Bác sĩ, hoa hồng và kỹ nghệ dược

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 25/04/2010 12:04 GMT+7

TTCT - Câu chuyện bác sĩ ăn hoa hồng của các công ty dược đã gây sốc chẳng những cho công chúng, nhất là bệnh nhân, mà ngay cả với giới bác sĩ vì không ngờ số tiền lớn đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, đây là tình trạng chung ở các nước đang phát triển, nơi mà những quy định về quản lý và cung cấp dược phẩm chưa được chặt chẽ, và bác sĩ là người đóng vai trò làm tăng giá thuốc.

Việt Nam cần có những chuẩn mực (codes of conduct) về quan hệ giữa giới y sĩ và kỹ nghệ dược để hạn chế những trường hợp này.


Tình trạng hãng dược “cầm tay bác sĩ” kê toa là thực trạng nhức nhối và là nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao ngất - Ảnh: N.C.T.

Người hàng xóm của tôi ở dưới quê khi đi khám bệnh mới biết mình mắc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp, với toa thuốc khoảng 650.000 đồng. Bà chỉ có 2 công đất, làm chỉ vừa đủ ăn, thu nhập trung bình mỗi ngày khoảng 20.000-30.000 đồng (thời giá năm 2000). 

Trước một toa thuốc quá đắt như thế và phải điều trị lâu dài, bà chọn cho mình một lối thoát: tự tử. Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện thương tâm ở những vùng quê, nơi mà thu nhập của người dân hiện nay chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày, nhưng khi mắc bệnh thì giá của toa thuốc thường cao hơn thu nhập nhiều lần. 

Kỹ nghệ dược bủa vây

Theo một điều tra khảo sát xã hội của TS Trần Hữu Quang vào năm ngoái thì người nghèo thường mắc bệnh nặng và chi phí y tế là một gánh nặng kinh tế. 

Theo điều tra này, 47% gia đình có người bị bệnh nặng là thuộc nhóm có thu nhập thấp. Chi phí y tế của những gia đình nghèo lên đến gần 9% chi tiêu hằng ngày. Trong nhóm người nghèo, chi phí điều trị trung bình mỗi năm là 2 triệu đồng, với thu nhập 40.000 đồng/ngày, chi phí y tế lên đến gần 14% tổng thu nhập. Đó là một khoản rất lớn.

Có lẽ ít bệnh nhân biết được tại sao chi phí điều trị và nhất là giá thuốc lại quá cao như thế. Mấy tuần qua, báo chí cung cấp một phần câu trả lời: đó là tiền hoa hồng bác sĩ nhận từ các công ty thuốc và nâng cao giá bán cho bệnh nhân. 

Thật ra, ai cũng biết đằng sau nhiều toa thuốc (không phải tất cả) là những khoản hoa hồng mà bác sĩ và công ty dược đã thỏa thuận, nhưng khó mà tưởng tượng nổi tiền hoa hồng lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Kỹ nghệ dược là một kỹ nghệ khá đặc biệt, nhất là khi nhìn qua lăng kính tiếp thị. Không như các loại hàng hóa khác được bán trực tiếp cho người tiêu dùng, dược phẩm phải qua một khách hàng trung gian: bác sĩ. 

Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các công ty dược ra sức gây tác động đến giới bác sĩ, hơn là đến người tiêu thụ cuối cùng (bệnh nhân). 

Một nghiên cứu ở Malaysia cho thấy trong thời gian 5 tuần, một bác sĩ có đến 17 giờ tiếp xúc với đại diện của 25 công ty dược (trong số này có 16 công ty đa quốc gia hay còn gọi là “đại gia” trong ngành dược quốc tế)!

Cách gây ảnh hưởng của kỹ nghệ dược cũng cực kỳ... phong phú và tùy thuộc vào cấp bậc, vai vế của bác sĩ trong chuyên ngành, từ quà cáp, tổ chức đi du lịch nước ngoài đến nhận tiền hoa hồng trực tiếp. 

Ở Mỹ, kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 95% bác sĩ cho biết họ có ít nhất một mối quan hệ với kỹ nghệ dược như mô tả trên. Chỉ có 5% là hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, con số 5% này vẫn được xem là quá cao, vì trong thực tế có lẽ 100% bác sĩ đều có ít nhất một mối tương tác với kỹ nghệ dược.

Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tập san PLoS Medicine, mỗi năm các công ty dược dùng trên 50 tỉ USD cho hoạt động tiếp thị, 70% trong số này nhắm vào các bác sĩ. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả cho những chi phí này? 

Tất nhiên, các công ty dược không phải là những nhà từ thiện, nhiệm vụ của họ là kinh doanh lấy lời và chiếm thị trường. Chính bệnh nhân là những người phải chi trả khoản chi phí khổng lồ này, và bác sĩ là người đóng vai trò làm tăng giá thuốc.

“Ăn cướp xã hội”

Bác sĩ ăn hoa hồng của kỹ nghệ dược là một “hiện tượng” khá phổ biến ở các nước nghèo hay các nước đang phát triển. Vài tháng trước đây, công chúng Ấn Độ bị sốc khi báo chí tiết lộ giới bác sĩ ăn hoa hồng của công ty dược trong việc phân phối văcxin với tỉ lệ dao động từ 30% cho văcxin ngừa bệnh polio đến 70% cho các loại văcxin phòng chống cảm cúm. Nhiều điều tra xã hội ở Bangladesh và Sri Lanka cũng đi đến kết luận tương tự. Một giáo sư y khoa Ấn Độ viết trên một tập san y đức rằng hành động của những bác sĩ đó chẳng những vi phạm y đức một cách trắng trợn mà còn thể hiện một sự “ăn cướp xã hội” (social robbery)! 

“Đạo làm thuốc và nhân thuật cứu người"

Nhiều nghiên cứu cho thấy một khi bác sĩ đưa tay nhận tiền của công ty dược thì cũng là lúc sự khách quan và phán xét lâm sàng của họ bị đánh mất. Họ có thể giới thiệu những loại thuốc không cần thiết cho bệnh nhân (tức sai chỉ định); họ cũng có thể chọn những thuốc đắt tiền nhất để làm hài lòng công ty dược mà họ nhận tiền hoa hồng. 

Đã có ước tính rằng gần 50% thuốc ở các nước đang phát triển hoặc được ra toa một cách không phù hợp (sai chỉ định), hoặc không cần thiết. 

Ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu như thế nên khó biết tình hình ra sao. Nhưng kinh nghiệm từ các nước trong vùng và những gì báo chí Việt Nam nêu thời gian qua cho thấy tình trạng bác sĩ chịu sự chi phối của kỹ nghệ dược là rất lớn, nhất là trong điều kiện thu nhập của phần đông bác sĩ Việt Nam còn hạn chế. 

 Cần chuẩn mực

Ở những nước có kinh nghiệm lâu đời trong việc quản lý dược phẩm, có những chuẩn mực về mối quan hệ giữa bác sĩ và kỹ nghệ dược. Những chuẩn mực này không phải là đạo luật mà là những quy ước do các hiệp hội y khoa, dược khoa và kỹ nghệ dược nhất trí lấy làm nền tảng cho mối tương tác giữa ngành dược và giới y sĩ. Hoàn toàn không có sự can thiệp của nhà nước. Mô hình tự chủ này có lẽ khó áp dụng cho Việt Nam, nhưng kinh nghiệm và chuẩn mực quan hệ giữa y tế và kỹ nghệ dược cần được tham khảo để tiến đến một chuẩn mực.

Cố nhiên, biện minh vì thu nhập thấp nên phải nhận hoa hồng không thể thuyết phục ai. Những người nhận hoa hồng từ công ty dược có thu nhập rất cao, cao hơn các bác sĩ ở các nước phương Tây. 

Nhưng các bác sĩ nhận hoa hồng cũng chẳng phạm pháp, vì họ làm trong thỏa thuận giữa kỹ nghệ dược và cá nhân họ là người tiêu dùng trung gian. 

Vấn đề là y đức. Hải Thượng Lãn Ông từng nói rằng nghề thầy thuốc là một “đạo” và “nhân thuật”: đạo làm thuốc và nhân thuật cứu người. Ông còn cảnh báo: “Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...”. 

Do đó, nhận hoa hồng không phạm pháp nhưng vi phạm y đức. Y đức không phải là luật pháp, cho nên vấn đề là lương tâm và xa hơn là văn hóa sống.

Khoảng hai năm trước, một cuốn sách về y đức xuất bản ở Trung Quốc làm rúng động lương tâm dư luận. Trong sách Nỗi đau của Trung Quốc, tác giả là một đại biểu quốc hội điều tra và mổ xẻ những vi phạm y đức tràn lan trong giới y bác sĩ Trung Quốc dưới hình thức lừa đảo, bòn rút tiền bệnh nhân, liên minh ma quỷ để khai thác bệnh nhân, điều trị “quá độ” (tức điều trị không cần thiết), hãm hại bệnh nhân... 

Trớ trêu thay, bệnh nhân chẳng hay biết, chỉ nằm nhà chờ chết và tự trách mình nghèo! Nước ta cũng không ít trường hợp tương tự, nhưng có lẽ chúng ta chưa đủ can đảm để vạch ra những mảng tối đang hoành hành xã hội hiện nay.

Chuẩn mực y đức không phải chỉ là những quy ước đạo đức dành cho người thầy thuốc, mà còn ảnh hưởng đến bệnh nhân. Người hàng xóm của tôi lẽ ra còn sống và cống hiến cho xã hội, nếu người bác sĩ ra toa thuốc 650.000 đồng đó có tình thương đồng loại và cảm thấy áy náy khi biết thu nhập của bà chỉ hai, ba chục ngàn đồng một ngày. 

Rất tiếc là trong buổi giao thời của kinh tế thị trường, đồng tiền đã làm lu mờ phán xét đạo đức của một số người và gây ra nhiều cái chết tức tưởi.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận