao giờ cho Egbert tiễn. Anh hiền lành và thường làm gì cũng theo ý tôi. Chỉ riêng cái tên Felizitas anh đặt cho là tôi chịu nhận.

Egbert nói tên đó nghĩa là hạnh phúc, hình như cũng là tên của nữ thần nào đó tượng trưng cho sự mắn đẻ, nhưng ít nhất thì cũng là một cách dịch hay cho cái tên Hạnh Phúc của cha mẹ đặt cho tôi.

Gần như cuối tuần nào tôi cũng lên thủ đô. Tôi không thích anh về thăm, vì ở tỉnh lẻ chẳng có gì vui vẻ, trong khi Berlin là kho vô tận của các trò tiêu khiển từ nền nã đến hư hỏng, kể cả cho túi tiền xẹp lép của sinh viên.

Tàu đến muộn, như mọi mùa đông ở xứ lạnh này. Tôi đi đi lại lại cho đỡ cóng và chợt như thấy một ánh mắt quen. Hansi, như anh ta sau này tự giới thiệu, đột ngột hiện ra trước tôi. Cũng có thể tôi vừa cúi đầu lững thững đi vừa di mũi ủng lên tuyết nên không để ý.

Hansi có đôi mắt mỗi bên một màu, tinh nghịch và lấp lánh như bi ve trong ánh đèn sân ga buồn thảm, tương phản với bộ đồ nhếch nhác và có lẽ cũng hôi hám.

“Không còn tàu nào nữa đâu. Bão tuyết thế này” - anh khàn khàn nói. Tôi không phản ứng, chỉ nhìn hai túi lưới đầy căng chai rỗng mà anh xách trên tay. Nếu có một cách để bắt chuyện với phụ nữ thì đây là cách ít triển vọng nhất.

Là một phụ nữ Á Đông, có thể không xinh đẹp, nhưng tôi tin là dễ coi và chí ít cũng luôn nổi bật giữa đám đông tóc vàng, tôi quen với những cách thử làm quen không hẳn kém thiện ý, nhưng phần lớn là nên lịch sự lờ đi.

Tôi lánh sang bên và đi tiếp. Như để xác nhận thông tin của Hansi, loa trên sân ga rè rè thông báo mọi chuyến tàu trước 8 giờ sáng mai bị cắt. Tôi thở dài. Đó là mùa đông kỷ lục ở Đức từ 65 năm, một số tỉnh ở bờ Baltic còn phải gọi trực thăng tiếp viện thực phẩm vì đường sá ngập tuyết không dọn kịp.

Thế là mất buổi học sáng thứ hai. Không phải lần đầu. Nhưng nếu biết trước thì bây giờ tôi và Egbert đã đang ngồi trong rạp xem phim hay trên giường, mỗi đứa giành một bên tai nghe để ư ử hát theo đĩa nhạc mới của Jethro Tull. Chúng tôi đi với nhau đã nửa năm.

Egbert vốn là người trầm tĩnh và mờ nhạt, tôi không thể hình dung sẽ chung sống với nhau ra sao, nhưng bên anh mọi thứ đều bình yên một cách dễ chịu và hình như cuộc sống chỉ là sự liên tục lặp lại của thói quen?

Tôi hay triết lý một cách bà cụ non như vậy, dù đôi khi trong đầu óc ngang ngạnh của tôi lóe lên ý nghĩ lạ lẫm mà xác đáng, rằng cũng sẽ chẳng có gì khác, nếu ngày mai Egbert đáng thương của tôi tan biến vào thinh không như chưa hề tồn tại.

“Nếu em không ngại thì trọ ở nhà tôi, ngay sau ga” - tiếng Hansi sau lưng. Tôi quay lại, cười thầm về kiểu đường đột vụng về. Nhưng ánh mắt anh nghiêm túc.

Giờ thì tôi nhìn anh kỹ hơn. Trái với bộ đồ lính sờn rách, tóc tai anh gọn gàng, bộ râu ba ngày xén tỉa kỹ lưỡng và cái mùi hôi hám mà tôi dự đoán kỳ thực không có. Tôi tạm ứng chút niềm tin và theo anh về nhà.

Sau này nghĩ lại cũng không rõ có phải vì linh cảm an lành, hay vì tôi đang đờ đẫn trong một khủng hoảng tâm lý. Sau bốn năm học ở trường đại học Humboldt danh tiếng, tôi thấy mình vẫn ngu dốt như xưa.

Những gì tôi học được ở đất nước của vô số vĩ nhân này đều là lượm lặt ngoài đường. Vài cơn nhớ nhà rồi cũng trôi qua, bạn bè thời me sấu dần phôi pha trong ý nghĩ, nhưng tôi không nén được cảm giác mình là mẩu ruột thừa trong một cơ thể cường tráng.

Nó hiện hữu chỉ để được tồn tại trước khi giở chứng và bị cắt đi không thương tiếc. Trong trường hợp lý tưởng, nó nằm yên và không được ai biết đến, vô hại, vô vị, vô nghĩa.

Hansi có một studio nhỏ, anh xin lỗi là chỉ có thể cho tôi nằm ở sofa. Anh học triết ở cùng trường tôi, nhưng đã bị nghỉ học vì tham gia vào một cuộc thảo luận về chủ nghĩa hòa bình của nhóm Émile Arnaud III, một tổ chức nhà thờ bị nghi kỵ thời bấy giờ.

Từ ấy anh tối tối ra ga lượm vỏ chai đổi lấy tiền sinh sống, ban ngày cắt cỏ cho công viên và các nhà trẻ lân cận. Tôi không mệt và vui vẻ nhận lời cùng Hansi xem nốt trận quyền anh trên màn ảnh nhỏ. Anh cẩn thận pha cho tôi ấm trà.

Sau nửa tiếng truyền hình là tôi biết cả cuộc đời Hansi. Anh là người đồng tính và ngay từ đầu đã chịu ánh mắt kỳ thị ở trường, do đó không luyến tiếc khi bị đuổi học. Anh có niềm tin kiên định vào cái thiện trong mỗi người.

Anh sống tằn tiện và sạch sẽ, nghèo nàn nhưng quá kiêu hãnh để xin trợ cấp xã hội, chừng nào vặt mũi còn đủ đút miệng. Giờ thì tôi mới nhận ra là lò sưởi nhà anh lạnh tanh vì tiết kiệm.

Anh ngạo mạn với nhân sinh quan của mình và phản kháng mấy luận điểm của Arthur Schopenhauer mà chính tôi không hiểu lắm. Anh say sưa nói trong khi tôi ngắm anh từ phía bên.

Chúng tôi trò chuyện đến sáng sau khi tắt vô tuyến. Và tôi xấu hổ trước tượng đài mới của lòng mình. Tôi cúi đầu trước tấm gương sáng quắc về sự tự hào và trí thông minh của con người biết làm chủ cuộc đời mình.

Tôi, một kẻ sinh ra trong ấm êm của cha mẹ, sống bằng học bổng, vui chơi bên cạnh một mối tình hời hợt và an toàn. Và đã hai năm nay bỏ hết văn thơ, vốn từng được coi là nguồn sống trong huyết quản, nay nằm xó mà không hề được tiếc thương.

Hansi ngỏ ý muốn tiễn tôi ra tàu. Tôi từ chối, lẳng lặng cảm ơn anh, khẽ ôm anh ở cửa và ra đi. Đến đại sứ quán. Làm thủ tục hồi hương. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận