TTCT - Không thể phủ nhận hiệu quả thực tế mà các dự án thủy điện mang lại, nhất là vai trò của nó trong tiến trình công nghiệp hóa. Chắc chắn trong dự trù, thiết kế kỹ thuật, nhà đầu tư xây dựng các đập thủy điện đã tính toán giá thành 1MW điện là bao nhiêu.


Công trình thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhưng cách tính đó liệu đã đầy đủ và sòng phẳng chưa, khi hàng ngàn hecta rừng tự nhiên bị mất đi mỗi khi đập thủy điện mọc lên? Và hàng ngàn người dân phải di dời, môi trường xã hội bị ảnh hưởng?

Các đập thủy điện đang xếp lớp trên sông Đồng Nai. Điều này không chỉ gây lo ngại cho các nhà khoa học, chuyên gia môi trường mà còn là mối lo của gần 17 triệu người dân đang sống nhờ nguồn nước của dòng sông này.

Theo ông Đậu Xuân Thủy - đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2, có 26 dự án thủy điện lớn nhỏ trên sông Đồng Nai đã được phê duyệt. Trong đó, nhiều đập thủy điện đã đi vào hoạt động. Dự kiến, tất cả dự án thủy điện này khi đi vào hoạt động sẽ phát điện với tổng công suất khoảng 3.208MW.

Thủy điện đến, rừng đi

Đó là những đập thủy điện cỡ “đàn anh”. Ngoài số lượng đập thủy điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề xuất của Bộ Công nghiệp, một số tỉnh lưu vực sông Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt cho hàng trăm công trình thủy điện vừa và nhỏ khác.

Chỉ ở Lâm Đồng, tỉnh đầu nguồn sông Đồng Nai, theo báo cáo của Sở TN-MT, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 57 dự án thủy điện lớn nhỏ. Hiện có khoảng 25 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động hoặc đang xây dựng. Các đập thủy điện đang bao vây lưu vực sông Đồng Nai và những cánh rừng tự nhiên đang mất dần. Khi trên dòng sông chi chít nhà máy thủy điện, đã hiện hữu một mối lo rất lớn cho môi trường sinh thái tự nhiên cũng như đời sống của hàng triệu người dân.

Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng Lương Văn Ngự cho biết chỉ với 25 công trình thủy điện đã và đang được triển khai, tỉnh đã mất hơn 15.000ha rừng tự nhiên. Tức là theo tính toán bình quân, để có 1MW điện phải mất ít nhất 10-16ha rừng tự nhiên. Và theo cách tính đó, để có khoảng 3.208MW điện từ 26 nhà máy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, sẽ có 32.080-51.328ha đất rừng tự nhiên phải “hi sinh”.

Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ loại bỏ 38 dự án thủy điện đã phê duyệt quy hoạch, yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh quy mô của 35 dự án vì gây ảnh hưởng lớn môi trường xã hội hoặc không phù hợp với các quy hoạch khác.

Trên địa bàn chín tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) đang có tới 393 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 7.381MW. Riêng Đắk Lắk đã xác định 79 vị trí tiềm năng thủy điện đang nghiên cứu bổ sung quy hoạch và cho phép xây dựng. Hầu hết các địa phương được kiểm tra đều có dự án được đề nghị bãi bỏ hoặc điều chỉnh quy mô.

(Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 3-2010 về kết quả rà soát các dự án thủy điện và việc vận hành các hồ chứa) 

Ai tính giá của rừng?

Thạc sĩ Vũ Tấn Phương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam - Bộ NN&PTNT), đã thực hiện một nghiên cứu khoa học về việc định giá rừng ở Việt Nam, nghiệm thu cuối năm 2008.

Theo nghiên cứu này, việc định giá từng loại rừng dựa trên các cơ sở khoa học như: giá lâm sản rừng tự nhiên; giá trị quyền sử dụng và quyền sở hữu rừng tự nhiên, phòng hộ và đặc dụng trong thời gian 50 năm (tỉ lệ chiết khấu 10%); giá dịch vụ môi trường của rừng. Với cách định giá đó, khu vực rừng tại tỉnh Gia Lai (đại diện cho rừng vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ) có giá cao nhất ở rừng giàu khoảng 430 triệu đồng/ha và rừng phục hồi gần 47,5 triệu đồng/ha.

Ông Thủy, “nhà tư vấn thiết kế đập thủy điện”, cho biết trước đây việc đầu tư cho thủy điện khá hấp dẫn, chỉ mất 15-20 tỉ đồng cho 1MW. Thế nhưng, do nhiều yếu tố, hiện nay nếu cộng cả tiền đền bù, tái định cư cho dân thì phải mất khoảng 40 tỉ đồng mới có được 1MW điện. Chính vì thế, các công trình thủy điện nay muốn lấy lại vốn phải mất

15-20 năm (trước khoảng 10 năm). Theo cách tính toán này, các nhà chuyên môn về thiết kế đập thủy điện dường như vẫn quên chưa tính giá trị của mỗi hecta rừng bị mất.

Dân ở đâu trong quy hoạch thủy điện?

Nếu cả 26 công trình thủy điện trên sông Đồng Nai được xây dựng, số lượng người dân phải di dời là rất lớn. Chỉ riêng đập thủy điện Đồng Nai 3 đã có trên 550 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu phải di dời. TS Đào Trọng Tứ (giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam) cho rằng câu chuyện di dân do các dự án thủy điện gây ra là “vấn đề cực kỳ lớn”.

Khi thiết kế xây dựng một đập hoặc một nhà máy thủy điện, nhất thiết phải tính đúng, tính đủ những “chi phí” mà nhà đầu tư phải trả. Thế nhưng, các chi phí từ nhà đầu tư cũng mới chỉ là cách tính tương đối. Khi các già làng ở ba thôn của xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) họp dân để đưa ra lời phản đối với hai dự án thủy điện sông Bui (5,4MW), sông Nước Nát (5MW) trên địa bàn thôn, điều đó thể hiện thái độ của người dân về việc các nhà đầu tư và chính quyền đã không đặt câu chuyện dân sinh lên trước bài toán thủy điện.

Ông Nguyễn Văn Đủ, cục phó Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) - đơn vị được giao theo dõi đời sống người dân tái định cư sau khi các nhà máy thủy điện được xây dựng, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi mới có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ những tác động lên người dân thuộc diện tái định cư. Hiện nay chưa có nghiên cứu nên chưa phát biểu gì được”.

Vì vậy, 1MW điện giá bao nhiêu thật sự vẫn chưa có câu trả lời.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận