​Ách nợ của Hi Lạp

DANH ĐỨC 13/01/2015 02:01 GMT+7

Với cuộc bầu cử quốc hội sớm vào ngày 25-1 tới, có vẻ như Hi Lạp đang tiến đến việc ra khỏi khu vực đồng euro. Trong bề sâu, chuyện Hi Lạp ra đi hay ở lại không đáng quan tâm bằng mối quan hệ với các chủ nợ mà quốc gia này là một điển hình.

Đồng euro trong cơn nguy ngập nhưng vẫn được thuyền trưởng ra lệnh "tăng tốc hết cỡ". Biếm họa của Adams trên tờ Telegraph

Ngày đầu năm thứ hai 5-1-2015 là một ngày bi thảm cho đồng euro khi có lúc tỉ giá tuột xuống còn 1,1862 USD, thấp nhất kể từ tháng 12-2005. Hãng tin AP giải thích: “Vụ tuột giá này đã được kích hoạt bởi những tin tức cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn tin rằng sẽ là quá bất trắc cho khu vực đồng euro (Eurozone) nếu như Hi Lạp buông khối tiền tệ này”.

SỨC ÉP NƠI CUỘC BẦU CỬ

Cuối tuần trước, tờ Der Spiegel dẫn lời bà Merkel đã quả quyết “Chính phủ Đức xem việc Hi Lạp ra khỏi Eurozone hầu như là không tránh khỏi, nếu như thủ lĩnh phe đối lập Alexis Tsipras cầm đầu chính phủ sau bầu cử và buông thả kỷ luật ngân sách”. Tờ báo được xem như tiếng nói của nước Đức này cho biết Bộ trưởng tài chính Wolfgang Schaeuble cũng đã cho rằng việc Hi Lạp rời khỏi Eurozone là “có thể xử lý được”.

Xem ra Đức tỏ vẻ bất cần đến Hi Lạp, song trong thực tế là để gây sức ép nơi cuộc bầu cử. Không chỉ Đức, chủ nợ chính của Hi Lạp trong Eurozone, mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 29-12-2014 cũng đã gây sức ép khi loan báo tạm hoãn hỗ trợ tài chính cho Hi Lạp đến sau bầu cử.

Báo chí Hi Lạp, như tờ Newsbomb ấn bản Anh ngữ, phản ánh phát biểu của ông Tsipras hôm thứ bảy tuần trước tại Đại hội Đảng Syriza như sau: “Sẽ đàm phán với các chủ nợ quốc tế. Sẽ có một thỏa thuận. Và bản ghi nhớ đã ký với bộ ba chủ nợ (Liên minh châu Âu - EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB) sẽ trở thành quá khứ... Điều chúng tôi muốn và đang lên kế hoạch là một sự cắt đứt với tính dã man, với sự phi lý và với sai lầm”. Tức ông Tsipras muốn chấm dứt các biện pháp quá khắc khổ mà EU, IMF và ECB đã ép chính quyền ông Antonis Samaras phải tuân thủ.

Từ lập trường “xét lại” đó của ông Tsipras mới có suy diễn rằng Hi Lạp sẽ ra khỏi Eurozone nếu như ông này lên nắm quyền. Đây là điều chính ông Tsipras đã bác bỏ và cho rằng chính các đối thủ của đảng ông đã tung ra những cáo giác rằng ông dự tính cắt đứt với Eurozone.

Sở dĩ Đức tỏ ra “cứng” như thế với Hi Lạp là vì theo tờ Le Figaro của Pháp ngày 4-1-2015, Đức không còn sợ “tác động domino” từ Hi Lạp làm đồng tiền chung euro bị tan tác, do lẽ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ireland không nặng nợ bằng Hi Lạp - nợ đến 568,7 tỉ USD tính đến ngày 30-9-2013 (1), và do từ hai năm qua ECB đã có được một cơ chế bình ổn chung.

Thế nhưng trong thực tế việc đồng euro tuột giá thê thảm hôm thứ hai đầu năm phản ánh những sợ hãi của thị trường trước viễn tượng Hi Lạp tách ra. Chính xác hơn, người ta lo ngại một chính phủ mới ở Hi Lạp sẽ “mè nheo” đòi được “dễ thở” ngân sách hơn, từ đó khiến kỷ luật ngân sách chung trong Eurozone sẽ lỏng lẻo, dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho đồng tiền chung. Tuy nhiên, không chỉ đồng euro tuột giá hôm thứ hai mà cả giá dầu thô tham chiếu trên thị trường Mỹ cũng đã có lúc rớt xuống dưới 50 USD/thùng (chính xác là 49,95 USD/thùng, theo AP ngày 5-1-2015)!

VAY NỢ ĐỂ ĐẢO NỢ

Thật ra chuyện “thoát ra hay ở lại sau ngày 25-1” phản ánh mối quan hệ giữa con nợ với các chủ nợ. Tại sao Hi Lạp, sau gần bốn năm “ngoan ngoãn”, nay lại đòi “sổ lồng”?

Tháng 5-2010, các chính phủ thuộc Eurozone và IMF cung cấp cho Athens các khoản vay ngắn hạn khẩn cấp và trung hạn trị giá 147 tỉ USD, hầu giúp Hi Lạp thanh toán nợ. Đổi lại, Chính phủ Hi Lạp phải cam kết cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, phải tăng thu, giảm chi tổng cộng 40 tỉ USD trong vòng ba năm. Hi Lạp đã ra sức thực hiện các chỉ tiêu đó.

Đến tháng 10-2011, EU và IMF đồng ý cung cấp cho Athens gói cứu trợ thứ hai 169 tỉ USD. Để đổi lấy khoản vay này, Hi Lạp cam kết sẽ đưa ra thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng bổ sung trong thời gian 2013-2015 là 7,8 tỉ USD... Suốt năm 2013, các chủ nợ của Hi Lạp không ngớt kêu gọi tăng cường nỗ lực thu thuế, sa thải công chức, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, hạn chế chi tiêu y tế. Thế là người dân không chịu nổi nữa (2).

Tất nhiên trong khi chấp hành các điều kiện do EU, IMF và ECB đưa ra, khi đàm phán với các chủ nợ, Hi Lạp đã phải ráng “khéo” cam kết và chịu trận những “nặng lời”. Trong cuộc họp báo ngày

11-12, phát ngôn viên phó của IMF William Murray đã truyền đi thông điệp như sau: “Tôi đang nói về các chương trình của IMF, không phải là chương trình của châu Âu. Chúng tôi có một chương trình với Chính phủ Hi Lạp và chúng tôi có ý định tiếp tục chương trình càng xa càng tốt, theo như tôi được biết. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ quay lại vấn đề được nêu ra như là một sự thận trọng để đổi lấy việc giải ngân cho một chương trình. Đó là gì? Đó là cách thức mà một đất nước phát đi tín hiệu gửi đến phần còn lại của thế giới cho biết những gì đất nước ấy dự định làm với khoản tín dụng đó...”.

Từ ngày 1-12-2014, tờ Der Spiegel phản ánh thái độ của Đức đã viết: “Hi Lạp muốn bứt đổ các xiềng xích của bộ ba (chủ nợ), nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu để có thể làm được điều đó”. Cho dù trong năm 2014 nền kinh tế Hi Lạp đã lần đầu tiên tăng trưởng trở lại kể từ năm 2007 (sau thời gian dài chỉ tăng trưởng âm), tỉ lệ thất nghiệp đang giảm, đón được 23 triệu khách du lịch trong năm (con số cao nhất tới nay), song chừng đó chưa đủ để Hi Lạp có thể tháo bớt những biện pháp khắc khổ. Mà không bớt cắt giảm ngân sách và tăng thu thuế, dân sẽ không chịu nổi, quảng trường Syntagma trước trụ sở quốc hội cứ chìm trong khói lựu đạn cay trấn áp người biểu tình.

AI SẼ CỨU ĐƯỢC HI LẠP?

Chuyện ông Tsipras chủ trương bớt “khắc khổ ngân sách” không khó hiểu: bất cứ một đảng cánh tả nào, cho dù là các Đảng Xã hội ở châu Âu hoặc Đảng Dân chủ ở Mỹ, cũng đều lấy lợi ích dân chúng làm đầu, mà đầu tiên chính là các phúc lợi y tế. Trong thực tế ở Hi Lạp, Đảng Syriza cực tả của ông Tsipras đang được cho là sẽ dẫn đầu số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 25-1 tới với những hứa hẹn hoặc buông chính sách khắc khổ hiện nay. Được biết, Hi Lạp đang bắt buộc phải duy trì bội chi ngân sách chỉ ở mức 3%/năm, song trong thực tế năm 2013 đã bội chi đến 4% (3).

Nhà kinh tế học Bertrand Chokrane viết trên Le Point (Pháp) hôm 4-1 như sau: “Trong thực tế, cuộc chơi không nằm ở các kết quả cuộc bầu cử của Hi Lạp. Tại sao vậy? Đó là vì cho dù kết quả như thế nào, cánh tả hay cánh hữu, Hi Lạp cũng vẫn sẽ mất khả năng trả nợ vào năm 2015. Sự tình là chẳng phải ông Tsipras hay ông Samaras hoặc bất cứ chính khách nào khác có thể cứu được Hi Lạp”. Tại sao báo chí hoặc phát ngôn viên phó của IMF lại cứ cao ngạo khi nói về Hi Lạp? Đó là cái thế của “chủ nợ”. Âu cũng là cái giá phải trả của việc vay tới tấp để chi cho thỏa thích giữa thập niên trước, để rồi nay phải chịu khuất phục mà được vay nợ để đảo nợ.

 

 

(1), (2), (3): CIA - The World Factbook

Đồng euro trong cơn nguy ngập nhưng vẫn được thuyền trưởng lệnh “tăng tốc hết cỡ”. Biếm họa của Adams trên Telegraph

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận