Ai chọn thực phẩm cho dân?

ĐỨC HOÀNG 18/04/2016 16:04 GMT+7

TTCT - “Người nông dân trồng hai luống rau, một luống để bán và một luống để ăn” đã trở thành… “truyền thuyết” nổi tiếng trong xã hội nông nghiệp Việt Nam. Nhưng câu hỏi đặt ra: Nếu luống để ăn của người nông dân cũng không an toàn, còn luống để bán thật ra không phải thực phẩm bẩn? Không ai trả lời nổi.

Người dân Đà Lạt nỗ lực tìm phương cách làm rau sạch. Ảnh: Mai Vinh

 Thế nào là bẩn?

Một hệ thống kiểm tra tân tiến của Hoa Kỳ như NELS có thể cho chạy qua 90 con gà một phút - tức là hàng chục nghìn con gà mỗi ngày làm việc - để phát hiện nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc. Không có nghi ngờ gì về việc các thiết chế kiểm soát an toàn thực phẩm của Mỹ được trang bị những công nghệ hàng đầu thế giới.

Nhưng một báo cáo của kiểm toán liên bang năm 2014 chỉ ra rằng FDA (Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ) chỉ kiểm tra được 1% lượng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ, và tỉ lệ với thực phẩm sản xuất trong nước còn thấp hơn nữa, chỉ bằng 1/4 số này.

Ở đất nước giàu có nhất thế giới, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề lớn. Có thể khẳng định rằng không một hệ thống hành pháp nào có thể kiểm soát được 100% ngành kinh doanh thực phẩm. Đó là hoạt động sản xuất có quy mô rộng nhất và có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất của loài người.

FDA thừa nhận rằng họ chỉ có thể kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa nhập vào nước Mỹ. Nhưng có thể dễ nhìn thấy những điểm khác biệt của việc đảm bảo an toàn thực phẩm mà Mỹ đang áp dụng.

Đầu tiên là các nỗ lực nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp Mỹ có một website thiết kế rất đẹp mang tên “choosemyplate.gov” (Hãy chọn đồ ăn cho tôi). Ở đó là một kho dữ liệu lớn về việc lựa chọn thực phẩm, không chỉ dựa trên sự an toàn mà còn khuyến khích lối sống lành mạnh.

Ở đó, bạn có thể dễ dàng tải về một bảng cẩm nang 27 trang dạy cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm. Ở trang 7 là danh sách sơ bộ các vi khuẩn và chất độc có thể gây ngộ độc. 

Không khó để liên hệ website này với việc bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam vừa thừa nhận trách nhiệm trong việc “nhân dân không có thông tin hay không có khả năng phân biệt giữa thực phẩm an toàn hay không an toàn”.

Sau đó là sự kiểm tra độc lập của truyền thông. Những sai lầm của hệ thống kiểm soát được phát hiện, điểm mặt chỉ tên. Bạn có thể tìm thấy một bài viết như “Danh sách 5 chất đã bị cấm ở các quốc gia khác nhưng vẫn được dùng tại Mỹ”, trong đó nêu tên 5 chất đã bị EU hoặc những quốc gia phát triển khác cấm sử dụng, cùng với hàng loạt nghiên cứu đi kèm.

Ở đây không có sự khái quát hóa bằng những khái niệm kiểu “thực phẩm bẩn” - mà cái “bẩn” được gọi tên bằng danh pháp khoa học khi dư luận đấu tranh.

Các cơ quan khác nhau của Mỹ cũng thực hiện những nghiên cứu chéo về hoạt động nông nghiệp. Ví dụ, có thể tìm thấy một nghiên cứu đầy quan ngại của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) về thuốc trừ sâu lớp neonics đang được cấp phép sử dụng tại Mỹ. “Không có bằng chứng về việc neonics có lợi ích kinh tế” - báo cáo của EPA viết.

Tất nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của thị trường thực phẩm Mỹ là hệ thống phân phối khi thực phẩm tại nước này chủ yếu được đóng gói và bán trong hệ thống siêu thị.

Điều này khiến khâu kiểm soát được thực hiện ngay từ đầu ra, khi các doanh nghiệp được yêu cầu áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra từ FSIS trước khi xuất xưởng. Ở nước ta, thực phẩm được phân phối bởi tiểu thương, nuôi trồng bởi hộ nông dân khiến cho điều này là bất khả.

Tuy nhiên, nếu giả thiết rằng không cơ chế kiểm soát nào bao phủ được thị trường thì điều có thể học hỏi từ nước Mỹ là gì? “Khoa học” có lẽ là từ khóa. Từ việc nâng cao nhận thức đến các cơ chế đối soát, mọi thứ đều được tiến hành trên cơ sở khoa học.

Việc nâng cao nhận thức ở nước ta hiện nay nếu không nói là gần như bỏ ngỏ, dừng lại ở những khuyến cáo sơ khai đến vô nghĩa. “Thực phẩm bẩn có khả năng gây ung thư” - một nhà khoa học nổi tiếng mới đây tuyên bố trước truyền thông. Không có tên một chất hóa học hay một loại khuẩn nào được nhắc đến.

Sự khái quát hóa kiểu “bẩn - sạch” trở thành một thói quen của cả nhà quản lý, truyền thông lẫn nhà khoa học. Việc rà soát lại tính hợp lý của danh sách các chất cấm và các chất được cấp phép trong nuôi trồng là một điều xa xỉ, chưa nói đến kiểm soát chúng. Một định nghĩa cơ bản “thế nào là bẩn?” có lẽ là điều khác biệt quan trọng nhất giữa Việt Nam và các nước phát triển.

Ở các thành phố lớn, “nông sản sạch” vẫn đang được rao bán với giá cao trong các siêu thị. Nhưng giống với “bẩn”, khái niệm “sạch” này cũng đang rất mù mờ. Để cụ thể hóa các khái niệm này chắc chắn không thể trông chờ vào sự hiểu biết của người nông dân. Cho dù họ có trồng hai luống, một luống để bán và một luống để nhà ăn, thì cái luống nhà ăn chưa chắc đã sạch và luống để bán chưa chắc đã bẩn.

Thế nào là sạch?

Việc không gọi được chính xác cái “bẩn” đang tạo ra một luồng quan điểm trong dư luận: “sạch” tức là hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Nông nghiệp hữu cơ bỗng nhiên trở thành một trào lưu. Có thể dễ dàng tìm thấy một doanh nghiệp, một trang trại “hữu cơ” ở bất kỳ vùng nông nghiệp nào trong cả nước. Trong cơn sợ hãi về an toàn thực phẩm đang lên cao, nhiều doanh nghiệp như thế đang ra đời.

Võ Văn Tiếng ở Đồng Tháp là một nông dân trẻ có quan điểm mạnh về “nông nghiệp hữu cơ”. Trong quan niệm của Tiếng, hạt gạo “ngậm hóa chất” đang gây hại cho người Việt. Cậu xin mẹ 2ha để thử nghiệm mô hình trồng lúa hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu.

Năng suất trong ruộng của Tiếng đạt khoảng 60% so với các thửa ruộng có sử dụng hóa chất. Với giá thành cao hơn chút ít, Tiếng hi vọng mình có thể duy trì được hoạt động sản xuất và khuyến khích được nhiều người theo đuổi mô hình này.

Khi câu chuyện của Tiếng được đưa ra truyền thông thì nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, có ý kiến phản bác mạnh mẽ: “Ruộng của cậu này có thể trở thành ổ sâu bệnh cho các ruộng xung quanh”.

Liệu đó có phải là một phân tích hợp lý, khi một thửa ruộng không sử dụng thuốc trừ sâu trở thành nơi cư trú cho sâu bệnh? Không ai biết, bởi cho đến giờ chưa có một phân tích đáng kể nào về tính hiệu quả của nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh Việt Nam.

Sách gối đầu giường của nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là Cuộc cách mạng một-cọng-rơm của Masanobu Fukuoka. Sách do một nhóm những người tin tưởng vào nông nghiệp tự nhiên thực hiện, nói về hành trình làm nông nghiệp tự nhiên của một lão nông người Nhật trong suốt 30 năm. Quyển sách này cũng bị nhận sự miệt thị từ các nhà buôn phân bón.

Tại Củ Chi, bạn có thể đến thăm một trang trại nhỏ đang đi theo mô hình “nông nghiệp tự nhiên” - một dạng thức quyết liệt hơn cả nông nghiệp hữu cơ - khi người làm nông hoàn toàn không bón phân, không dùng thuốc, không làm cỏ, không cày đất.

Trông trang trại là một thầy giáo trẻ, đã bỏ việc dạy ở Tây Ninh để theo đuổi lý tưởng về nông nghiệp tự nhiên. Ở trang trại đó, cỏ dại mọc cùng với rau, đậu. Sâu bệnh tự cân đối với thiên địch. Mô hình “nông nghiệp tự nhiên” dựa trên một triết lý rằng tự nhiên sẽ làm tốt nhất việc nuôi nấng chính nó, và sự can thiệp của con người nên được tối thiểu hóa.

Năng suất thấp, nhưng nhờ vào hệ thống phân phối riêng với giá cao, người làm vườn trẻ tỏ ra rất thoải mái với cuộc sống “thuận tự nhiên” của mình.

Ở đó, bạn có thể tiếp cận với nông sản “sạch” theo mọi cách hiểu. Tuy nhiên, những người đi theo mô hình này gần như không có nhu cầu truyền thông về thứ họ đang theo đuổi. Theo phân tích của người chủ vườn, việc đuổi theo nông nghiệp năng suất cao bằng mọi giá tại Việt Nam đã “bóc lột” đất đến mức không thể cứu vãn.

Đất càng kiệt quệ thì việc sử dụng phân bón và thuốc càng phải gia tăng, đến mức lạm dụng. Mô hình nông nghiệp của họ - với cảm hứng từ cách làm của tác giả Masanobu Fukuoka - “trả lại sự màu mỡ cho đất”. Ngay cả cỏ dại cũng có vai trò của nó trong việc khiến đất trở nên tốt hơn.

Nhưng những người trẻ này không có ý định thuyết phục đại chúng đi theo họ. Vấn đề rất cơ bản: đặt ra bài toán “giảm sản lượng nông nghiệp” lúc này là điều khó chấp nhận với đại chúng, hay thậm chí là với các mục tiêu chính trị đã được đề ra.

Mâu thuẫn của nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tự nhiên chạm đến cả mục tiêu phát triển toàn xã hội. Và câu hỏi đặt ra trước lập luận của những người này là liệu ngay cả mục tiêu chính trị của nước ta đã thật sự hợp lý với tiến trình phát triển nông nghiệp và nguồn tài nguyên hay chưa? Đặc biệt là khi xét đến việc Việt Nam vẫn đang liên tục tìm cách tăng năng suất để phục vụ cho xuất khẩu… với giá rẻ.

Không có câu trả lời. Khoa học lại một lần nữa im tiếng trước khái niệm “sạch” đang được nhiều người đề xuất. Không ai biết nó có phù hợp để nhân rộng, hay ứng dụng một phần vào hoạt động sản xuất đại trà tại nước ta như thế nào. Chỉ có cuộc đôi co giữa một vài người “gàn dở” chấp nhận giảm năng suất vì lý tưởng riêng với những người ủng hộ thuốc trừ sâu và phân bón. Đến giờ phút này, những mô hình kể trên đang hoàn toàn là câu chuyện cá nhân.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận