Ai đi tìm hiệu trưởng?

NGUYỄN VẠN PHÚ 10/05/2018 14:05 GMT+7

Cuộc tìm kiếm hiệu trưởng cho các trường đại học thường là một cuộc tìm kiếm mất thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng đó là nỗi đau đầu của hội đồng quản trị hay hội đồng trường. Bộ GD-ĐT cũng như chính quyền địa phương hầu như không liên quan, và cũng không việc gì phải can thiệp.

[ File # csp7166825, License # 1112074 ]-Licensed through http://www.canstockphoto.com in accordance with the End User License Agreement (http://www.canstockphoto.com/legal.php)-(c) Can Stock Photo Inc. / texelart
 

Giáo sư giỏi chưa chắc làm hiệu trưởng giỏi

Xung quanh việc giáo sư Trương Nguyện Thành không đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng do luật đặt ra nên phải chia tay với ĐH Hoa Sen, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối. Nhưng sự tiếc nuối ấy dường như không đặt đúng chỗ nếu nó đi cùng suy nghĩ rằng đã là giáo sư giỏi của Mỹ thì đương nhiên đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một ĐH Việt Nam. Bộ kỹ năng làm nên một giáo sư giỏi khác hẳn bộ kỹ năng làm nên một hiệu trưởng có tài nên không thể lấy chuyện nọ xọ qua chuyện kia được.

Giả dụ có một giáo sư xuất chúng trong nghiên cứu, lại có năng khiếu sư phạm nên giảng dạy cũng thành công, trở thành một tên tuổi trong ngành giáo dục, ở bộ môn toán ứng dụng. Thế nhưng cứ giả định mời ông ấy làm hiệu trưởng, ông ấy phải học lại các nguyên tắc cơ bản của quản trị tài chính mới lo được chuyện cơm áo gạo tiền cho trường. Ông ấy phải biết về quản trị nguồn nhân lực mới lôi kéo được người giỏi về trường. Ông phải có mối quan hệ rộng để liên kết với cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài. Ông phải có đầu óc cấp tiến để định hướng phát triển cho trường trong thời đại có nhiều thay đổi như hiện nay. Ông phải biết về trí tuệ nhân tạo, về tự động hóa... để biết sẽ phải lên kế hoạch dạy gì cho sinh viên trong 10 năm tới... Nghĩa là rất nhiều, kể không hết được các yêu cầu, các tiêu chuẩn mà một hiệu trưởng lý tưởng phải đáp ứng trong kỳ vọng của những nhà giáo mong muốn xây dựng cho trường ĐH một uy tín bền vững.

Chuyện lẫn lộn giữa chuyên môn và vai trò quản lý là phổ biến trong nhiều ngành nghề của nước ta, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi. Trước đây ai cũng nghĩ cứ giỏi chuyên môn là làm lãnh đạo được tất. Nhưng vị trí tối ưu của một bác sĩ phẫu thuật giỏi là bàn mổ để cứu người chứ không phải làm giám đốc bệnh viện thiếu năng lực quản trị. Một phóng viên xuất sắc, được bạn đọc hâm mộ chưa chắc làm công tác tòa soạn được trôi chảy. Một tiến sĩ tài chính chưa chắc làm tốt vị trí giám đốc một ngân hàng... Chính vì thế, đã có nhiều vị hiệu trưởng cắp cặp đi học thêm quản trị kinh doanh đâu phải vì cái bằng thạc sĩ trong khi họ đã có bằng tiến sĩ sử, hóa, toán hay ngoại ngữ. Họ đi học các kỹ năng quản trị một cách bài bản. Cũng có người chọn lựa con đường tự học, tự tìm tòi và bởi nhờ có nền tảng học thuật ở lãnh vực khác nên họ có thể nhanh chóng tích lũy kỹ năng mới cần thiết cho cương vị mới.

Ai có quyền quyết định?

Thiết lập các chuẩn mực để đánh giá xem người hiệu trưởng tiềm năng đã sẵn sàng chưa, đã có bộ kỹ năng quản trị cần thiết chưa rồi đối chiếu, so sánh, đặt lên bàn cân để quyết định mời ai, bỏ ai - đây là trách nhiệm và quyền của hội đồng quản trị nhà trường.

Thế vai trò Nhà nước ở đây là gì? Giáo dục là một trong những lãnh vực mà yếu tố bất đối xứng thông tin là cao. Người học bỏ tiền mua dịch vụ nhưng không thể biết rõ chất lượng dịch vụ sẽ nhận được có tương xứng đồng tiền bỏ ra hay không. Vai trò Nhà nước khi đặt ra quy định hay luật lệ là để giảm thiểu sự bất đối xứng đó. Nói cách khác, các điều kiện kinh doanh trong lãnh vực giáo dục chỉ nên tồn tại nếu chúng có vai trò bảo vệ người học.

Ví dụ, có lẽ chẳng ai trong chúng ta phản đối quy định giáo viên nước ngoài vào nước ta dạy ngoại ngữ phải có chứng chỉ sư phạm bởi quy định này loại trừ các trung tâm tuyển đại “Tây balô” vào dạy. Nhà nước khi quy định như thế là thay mặt người học kiểm tra trình độ, năng lực của người dạy vì học viên đâu thể tự mình kiểm tra một cách cặn kẽ. Quy định về độ sáng trong phòng học, về chuyện quán karaoke phải cách xa trường học bao nhiêu, về chuyện giáo viên không được xâm phạm thân thể học sinh... thuộc loại đó.

Liệu quy định một trong những tiêu chuẩn của hiệu trưởng ĐH là “đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm” như một phần của điều 20 Luật giáo dục đại học có thỏa đáng và cần thiết? Có thể, nếu áp dụng cho ĐH công lập hay ĐH khác có nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước. Nhưng với ĐH tư thục, quy định này không có ý nghĩa gì cả.

Đối chiếu với bộ kỹ năng cần có cho một hiệu trưởng thành công, một người dù tham gia quản lý cấp khoa chục năm cũng chưa chắc có tầm nhìn cần thiết cho một hiệu trưởng. Quản lý tài chính của khoa, phòng khác hẳn quản lý tài chính một trường; công tác đối ngoại cũng vậy mà nghệ thuật quản trị nhân sự cũng vậy. Kinh nghiệm quản lý khoa, phòng có thể giúp rút ngắn thời gian tự học để thích ứng như đã nói ở trên nhưng không thể thay thế hoàn toàn.

Quan trọng hơn, quy định như thế có bảo vệ gì cho người học không, có giúp giảm thiểu bất đối xứng thông tin chăng? Không hề. Chuyện chọn cho đúng người là trách nhiệm của hội đồng quản trị, mắc gì Nhà nước ôm về mình bằng một số quy định làm chi cho mệt? Tương tự là các quy định khác như hiệu trưởng không được làm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Hay ở một nghị định Nhà nước yêu cầu các trường dạy theo chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài thì “số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường”. Cái này rõ ràng hạn chế sự tiếp cận của người học chứ không hề bảo vệ họ gì cả.

Điều đáng nói, các ràng buộc ở Luật giáo dục đại học chỉ áp dụng cho ĐH trong nước; các ĐH có vốn đầu tư nước ngoài không hề phải tuân thủ nên đã và đang tạo ra những bất bình đẳng trong môi trường cạnh tranh. Một góc cạnh nữa ít được chú ý là bên cạnh ràng buộc, nay các trường đã bắt đầu phải tạo các gói hấp dẫn để chiêu mộ được người tài về làm hiệu trưởng, liệu luật lệ đã tính đến chuyện hỗ trợ các trường tìm kiếm người phù hợp chưa? ■

Ở góc độ cá nhân, người viết thuộc thế hệ U-60 khi nhớ về các thầy cô cũ, từ tiểu học đến ĐH, đều hồi tưởng hình ảnh những người thầy tạo ấn tượng mạnh về thần thái mô phạm, toát ra vẻ tin cậy, mẫu mực, chính trực nhưng dí dỏm, có óc hài hước. Một người hiệu trưởng nói riêng hay lãnh đạo ngành sư phạm nói chung cần trước hết có cái thần thái này - đó là kỳ vọng của người viết nhưng khó thay, không một tiêu chuẩn nào trong bộ luật nào định lượng hay định tính được hình ảnh ấp ủ đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận