Anh: khi ngân hàng được quốc doanh hóa, chủ nghĩa tư bản đi về đâu?

DANH ĐỨC 14/03/2009 21:03 GMT+7

TTCT - Ngày 7-3, Tập đoàn ngân hàng Lloyds đành phải để Chính phủ Anh tham gia góp đến 77% tổng vốn của ngân hàng này. Một ngân hàng khác cũng được giải cứu là Ngân hàng hoàng gia Scotland (RBS). Hai vụ giải cứu này trong thực tế được hiểu như là quốc doanh hóa một lĩnh vực mà mấy trăm năm qua Anh Quốc luôn kiêu hãnh, với hình ảnh của một kinh đô tài chính nằm trong lòng thủ đô London.

Làm thế nào mà con tuấn mã (của ngành) Ngân hàng Lloyds luôn kiêu hãnh chồm vó lên (ảnh logo) từ hơn 300 năm qua nay có thể ngã gục trước nguy cơ phá sản, để phải cậy nhờ nhà nước cứu nguy số “tài sản độc hại” lên đến 260 tỉ bảng Anh đang kẹt cứng trong các khoản nợ xấu đâu đó?

 
 Ảnh: Information Age

Câu trả lời có sẵn trong ngôn ngữ VN “tham thì thâm”. Vật kích thích lòng tham ở đây chính là những điều mà các sách giáo khoa gọi là lợi nhuận và giá trị thặng dư. Nôm na mà nói ham lời là tật chung của các tập đoàn kinh tế, tài chính không chỉ của Anh mà là của hầu như cả thế giới kinh tài.

Thu gom “xác chết”

Đầu năm nay, Tập đoàn Lloyds hí hửng mua lại Ngân hàng Halifax-Bank of Scotland (HBOS) dù biết ngân hàng này đang lỗ ngập đầu đến 7,58 tỉ bảng Anh vào năm ngoái. Tại sao Lloyds dám ôm vào một khoản nợ khổng lồ như thế? Chẳng qua, Lloyds tính toán rằng:

- Mua lại các công ty sắp phá sản chính là ngón nghề ruột của các nhà đầu tư “cá mập”. Công ty ấy đã “chết” hay đang “hấp hối” càng dễ ép giá, và một khi lật lại được tình thế sẽ lời vô kể.

- Ngân hàng HBOS chưa từng thua lỗ, chỉ có lãi, thậm chí năm kia còn lời đến 3,965 tỉ bảng Anh, từ năm ngoái mới bắt đầu thua lỗ mà thôi. Nghĩa là HBOS vẫn có tiềm năng sinh lãi.

- Nếu Lloyds khéo quản lý và khai thác “xác chết” của HBOS sẽ phục hồi phong độ cũ và thu lãi.

- Mua lại HBOS vào lúc ngân hàng này đang thua lỗ đến 7,58 tỉ bảng Anh, nhất định giá phải hời lắm.

Trên cơ sở đó, ngày 16-1-2009, Lloyds chính thức sáp nhập HBOS. Không phải vì các sếp lớn của Lloyds thong manh mà trông gà hóa cuốc. Họ là những bậc thầy về môn quản lý rủi ro ứng dụng trong thực tế kinh doanh, làm sao có thể ấm ớ làm càn được. Còn các cổ đông nữa chi.

Chẳng qua họ quá tự tin vào khả năng tính toán và tài năng của họ: năm ngoái Lloyds vẫn còn lời 819 triệu bảng Anh sau thuế, thậm chí năm kia (2007) lời đến 3,289 tỉ bảng Anh.

Ấy thế mà chỉ một tháng sau, Lloyds sụp đổ. Một tháng rưỡi sau, Lloyds phải quỳ gối trước Bộ Tài chính Anh, tự nguyện trở thành “quốc doanh”. 

Tính “quốc doanh” này thể hiện qua việc Bộ Tài chính Anh buộc Llyods phải dành ra khoản tiền 28 tỉ bảng Anh để hỗ trợ các hộ gia đình đang túng thiếu và các cơ sở đang gặp khó khăn.

Mua lại các “xác chết” để sáp nhập cơ ngơi thiên hạ vào cơ ngơi của mình với giá bèo không chỉ mỗi Tập đoàn Lloyds đã làm. 

Tháng 9-2008, Bank of America chỉ mất 50 tỉ USD mà mua được một “ông trùm” tài chính cỡ Merryl Lynch với cơ ngơi tại 40 nước cùng một bề dày lịch sử đến 94 năm. 

Hãy thử hình dung một chuỗi ngân hàng và công ty tài chính với 60.000 nhân viên dưới trướng trên khắp thế giới sẽ thấy “lãnh thổ” ngày nào của Merryl Lynch lớn đến đâu. 

Cuộc đàm phán có trị giá 50 tỉ USD này chỉ diễn ra trong vòng 48 giờ, theo như tường thuật của The Guardian 15-9-2008! Tốc độ đàm phán đó cho thấy Bank of America hám lợi đến đâu.

Mua lại Merryl Lynch tháng 9 năm ngoái, công bố sáp nhập ngày 1-1-2009, ấy thế mà nay Bank of America phải ngửa tay xin trợ giúp 25 tỉ USD từ chương trình TARP, một quỹ được thiết lập để cứu các ngân hàng khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. 

Cũng như Lloyds nêu ở trên, Bank of America đã tính toán không hết mức độ nợ nần của cái “xác chết” mà họ đã mua lạ?i. Đây chính là cái “bẫy sập” tạo thành đại dịch phá sản toàn cầu hiện nay. 

Ngay cả Bộ Tài chính Anh khi giải cứu Lloyds cũng chỉ mơ hồ gọi số vốn đang kẹt của Lloyds là “tài sản độc hại” chứ không chính xác đếm được Lloyds có nguy cơ thua lỗ bao nhiêu.

Không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn trong các lĩnh vực khác. 

Có những trường hợp sinh lợi vô cùng như trường hợp Hãng hàng không Air France sáp nhập Hãng hàng không KLM rồi tiếp tục ăn nên làm ra, và nay đang tính sáp nhập tiếp một hãng hàng không nữa bên kia dãy Alpes. 

Thậm chí từ nửa đầu thế kỷ trước, Hãng xe hơi General Motors của Mỹ từng mua lại Hãng Opel của Đức năm 1929, ngay trong cuộc khủng hoảng “Đại suy thoái” ở Mỹ, bán xe ở Mỹ không được bèn sang Đức sản xuất bán cho dân châu Âu.

Susan George, phó chủ tịch Hiệp hội Attac, kết luận như sau trong Comprendre les crises à répétition (Để hiểu các cuộc khủng hoảng liên tục): “Người ta đã chẳng rút tỉa được bài học nào. Cũng vẫn cái vòng luẩn quẩn đó: xúi bẩy dụ khị; giới thượng tầng thì lạnh lùng phiêu lưu làm giàu; giới cơ sở thì nhắm mắt, nhắm mũi dốc tiền túi ra đầu tư rồi chết chìm. Thị trường tài chính hóa rồ vì tín dụng cho vay thoải mái. Niềm tin nơi một thiên đàng hạ giới. Các chính phủ thì đồng lõa, có khi còn chủ mưu phạm pháp...”

Đầu tư ra nước ngoài, mặc xác trong nước

Ngay từ thế kỷ 19, nước Anh đã khởi xướng cuộc cách mạng “tự do thương mại” do nhà kinh tế học David Ricardo đề ra, bằng cách hủy bỏ các đạo luật “corn laws” vốn từng bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp của Anh.

Trước đó, nước Anh vẫn còn đeo đuổi chính sách bảo hộ trong khuôn khổ một liên minh giữa nhà nước với các nhà buôn đang rong ruổi lập chi nhánh trên khắp thế giới. 

Liên minh đó đã là nền tảng trong việc thành hình các đế quốc và các thuộc địa. Từ Trung Quốc của Thanh triều đến VN của nhà Nguyễn sang đến bán đảo Nam Á, thực dân Anh, Pháp đã ra đời cùng với việc vơ vét tài nguyên của các thuộc địa mới chiếm được. 

Dân Anh ăn lúa mì giá rẻ chở về từ (thuộc địa) Mỹ không sướng hơn sao? Nước Anh khởi đầu tất cả bằng cách hi sinh nền sản xuất lúa mì của mình. 

Sau lúa mì đến các mặt hàng khác. Tội gì phải cứ khăng khăng bảo vệ nền sản xuất ở mẫu quốc nếu như xảy ra trường hợp “đụng hàng”! 

Nước nào cũng có những lợi thế so sánh, tức các lĩnh vực kinh tế khác dư tính cạnh tranh, để thủ thân.

Một thế kỷ sau, đến thập niên 1980, dưới trào tổng thống Reagan cùng với vòng đàm phán GATT, sau này là WTO, “tự do thương mại” trở thành định đề chung cho toàn cầu. 

Khắp thế giới vang lên một bài ca “gia nhập WTO” với nội dung: không tham gia GATT rồi WTO - tức mở cửa thông thương - sẽ phải đứng ngoài nhìn thiên hạ buôn bán với nhau; mau lên, trâu chậm uống nước đục!

Châu Âu hợp nhất thành EU trong thập niên 1990 trở thành khuôn mẫu của tự do thông thương con người, tài sản, vốn liếng... trước khi đi đến thống nhất tiền tệ vào đồng euro (ngoại trừ một vài nước “bướng bỉnh” như Anh, Thụy Điển...). 

Cùng với việc mở rộng ra phía đông và kết nạp các thành viên mới trước kia thuộc Đông Âu cũ, giới chủ nhân ở EU 10 nước ban đầu (tức Tây Âu cũ) đổ xô sang các nước Đông Âu cũ để đầu tư nhằm giảm chi phí sản xuất, thu lợi nhuận cao nhất. 

Chính nhờ khả năng tiếp nhận đầu tư tốt này mà các nước Đông Âu cũ sớm trở thành thành viên mới của một EU mở rộng, tất nhiên còn các tiêu chuẩn khác như chế độ chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ lạm phát...

Các hãng xe hơi Pháp như Renault, Peugeot, Citroen thi nhau đóng cửa hãng xưởng trong nước để đầu tư sang Ba Lan chẳng hạn. 

Lương công nhân, kỹ sư Ba Lan “bèo” so với lương ở Pháp song kỹ năng không kém. Chưa hết, sản xuất ở Ba Lan còn tạo thuận lợi cho bán xe hơi ở các nước nằm ở phía đông châu Âu hơn xuất khẩu xe từ chính nước Pháp. Thảo nào ở Hi Lạp đầy “xe Tây”!

Khái niệm “délocalisation” - nôm na hiểu là đóng cửa nhà máy “mẹ”, sang chỗ khác mở nhà máy để bợ bạc nhiều hơn - trở thành khẩu hiệu chung của làn sóng đầu tư ra nước ngoài, mặc xác trong nước có thất nghiệp.

Nay khi khủng hoảng đã là toàn cầu, mệnh lệnh số một cho mọi chính phủ là cứu dân chúng nước mình dù có phải bỏ của (ở nước ngoài) chạy lấy người (trong nước). 

Tổng thống Pháp Sarkozy chỉ đồng ý bơm 7,9 tỉ euro cứu các hãng Renault, Peugeot, Citroen với điều kiện phải giữ lấy công ăn việc làm cho người Pháp cùng các nhà máy ở Pháp mà thôi chứ không cứu các nhà máy ở Ba Lan.

Ngược lại ở Đức, người ta đang sốt ruột khi thấy Hãng General Motors của Mỹ không nhúc nhích giải cứu Hãng xe hơi Opel mà General Motors đã mua lại từ năm 1929. Và người Đức trong Hãng Opel đang đòi “độc lập” với “hãng mẹ” General Motors để tự cứu lấy thân.

Mỏ vàng tài chính

Từ năm 1992-2007, kích thước của thị trường tài chính đã nhân lên 150 lần. Các tài năng trẻ trong lĩnh vực tài chính đã sáng tạo hàng loạt sản phẩm mới tước lấy vai trò cố hữu của các sản phẩm cũ như tiền gửi tiết kiệm, công trái... 

Sự ra đời của các sản phẩm mới này (tỉ như các quỹ đầu tư hedge funds hứa hẹn những lãi suất cao ngất trời) đã thu hút vô vàn khách hàng và tiền để dành. Các tác giả của các sản phẩm đó hiển hách đến mức được gọi là golden boys (chàng trai vàng).

Năm 1987, nước Mỹ đã rơi vào cuộc khủng hoảng phá sản các hedge funds đó (ở VN năm 1990 là “nước hoa Thanh Hương”, là “Huỳnh Là” nổi tiếng với câu “Đền cho khách gửi tiền chớ sao không đền! Bán hết tài sản để đền. Còn cái quần xà lỏn cũng bán để đền”...

Sau những quỹ đầu tư siêu lãi suất trên là các quả “bong bóng” nhà cửa mà hậu quả là một thị trường địa ốc “hóa đá”, kéo theo các ngân hàng, các cơ sở chuyên cho vay thế chấp mua nhà... ai cũng đã biết. Và các “bong bóng” chứng khoán mà nay đang xì hơi ở Wall Street.

Susan George, phó chủ tịch Hiệp hội Attac, kết luận như sau trong Comprendre les crises à répétition (Để hiểu các cuộc khủng hoảng liên tục): “Người ta đã chẳng rút tỉa được bài học nào". 

"Cũng vẫn cái vòng luẩn quẩn đó: xúi bẩy dụ khị; giới thượng tầng thì lạnh lùng phiêu lưu làm giàu; giới cơ sở thì nhắm mắt, nhắm mũi dốc tiền túi ra đầu tư rồi chết chìm. Thị trường tài chính hóa rồ vì tín dụng cho vay thoải mái. Niềm tin nơi một thiên đàng hạ giới". 

"Các chính phủ thì đồng lõa, có khi còn chủ mưu phạm pháp... Ông Alan Greenspan ngự trị ở FED (tương đương với ngân hàng trung ương) suốt 19 năm để thổi lên hết quả bong bóng này đến quả bong bóng khác". 

"Nền kinh tế của các thị trường tài chính đó bay thật cao, quá cao so với nền kinh tế thực tới khi cái máy bay không người cầm lái này rơi xuống đất. Mặc cho những người ngây thơ có bị hi sinh”.

Đi về đâu?

Từ tha hồ làm giàu trên thị trường tài chính, bất chấp nền kinh tế thực cố hữu có ra sao, nay các công ty phá sản đang trông chờ nhà nước ra tay tế độ, để được “quốc doanh hóa”.

Tháng 9 năm ngoái, tại Điện Elysée của Pháp, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tỉnh bơ gọi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là “đồng chí” trong một bài phát biểu truyền hình trực tiếp như sau: “Đồng chí Sarkozy là một người bạn tốt, song vẫn là tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, đồng chí ấy đang đến gần chủ nghĩa xã hội". 

"Đồng chí Sarkozy nói rằng phải làm lại chủ nghĩa tư bản, bằng không sẽ nổ ra một cuộc cách mạng toàn cầu. Đồng chí Sarkozy này, cuộc cách mạng ấy ở châu Mỹ Latin chúng tôi đã nổ ra cách đây ít lâu rồi". 

"Không cách chi làm lại chủ nghĩa tư bản mà phải sáng tạo một hệ thống mới, hoàn toàn mới, một “chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21”. Tụi tôi gọi là chủ nghĩa xã hội, còn đồng chí gọi là chủ nghĩa quốc gia dân tộc”.

Thật thế, các nền kinh tế châu Mỹ Latin đã nổ banh xác trong thập niên 1980-1990 sau các làn sóng đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính nên đã quá “rành sáu câu” kinh tế thị trường. Nay Venezuela, Chile, Argentina, Peru... có muốn thu hồi các lĩnh vực từng để nước ngoài nhảy vào chiếm cứ cũng là dễ hiểu.

Có quá không tưởng không? Martin Wolf của nhật báo tài chính kinh điển Financial Times viết: “Hãy nhớ lại những gì đã xảy ra trong cuộc đại suy thoái những năm 1930. Nạn thất nghiệp tăng, chiếm đến 1/4 dân số lao động". 

"Điều đó làm biến đổi chủ nghĩa tư bản và vai trò của chính phủ trong cả một nửa thế kỷ sau đó. Điều đó dẫn đến sự sụp đổ của thị trường tự do, củng cố độ tin cậy của chủ nghĩa xã hội và cộng sản”.

Trở lại với cái chủ nghĩa của thế kỷ 21 mà ông Chavez, bà Bachelet... đang xây mới: tất cả đang dựa trên các định đề then chốt: phúc lợi xã hội trên hết, không bán rẻ tài nguyên cho thiên hạ khai thác, thậm chí thu hồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận