Ai muốn gì ở Boston?

DANH ĐỨC 20/04/2013 11:04 GMT+7

TTCT - Tác giả vụ nổ bom kép ở Boston là một tổ chức khủng bố có “bài bản”, không gớm máu và có chủ đích táo tợn: gây sát thương tối đa để gieo kinh hoàng nơi dân chúng Mỹ! Sự im bặt, không tự nhận là “tác giả” như ở các vụ khủng bố khác, không đơn giản vì “hèn nhát” mà để gây nghi kỵ trong lòng dân chúng Mỹ.

Cộng đồng mạng cung cấp cho FBI ảnh nghi phạm đánh bom
FBI công bố đoạn video quay nghi phạm đánh bom ở Boston
Một nghi can đánh bom khủng bố ở Boston đã chết

Phóng to
Máu và những mảnh vỡ trên vỉa hè đường Boylston, một ngày sau vụ nổ kép tại cuộc đua marathon Boston hôm 16-4 - Ảnh: Reuters

Những kẻ chủ mưu và thực hiện vụ khủng bố kinh hoàng khiến ba người chết, trong đó có một trẻ em 8 tuổi, và 176 người bị thương, nhất định phải là những kẻ giết người có tổ chức và không gớm tay khi cho nổ hai quả bom trên vỉa hè đầy khán giả gần mức đến cuộc chạy marathon có tới hơn 23.000 người đăng ký tham gia.

Sát thương càng nhiều càng tốt!

“Chúng ta vẫn chưa biết ai đã làm chuyện này và tại sao. Song đừng vội vã kết luận trước khi chúng ta có đủ mọi chứng lý”

Tổng thống BARACK OBAMA

Đường Boylston gần quảng trường Copley cổ kính chính là điểm mà thân nhân các vận động viên đón đợi “người hùng” của mình cán mức khải hoàn. Cho dù không phải chừng ấy người cùng cán đích vào thời khắc 2g50 chiều ấy, những ai cán mức từ trước đó hai giờ đều đã ra khỏi chỗ này, những ai chưa đến còn lẹt đẹt ở sau, thì cũng có không ít thân nhân chạy đến đứng đợi ở mức đến.

Những kẻ thủ ác đã tính toán rất kỹ khi chọn vỉa hè để cho nổ bom chớ không phải đường đua, do lẽ nếu nổ ngay trên đường đua sẽ không có ai ngoài vài vận động viên lục tục chạy đến cùng ít nhân viên ban tổ chức đứng bên hàng rào “ngựa sắt” che chắn. Các video clip về vụ nổ đã cho thấy chỉ có một vận động viên sụp té khi vụ nổ thứ nhất xảy ra bên kia hàng rào “ngựa sắt”.

Quả bom chính là một cái nồi áp suất dung tích 6 lít nhét đầy đinh ốc và bi bạc đạn, mà khi nổ đinh ốc và bi sắt sẽ bắn tung ra như kiểu mìn Claymore, một trong những vũ khí sát thương bậc nhất. Thế nhưng, biến thể tự tạo này còn ác hơn mìn Claymore ở chỗ sẽ bắn tung đinh và bi sắt ra tứ phía thay vì chỉ phía trước trong một góc 60 độ. Khi đinh ốc hoặc viên bi bạc đạn đó ghim vào cơ thể ở khoảng cách quá gần như thế, sức tàn phá là vô cùng, chỗ trúng nhiều đinh sắt sẽ rách bươm từ trong ra ngoài...

Bác sĩ Ron Walls, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Brigham & Women, cho biết có nạn nhân bị ghim đến cả tá đinh, bi sắt như thế (1). Chính vì vậy mà có không ít người phải bị cưa chân, thậm chí có người bị cưa cả hai chân.

Thế nhưng, sự tàn ác không dừng ở đó. Quả bom thứ nhì 12 giây sau đó, cách vị trí nổ đầu tiên khoảng 170m, không chỉ nhằm gây sát thương “bổ sung” mà còn tạo ra cảm giác sợ hãi nơi những ai đang có mặt tại đó: chạy đâu bây giờ? Các tờ báo địa phương, tờ Boston Globe và Boston Herald, thuật lại lời kể của một vài vận động viên rằng ngay sau vụ nổ đầu tiên, cảnh sát đã thúc họ: “Chạy tiếp đi, chạy thoát thân đi”. Chạy thoát thân cũng là điều mà mọi người ở đó cùng hè nhau làm, trừ các nhân viên công lực và một vài nhân viên ban tổ chức mặc áo khoác vàng và những ai bị trúng thương không chạy được. Vụ nổ thứ nhì chính là để cho thiên hạ hỗn loạn đạp nhau mà chạy. Chính vì thế mà số thương vong tổng cộng cả hai vụ lên đến 179 người.

Gây kinh hoàng càng nhiều càng tốt

Gieo rắc kinh hoàng trong đầu người dân Mỹ, bắt đầu là những người ở gần hai vụ nổ, kế đến là những người có tham gia trực tiếp và gián tiếp vào cuộc đua được xếp vào nhóm sáu cuộc đua marathon lớn nhất thế giới. Kẻ thủ ác đã tính rằng hằng năm có hơn 20.000 người đăng ký tham gia, đông nhất là vận động viên nghiệp dư, nếu tính trung bình mỗi người có một người thân hay bạn bè đứng đợi, thì tối thiểu cũng có đến bốn vạn người sẽ phải thở phào “Hên quá, mình thoát nạn!”, trong đó không ít người tạ ơn thượng đế vì “thoát nạn trong gang tấc”. Gieo rắc kinh hoàng, có lẽ đây mới là mục tiêu chính của bọn thủ ác, khi dân chúng Mỹ vốn đã và đang yên tâm “quên” sợ rồi, 11 năm rưỡi sau vụ 11-9-2001.

Những kẻ chủ mưu cũng đã rất hiểu rằng năm 2013 này khác với năm 2001 về mặt truyền thông như thế nào. Nếu như vụ khủng bố tòa tháp đôi WTC năm 2001 đã được trực tiếp truyền hình bởi CNN, thì vụ tấn công cuộc chạy marathon Boston nếu có nửa triệu khán giả thì cũng sẽ chừng đó máy điện thoại có chức năng chụp ảnh và ghi hình, sử dụng WiFi có thể phát lên mạng ngay.

Bill Hoenk, một nhiếp ảnh gia tự do, có mặt ở địa điểm xảy ra vụ nổ thứ nhì, và đang mở máy chụp ngay sau khi vụ nổ thứ nhất xảy ra 12 giây trước đó, đã là người duy nhất (cho đến lúc này) có được những bức ảnh ghi lại vụ nổ thứ nhì. Ảnh của anh đã được Time sử dụng ngay. Trong thời đại của Facebook, Twitter…, ngay cả FBI hay Sở cảnh sát Boston hoặc Nhà Trắng cũng sử dụng Facebook để đưa tin, bọn khủng bố thừa hiểu tác động lan truyền sự kinh hoàng của mạng xã hội. Mượn mạng xã hội vốn “vô tình” để “dắt đến sự sợ hãi” (appeal to fear) chính là vũ khí chiến tranh tâm lý của những kẻ chủ mưu.

Chính vì thế mà ở lần phát biểu thứ nhì của mình trong buổi tối đó để thông tin cập nhật tình hình cho dân chúng Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã quả quyết rằng “Dân chúng Mỹ không để cho bị kinh hoàng” (2). Khi quả quyết như thế, ông đã vận dụng đến quy tắc tối thượng “đồng hội, đồng thuyền” của môn vận động quần chúng, để báo dân chúng rằng “tôi không sợ, chúng tôi không sợ, tất cả chúng ta đều không sợ”…

Qua ngày hôm sau, một số vận động viên cán mức đến mà không kịp nhận biểu chương chứng nhận đã tham dự cuộc đua đã quay lại để nhận, như Lisa Wyman, Nancy Wyman và Nick Giordano, cùng tham gia chạy marathon dưới màu cờ của tổ chức thiện nguyện vì những người bị bệnh gan American Liver Foundation. Nick Giordano đã dự cuộc chạy marathon này 11 lần. Anh quả quyết: “Không thể nào đây sẽ là cuộc chạy cuối cùng của tôi chỉ vì có kẻ nào đó đã nhất quyết muốn như thế”. Hai chị em Leyah và Chalyce nhà Valgardso đến từ Pittsburgh quả quyết:” Bọn chúng sẽ không buộc chúng tôi dừng chạy được đâu. Vụ này chỉ làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn mà thôi. Chúng tôi rõ ràng cảm thấy kết đoàn hơn và sẽ cùng vượt qua” (3).

Cái bẫy nghi kỵ

Hơn ai hết, Tổng thống Obama cùng êkip của ông nhận ra cái bẫy đang giăng ra cho dân chúng Mỹ khi phải ngờ rằng thủ phạm là ai. Nghi kỵ giữa những người da màu này với người da màu khác trong lòng một xã hội đa chủng như xã hội Mỹ chính là một quả bom nổ chậm. Muốn hay không muốn cũng đã có một vài vấn đề với người nhập cư rồi tuy chưa đến nỗi như ở châu Âu… Thành ra trong thông điệp đầu tiên với dân chúng Mỹ, ông Obama căn dặn: “Chúng ta vẫn chưa biết ai đã làm chuyện này và tại sao. Song đừng vội vã kết luận trước khi chúng ta có đủ mọi chứng lý”.

Thành ra, khi điều tra về một thanh niên gốc người Saudi bị đám đông tri hô là bỏ chạy sau khi vụ nổ xảy ra (như có thể thấy trong video clip của CBS News), cảnh sát vẫn không gọi người ấy là “nghi can” mà chỉ gọi là “người được quan tâm”, và rồi nhanh chóng khẳng định người ấy không dính líu gì. Nếu đã từng thấy ở những nơi nhạy cảm như sân bay, tỉ như sân bay LAX (Los Angeles), có không ít phụ nữ đội khăn choàng Hồi giáo thoải mái làm việc ở quầy check-in cuối cùng trước khi lên máy bay, thì có thể thấy sự nghi kỵ mà thủ phạm vụ nổ tìm kiếm sẽ tác hại như thế nào.

___________

(1) http://bostonherald.com/news_opinion/local_coverage/2013/04/docs_describe_nails_bbs_viciously_blasted_into_marathon_patients
(2) http://www.whitehouse.gov/blog/2013/04/16/president-obama-american-people-refuse-be-terrorized
(3) http://middletownpress.com/articles/2013/04/16/news/doc516db42aa22c4517609166.txt

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận