04/02/2023 09:38 GMT+7

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời

Những người đến tiễn đưa nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên sáng 4-2 lặng đi khi nghe lời tiễn biệt của các con dành cho bà, đặc biệt là lời tiễn biệt bằng giai điệu bất hủ 'Hành khúc tang lễ' mà Đặng Thái Sơn đàn.

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 1.

Bạn bè, người thân chia buồn với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại lễ tang bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chơi Hành khúc tang lễ tiễn đưa má Liên của ông - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 3.

Đặng Thái Sơn và người thân tiễn đưa Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 4.

Người thân, người mến mộ tiễn đưa bà Thái Thị Liên về nơi an nghỉ cuối cùng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Lễ tang bà Thái Thị Liên bắt đầu từ 7h30 sáng 4-2 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Học viện Âm nhạc quốc gia - nơi bà Thái Thị Liên là một trong bảy người đầu tiên xây dựng trường và con gái bà - Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà từng là giám đốc - cùng gia đình tổ chức tang lễ cho bà.

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 5.

Ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - viếng bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - tấm gương sáng để lại

Các đoàn thể, gia đình, bạn bè, nghệ sĩ, người hâm mộ từ cả nước và một số đoàn từ nước ngoài đã lặng lẽ vào viếng nghệ sĩ Thái Thị Liên trong tiếng đàn piano da diết của Đặng Thái Sơn chơi nhạc Chopin được thu âm trước đây.

Những người đến viếng đều dành cho bà Thái Thị Liên những lời trân trọng nhất.

Ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - ghi trong sổ tang: "Xin được bày tỏ lòng trân trọng và cảm ơn sâu sắc (đến những đóng góp to lớn - PV) của nghệ sĩ Thái Thị Liên đối với nền âm nhạc nói riêng và nền văn học nghệ thuật nước nhà".

Ông Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, "người học trò nhỏ" của bác Liên - bày tỏ lòng vô cùng thương tiếc về sự ra đi của Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên.

"Cuộc đời và sự nghiệp của bác là tấm gương sáng để các thế hệ văn nghệ sĩ mãi mãi noi theo", ông Quân nói lời tiễn biệt tới nghệ sĩ Thái Thị Liên về nơi "luôn có âm nhạc, có tình cảm của con cháu, các thế hệ học trò của bác dõi theo và luôn nhớ thương bác".

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia buồn với gia đình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 8.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông viếng bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Dù má có lìa xa cõi tạm, nhưng má luôn là tấm gương cho các lớp con cháu học theo. Má đi mang theo vô vàn tình thương yêu, quý trọng của chúng con...", nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh đại diện gia đình thông gia với bà Thái Thị Liên nói những lời tiễn biệt với người phụ nữ đáng kính.

Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia - ông Lê Anh Tuấn - đọc điếu văn ôn lại cuộc đời nhiều đóng góp lớn lao của nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên với nền âm nhạc Việt Nam nói chung và Học viện Âm nhạc Việt Nam nói riêng.

Ông nhấn mạnh bà như một nghệ sĩ, một trí thức tiêu biểu thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và đặc biệt sinh ra Đặng Thái Sơn cho đất nước.

Với vai trò là một nhà giáo dục, bà là thầy của rất nhiều học trò thành danh như Trần Thu Hà, Đặng Hồng Quang, Trần Thanh Thảo, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc... và đặc biệt là người học trò xuất sắc Đặng Thái Sơn. 

Với vai trò là nghệ sĩ, từ buổi công diễn đầu tiên ở Tòa thị chính Sài Gòn năm 16 tuổi đến đêm nhạc cuối cùng Trăm mùa thu vàng ở tuổi 100 trên sân khấu lớn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, bà Thái Thị Liên đã có một sự nghiệp biểu diễn đồ sộ. 

"Bà là người đầu tiên đã biểu diễn chương trình recital piano từ cuối những năm 50 ở Hà Nội và duy trì thường xuyên các buổi biểu diễn với quy mô lớn nhỏ, tham gia các chương trình hoà tấu với các chuyên gia nghệ sĩ từ Liên Xô cũ và các nước khác, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng và sau này ở TP.HCM. 

Bà đã biểu diễn không chỉ trong các khán phòng lớn đầy ánh sáng, mà còn cả trong những đêm nhạc chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, như những đêm nhạc chuyên đề dành cho học sinh và giảng viên trong trường", điếu văn do con trai trưởng Trần Thanh Bình viết cho hay.

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 9.

Ca sĩ Thanh Lam tiễn biệt bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 10.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy kính viếng bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong giai điệu của Chopin, Đặng Thái Sơn tiễn má Liên về trời - Ảnh 11.

Ca sĩ Phạm Thu Hà viếng bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đặng Thái Sơn chơi Hành khúc tang lễ của Chopin tiễn đưa má Thái Thị Liên

Trước giờ phút tiễn biệt, các con của nghệ sĩ Thái Thị Liên đã nói lời tạm biệt với má theo những cách riêng.

Trưởng nam - kiến trúc sư Trần Thanh Bình xúc động nói má có một cuộc đời đáng sống, và những bài học má để lại từ chính cuộc đời phi thường của mình sẽ theo các con mãi mãi.

Biết ơn kiếp này được làm con của má Liên, ông mong nếu có kiếp sau vẫn xin được làm con của má.

Ông Bình cũng nói tới hai ước nguyện của má trong tang lễ. Một là dùng tất cả tiền phúng viếng để gửi tặng cho Bệnh viện Lao phổi trung ương - nơi hơn 60 năm về trước đã cứu sống bà Thái Thị Liên.

 Và ước nguyện thứ hai là được nghe con trai yêu quý Đặng Thái Sơn tiễn má bằng bản nhạc bất hủ Hành khúc tang lễ của Chopin.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn xúc động trong lần chơi Chopin đặc biệt này. Hơn 40 năm qua ông đã diễn ở khắp các phòng hòa nhạc sang trọng trên thế giới, nhưng đây là lần chơi Chopin cho ông nhiều cảm xúc hơn cả.

Bởi ông có sự gắn bó đặc biệt với má của mình. Trong ba người con thì ông sống với má nhiều nhất.

Quá xúc động trước nỗi mất mát quá lớn, Đặng Thái Sơn tưởng mình không thể chơi được bản nhạc trong tang lễ, nhưng ông đã cố gắng để thực hiện ước nguyện của má. Và nhờ có âm nhạc, ông cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi tiễn đưa má về trời.

Kể từ khi rời ngôi nhà của ông bà ngoại, má đã bị cuốn vào những cơn phong ba của thời cuộc, chính trị, đất nước, thế giới, vùng miền, định kiến và cả lòng dạ con người, đối mặt với những khó khăn vật chất và tinh thần…

Có lẽ con sẽ ám ảnh đến suốt cuộc đời hình ảnh những ngày này đúng 70 năm về trước, má từ một tiểu thư nhung lụa, một mệnh phụ danh giá, một bước trở thành góa phụ ôm đứa con mới sinh, đêm 30 Tết một mình không biết đi về đâu, giữa một vùng núi xa lạ, giữa những con người xa lạ, xa lạ cả về ngôn ngữ.

Kiến trúc sư Trần Thanh Bình đọc điếu văn trong tang lễ bà Thái Thị Liên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cũng cho đến tận bây giờ, cả ba chị em con vẫn không hình dung ra, bằng cách nào mà trong một quãng thời gian dài, má đã một tay nuôi cả một gia đình 8 người, con mình con chồng 5 đứa, rồi mẹ chồng … mà nuôi rất đàng hoàng, có cả người giúp việc. Tất cả chỉ bằng một cây đàn làm việc không ngừng nghỉ.

Rồi những ngày với nỗ lực tưởng như tuyệt vọng, phải đánh đổi rất nhiều để con trai út được đến nơi mà em con xứng đáng thuộc về. Có lẽ phải bằng một nghị lực và ý chí siêu phàm mới giúp má bay lên từ những lần bị sa xuống vực ấy. Và, cũng phải nhờ một tinh thần lạc quan tưởng như vô tư hiếm có...

(Trích lời trưởng nam Trần Thanh Bình trong tang lễ bà Thái Thị Liên)

Bà Thái Thị Liên sinh ra trong một gia đình giàu có tại Sài Gòn năm 1918. Bố bà là người Việt Nam đầu tiên có bằng kỹ sư điện ở Pháp, nên cả nhà bà nhập quốc tịch Pháp.

Tuy mang quốc tịch Pháp nhưng bà Liên và những người anh em trai của mình, trong đó có luật sư Thái Văn Lung, lại hoạt động cách mạng, chống Pháp.

Bà kết hôn với ông Trần Ngọc Danh - em ruột Tổng bí thư Trần Phú - khi đang hoạt động cách mạng tại Pháp nơi bà theo học piano. Sau đó bà theo chồng đi làm nhiệm vụ ở Tiệp Khắc và hoàn thành chương trình đại học về biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha.

Nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên năm 2019 - Ảnh: Facebook Đặng Thái Sơn

Nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên năm 2019 - Ảnh: Facebook Đặng Thái Sơn

Năm 1951 thì bà theo chồng về chiến khu Việt Bắc, tiếp tục hoạt động cách mạng, nhưng chồng bà không may qua đời vì bạo bệnh, để lại cho bà hai con nhỏ.

Cũng tại chiến khu, bà đã gặp và kết hôn với nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng. Hai người có một con chung là Đặng Thái Sơn.

Năm 1980, sau giải nhất Concours Chopin của Đặng Thái Sơn, bà ra nước ngoài sống cùng con trai út, qua nhiều nước như Liên Xô, Nhật, Canada.

Năm 2013, do tuổi cao sức yếu, bà trở về nước sống gần hai con đầu là Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà và kiến trúc sư Trần Thanh Bình tại Hà Nội.

Bà Thái Thị Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú đợt đầu tiên năm 1984 và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990, Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 1980), Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 1998).

Bà trút hơi thở cuối cùng vào 9h37 ngày 31-1 ở nhà riêng tại Hà Nội. Bà được an táng tại Hồng Lạc Viên, tỉnh Hòa Bình.

Lễ đưa tiễn NSND Trần Tiến: Lễ đưa tiễn NSND Trần Tiến: 'Hãy nhớ đến tôi một Trần Tiến thế thôi'

Lễ truy điệu nghệ sĩ Trần Tiến diễn ra xúc động trong những giai điệu và ca từ đẹp của bài hát 'Em ơi Hà Nội phố' và những lời cảm động, những vần thơ đầy triết lý nhân sinh, đậm tinh thần Phật pháp do ba cô con gái Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi đọc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên