Ai được làm gì trong thời chống dịch?

NGUYỄN ĐỨC LAM 31/07/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Tình trạng mỗi tỉnh/thành đặt ra các yêu cầu cấm đoán hoặc hạn chế người từ địa phương khác vào hoặc đi qua địa phận mình đã phổ biến suốt năm rưỡi chống dịch COVID-19.

 
 Minh hoạ

Nhưng đằng sau đó là một vấn đề rất lớn trong quản trị quốc gia: phân chia quyền lực như thế nào giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, vai trò của chính quyền trung ương là gì trong tình trạng khẩn cấp?

Chống dịch: mỗi nơi làm một kiểu

Còn nhớ khi Thủ tướng Chính phủ mới ra chỉ thị 16 về “cách ly xã hội”, có nơi cho đắp đất lên mặt đường không cho xe cộ đi vào địa phận, nơi khác cấm người dân đến tỉnh có dịch. Trước sự tùy tiện “ngăn sông cấm chợ”, tạo ra “pháp luật” của tỉnh A, tỉnh B này, Chính phủ đã phải yêu cầu “Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình”, không đúng với chỉ thị số 16/CT-TTg, trái luật và đặc biệt là trái Hiến pháp.

Tương tự, là khi các địa phương lập “trạm kiểm soát dịch” trên quốc lộ, tỉnh lộ, áp dụng những biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù đã có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều xe hàng thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng lại bị cấm vào tỉnh điểm cuối cùng giao hàng. Sáng test nhanh đi được, chiều quay về bắt test PCR. Lái xe chở hàng từ tỉnh này sang tỉnh khác trong vùng 19 tỉnh cùng cấp độ giãn cách theo chỉ thị 16 vẫn phải trình giấy xét nghiệm. Hoặc cấm cả chợ truyền thống khiến dân thiếu lương thực.

Hạn chế đi lại, đòi hỏi giấy xét nghiệm giữa các tỉnh đánh vào túi tiền doanh nghiệp, làm chi phí vận chuyển tăng; làm chậm trễ và gián đoạn sản xuất, xuất khẩu... Xe container xếp hàng kilômet ở cửa ngõ Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai... cho thấy điều đó.

Dù tình hình dịch bệnh ở các địa phương khác nhau, nên các biện pháp có thể khác nhau, nhưng sự khác biệt trong chống dịch không thể vượt quá thẩm quyền của địa phương, phân mảnh, chia cắt, cát cứ, dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa, con người, kinh tế đình trệ.

Có một nguyên tắc căn bản là những vấn đề nào thuộc về thẩm quyền quốc gia, dù là giữa hai tỉnh, một vùng, các vùng, hay toàn quốc, thì chính quyền trung ương đều phải can thiệp điều chỉnh hoặc bắt buộc thực hiện. Bởi lẽ, nền kinh tế - xã hội cả nước như một cơ thể sống; không thể vì một chỗ dịch bệnh mà cắt rời, bóp chặt, máu không lưu thông thì cơ thể yếu ớt. Bên cạnh đó, thực tiễn ở các nước cũng như Việt Nam cho thấy trong những tình huống như đại dịch COVID-19, chính quyền địa phương không thể đủ khả năng, nguồn lực ứng phó một cách hiệu quả, cần phải có bàn tay của chính quyền trung ương.

Chính quyền trung ương làm gì?

Ở nhiều quốc gia, và Việt Nam không phải ngoại lệ, trong điều kiện bình thường, chính quyền địa phương được hưởng nhiều quyền tự chủ về tài chính, hành chính và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, trong những tình huống như thảm họa thiên tai, đại dịch, nhà nước trung ương cần phải thể hiện vai trò của mình, can thiệp mạnh hơn với “bàn tay cứng rắn”. Thậm chí ở nhiều nước, trong tình trạng khẩn cấp, quyền lực của địa phương tạm thời được chuyển giao cho chính quyền trung ương.

Việt Nam là một nhà nước đơn nhất, vì vậy chính quyền trung ương càng cần thể hiện vai trò điều hành, kiểm soát, đảm bảo hành động thống nhất trên toàn quốc trong chống dịch. Nhất là trong bối cảnh một năm rưỡi qua, dù chỉ là công bố dịch truyền nhiễm nhưng các biện pháp chống dịch ở mức độ mạnh giống như trong tình trạng khẩn cấp. 

Vai trò của chính quyền trung ương trước hết ở việc thiết lập khung pháp lý đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, chặt chẽ về chống dịch để áp dụng chung trên toàn quốc, bao gồm các luật, nghị định, thông tư có liên quan. Nếu nhớ lại, ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới bắt đầu, nhiều nước đã lập tức sửa đổi và ban hành rất nhiều luật để có căn cứ pháp lý ứng phó.

Nhưng ở Việt Nam, hầu hết các biện pháp chống dịch trong một năm rưỡi qua đều dựa trên các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (chỉ thị 15, 16, 19). Chỉ thị không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà là văn bản điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước, tức là chỉ có hiệu lực đối với công chức, cơ quan nhà nước. Để thực hiện chỉ thị, các cơ quan nhà nước phải vận dụng đúng đắn luật, nghị định, thông tư, không thể viện dẫn trực tiếp chỉ thị 16 để buộc công dân phải chấp hành như chính quyền địa phương nhiều nơi đã làm.

Để ứng phó với diễn biến mới của đại dịch, một số biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động áp dụng các biện pháp đó trong thời gian tới. Như vậy, sau một thời gian áp dụng, các biện pháp của Chính phủ đã được chính thức xác nhận trong một nghị quyết của Quốc hội, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng trên toàn quốc, trở nên chính danh hơn.

Hơn thế, Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ “được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật”; “được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19”. Điều này tương tự thông lệ ở các nước, vì tình huống khẩn cấp yêu cầu hành động tập trung và quyết đoán, và cơ quan hành pháp phù hợp hơn cơ quan lập pháp trên khía cạnh này.

Tuy nhiên, do giải pháp này có tính tình thế, cho nên Quốc hội giao Chính phủ “khẩn trương rà soát các luật có liên quan, trình Quốc hội dự án một luật sửa nhiều luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các dự án luật cần thiết khác vào các năm 2021 - 2022”. Trong tình trạng khẩn cấp, lập pháp cũng phải khẩn cấp. Những luật cấp thiết nhất như Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cần được sửa đổi ngay trong kỳ họp cuối năm 2021 theo trình tự rút gọn. Trong số các nội dung, luật cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong phòng chống dịch bệnh, tạo cơ sở nền tảng nhất để tránh tình trạng chia cắt, phân mảnh như đã đề cập. Đặc biệt, các Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể, trong trường hợp nào thì áp dụng biện pháp ở cấp độ nào.

Thứ hai, do phạm vi rộng, tác động tiêu cực nặng nề đến mọi mặt của đời sống, việc chống dịch rất cần đến vai trò của chính quyền trung ương trong tập hợp, điều phối các nguồn lực trên toàn quốc, bao gồm việc bắt buộc việc chia sẻ các nguồn lực giữa các địa phương. Như một số ĐBQH đề nghị, cần bổ sung giải pháp tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai thông tin, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và minh bạch các thông tin về biện pháp phòng chống dịch.

Xuất phát từ vai trò điều phối nguồn lực, nghị quyết của Quốc hội xác định ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng chống dịch; quy định một số biện pháp linh hoạt về NSNN; địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Thứ ba, dựa trên bằng chứng khoa học và thực tiễn thi hành, chính quyền trung ương cần đưa ra các tiêu chuẩn, quy định hướng dẫn mạch lạc, rõ ràng, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu theo một cách, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chẳng hạn, trong điều kiện nào thì có thể chống dịch theo kiểu “truy vết, khoanh vùng”; tình hình như thế nào thì nên để F0, F1 tự cách ly tại nhà, cần những biện pháp gì kèm theo; xác định như thế nào vùng đỏ, vùng xám và vùng xanh tùy quy mô dịch bệnh để ứng phó phù hợp; đảm bảo như thế nào an toàn dịch bệnh đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân trên các tuyến đường giao thông trên phạm vi cả nước; có cần phải yêu cầu giấy xét nghiệm khi người dân muốn đến các địa phương khác; cấm shipper hay không khi thực hiện giãn cách toàn xã hội...

Tương tự các nước, theo quy định của Hiến pháp, trong trường hợp vì sức khỏe cộng đồng, các biện pháp chống dịch trong tình trạng khẩn cấp được hạn chế quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, dù là văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, hay biện pháp cụ thể của địa phương, đều cần phải đáp ứng một số yêu cầu.

Trước hết, các biện pháp đó phải có mục đích chính đáng. Theo Hiến pháp năm 2013, các biện pháp giới hạn quyền nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng phải trực tiếp hướng đến ngăn chặn dịch bệnh hoặc chăm sóc người bệnh. Như vậy, có vẻ như các biện pháp được áp dụng ở Việt Nam thời gian qua thỏa mãn điều kiện này. Đồng thời, biện pháp phải phù hợp với mục đích cần đạt. Trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, việc giới hạn quyền tự do đi lại được coi là phù hợp, nhưng các biện pháp hạn chế quyền tiếp cận thông tin lại không được coi là chính đáng để kiểm soát dịch.

Hơn nữa, các biện pháp như vậy phải là tốt nhất trong các phương án đặt ra nhằm kiểm soát dịch, tức là giới hạn quyền ở mức thấp nhất so với các phương án khác mà vẫn đạt mục tiêu. Ngay cả việc hạn chế đi lại cũng phải được xem xét cụ thể trong từng tình huống để xác định mức độ hạn chế có phù hợp mục đích kiểm soát dịch bệnh hay không. Cấm người dân không được ra khỏi nhà khi tình hình dịch bệnh rất phức tạp là phù hợp; nhưng cấm cả chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu thì không.

Cuối cùng, các biện pháp hạn chế quyền phải cân bằng giữa lợi ích thu được và thiệt hại gây ra đối với quốc gia, xã hội và cá nhân công dân. Vai trò của chính quyền trung ương là đảm bảo để các yêu cầu này được tuân thủ, nhằm chống dịch hiệu quả nhưng vẫn phải bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân

Các thiết chế kiểm tra, giám sát cần sẵn sàng để đảm bảo không xảy ra lạm quyền, sai trái trong hành động của các cơ quan, cá nhân khi có tình trạng khẩn cấp như chống dịch COVID-19. Chính phủ, các bộ cần yêu cầu các địa phương hủy bỏ các biện pháp trái pháp luật. Tòa án phải tiếp nhận khiếu kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của những hành động lạm quyền. Quốc hội cần vào cuộc để giám sát lại tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản khẩn cấp do Chính phủ ban hành và luật hóa các văn bản đó sau một thời gian áp dụng. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có thể tiến hành giám sát chuyên đề, tổ chức các phiên giải trình, ĐBQH chất vấn về việc thực hiện các biện pháp chống dịch của Chính phủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận