Báo cáo Mueller: Trump đã thật sự vượt qua “cuộc săn phù thủy”?

ANH NGUYỄN 10/04/2019 02:04 GMT+7

Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller mất gần hai năm cho báo cáo của ông, lâu hơn một chút so với Herman Melville khi viết “Moby Dick” (Cá voi trắng). Với những gì mà bản tóm tắt của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đưa ra tới giờ, kết cục đều giống nhau: con cá voi trốn thoát.

Từ trái sang: Tổng thống Trump, Bộ trưởng Barr, và công tố viên đặc biệt Mueller. Ảnh: Vox
Từ trái sang: Tổng thống Trump, Bộ trưởng Barr, và công tố viên đặc biệt Mueller. Ảnh: Vox

Cuộc điều tra vô tiền khoáng hậu

Ông Mueller phát đi hơn 2.800 trát hầu tòa, hơn 500 cuộc khám xét, 230 lệnh yêu cầu các bản ghi chép trao đổi cá nhân, yêu cầu chính phủ 13 nước về bằng chứng và tiến hành thẩm vấn khoảng 500 nhân chứng. Đây là một trong những cuộc điều tra kỹ lưỡng nhất ở chính trường Mỹ bởi một công tố viên huyền thoại, một cựu giám đốc FBI.

Sau gần hai năm điều tra, ông Mueller nộp bản báo cáo 400 trang cho Bộ trưởng Barr hôm 22-3. Chỉ hai ngày sau, ông Barr nhanh chóng gửi bản tóm tắt kết luận bốn trang tới quốc hội, trong đó kết luận Tổng thống Mỹ Donald Trump và chiến dịch của ông không thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016.

Cần lưu ý tất cả kết luận tới giờ chỉ là phần tóm tắt của ông Barr - người trong giai đoạn dài luôn chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller cho tới khi ông trở thành bộ trưởng tư pháp khoảng một tháng trước khi báo cáo hoàn tất. Bản tóm tắt và 111 chữ của báo cáo 400 trang là văn bản duy nhất công khai từ cuộc điều tra của ông Mueller.

Việc ông Mueller sau gần hai năm trời không xác định được ông Trump có cản trở công lý hay không, trong khi ông Barr chỉ sau hai ngày đã kết luận là một trong những điểm chính khiến phe Dân chủ chỉ trích vào lúc này. Đó cũng là lý do mà phe Dân chủ đang tìm mọi cách để bản báo cáo đầy đủ của ông Mueller được công khai (cho tới giờ chỉ một vài quan chức Bộ Tư pháp Mỹ được tiếp cận bản báo cáo này).

Ông David Kris, người từng phụ trách Vụ an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp và giờ điều hành Công ty tư vấn Culper Partners, nói với New York Times rằng ông ngạc nhiên khi Mueller không thể đưa ra kết luận liệu có nên truy tố ông Trump không sau hơn hai năm điều tra, nhưng ông Barr lại đưa ra quyết định không truy tố chỉ trong vẻn vẹn một cuối tuần. “Đưa ra quyết định (không kết luận) kiểu vậy là rất bất thường - ông Kris nói - Khi chúng ta đọc báo cáo và đi sâu trong vị trí của ông ấy thì mới có thể đánh giá được ông ấy đã điều tra những gì và vì sao làm vậy”.

 

Cuộc chiến chưa kết thúc

Tổng thống Mỹ thì đang ca hát trong khi phe Dân chủ đang cố chứng minh ông Mueller không nói ông Trump vô tội trong việc cản trở công lý. Nhưng có một điều đã rõ ràng: đây là kết quả tốt nhất mà ông Trump có thể mong đợi.

Ông Trump thực tế có lý do để ăn mừng. Suốt 22 tháng trời, cuộc điều tra của ông Mueller và nguy cơ luận tội luôn treo lơ lửng. Báo chí hằng ngày phỏng đoán về chuyện nó sẽ tổn hại thế nào với ông. Ít nhất giờ ông Trump có thể nhắm vào một số cựu quan chức như cựu giám đốc CIA John Brennan (người chỉ trích ông Trump là “phản quốc” và “nằm trong túi Putin”) khi báo cáo của ông Mueller xác nhận là không có bằng chứng để cáo buộc tội cấu kết.

Tháng 12, ông Brennan cảnh báo ông Trump nên chuẩn bị cho những bóc trần “sự bất lương và tham nhũng”. Sau phần báo cáo của ông Barr, ông Brennan dịu giọng. “Tôi không rõ có phải do nhận thông tin kém hay không. Nhưng tôi nghi là vẫn còn nhiều thứ khác nữa” - ông Brennan nói với MSNBC.

Theo The Economist, cả hai phe có vài bài học có thể rút ra từ câu chuyện này. Thứ nhất, không nên nhầm lẫn quá trình pháp lý với cuộc đấu chính trị. Kể từ khi ông Trump thắng cử, những người không chịu nổi cảnh ông làm tổng thống đã luôn mơ tới biện pháp nào đó để đạp đổ kết quả bầu cử. Và công tố viên Mueller, một huyền thoại về điều tra, cựu giám đốc FBI, được coi là ứng viên lý tưởng.

Thực tế thì số phận chính quyền Trump khả năng lớn sẽ được quyết định bởi tiến trình chính trị, thông qua các hòm phiếu vào năm 2020. Dù phe Dân chủ có mơ mộng về khả năng dùng quốc hội để luận tội và phế truất ông thì họ lẽ ra vẫn không nên bỏ bê tiến trình chính trị. Cơn say sưa, thậm chí như “lên đồng” với những đồn đoán về một vụ luận tội tổng thống suốt hai năm qua nhiều lúc đã làm họ trở nên mù quáng.

Bài học thứ hai phe Dân chủ nên hiểu là lẽ ra họ nên im lặng tới khi tiến trình pháp lý đã kết thúc. Cũng cần nhớ điều này khi các ủy ban hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đang theo đuổi các cuộc điều tra riêng của họ với ông Trump, trong khi một loạt nhánh khác ở tòa án và công tố viên đang điều tra các cáo buộc đối với ông Trump và gia đình ông ta. Vì vậy, một số đối thủ của ông Trump đã “lỡ bộ” khi vội vàng “phán quyết” vào lúc các cuộc điều tra chưa kết thúc. Việc báo cáo chưa chứng minh được những tội danh như họ kỳ vọng sẽ khiến họ mất uy tín với cử tri, và quan trọng hơn, làm cho cử tri bị phân tâm khỏi những vấn đề chính trị - chính sách thật sự quan trọng.

Cuộc điều tra của ông Mueller cũng là bài học cho phe Cộng hòa đang được đà, muốn trả đũa những hành vi mà họ coi là “phản quốc” đối với tổng thống của mình. Từ những điều tra của ông Mueller, giám đốc tranh cử và luật sư riêng của ông Trump đều đã vào tù, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông thì nhận tội nói dối FBI về những trao đổi với đại sứ Nga, đã có 37 nhân vật bị buộc tội với 7 người nhận tội trong cuộc điều tra của ông Mueller. Riêng ông Trump vẫn khăng khăng những nhân vật từng thân cận này không liên quan gì tới mình.

“Kể từ Watergate (vụ scandal buộc ông Nixon từ chức), chưa từng có điều tương tự xảy ra trong chính trường Mỹ” - tờ The Economist viết.

Đổi chỗ cho nhau

Bằng việc vạch trần những hành vi lừa dối và băng hoại của phe Tổng thống Trump, ông Mueller đã giúp làm sạch hơn tiến trình vận động chính trị ở nước Mỹ.

Cuộc điều tra cũng đồng thời cho thấy tổng thống Mỹ không trung thực với cử tri về những khoản đầu tư của ông tại Nga. Cùng lúc với việc cố gắng thay đổi chính sách của phe Cộng hòa với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump, thông qua công ty của mình, tiếp tục vận động để xây tòa tháp Trump ở Matxcơva. Tính toán của ông là nếu thất cử (điều chính ông cũng mong đợi), thì ông sẽ vẫn có khoản đầu tư của mình. Mâu thuẫn lợi ích này, tuy không bị coi là cấu kết với Nga, vẫn là hành vi mà hệ thống chính trị Mỹ trước thời Trump sẽ không bao giờ chấp nhận.

Phe Cộng hòa giờ muốn “trả thù”: thượng nghị sĩ Rand Paul của Kentucky muốn quốc hội điều tra cựu tổng thống Barack Obama (về thông tin ghi âm lén chiến dịch tranh cử của ông Trump), Nhà Trắng thì muốn phe Dân chủ và truyền thông phải xin lỗi. Lúc này, phe Dân chủ đã đổi chiến thuật, họ né tránh chủ đề luận tội, phản quốc, câu kết, và lại tập trung vào những lĩnh vực chính sách lợi thế của họ như việc làm hoặc y tế.

Suốt hai năm trời, phe Dân chủ liên tục nhắc cử tri rằng các điều tra viên liên bang đang điều tra tổng thống Mỹ, trong khi phe Cộng hòa không ngừng chỉ trích đấy là “cuộc săn phù thủy” làm lạc hướng tiến trình “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump. Nhưng giờ phân vai đang đảo ngược: phe Cộng hòa muốn nhấn mạnh kết quả của cuộc điều tra, còn phe Dân chủ muốn lảng tránh.

Thực tế thì về ngắn hạn, báo cáo của ông Barr có lợi cho ông Trump. Về dài hạn, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump đã có hàng loạt hành động theo kiểu mời gọi phía Nga hành động can thiệp. Paul Manafort, cựu giám đốc tranh cử của Trump, chia sẻ thông tin thăm dò bí mật cho một tư vấn chính trị người Ukraine mà tình báo Mỹ sau này xác định có liên hệ với tình báo Nga. 

Roger Stone, người tham gia giai đoạn đầu tranh cử của ông Trump, dường như biết trước thông tin các email và tài liệu tình báo Nga lấy trộm được sẽ được công bố vào những thời điểm có lợi cho ông Trump. Con trai của ông Trump gặp gỡ một luật sư Nga cung cấp “thông tin bẩn” về bà Clinton. Và bản thân ông Trump kêu gọi Nga tấn công máy chủ của bà Clinton để “tìm 30.000 email biến mất”.

Công tố viên đặc biệt Mueller có thể còn tìm được nhiều bằng chứng hơn và đó là lý do mà phe Dân chủ muốn bản báo cáo đầy đủ được công bố. Nhưng kể cả không đạt được điều đó, Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục điều tra ông Trump. Phần điều tra của ông Mueller chủ yếu xác định có thành viên nào của phe Trump phạm luật hình sự hay không. Quốc hội thì có quyền lớn hơn: họ có thể điều tra các hành vi mà họ coi là có hại cho lợi ích quốc gia - kể cả khi hành vi đó không bị coi là phạm tội hình sự.

Khả năng ông Mueller bỏ sót những bằng chứng rõ ràng về vụ này là rất thấp, nhưng nước Mỹ vốn có truyền thống đòi hỏi rất cao đối với tổng thống của mình - không chỉ đơn thuần là chuyện có phạm luật hay không. ■

Những cuộc chiến khác của ông Trump

Ngoài báo cáo của ông Mueller, Tòa án Nam New York đang điều tra ông Trump với cáo buộc vi phạm quy định tài chính tranh cử. Tổng chưởng lý New York thì đang điều tra các cáo buộc lừa đảo về ngân hàng và bảo hiểm. Các ủy ban hạ viện do phe Dân chủ nắm đang nhắm vào một loạt sai sót khác của ông Trump, trong đó có cả việc trao quyền tiếp cận an ninh cho con ông bất chấp một loạt lo ngại, cáo buộc về rửa tiền cũng như các mối liên hệ với những công ty Nga và Saudi Arabia.

Nước Mỹ chia rẽ

Kết luận của bản điều tra thực tế không giúp hàn gắn một đất nước đang chia rẽ sâu sắc. Trước khi báo cáo của ông Mueller được nộp, khoảng 44% người Mỹ cho rằng tổng thống nên bị luận tội, theo thăm dò của nhóm Voter Study Group. Con số đó tương đương tỉ lệ người ủng hộ cách điều hành của ông Trump, theo thăm dò của Economist/YouGov. Đúng với một nguyên tắc của chính trị Mỹ suốt mấy năm qua, cả hai phe yêu/ghét Tổng thống Trump hầu như không đổi bất chấp các diễn biến chính trường. Nhóm muốn ông Trump được xóa tội và nhóm muốn đuổi ông ra khỏi Nhà Trắng hầu như ngang nhau - và họ vẫn ghét nhau cay đắng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận