2015 VÀ NGUY CƠ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH MỚI, KÉO DÀI

Phan Xuân Loan thực hiện 09/01/2015 23:01 GMT+7

Trong những biến động lớn của thế giới 2014, có điểm nóng mới xuất phát từ châu Âu: Ukraine. TTCT trò chuyện với tiến sĩ Jan Oberg, giám đốc Quỹ nghiên cứu hòa bình và tương lai xuyên quốc gia (TFF), tìm hiểu những giải pháp nào cho năm 2015.

Tiến sĩJan Oberg

Năm 2014, nhìn lại một năm của những vấn đề quốc tế, theo ông, đâu là những khoảnh khắc tươi sáng nhất, đâu là những điểm đáng lo âu nhất? Nếu phải dùng một từ để mô tả năm 2014 trong góc nhìn chiến tranh - hòa bình, ông sẽ dùng từ gì?

- Luôn rất khó để so sánh những sự vật, sự kiện, xu hướng khó có thể so sánh. Nhưng những điểm tốt nhất trong các xu hướng hiện nay: sự suy yếu của quyền lực Hoa Kỳ và sự trỗi dậy trên nhiều hơn một chỉ số những khu vực như Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Nó mở ra một tương lai đa cực hơn và ít quân sự hóa hơn. Thứ hai, tôi nghĩ có nhiều chỉ dấu xã hội chỉ ra một chiều hướng tốt - tuổi thọ dài hơn cho con người, giáo dục tốt hơn cho nhiều người, sự diệt trừ tận gốc một số dịch bệnh, giảm nghèo - đặc biệt giảm nghèo không ít do sự kiện rằng Trung Quốc, chỉ trong vài thập niên, đã đưa 400 triệu người thoát khỏi nghèo khó. Duy nhất trong lịch sử.

Còn về phía tồi tệ thì lẽ đương nhiên là những cuộc chiến đang diễn ra, đợt tàn phá mới cuộc sống của những người Palestine ở dải Gaza mà không hề bị trừng trị của Israel. Và - rất buồn - là chính sách của Hoa Kỳ/EU gây ra sự thay đổi chế độ ở Ukraine và sự đáp trả của Nga ở Crimea. Những gì tôi thấy bây giờ là sự xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới, kéo dài. Tất cả là bởi những chính sách thiển cận của phương Tây trong 25 năm qua từ khi bức tường Berlin sụp đổ. NATO lẽ ra phải giải thể như Liên Xô và Hiệp ước Warsaw đã làm thế, và những cấu trúc an ninh mới lẽ ra phải được tìm ra để thay vào đó.

2014 là năm tồi tệ hơn nó có thể và tồi tệ hơn những gì tôi dự đoán một năm trước. Chỉ cần nói: Syria, Iraq, Nhà nước Hồi giáo (IS) và Ukraine là các bạn đủ hiểu tôi muốn hàm ý gì...

Quả năm 2014 đã có thêm chiến sự (đông nam Ukraine), nhiều khủng bố hơn (IS). Ông nghĩ gì về những vấn đề nan giải sẽ theo chúng ta đi vào năm 2015?

- 2014 không phải là năm tốt đẹp và tôi nghĩ năm 2015 cũng sẽ không tốt đẹp. Vẫn còn quá nhiều phương cách cũ và công cụ cũ được sử dụng. Thay cho những công cụ hòa bình, giải quyết xung đột một cách thông minh, các nhà lãnh đạo lớn của thế giới vẫn sống trong quá khứ với niềm tin của họ về các phương tiện bạo lực, tìm hòa bình trong chiến tranh. Phương cách đó sẽ không hiệu quả và không bao giờ hiệu quả. Vấn đề của chúng ta là đến nay vẫn có quá ít người được học kiến tạo hòa bình, vẫn còn quá ít tầm nhìn và sự sáng tạo trong hoạt động chính trị. Đa số mọi người chống chiến tranh nhưng nếu bạn hỏi: “Anh sẽ làm gì thay vào đó?” thì họ không có gì để nói.

Vậy như ông thì ông sẽ nói gì?

- Có quá nhiều bài học châu Âu cần rút ra sau sự kiện Nam Tư, nhưng tựu trung có thể tóm gọn thế này: phi bạo lực luôn mạnh mẽ hơn trên đường dài. Không phải sự cô lập ngoại giao, không phải 10 năm cấm vận, cũng không phải 78 ngày ném bom không thương tiếc khiến Slobodan Milosevic sụp đổ, mà chính là những cuộc phản kháng quần chúng phi bạo lực ngày 5-10-2000...

Lẽ đương nhiên, chính những nhóm khác nhau ở Nam Tư đã bắt đầu xung đột, nhưng những người giúp đỡ xuất hiện trên sân khấu khi đó đã giúp quá ít và làm mọi thứ tồi tệ hơn là một cuộc ly dị cần có. Tôi cho rằng hai nguyên nhân chính khiến EU suy yếu so với phần còn lại của thế giới là không có khả năng nhận ra sai lầm và học từ lỗi của chính mình.

Và giờ đây, 25 năm sau khi sụp đổ bức tường Berlin, có vẻ như vẫn chỉ có một câu trả lời buồn tẻ cho mọi câu hỏi: nhiều vũ khí hơn như nghiện ma túy vậy... Trong khi đó, sự khó ở của thế giới chính là bạo lực, chứ không phải xung đột. Chính con người và truyền thông đã trộn lẫn hai thứ ấy. Xung đột - bởi chúng ta muốn những điều khác nhau và nhìn thế giới theo cách khác nhau - là tốt, cuộc sống và dân chủ hình thành từ đó. Xung đột có thể xảy ra!

Nhưng bạo lực phải bị ghét bỏ, lên án và đối xử như cách chúng ta hành xử với nạn nô lệ, tục ăn thịt người, nạn xâm phạm tình dục trẻ em. Ý tưởng có loại bạo lực tốt cần phải được ngăn chặn và thách thức. Vâng, chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép bạo lực, nhưng hãy dừng ở đó: nó là giải pháp sau cùng, chứ không phải bước đi đầu tiên!

Năm 2014, ông - một công dân Đan Mạch đang sống và làm việc ở Thụy Điển - từng viết bài phản ứng việc Đan Mạch gửi quân tham gia liên minh với Hoa Kỳ chống IS. Liệu vào năm 2015, EU sẽ có quyết định riêng của mình trong các vấn đề quốc tế?

- Về vấn đề này thì tôi lại là một nhà hiện thực bi quan. EU - vốn đã nhầm lẫn nhận giải Nobel hòa bình - là nguyên nhân chính của hai cuộc khủng hoảng ở châu Âu: cuộc chiến tranh Bosnia do sự công nhận một cách khinh suất việc tách Slovenia và Croatia khỏi Nam Tư - quá phức tạp để giải thích ở đây, nhưng chính sự công nhận này đã dẫn tới việc chiến tranh ở Bosnia khi đó là điều không thể tránh khỏi.

Thứ hai là việc EU đưa ra một yêu sách mà tôi có thể nói ngu xuẩn: hoặc Ukraine gia nhập EU hoặc vào Liên minh thuế quan với Nga, Belarus và Kazakhstan, khiến tổng thống Yanukovich khi đó phải từ bỏ việc gia nhập EU. Điều đó đã dẫn tới quá trình mà tất cả chúng ta chứng kiến. Một liên minh có quá ít ý thức lịch sử, thiếu ban lãnh đạo có tầm nhìn và không có một học viện hòa bình nào, không thể làm tôi hi vọng cho năm 2015 hoặc xa hơn thế.

"Vấn đề của chúng ta là đến nay vẫn có quá ít người được học kiến tạo hòa bình, vẫn còn quá ít tầm nhìn và sự sáng tạo trong hoạt động chính trị"

Cuộc chiến tranh lạnh mới thì đã rõ, nhưng cơ sở nào khiến ngay từ đầu ông dự báo cuộc chiến tranh lạnh mới này sẽ kéo dài?

- Là vì cả Nga, Ukraine, EU, Mỹ và NATO đều đã có những bước đi mà từ đó sẽ rất khó để đảo ngược lại, thí dụ như Nga sẽ rời khỏi Crimea/hay Đông Ukraine; hay Ukraine sẽ lập một chính phủ dân chủ ở Kiev không có những kẻ cực đoan; hoặc giả như EU lại sẽ chào đón Ukraine kể cả khi Ukraine gia nhập những tổ chức khác; hay NATO sẽ rút lại việc bố trí các trang thiết bị ở các cộng hòa Baltic và Ba Lan; với Mỹ là từ bỏ cấm vận - và quan trọng nhất - là báo chí chính thống phải kể sự thật rằng cuộc khủng hoảng này được tạo ra bởi Mỹ/NATO và EU chứ không phải Nga, nước chỉ đáp trả theo cách khiến cho lý thuyết về “sự gây hấn vô cớ” là lời nói dối lịch sử.

Những quốc gia Bắc Âu từng có thái độ trung lập cùng những giá trị nhân văn của họ khi giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhưng một số diễn biến trong năm 2014 (bất đồng trong chính sách nhập cư ở Thụy Điển, hay việc Đan Mạch tham gia liên minh chống IS) khiến người ta cảm nhận có sự thay đổi những giá trị của châu Âu?

- Đan Mạch là một quốc gia trong khối NATO thì không trung lập, còn Thụy Điển thì trung lập cho đến vài năm sau khi (thủ tướng) Olof Palme bị sát hại một cách đau buồn. Thụy Điển đã bỏ (vị thế) trung lập và sáng tạo của mình để tham gia EU và vì những lý do thực tế tham gia NATO (mặc dù chưa là thành viên chính thức).

Đan Mạch thì đã quay 1800 từ sau thập niên 1980, khi tôi trong suốt 10 năm là chuyên gia của Ủy ban chính phủ về an ninh và giải trừ vũ khí. Cho đến giữa thập niên 1990, không ai ở Đan Mạch thậm chí nghĩ tới việc nước này sẽ gửi phi công hay binh sĩ tới những khu chiến sự xa xôi. Sự phòng thủ của Đan Mạch chính là chỉ phòng thủ. Sau đó mới xuất hiện ý tưởng về một chính sách đối ngoại “tích cực” với ý nghĩa là sự tích cực quân sự và chính trị đứng sau quan điểm can thiệp “nhân đạo” - được phát minh để tạo cho các đội quân thừa thãi của phương Tây, trong đó có NATO - một raison d'etre (lý do để tồn tại - TTCT) sau khi đã đánh mất nó năm 1989. Và như thế, Đan Mạch đi đánh bom lần đầu tiên ở Serbia năm 1999, rồi Afghanistan, Libya, từng sẵn sàng đánh bom Syria, là một lực lượng chiếm đóng ở Iraq từ năm 2003-2007 và giờ thì ủng hộ đánh bom IS.

Tôi vừa viết bài cho tạp chí Đan Mạch Raeson - một trong các ấn bản hàng đầu của lĩnh vực quốc tế - nêu ra hơn 20 nguyên nhân cho sự chuyển hướng này của Đan Mạch. Thêm vào việc ở Đan Mạch có những dấu hiệu phân biệt chủng tộc và bài ngoại, bạn sẽ có một cảm giác lẫn lộn buồn đau - điều mà tôi như một công dân Đan Mạch thậm chí nằm mơ cũng không thấy 30 năm trước.

Nếu “báo chí chính thống phương Tây không kể sự thật”, như ông nhận định, thì theo ông, thế hệ trẻ hiện nay nên làm gì để có được bức tranh thế giới của riêng mình?

- Dĩ nhiên đó là một bức tranh phức tạp nhưng tôi tin truyền thông xã hội là một công cụ tốt hay đôi khi có thể gọi là một siêu cường thật sự, mà cụ thể là các công dân trên toàn thế giới. Chúng ta, người dân thế giới đang chia sẻ với nhau nhiều hơn những gì các chính phủ đang làm. Truyền thông xã hội và Internet cũng chính là công cụ tiềm năng để siêu cường đó nói với các chính phủ họ đang nghĩ gì, để điều phối các cuộc tranh luận và hành động, để kết bạn xuyên qua mọi trở ngại.

Tuy nhiên, truyền thông xã hội sẽ không là gì nếu không đi đôi với tầm nhìn và trí tưởng tượng - tức làm việc vì một điều gì đó chứ không chỉ để chống lại hay phản bác những gì ta không thích. Đó là một năng lượng tích cực để dịch chuyển thế giới, chứ không mãi chỉ có chỉ trích và đấu đá nhau. Bạn có thể chia sẻ suy nghĩ, văn bản, hình ảnh, có thể trò chuyện qua Skype và có hàng tấn những khóa học và trao đổi trên mạng - một nền giáo dục toàn cầu không chính thức - giúp chúng ta có thể làm bạn và giữ gìn tình hữu nghị... Một nền dân chủ toàn cầu và một nền quản trị toàn cầu cần để đáp ứng nền kinh tế toàn cầu và quân sự toàn cầu. Nếu được như thế - không nghi ngờ gì, chúng ta sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.   

Xin cảm ơn ông. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận