ASEAN trong đại dịch

DANH ĐỨC 29/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Đùng một cái cả Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19, biến cố đã cho thấy “tính thống nhất trong đa dạng” thực tế như thế nào, nhất là khi láng giềng gần bên lại là một nước quá lớn.

COVID-19 bùng lên ở khu vực ASEAN với ca nhiễm đầu tiên tại Thái Lan hôm 13-1-2020. Thái Lan cũng là nước đầu tiên báo cáo một ca nhiễm ngoài Trung Quốc. 

Đến ngày 7-4-2020, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch, các bộ trưởng y tế ASEAN đã họp với nhau qua một hội nghị truyền hình để tăng cường hợp tác khu vực với các bên liên quan khác nhau nhằm kiểm soát sự lây lan và giảm thiểu tác động của đại dịch. 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Philippines. Ảnh: scmp.com

 

Mỗi nước tự “bơi”

Trong tuyên bố chung sau hội nghị đó, các bộ trưởng nói tới việc “vượt qua những thách thức liên quan đến COVID-19 và sau khi phục hồi hệ thống y tế quốc gia, hợp tác học hỏi từ kinh nghiệm của khu vực và quốc gia trong việc ứng phó với các thách thức COVID-19...”. 

Song có vẻ như mỗi nước lại “tự bơi” một kiểu, cụ thể trong xét nghiệm và chích ngừa, hầu như không học hỏi nhau gì mấy.

Sự khác biệt này có thể được giải thích là do năng lực từng nước, nhưng một ví dụ nói lên nhiều điều về năng lực hợp tác của khối: Ngay cả thuật ngữ “ca xét nghiệm” cũng khác nhau, ở Indonesia, Malaysia, Philippines là số người được xét nghiệm; ở Myanmar, Singapore, Việt Nam là số mẫu đã được xét nghiệm; trong khi ở Thái Lan là số xét nghiệm đã hoàn tất.

Sau xét nghiệm, chặng thứ nhì của phòng chống COVID-19 là chích ngừa. Do ASEAN liên thông với châu Á, nên có lẽ cần nhìn câu chuyện chích ngừa này trong toàn cảnh châu Á. 

Tình hình chung là việc chích ngừa tiến triển khá chậm chạp ở châu lục đông dân nhất hành tinh. Những nước đạt được thành tích cao nhất cho đến nay đều là nước nhỏ, Seychelles, Maldives, hoặc Singapore. 

Nước lớn ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc, đạt tỉ lệ 70 liều/100 dân tính đến cuối tuần này, theo Our World in Data.

Với Đông Nam Á, việc sử dụng vaccine cũng là tự ai nấy lo. Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vắc xin cho Indonesia và Campuchia. Singapore, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản, chọn sử dụng vaccine từ Mỹ và châu Âu. 

Có thể thấy trong phòng chống vaccine ASEAN đã đa dạng nhiều hơn là thống nhất hay đoàn kết. Điều này còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nữa.

Vấn đề Myanmar

Nổi cộm nhất trong sự đa dạng quan điểm chính là vấn đề Myanmar sau vụ chính biến hôm 1-2-2021 nay đang sắp hết tháng thứ 5 của lật đổ và trấn áp. ASEAN tiếp tục theo đuổi chủ trương không can thiệp vào nội bộ nước khác. 

Nếu tinh ý sẽ thấy sự không can thiệp này là một chiều, trong đó có việc vẫn hợp tác và làm ăn với cánh quân đội tại Myanmar.

Việc im lặng về Myanmar cũng còn do chính quyền một số nước cũng đang vất vả đảm bảo tính chính danh của mình, nên không hơi sức đâu mà nói chuyện tính chính danh của kẻ khác. 

Một ví dụ là Philippines. Mới hôm 14-6, Tòa Hình sự quốc tế (ICC) đã ra thông tri tiền xét xử số ICC-01/21 nói bên công tố cho rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng đã xảy ra tội ác chống nhân loại giai đoạn 2016 - 2019 trong bối cảnh “cuộc chiến chống ma túy” của Tổng thống Rodrigo Duterte. 

Theo ICC, số thường dân thiệt mạng là từ 12.000 đến 30.000 người. Thành ra, khó thể thuyết phục những người như ông Duterte nói hay làm gì với các ông tướng Myanmar.

Nói cho công bằng, ASEAN cũng đã có những cố gắng để bàn thảo về Myanmar. Do tình hình có vẻ ngoài tầm tay chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay là Brunei, Tổng thống Indonesia đã có sáng kiến triệu tập một thượng đỉnh đặc biệt ở Jakarta hôm 21-4, có sự tham dự của thủ lĩnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và ra được “Thỏa thuận 5 điểm về Myanmar”. 

Trong thỏa thuận đó, then chốt là: (1) ngưng bạo lực, (2) cung cấp cứu trợ nhân đạo qua trung tâm điều phối của ASEAN - trước giờ quân đội Myanmar không ưa nhận cứu trợ nước ngoài, và (3) khởi động đối thoại không loại trừ một ai, tức không loại bà Aung San Suu Kyi. Chỉ có điều, từ khi ký thỏa thuận 5 điểm tới nay, vẫn chưa thấy thực thi gì.

Những vấn đề với tổ chức chung của khu vực Đông Nam Á được diễn giải khá đầy đủ qua bài viết của Evan A. Laksmana, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Jakarta và Viện ISEAS-Yusof Ishak Singapore trên Foreign Policy 21-6 với tựa đề: “Tương lai của ASEAN sẽ được quyết định ở Myanmar”. Theo đó, ASEAN hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ bên ngoài và bên trong.

Bên ngoài là sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, hành vi gây hấn của họ ở Biển Đông và sự cạnh tranh chiến lược của họ với Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, chính trong nội bộ khối, cuộc khủng hoảng Myanmar mới là thách thức lớn nhất, có thể định nghĩa hướng đi tương lai của tổ chức này. Và hai chuyện này có sự liên hệ với nhau.

Chẳng hạn, Global Times 31-3 loan tin: “Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua những thách thức như COVID-19 và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khu vực như tình trạng bất ổn ở Myanmar, nhân dịp bốn thành viên chủ chốt của ASEAN - Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines - cử các bộ trưởng ngoại giao của họ đến thăm Bắc Kinh”. 

Tờ báo này dẫn lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: “Bốn quốc gia này có ảnh hưởng đáng kể trong ASEAN. Đó là những bộ não, những người bảo vệ và thúc đẩy chính cho sự hợp tác trong khối. Vì vậy, họ sẽ thảo luận về các vấn đề cấp chiến lược bao gồm cách nâng cấp quan hệ Trung Quốc - ASEAN sau kỷ niệm 30 năm, về vắc xin COVID-19, về sự khôi phục kinh tế khu vực và mở cửa trở lại”.

Trong khi đó, sự thờ ơ của Mỹ với vấn đề trong khu vực có thể thấy qua lá thư của Jack Myint, giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN phụ trách Myanmar, gửi Tổng thống Joe Biden đầu tháng 5: 

“Những gì chúng tôi thực sự đang thấy là một nhà nước thất bại chực chờ ở trung tâm của một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới”, và: “Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn và tốt hơn để giải quyết vấn đề này. Đơn giản là có quá nhiều thứ đang bị đe dọa”.

ASEAN năm thứ hai đại dịch là như thế. Cải tổ gì cũng từ phương châm “thống nhất trong đa dạng”. 

Song, làm sao “thống nhất” khi các bên thích “đa dạng” hơn? Báo cáo “Outlook Vol. 3 (2021) Community Building in ASEAN: Taking Stock and Looking Ahead” (Tầm nhìn Tập 3 (2021) Xây dựng cộng đồng ở ASEAN: Chuẩn bị và nhìn về phía trước) của APSC (Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN) vẫn tuyên xưng: 

“Sức mạnh ban đầu mà ASEAN có thể tận dụng là cam kết chính trị của các quốc gia thành viên với việc vẫn thống nhất trong sự đa dạng của họ về hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội”.

Có điều, một ASEAN “đa dạng” kiểu đó chỉ làm các đối tác ngại “dấn thân” với khu vực như một toàn thể, thay vào đó tìm cách “nắm tay” riêng rẽ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận