10 thay đổi lớn về quan niệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc

(CÒN TIẾP) 05/12/2007 21:12 GMT+7

TTCT - Sau khi Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) kết thúc, các báo và tạp chí lớn của TQ đã liên tục đăng nhiều bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu TQ đi sâu phân tích, phản ánh những đường lối chính sách và thành tựu của Đảng được đề xuất và thông qua tại đại hội.

Một nhà trẻ tư nhân ở Trung Quốc

TTCT - LTS: Sau khi Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) kết thúc, các báo và tạp chí lớn của TQ đã liên tục đăng nhiều bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu TQ đi sâu phân tích, phản ánh những đường lối chính sách và thành tựu của Đảng được đề xuất và thông qua tại đại hội.

Trong đó có bài viết của giáo sư Đổng Đức Cương, phó chủ nhiệm khoa triết học Trường Đảng trung ương, đăng trên mạng Đảng Cộng sản TQ và tờ Bắc Kinh Nhật Báo. TTCT trích đăng để bạn đọc tham khảo.

Xã hội tiến bộ thường lấy giải phóng tư tưởng, thay đổi quan niệm làm chủ đạo. Đặng Tiểu Bình từng nói: “Một đảng, một nhà nước, một dân tộc nếu xuất phát từ tư tưởng cứng nhắc, mê tín thịnh hành sẽ không thể phát triển được, sức sống ngưng trệ, đảng sẽ tan, nước sẽ mất”.

Nhìn lại lịch sử tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế của TQ trong những năm qua thì những trở ngại chủ yếu đối với sự nghiệp hiện đại hóa XHCN chính là những quan niệm sai trái, phiến diện, giản đơn về CNXH và CNTB, về chế độ công hữu và tư hữu, đặc biệt là về chủ nghĩa Mác. Những quan niệm này đến nay có chỗ đã thay đổi, có chỗ đang dần dần thay đổi, cũng có chỗ đang thu hút sự chú ý của mọi người.

1. Đối với nhận thức hình thái xã hội, phải chuyển biến từng trọng điểm đơn nhất sang thống nhất về lý luận toàn diện và lý luận trọng điểm

Quan điểm về hình thái xã hội của chủ nghĩa Mác, ít nhất có hai góc độ cơ bản: một là chế độ xã hội, hình thái kinh tế - xã hội; hai là lực lượng sản xuất.

Vấn đề lực lượng sản xuất và chế độ xã hội của hình thái xã hội đều là vấn đề chúng ta cần chú ý. Nhưng từ trước tới nay, chúng ta chỉ coi trọng góc độ lực lượng sản xuất mà coi nhẹ một cách nghiêm trọng góc độ chế độ xã hội, chủ yếu nhìn hình thái xã hội qua lực lượng sản xuất. 

Dường như vấn đề chủ nghĩa hoặc chế độ xã hội chính là toàn bộ hình thái xã hội. Thực tế, đó là quan niệm phiến diện, chế độ xã hội là hình thức của hình thái xã hội, mà phát triển lực lượng sản xuất mới là nội dung của hình thái xã hội.

Ngày nay, tuy nước ta đã xây dựng chế độ cơ bản của CNXH, song từ góc độ hình thái kỹ thuật xã hội, xét về tổng thể vẫn chỉ là đang trong quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. 

Nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện hiện đại hóa TQ, chế độ XHCN cũng là phục vụ mục đích này. Do đó chúng ta phải chú ý hơn đến góc độ hình thái kỹ thuật xã hội để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, thúc đẩy TQ phát triển về cơ bản.

2. Chuyển đổi từ mô hình chỉ coi trọng về chế độ sang xu hướng coi trọng giá trị

Lâu nay chúng ta luôn chú ý lý giải CNXH là một chế độ xã hội, hơn nữa chế độ xã hội này dường như có mô hình cố định bất biến nào đó. Cho dù thực tế có thay đổi, phát triển như thế nào cũng không thể làm thay đổi mô hình đó, nếu không sẽ bị coi là đi ngược lại CNXH. 

Về vấn đề này, một đóng góp quan trọng của lý luận Đặng Tiểu Bình là đưa ra suy luận về bản chất của CNXH, tức là “giải phóng lực lượng sản xuất, xóa bỏ bóc lột, xóa bỏ phân hóa giai cấp, cuối cùng đạt được cùng giàu có”.

Quan điểm của chủ nghĩa duy vật chỉ rõ: chế độ xã hội mà quan hệ sản xuất thống nhất với kiến trúc thượng tầng là do lực lượng sản xuất và quần chúng nhân dân quyết định, phục vụ sự phát triển của lực lượng sản xuất và nhân dân. 

Có thể nói xu hướng giá trị, khoa học hợp lý được xây dựng trên cơ sở qui luật chung của sự phát triển xã hội là điều căn bản bởi nó đại diện cho giá trị thực tế, ý nghĩa thực chất của CNXH. Chế độ xã hội XHCN tất nhiên là vô cùng quan trọng, song chung qui phục vụ nhân dân vẫn là mục đính đầu tiên.

Trong giai đoạn hiện nay, CNXH là chế độ xã hội vẫn còn non trẻ, CNXH vẫn đang trong thực tiễn, đang trong quá trình hình thành và không có khuôn mẫu của CNXH hiện hành, không cung cấp cho chúng ta mô hình nhất định để thực hiện. 

Khuôn mẫu của CNXH này đang đòi hỏi sự sáng tạo và tìm kiếm lâu dài, gian khổ của nhân loại, trong đó có cả nhân dân TQ.

Do đó, không thể coi những giả tưởng nguyên tắc về CNXH tương lai trong điều kiện người đi trước không có kinh nghiệm thực tiễn và cũng không thể coi một số quan niệm về CNXH được hình thành trong điều kiện trình độ phát triển của chúng ta vừa thấp, vừa phong kiến là điều vô cùng chính xác, không thể thay đổi. 

Tuy CNXH là chế độ XHCN, nhưng chế độ này còn rất non trẻ, chưa định hình, điều quan trọng nhất của CNXH là chọn hướng giá trị, tức thực hiện giàu có và hạnh phúc cho nhân dân. Chế độ và thể chế của CNXH đều phục vụ mục đích này.

3. Chuyển đổi từ đối lập tuyệt đối các chế độ xã hội khác nhau sang nhìn thẳng vào đa dạng hóa xã hội

Thời đại ngày nay, khi xây dựng CNXH phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa CNXH và CNTB. 

Báo cáo Đại hội 16 và một số văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản TQ đều nhấn mạnh: Thế giới đa dạng phong phú, chế độ xã hội khác nhau và con đường phát triển khác nhau nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại lâu dài, trong cạnh tranh phải lấy chỗ mạnh bổ sung chỗ yếu, cùng phát triển trong “tìm điểm đồng, gác bất đồng”. 

Điều này đòi hỏi phải thẳng thắn thừa nhận chế độ TBCN sẽ tồn tại lâu dài, và thừa nhận CNTB và CNXH có những mạnh yếu riêng, từ đó mới có thể lấy ưu bổ khuyết và tìm ra được tính tất yếu và khả năng cùng phát triển. 

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhiều lần nhấn mạnh cần bảo vệ tính đa dạng của thế giới và đa dạng hóa mô hình phát triển, kiên trì giao lưu và đối thoại bình đẳng, đề xướng quan điểm văn minh và tiếp thu có chọn lọc để các nền văn minh khác nhau có thể dùng điểm mạnh bổ sung cho điểm yếu trong cạnh tranh, trong phát triển chung. 

Tư tưởng này khác xa với những quan niệm giản đơn trước đây là “CNXH tiên tiến, CNTB lạc hậu”, “CNTB thối nát, giãy chết”, “CNXH và CNTB là quan hệ đối lập tuyệt đối”.

4. Chuyển đổi chỉ coi trọng lực lượng sản xuất sang coi trọng phát triển lực lượng sản xuất

Về vấn đề chế độ công hữu, lâu nay nhiều người hình thành tư duy coi chế độ công hữu là vấn đề căn bản nhất, nội dung quan trọng nhất của CNXH, dường như có chế độ công hữu là có CNXH, chế độ công hữu càng nhiều, càng lớn tức là CNXH càng chín muồi. 

Đây là quan niệm sai lầm, xa rời lực lượng sản xuất, bàn luận một cách chủ quan, duy ý chí về chế độ sở hữu và CNXH.

Về mặt lý luận, quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác về vấn đề sở hữu là tiêu chuẩn của lực lượng sản xuất, cho rằng tất cả chế độ sở hữu có lợi cho lực lượng sản xuất đều là hợp lý và tiến bộ, còn tất cả chế độ sở hữu cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất đều là lạc hậu, thậm chí phản động. 

Chúng ta phải thay đổi từ chỗ quan tâm thái quá “là công hay tư” sang quan tâm trước tiên chế độ sở hữu “là tốt hay xấu”, tức là có lợi cho phát triển lực lượng sản xuất hay không. Điều đó mới khoa học, có ý nghĩa thực tế và phù hợp với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác.

Thực tiễn của TQ và một số nước XHCN khác đã chứng minh, chế độ công hữu ít nhất có hai loại: một là, chế độ công hữu trong suốt thời kỳ dài không có lợi ích và hiệu quả; hai là, chế độ công hữu có lợi ích và hiệu quả. 

Như vậy, có thể thấy rằng không thể đánh dấu bằng giữa chế độ công hữu và CNXH. Có chế độ công hữu không nhất định có CNXH.

Trước khi TQ cải cách mở cửa, chế độ công hữu chiếm trên 99% nền kinh tế quốc dân, nếu như lấy chế độ công hữu làm tiêu chuẩn thì dường như chúng ta giống CNXH hơn bây giờ. 

Vậy mà lúc đó nước ta lại lâm vào tình trạng nước yếu dân nghèo. 

Sau khi bước vào thời kỳ cải cách, Đảng và nhà nước ta điều chỉnh cơ cấu chế độ công hữu quá đơn nhất, cho phép và động viên nền kinh tế phi công hữu phát triển, giảm một cách thích đáng tỉ trọng chế độ công hữu, đặc biệt là nền kinh tế quốc hữu. 

Biện pháp này đã thúc đẩy lực lượng sản xuất, quốc lực tổng hợp và đời sống nhân dân nâng cao rõ rệt, được tuyệt đại đa số cán bộ và quần chúng nhân dân ủng hộ, trên thực chất rất gần với CNXH.

5. Đối với chế độ sở hữu, chuyển biến từ "Phương pháp nhị phân hẹp" sang cách nhìn nhận bao quát hơn

Về vấn đề sở hữu, trong suốt thời gian dài chúng ta quen dùng “phương pháp nhị phân” công và tư để phân tích, dường như chế độ sở hữu không phải “công” thì là “tư”. Trên thực tế, chế độ sở hữu có hình thức “lập thể” về động thái, nhận thức chế độ sở hữu còn nhiều góc độ khác nhau.

Trên thực tế, trước đây quan điểm của chúng ta coi chế độ sở hữu nhà nước là hình thức cao nhất của chế độ sở hữu XHCN, là có rất nhiều thiếu sót. 

Xu hướng chủ yếu của sự phát triển chế độ sở hữu đương đại là chế độ sở hữu hỗn hợp, coi chế độ cổ phần là hình thức thực hiện, nó cùng dung nạp cả công hữu, tư hữu, quốc hữu, dân hữu, có ưu thế “tạp giao” nhất định.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành điều chỉnh mang tính chiến lược nền kinh tế mang tính quốc hữu vì đã thấy được tính hạn chế của sở hữu nhà nước, vì thế đó chính là lựa chọn hợp lý với xu hướng phát triển của xã hội.

Xu thế phát triển của chế độ sở hữu, phương hướng cơ bản của chế độ sở hữu là thích nghi với yêu cầu sản xuất không ngừng của xã hội hóa. 

Chúng ta không chỉ phải chú ý phát huy tác dụng của tư bản, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sở hữu, mà còn phải chú trọng bảo vệ lợi ích của người lao động, từng bước thực hiện “người lao động có phần của mình”, “người người có phần của mình”. 

Vừa phải chú ý thực hiện quyền sở hữu, vừa phải chú ý quyền thu nhập thực tế, bởi quyền thu nhập thực tế là thực hiện mục đích cuối cùng của quyền sở hữu.

6. Nghiên cứu tầng lớp giai cấp, thay đổi từ góc độ quan hệ sản xuất đơn thuần sang thiên về góc độ lực lượng sản xuất

Về phương diện đánh giá các giai cấp và giai tầng, không ít đảng viên lấy quan hệ sản xuất làm tiêu chuẩn, tức là căn cứ vào một giai cấp và giai tầng có phải tư nhân chiếm hữu tư liệu sản xuất, có phải bóc lột hay không bóc lột để phân định họ tiến bộ hay phản động.

Chúng ta phải thay đổi lý luận về tiêu chuẩn quan hệ sản xuất này bằng tiêu chuẩn lực lượng sản xuất. Bởi giai tầng và giai cấp chủ yếu là một quan hệ xã hội đặc biệt, là phạm trù quan hệ sản xuất. 

Ví dụ như phân biệt các quan hệ sản xuất có hợp lý hay không, phải giống như lấy lực lượng sản xuất làm tiêu chuẩn căn bản, phân định các giai cấp phản động hay tiến bộ cũng phải liên hệ với lực lượng sản xuất, xem tác dụng khác nhau của chúng với lực lượng sản xuất.

Chủ nghĩa Mác cũng đã từng khẳng định, trong lịch sử giai cấp tư sản cũng đã từng có tác dụng rất cách mạng, đã từng làm giai cấp lãnh đạo của cách mạng. 

Căn cứ của nó chính là trong thời kỳ lịch sử nhất định, giai cấp tư sản đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. 

Đối với các giai cấp khác cũng nên đánh giá theo cách như vậy, nói một cách cụ thể, nên căn cứ vào các giai cấp và giai tầng có cần thiết cho yêu cầu của lực lượng sản xuất lúc đó hay không để nhận định họ tiến bộ hay phản động. 

Phàm là giai tầng và giai cấp mà sản xuất xã hội yêu cầu đều thuộc lực lượng tiến bộ xã hội.

7. Từ đối lập đơn giản giữa giai cấp và giai tầng chuyển sang bổ trợ hợp tác cùng có lợi

Trong quá khứ, khi phân tích về giai cấp và giai tầng, có khuynh hướng chú trọng vào sự khác biệt về lợi ích, thậm chí vào sự xung đột. 

Điều đó đã có tính hợp lý lịch sử nhất định. Ngày nay, sự khác biệt khách quan giữa giai cấp và giai tầng cũng không thể phủ nhận. 

Nhưng khi xem xét sự khác biệt giữa giai cấp và giai tầng thì cũng phải nhìn nhận sự đồng nhất giữa giai cấp và giai tầng. Nếu chỉ nhìn sự khác biệt thì điều đó là phiến diện và trên thực tế là có hại.

Có thể lấy mối quan hệ giữa người công nhân và người chủ xí nghiệp: Họ chiếm hữu bao nhiêu tài sản? Thu nhập bao nhiêu? Chi phí như thế nào? 

Giữa họ có sự khác biệt và mâu thuẫn, đồng thời lại có tính bổ trợ rất lớn. Biểu hiện chủ yếu là người chủ xí nghiệp tạo ra điều kiện sản xuất và cơ hội việc làm cho người công nhân, sức lao động của người công nhân được báo đáp thích ứng, mà người chủ xí nghiệp nhờ có tiền vốn và tài trí quản lý mà thu được lợi nhuận nhất định.

Trong nội bộ nhân dân, khái niệm hợp tác, tương hỗ, hai bên cùng có lợi này đã có sự chuyển đổi. Thực tế này bao hàm một sự chuyển đổi về quan niệm, từ đối lập giản đơn giữa giai cấp và giai tầng đến chuyển đổi hài hòa cùng có lợi. 

Đương nhiên người lao động có địa vị yếu thế, lợi ích thường bị tổn hại, chúng ta phải chú ý bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.

Sự khác biệt giữa giai cấp và giai tầng trong giai đoạn lịch sử hiện nay là không thể tránh được và cũng không thể triệt tiêu hoàn toàn. 

Hơn nữa, bản thân của sự phân công lao động đã thể hiện rõ sự khác nhau giai cấp và giai tầng là không thể san lấp, biểu hiện rõ quan hệ tương hỗ và hợp tác giữa họ với nhau. Chính vì vậy, từ quan niệm này chúng ta đã có sự chuyển đổi, nỗ lực xây dựng xã hội hài hòa, cùng xây dựng, cùng hưởng thụ.

8. Từ lý luận bản vị sang bảo vệ thực tiễn

Phải dùng chủ nghĩa Mác đang phát triển để chỉ đạo thực tiễn mới, khái niệm này được nhấn mạnh ở hai ý nghĩa: Một là kiên trì chủ nghĩa Mác, đó là tôn trọng lịch sử, tôn trọng khoa học, cũng là yêu cầu thực tiễn hiện nay. Hai là dựa vào chủ nghĩa Mác cũng chưa thể đầy đủ, chủ nghĩa Mác tất yếu phải phát triển. 

Vì Mác sống cách đây hơn 100 năm, lý luận của ông đưa ra trong thời điểm hoàn cảnh lịch sử lúc đó, hơn 100 năm nay, thế giới và Trung Quốc đã có sự biến đổi to lớn, nên không thể tuân theo một cách giản đơn chủ nghĩa Mác.

Tuân theo chủ nghĩa Mác là tuân theo quan điểm thực tiễn. 

Lý luận ra đời từ thực tiễn, lấy thực tiễn kiểm nghiệm lý luận, dựa vào phát triển của thực tiễn mà thay đổi, hơn nữa cuối cùng là phục vụ thực tiễn. Thực tiễn tình hình là “thực địa”, lý luận là “bản đồ”, “địa hình” thay đổi “bản đồ” cũng phải thay đổi theo. Không thể lấy “bản đồ” để thay đổi “thực địa”.

Kiên trì quan điểm thực tiễn như vậy, dựa vào quan điểm thực tiễn và lý luận chính là kiên trì quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác.

9. Từ phục tùng cá nhân lảnh đạo cách mạng chuyển đổi sang tuân thủ chân lý phổ biến

Chỉ có chân lý phổ biến mới giành được sự ủng hộ của nhân dân, mới có thể chuyển đổi từ đời này sang đời khác, cuối cùng giành thắng lợi. 

Điều chủ yếu của chủ nghĩa Mác là thế giới quan và phương pháp luận, đồng thời các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác cũng từ đây mà ra. Không thể coi những kết luận cụ thể và phán đoán khác của Mác, Ăngghen, Lênin là những tư tưởng chỉ đạo của chúng ta.

Giống như các khoa học khác, chủ nghĩa Mác không có biên giới, cũng không bị hạn chế bởi tư tưởng của người lãnh đạo. 

Chỉ cần đó là điều đúng đắn thì cho dù trong kinh điển của chủ nghĩa Mác chưa đề cập đến thì chúng ta cứ theo cái đúng mà làm. Lênin đã từng nói “chủ nghĩa Mác hoàn toàn khác với “chủ nghĩa bè phái”, nó không phải là học thuyết bất biến cứng nhắc, giẫm chân tại chỗ, xa rời với sự phát triển văn minh thế giới”.

Xét từ góc độ vĩ mô của văn minh thế giới, về chính thể, chủ nghĩa Mác là chân lý song không phải là “sự toàn diện” của chân lý, mà là một bộ phận quan trọng của chân lý nhân loại. 

Không ít nước tuy không dùng chủ nghĩa Mác làm chủ đạo, song về tổng thể cũng đang phát triển và tiến bộ. Lý luận tư tưởng của họ cũng bao hàm nhiều thành phần của khoa học, bao gồm trình độ thực tiễn tương đối cao. 

Những lý luận tư tưởng của các nước phát triển về văn hóa, kinh tế ở trình độ cao cũng là điều đáng để chúng ta học tập.

Có thể thấy chủ nghĩa Mác là tư tưởng chỉ đạo của chúng ta, bắt nguồn từ Mác, song không chỉ giới hạn ở Mác, trên tổng thể chúng ta phải kế thừa, điều chỉnh và phát triển.

10. Chuyển đổi từ tiêu chuẩn "Trích dẫn" sang tiêu chuần tinh thần cơ bản

Tiêu chuẩn cơ bản kiên trì hay xa rời chủ nghĩa Mác, tức là có tôn trọng qui luật khách quan, đặc biệt là trên cơ sở qui luật xã hội hay không, mưu cầu cho đại đa số nhân dân, bao gồm mỗi cá nhân trong đó. 

Trong đó tôn trọng khách quan là tiền đề và cơ sở, nó thể hiện tính khoa học của chủ nghĩa Mác, mà mưu cầu lợi ích cho tuyệt đại đa số nhân dân lại là mục đích, nó thể hiện tính nhân dân của chủ nghĩa Mác. Không có tinh thần cống hiến cho lợi ích tuyệt đại đa số nhân dân thì không phải là chủ nghĩa Mác chân chính.

Hiểu rõ tiêu chuẩn này giúp chúng ta lý giải chủ nghĩa Mác sâu sắc hơn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phán đoán kiên trì hay đi ngược lại chủ nghĩa Mác. 

Thực chất của cái gọi là “trung thành với chủ nghĩa Mác” là trung thành với khoa học, trung thành với nhân dân, chứ không phải trung thành với cá nhân Mác và những trích dẫn của ông. Nắm vững tinh thần cơ bản này đó là kiên trì chủ nghĩa Mác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận