​Bác Ngao và sự thoái lui của Washington

THANH TUẤN 04/05/2015 18:05 GMT+7

Diễn đàn Bác Ngao diễn ra ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) kết thúc hôm 29-3 với điểm nhấn lớn nhất là sức mạnh kinh tế ngày càng bao trùm của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao - Ảnh: Reuters

Phát biểu tại diễn đàn sáng 28-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn về kinh tế chính trị của khu vực, trong đó nhấn mạnh vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh nhằm tăng cường kết nối thông qua các “con đường tơ lụa” kiểu mới.

Các tuyến tơ lụa sẽ là một loạt kết nối giữa Trung Quốc, Trung Á, Nga và các nước vùng Baltic, kết nối Trung Quốc tới khu vực vùng Vịnh và Địa Trung Hải qua Trung Á và Tây Á, nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Con đường tơ lụa trên biển thì sẽ kéo dài từ Trung Quốc tới châu Âu, xuyên qua biển Đông và Ấn Độ Dương, cùng lúc đó là một tuyến từ Trung Quốc tới Nam Thái Bình Dương.

Cùng với sáng kiến này là điểm nhấn Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

MỘT LOẠT ĐỒNG MINH BỎ MỸ

Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có thể thấy rõ khi một loạt đồng minh của Mỹ - bất chấp sức ép phản đối của Washington - quyết định tham gia ngân hàng này. Đáng kể nhất có thể kể Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc và Hàn Quốc, nâng tổng số quốc gia tham gia khi ngân hàng này ra mắt lên tới gần 40 nước.

AIIB của Trung Quốc sẽ có 100 tỉ USD tiền vốn ban đầu. Nếu vận hành cho vay tốt, AIIB có thể luân chuyển khoảng 1.300 tỉ USD để cho vay các dự án hạ tầng. Trung Quốc đã đưa ra hạn chót là cuối tháng 3 để các nước có thể tham gia làm thành viên sáng lập - các thành viên được phép tham gia thiết lập các quy định của AIIB.

Một trong những nguyên nhân chính Washington phản đối AIIB vì cho rằng đây là mô hình cạnh tranh trực tiếp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là các cơ chế tài chính do Mỹ thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Washington cũng lập luận Trung Quốc không có cơ chế chặt về môi trường và thiếu minh bạch nên ngân hàng mới sẽ không đạt được tiêu chí như các thể chế tài chính quốc tế cũ.

Đáp lại, Bắc Kinh chỉ trích sự quan liêu ở các thể chế như WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (dưới sự dẫn dắt của Nhật) khiến các tổ chức này chậm đáp ứng các yêu cầu về phát triển của các nước.

Ngay khi London tuyên bố tham gia AIIB bất chấp quan hệ “đặc biệt” với Washington, Nhà Trắng đã công khai chỉ trích Anh, coi đây là sự “nhượng bộ” đối với Bắc Kinh. Sau Anh thì giống như cánh cửa xả lũ, một loạt nước như Pháp, Ý, Đức, Úc, Hàn Quốc đều tuyên bố vào AIIB. Với việc hàng loạt nước tham gia vào phút chót, ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ còn Mỹ và Nhật là hai nền kinh tế lớn nhất đứng bên ngoài.

Trả lời New York Times, giáo sư Hugh White của ĐH Quốc gia Úc (ANU) đánh giá “bạn bè và đồng minh Mỹ khá sẵn lòng nhượng bộ với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc bất chấp Mỹ phản đối”.

“Úc đương nhiên lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng họ cũng muốn trở thành một phần của tương lai kinh tế chính trị ở châu Á và không thể nằm ngoài trật tự châu Á mới mà Trung Quốc đang xây” - ông nói.

THẤT BẠI NGOẠI GIAO

Biếm họa trên Financial Times về việc Trung Quốc đang thu hút hết đồng minh của Mỹ

Đánh giá những diễn biến mới, New York Times có xã luận hôm 20-3 gọi đây là “sự xấu hổ” của chính quyền Obama. “Quyết định của họ cho thấy ngay cả các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, những nước thiết lập trật tự kinh tế thế giới toàn cầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không thể cưỡng lại được cuộc chạy đua kinh tế mới nhất ở Trung Quốc” - bài báo viết.

Xây dựng ngân hàng mới cạnh tranh trực tiếp với các thể chế cũ cũng là biểu hiện cho thấy sức mạnh ngày càng chi phối của Trung Quốc. London nói thẳng quyết định của họ là vì lợi ích quốc gia.

Báo Guardian bình luận: “Với nguồn tiền từ Nga cạn dần do cấm vận liên quan tới Ukraine và doanh thu dầu mỏ giảm, Bộ trưởng ngân khố Anh George Osborne muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc vào các dự án điện hạt nhân nước này. Thành phố London thậm chí muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên ngoài châu Á nhận đồng nhân dân tệ như đồng giao dịch quốc tế”.

Nhìn nhận tổng thể, tờ New York Times cho rằng đây là sai lầm mà chính Mỹ gây ra. Một mặt Washington kêu gọi Trung Quốc tăng cường vai trò lãnh đạo nhiều hơn nhưng mặt khác các vị trí chủ chốt ở IMF, WB và ADB đến giờ vẫn chỉ giới hạn cho các ứng viên châu Âu, Mỹ và Nhật. Quốc hội Mỹ cũng chịu trách nhiệm khi từ chối thông qua luật tăng quyền bỏ phiếu trong IMF cho các nền kinh tế mới nổi.

Viết trên Financial Times, Gideon Rachman nói: việc vận động các đồng minh của Washington đã biến thành phép thử về ảnh hưởng toàn cầu và Mỹ trở thành bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc đua này. Ông gọi đây là “thất bại thảm hại” về mặt ngoại giao của Washington.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng thay vì ngăn cản các đồng minh, cách tốt nhất để Trung Quốc không chi phối AIIB là đưa một loạt nước lớn trong khu vực vào AIIB để giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Shannon Tiezzi của The Diplomat thì cho rằng Washington đã không đánh giá hết sự khó chịu ngày càng tăng với các thể chế cũ của hệ thống Bretton Woods và không tiến hành cải cách.

Đến cuối tuần qua, Washington có vẻ giảm bớt sự phản đối khi nói sẽ khuyến khích WB và ADB hợp tác với AIIB khi ngân hàng mới đi vào hoạt động.

Elizabeth Economy của CFR thì cho rằng cách tốt nhất đối với Mỹ là cứ ngồi yên, không gây sức ép nữa và “cứ để AIIB phát triển hay thất bại tự nó”.

Quay trở lại với Bác Ngao, để xua đi những nghi ngại về âm mưu của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh dự án này không phải để nhằm thay thế các hợp tác kinh tế hiện có ở khu vực. “Các chương trình phát triển sẽ là mở, bao gồm tất cả các nhóm chứ không phải của riêng lẻ ai. Đó sẽ là bản đồng ca của tất cả các nước chứ không phải chỉ của riêng Trung Quốc” - ông Tập nói.

Trung Quốc tuyên bố trong năm năm tới nước này sẽ nhập khẩu hơn 10.000 tỉ USD hàng hóa, cùng với đó đầu tư ra nước ngoài sẽ vượt mức 500 tỉ USD cộng với khoảng 500 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đi ra nước ngoài.

Ông Tập cũng trấn an các nước về chuyện kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, năm ngoái là 7,4% - mức thấp nhất trong 24 năm qua. “Khi nhìn kinh tế Trung Quốc, không nên chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng. Chúng ta tập trung vào cải thiện chất lượng và hiệu quả, chú trọng hơn nữa vào thay đổi mô hình tăng trưởng và điều chỉnh cấu trúc tăng trưởng”. Theo ông, mức 7,4% cũng đã là khá ấn tượng.

Nhắm vào các nước láng giềng châu Á, ông Tập nói, tất cả các nước, bất kể quy mô thế nào nên được đối xử bình đẳng và Bắc Kinh muốn hòa bình. “Một nước lớn có trách nhiệm lớn hơn đối với hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới”. Ông phủ nhận chuyện Bắc Kinh sẽ trở thành độc quyền đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Ông nhắc lại châu Á cần xây dựng “cộng đồng với định mệnh chung”.

Ông Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn về trật tự an ninh và kinh tế mới ở châu Á, trong đó nhấn mạnh lợi ích từ sự thịnh vượng của Trung Quốc cũng như hợp tác vùng. Diễn đàn Bác Ngao, được hình thành với mục tiêu trở thành phiên bản châu Á của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ, vốn thường tập trung vào các vấn đề thương mại và kinh tế.

Thông điệp của ông Tập Cận Bình dù vậy đã nhấn nhiều vào vấn đề an ninh, dù không nêu trực tiếp Nhật Bản hay các nước ở biển Đông. Trong một thách thức với Washington, ông Tập cũng ngầm ý nói các liên minh an ninh dưới sự bảo trợ của Washington không nên tiếp tục tồn tại: “Tâm lý chiến tranh lạnh nên được rũ bỏ hoàn toàn và cần gây dựng các khái niệm an ninh mới khi tìm con đường mới cho châu Á để đảm bảo an ninh cho tất cả”.

Theo Wall Street Journal, kế hoạch mở rộng kinh tế quyết liệt của Bắc Kinh đang dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể dùng nó cho các mục tiêu chính trị khác. “Có lo ngại đây sẽ là sự chi phối của Trung Quốc - Mari Pangestu, cựu bộ trưởng thương mại Indonesia, nói - Đây là sự cẩn trọng. Trung Quốc nói họ mở cửa... chúng ta phải đảm bảo đó là sự thật”.

“Từng có thời thế giới cúi đầu trước đồng đôla. Nhưng câu chuyện của AIIB cho thấy bây giờ, kể cả với nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ, trong mắt họ chỉ nhìn thấy ký hiệu của đồng nhân dân tệ” - Rachman viết trên Financial Times.

TPP CHƯA CÓ BƯỚC TIẾN

Trong khi ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc ngày càng mở rộng, Mỹ đang lúng túng trong việc đẩy Hiệp định TPP. Với sự phản đối kịch liệt của chính phe Dân chủ, Quốc hội Mỹ đến giờ vẫn bế tắc trong việc phê chuẩn TPA (quyền đàm phán nhanh) nên đàm phán TPP đã không thể có đột phá mới. 

Chỉ với TPA, các đàm phán của TPP khi đưa ra Quốc hội Mỹ mới không bị sửa đổi (Quốc hội chỉ có thể hoặc thông qua hoặc bác bỏ) - điều mà các nước yêu cầu. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cảnh báo nếu Quốc hội Mỹ không sớm phê chuẩn TPA thì TPP rất có thể sẽ trở thành một Doha thứ hai (thất bại của WTO).

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận