Ba công cụ để giảm sử dụng túi nilông

PHÚC HUY THỰC HIỆN 13/11/2018 04:11 GMT+7

TTCT - Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được ban hành tháng 9 vừa qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Theo đó, mức thuế BVMT đối với túi nilông là 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với mức thuế cũ áp dụng từ năm 2012. Liệu đây có phải là giải pháp đủ mạnh để người dân giảm dùng túi nilông một lần?

PGS.TS Lê Văn Khoa.-Ảnh: Tự Trung
PGS.TS Lê Văn Khoa.-Ảnh: Tự Trung

Theo PGS.TS Lê Văn Khoa - khoa môi trường và tài nguyên, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đây là mức thuế BVMT đã thay đổi cho 8 loại sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, phân phối và thải bỏ, trong đó có túi nilông được dư luận quan tâm. Việc áp dụng công cụ kinh tế trong BVMT như thuế và phí BVMT là cần thiết, giúp thay đổi hành vi gây ô nhiễm và thu được nguồn tiền cho ngân sách (phục vụ cho việc BVMT).

Thực tế tại nước ta, việc áp dụng công cụ thuế, phí không đem lại hiệu quả cho việc giảm ô nhiễm vì: 1. Mức tính thuế, phí không cao, đủ để đối tượng gây ô nhiễm thay đổi hành vi (thấy rõ qua việc áp dụng phí xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp đã áp dụng từ năm 2004); 2. Nhu cầu thiết yếu và tiện dụng của sản phẩm buộc người tiêu dùng phải sử dụng (xăng, dầu, túi nilông), do vậy lượng tiêu thụ các sản phẩm này không hề giảm.

Việc tăng thuế, phí BVMT do vậy chỉ có ý nghĩa lớn về việc tạo nguồn thu (nhanh và nhiều) cho ngân sách quốc gia trong khi người đóng thuế không thấy được lợi ích BVMT của việc đóng thuế này vì không được giải trình rõ ràng về việc sử dụng nó và không ý thức được việc gây ô nhiễm khi tiêu thụ chúng.

Nhưng mức thuế, phí BVMT không thể quá cao vì sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, đến sự phát triển của doanh nghiệp mang tính dây chuyền cho cả chuỗi sản xuất và tiêu thụ, là gánh nặng cho nhóm người nghèo trong xã hội. Mức thuế, phí BVMT như vậy phải được tính toán có cơ sở khoa học tùy thuộc hoàn cảnh kinh tế - xã hội tại thời điểm dự kiến ban hành, không thể tùy tiện.

Lượng rác thải từ túi nilông ngày càng tăng. Kinh nghiệm các nước cho thấy vận động người dân từ bỏ túi nilông là việc không dễ dàng nếu không có các giải pháp chế tài kèm theo?

- Kinh tế phát triển, nhu cầu và mức sống trong xã hội tăng thì việc tăng lượng rác thải không thể tránh khỏi. Việc giảm lượng rác thải từ túi nilông cần bao gồm cả ba công cụ chính: công cụ luật pháp, công cụ kinh tế và công cụ truyền thông.

Công cụ luật pháp (cấm, phạt...) khiến người sản xuất và người tiêu dùng không dám vi phạm. Công cụ kinh tế (thuế, phí BVMT, không cho không túi đựng hàng, bán túi đựng rác...) đánh vào túi tiền khiến người ta phải thay đổi hành vi (mang túi khi đi mua hàng, giảm lượng rác thải hằng ngày của gia đình). Công cụ truyền thông giúp nâng cao nhận thức về BVMT của người tiêu dùng: khi tiếp nhận đủ thông tin (về tác hại của túi nilông đối với môi trường và sức khỏe), họ sẽ thay đổi nhận thức, thái độ và sẽ có hành vi đúng.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy các vi hạt nhựa đã xuất hiện trong cơ thể động vật mà nguồn gốc là từ các sản phẩm nhựa. Điều này rất đáng báo động cho sức khỏe con người?

- Từ năm 2008, tôi và đồng nghiệp đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu việc sử dụng bao bì nilông tại TP.HCM hướng đến xã hội tiêu thụ bền vững” do Sở KH&CN TP tài trợ. Kết quả cho thấy rất nhiều ảnh hưởng nguy hại của việc sử dụng túi nilông đến môi trường, ngập lụt, cảnh quan, sức khỏe của người và động vật.

Tác hại của túi nilông càng rõ hơn thông qua những công bố của các nhà khoa học trên thế giới về sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong tự nhiên, trong chuỗi thức ăn, trong cơ thể con người và động vật (nuôi và hoang dã) mà nguồn gốc của chúng là từ việc sử dụng các sản phẩm nhựa. Điều này càng làm tăng cảnh báo và chú ý của nhân loại vào đối tượng này.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: trong tất cả các giai đoạn trong vòng đời (life cycle) của túi nilông, từ sản xuất đến thải bỏ đều gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Trong khi sử dụng, túi nilông hầu như tìm thấy khắp nơi. Túi nilông tác động tiêu cực đến kinh tế ở nhiều quốc gia do mất mát tiềm năng về nông nghiệp và du lịch. Do vậy rất nhiều lãnh thổ, quốc gia trên thế giới đã giảm, cấm hoặc đang hành động để loại bỏ việc sử dụng túi nilông (xem bảng 1).

Nguồn: PGS.TS Lê Văn Khoa cung cấp - Đồ họa: L.T.
Nguồn: PGS.TS Lê Văn Khoa cung cấp - Đồ họa: L.T.

Qua thực tế trên, chúng tôi có một số nhận xét:

- Việc cấm và giảm sử dụng túi nilông ở các nước đều cần có sự can thiệp của nhà nước. Chỉ một vài quốc gia có được sự hỗ trợ từ các siêu thị hay nhà bán lẻ như Pháp, Anh. Sự kết hợp quản lý từ nhà nước và nhà bán lẻ tạo nên sự thành công trong việc giảm lượng túi nilông sử dụng ở các quốc gia này.

- Hầu như đối tượng nào cũng chịu tác động từ việc giảm sử dụng túi nilông và đối tượng hướng đến cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tác động này không trực tiếp mà thông qua đơn vị trung gian là các nhà phân phối lẻ hay các siêu thị như cấm phát túi nilông tại siêu thị, thu phí sử dụng túi nilông...

- Các công cụ quản lý được sử dụng rất đa dạng, công cụ nào cũng mang lại hiệu quả nhất định. Tùy tình hình quản lý của từng nơi mà việc giảm thiểu có hiệu quả hay không, chẳng hạn ở Đài Loan, việc cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần cùng với khuyến khích sản phẩm thân thiện môi trường đã giảm việc sử dụng đồ nhựa (bao gồm cả túi xốp) xuống 69%. Bangladesh với lệnh cấm sử dụng túi nilông được người dân thực thi nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, ở một số lãnh thổ, quốc gia, việc giảm thiểu túi nilông lại không mấy hiệu quả như tại Hong Kong (Trung Quốc) với chương trình “Ngày không túi nilông”; Trung Quốc với các mức thuế gây phản ứng từ nhà bán lẻ; còn Ireland với mức thuế 22 cent người dân vẫn sử dụng nhiều do họ đã quen dần với mức thuế và sẵn sàng chi trả tiền để sử dụng túi nilông.

- VN có thể học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong việc giảm sử dụng túi nilông. Ban đầu chỉ nên thực hiện chương trình ở từng đối tượng nhỏ (như hệ thống siêu thị), kết hợp đồng thời các công cụ pháp lý, kinh tế và công cụ tuyên truyền giáo dục cộng đồng. Chúng tôi đã đề xuất các giải pháp kiểm soát việc sử dụng túi nilông trong hoàn cảnh VN như sau (xem bảng 2).

Nguồn: PGS.TS Lê Văn Khoa cung cấp - Đồ họa: L.T.
Nguồn: PGS.TS Lê Văn Khoa cung cấp - Đồ họa: L.T.

Thực tế hộp, ly nhựa sử dụng một lần đang là xu hướng ở các cửa hàng ăn uống, quán cà phê...Theo ông, cần phải tăng mức thuế BVMT đối với loại vật dụng này ra sao?

- Như tôi đã đề cập ở trên, việc tính thuế và thu thuế là một “nghệ thuật” quản lý, tùy hoàn cảnh kinh tế - xã hội mà nhà quản lý có thể áp dụng hay không. Nếu có thì người tiêu dùng phải được thông tin đầy đủ, như vậy sẽ không có phản ứng trái chiều, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mặt khác, chính quyền cần chú ý truyền thông hơn nữa để nâng cao nhận thức về BVMT của cộng đồng để họ tự thay đổi hành vi (như mang theo ly, đồ đựng riêng của mình khi mua hàng). Rất đáng mừng là nhiều người trong cộng đồng cũng đã nhận thức và thực hiện.

Tuy nhiên, cần xét thêm hiệu quả quản lý nhà nước của chúng ta hiện nay. Như Ngân hàng Thế giới đã đánh giá, quản lý nhà nước cần chịu trách nhiệm về chính sách, giải pháp mà họ đưa ra, cần minh bạch trong việc thực hiện và cần sự tham gia cộng đồng trong việc hình thành và thực hiện chính sách nhiều hơn.

Trong nhiều trường hợp, việc tăng hiệu quả quản lý nhà nước lại chính là giải pháp tốt hơn nhiều so với giải pháp thu thuế. (Tương tự như việc cấp nước đô thị, việc hạn chế rò rỉ thất thoát nước có lợi hơn so với việc xây dựng một nhà máy cấp nước mới). Việc gì có lợi cho dân thì dân nào phản đối! ■

Theo ông Lê Văn Khoa, chính quyền cần có cơ chế khuyến khích đúng (giảm thuế, cho vay lãi suất thấp, hoặc trợ cấp...) sẽ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cần khuyến khích (thông qua quỹ nghiên cứu, giải thưởng...) các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học, cộng đồng... nghiên cứu, tìm kiếm, chế tạo các vật dụng thân thiện môi trường, thay thế dần cho vật dụng nhựa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận