4m tranh cãi của đỉnh Everest

TTCT - Nóc nhà thế giới cao bao nhiêu? Nhiều năm qua con số này vẫn đang được tranh cãi giữa Trung Quốc và Nepal. Mới đây, Nepal đã quyết định đo lại đỉnh Everest.

Phóng to
Đỉnh Everest do Dan Bursch, thành viên đoàn thám hiểm số 4 trên Trạm không gian vũ trụ, chụp năm 2002 - Ảnh: NASA

Lừng danh là đỉnh núi cao nhất thế giới, Everest đứng giữa biên giới hai nước Nepal và Trung Quốc, mỗi nước có con số khác nhau về nóc nhà thế giới này. Nepal khẳng định Everest cao 8.848m, trong khi Trung Quốc cho rằng đỉnh núi này chỉ cao 8.844m. Những cuộc tranh cãi cứ diễn ra tại những cuộc thảo luận về biên giới hai nước.

Mới đây, người phát ngôn của Bộ Quản lý và cải cách đất đai Nepal Gopal Giri cho biết bằng công nghệ và khả năng của mình, Nepal đã có thể tự đo được chiều cao Everest mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài. Theo ông, cuộc nghiên cứu đầu tiên về đỉnh Everest được thực hiện nhiều năm trước nhờ các nhà khoa học nước ngoài.

Từ đó đến nay đã có nhiều cuộc nghiên cứu khác và mỗi lần người ta lại công bố một con số khác. Vì vậy, nay sẽ là lần đầu tiên chính quyền Nepal chính thức tính toán độ cao của ngọn núi trên đất nước mình. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là một quá trình phức tạp và kết quả chỉ có thể công bố sau hai năm nữa.

Lần đầu tiên đỉnh Everest được Công ty Anh British East India đo vào năm 1856. Bốn thập niên sau đó, năm 1999, một đoàn thám hiểm người Mỹ đã xác định chiều cao của Everest là 8.850m và đây là con số được các cơ quan Mỹ sử dụng khi nói về chiều cao đỉnh núi. Cuộc nghiên cứu gần đây nhất diễn ra năm 2005, khi Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cùng Cơ quan bản đồ và đo đạc quốc gia nước này kết luận về hai độ cao của Everest: chiều cao mùa hè là 8.844,43m và chiều cao mùa đông là 8.848m, do được bổ sung độ dày của băng tuyết phủ trên đỉnh núi.

Theo ông Kalyan Gopal Shrestha thuộc Cơ quan nghiên cứu trắc địa Nepal, năm nay nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện điều tra trắc địa, coi Ấn Độ Dương, biển gần nhất, là điểm số 0 và đo những vùng chân đáy từ cơ sở đó. Phần việc này sẽ được con người thực hiện, trong khi hệ thống định vị toàn cầu phức tạp hơn sẽ được sử dụng vào năm tới để xác định độ cao đỉnh núi. Sau khi hoàn tất, chính quyền Nepal sẽ thương lượng với phía Trung Quốc để tìm một điểm chung có thể chấp nhận được về độ cao của “nóc nhà thế giới”.

Năm 1953, hai nhà leo núi Sherpa Tenzing Norgay và Edmund Hillary chính thức chinh phục đỉnh Everest. Từ đó đến nay đã có 3.448 người lên được tới “nóc nhà thế giới” này. Everest có tên Nepal là Sagarmatha và tên Tây Tạng (Trung Quốc) là Chomolungma. Năm 1865, không biết đỉnh núi này đã có tên do Nepal lẫn Tây Tạng khi ấy vẫn còn khá đóng cửa, ngọn núi được Hội Địa lý Hoàng gia Anh chính thức đặt tên là Everest (theo tên Sir George Everest, từng đứng đầu cơ quan nghiên cứu Ấn Độ của Anh lúc trước).

Được biết chỉ trong ba tháng mùa xuân 2011, Everest đã mang tới cho Nepal hơn 9 triệu USD với 92 đoàn thám hiểm. Ngoài chi phí trả cho việc chinh phục đỉnh núi, các đoàn phải trả tiền bảo hiểm, máy bay, khách sạn, thực phẩm và thiết bị leo núi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận