Ấn Độ được gì sau 20 năm "hướng Đông"?

DANH ĐỨC 11/04/2012 21:04 GMT+7

TTCT - Theo chính sách “hướng Đông” mà Thủ tướng Narasimha Rao đã đề ra năm 1991, chỉ chục năm sau Ấn Độ họp thượng đỉnh hằng năm với ASEAN, lấy đó làm kim chỉ nam cho quan hệ kinh tế và chiến lược với khu vực này.

Ngoài ra, Ấn Độ còn “hướng Đông” với các nước Đông Á.

Phóng to
Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (trái) được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tiếp đón trong chuyến thăm Phnom Penh ngày 14-9-2010 - Ảnh: netindian.in

Prashanth Parameswaran, chủ tịch Hội ASEAN của Trường luật và ngoại giao Fletcher, nhận xét rằng từ hơn một năm qua, Ấn Độ đã đạt những tiến bộ đáng kể trong quan hệ với ASEAN. Rõ nhất là việc tăng cường quan hệ an ninh, một bước phát triển thật logic khi Ấn Độ và một số nước ASEAN cùng chia sẻ đường biển cũng như cùng chung biên giới trên bộ.

Chính vì thế mà Ấn Độ và ASEAN đã chọn thái độ cùng chung lợi ích để cùng giải quyết một loạt thách thức khác nhau, từ chống khủng bố, chống cướp biển, chống buôn ma túy đến bảo vệ đường hàng hải... (1).

Kinh tế: mới chỉ là khởi động

Với Singapore, đối tác thân cận nhất của Ấn Độ trong hàng ngũ ASEAN và đã ký hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện với Ấn Độ từ năm 2005, hai bên còn cần mở cửa bầu trời hơn nữa.

Ấn Độ và ASEAN đã chọn thái độ cùng chung lợi ích để cùng giải quyết một loạt thách thức khác nhau, từ chống khủng bố, chống cướp biển, chống buôn ma túy đến bảo vệ đường hàng hải...

Với Malaysia, từ khi một hiệp định tương tự bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái, các công ty Malaysia đầu tư vào hạ tầng cơ sở của Ấn Độ. Một hiệp định tương tự sẽ được ký với Thái Lan trong năm nay và với Indonesia sớm sau đó. Ấn Độ đã nâng quan hệ với Thái Lan lên tầm quan hệ chiến lược nhân chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vào đầu năm nay, và với Indonesia trước đó với chuyến thăm của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Với Việt Nam, công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Limited đang thăm dò dầu khí trên biển Đông của Việt Nam. Với Myanmar, các công ty Ấn Độ đã đầu tư từ trước khi nước này mở cửa: tháng 10 năm ngoái, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Manmohan Singh đã hứa hẹn 500 triệu USD tín dụng giúp Myanmar khôi phục đường sá, thủy lộ...

Với Campuchia và Lào, chuyến thăm của Tổng thống Pratibha Patil cùng với phái đoàn 45 doanh nhân vào tháng 9-2010 chính là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Ấn Độ đến hai nước này kể từ thập niên 1950 (2).

Tuy nhiên, trao đổi kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN năm nay tối đa cũng chỉ khoảng 75-80 tỉ USD (3), chẳng là bao so với trao đổi giữa Trung Quốc và ASEAN (300 tỉ USD năm 2011), cho dù hiệp định trao đổi hàng hóa đã được ký từ năm 2009. Tuy nhiên, có một khác biệt cơ bản để so sánh: Ấn Độ năm ngoái nhập siêu từ ASEAN khoảng 3 tỉ USD (4), đúng với thực lực của mình, chứ không xuất siêu bằng mọi cách.

Không chỉ tăng cường giao thương với ASEAN, Ấn Độ cũng đã đẩy mạnh buôn bán với Trung Quốc: từ 3 tỉ USD kim ngạch thương mại song phương tài khóa 2001-2002, đến tài khóa 2010-2011 đã lên đến 63 tỉ USD, nhập siêu 25 tỉ USD. Còn với Hàn Quốc, dự kiến đến năm 2015 kim ngạch song phương sẽ lên đến 40 tỉ USD.

Chuyện hơn 30 năm trước

Ấn Độ gần hay xa Đông Nam Á? Nhìn lên bản đồ thấy bán đảo Nam Á cách Đông Nam Á cả vịnh Bengal. Thật ra, Ấn Độ là láng giềng gần của Đông Nam Á, cùng chung 1.643km biên giới với Myanmar, đảo Nicobar “lớn” của Ấn Độ chỉ cách đảo Sumatra của Indonesia 163km. Càng gần hơn nữa khi tại hầu hết các nước Đông Nam Á đều có người Ấn nhập cư sinh sống từ rất lâu, thậm chí từ năm 200 sau Công nguyên, và tạo thành những khu “tiểu Ấn Độ” đầy bản sắc riêng song vẫn hài hòa cộng sinh (5).

Và trong tâm khảm không ít người, Phật giáo thịnh hành ở Đông Nam Á xuất phát từ Lâm Tì Ni ở Bắc Ấn Độ, nay là Nepal.

Ấy thế mà trong thập niên 1960, Ấn Độ vẫn còn “xa xôi” với ASEAN. Nguyên do là trong chiến tranh lạnh và chiến tranh Việt Nam, Ấn Độ thân với Liên Xô và Việt Nam, trong khi các nước còn lại ở Đông Nam Á thì thân Mỹ, thậm chí là đồng minh chiến đấu của Mỹ.

Chiến tranh Việt Nam kết thúc vẫn chưa hết “xa lạ”, mãi đến chiến tranh lạnh kết thúc, sau khi ASEAN mở cửa tiếp nhận các nước theo xã hội chủ nghĩa (Việt Nam, Lào), sự ngờ vực lẫn nhau này mới tan dần cả trong nội bộ ASEAN lẫn giữa ASEAN và Ấn Độ. Đến năm 1992, Thủ tướng Narasimha Rao sang Singapore thuyết về chính sách “hướng Đông”. Các thủ tướng kế tiếp là Atal Bihari Vajpayee và Manmohan Singh cùng nối tiếp chính sách này (6).

“Tối lửa tắt đèn" có nhau

Một khi sự ngờ vực mang tính “giáo điều” tan biến, các bên cùng trở về với những thân tình láng giềng cũ, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Tiến sĩ Bilveer Singh, trong biên khảo Quan hệ quốc phòng Đông Nam Á - Ấn Độ trong bối cảnh an ninh khu vực thay đổi, thuật lại rằng ngay từ năm 1965, thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu đã nhờ Ấn Độ - vốn cũng là cựu thuộc địa của Anh - giúp đào tạo quân đội của đất nước non trẻ này, song Ấn Độ lúc đó đang “bận rộn” biên giới với Pakistan và Trung Quốc đã “làm ngơ” (sđd, tr.10).

30 năm sau, Ấn Độ đã có thể đáp ứng yêu cầu này của Singapore khi bắt đầu các cuộc thao diễn hải quân mang tên Lion king (Vua sư tử) từ năm 1993.

Đến năm 1999, các thao diễn hải quân này được đổi tên lại là SIMBEX (Thao diễn quân sự Singapore - Ấn Độ) mang tính “định chế” hẳn hòi. Khác với các năm trước vẫn thường thao diễn trên Ấn Độ Dương, đến năm 2005 hải quân Singapore và Ấn Độ lần đầu tiên thao diễn trên biển Đông (tr.30).

Năm 2003, hai nước ký Hiệp định hợp tác quốc phòng (DCA) nêu rõ tầm nhìn là “duy trì cán cân quyền lực trong khu vực với sự đóng góp của cả các nước Đông Nam Á và Ấn Độ”. Từ đó, không quân Singapore (SAF) đều đều “bay” sang các căn cứ Gwalior và Kalaikunda của không quân Ấn Độ (IAF) tập huấn. Thiết giáp và pháo binh Singapore cũng sang các trường bắn Babina và Deolali tập luyện (tr.32). Hai bên cũng hợp tác chống khủng bố, nhất là trong eo biển Malacca, nơi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương giao nhau.

Hải quân Malaysia cũng đã bắt đầu tập bắn đạn thật, chống cướp biển chung với hải quân Ấn Độ trong eo biển Malacca từ năm 2008. Không quân Malaysia cũng đưa phi công sang Ấn Độ tập lái Mig-29 từ khi mua loại chiến đấu cơ này. Indonesia, vốn không đồng ý cho nước ngoài can dự vào eo biển Malacca, từ năm 2009 cũng đã chính thức yêu cầu Ấn Độ hỗ trợ đảm bảo an ninh trong eo biển cùng chung với Singapore và Malaysia (tr.28).

Chân thật mới thắng

20 năm đủ để cho chính sách “hướng Đông” đơm hoa kết trái trong mọi quan hệ. Về mặt kinh tế, Ấn Độ là một nền kinh tế lớn trị giá 1.843 tỉ USD, đứng thứ 10 thế giới. Tuy nhiên, do luôn ý thức được rằng đem chia sản lượng cho 1,21 tỉ dân thì cũng chỉ được 1.527 USD/đầu người, còn thua kém không ít nước ASEAN, nên Ấn Độ cũng mong thu hút đầu tư từ ASEAN (7).

Người Ấn vốn thật thà nên không quen tìm cách o ép thiên hạ, đúng với tinh thần khẩu hiệu của nước này là “Satyameva jayate” (tạm dịch: Chỉ chân lý, chân thật, mới thắng). Trên tất cả, người Ấn không quen xem mình là trung tâm, thiên hạ là vệ tinh, không quen tự làm khách không mời. Và đó chính là một trong những nguyên nhân thành công của chính sách “hướng Đông”.

__________

(1) http://www.worldpoliticsreview.com/articles/11790/with-look-east-policy-bearing-fruit-india-must-now-act-east
(2), (7) http://pib.nic.in/newsite/erelease.aspx?relid=81648
(3), (4) http://www.dailypioneer.com/columnists/item/51343-get-diplomacy-out-of-delhi.html
(5) http://www.idsa.in/system/files/MonographNo4.pdf
(6) Bilveer Singh, Southeast Asia-India Defence Relations in the Changing Regional Security Landscape, Institute for Defence Studies and Analyses, No. 4 May 2011, p.9

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận