Bầu cử Mỹ 2020: Những cột mốc lịch sử

THI-BAY MIRADOLI 14/11/2020 00:11 GMT+7

TTCT - Một cuộc bầu cử lịch sử đã diễn ra ở Mỹ giữa một đại dịch toàn cầu và phong trào quyền dân sự cũng có tính lịch sử, sau một nhiệm kỳ tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử, với những kết quả lịch sử.

“Vấn đề chúng ta đều phải sống cùng”, sơn dầu trên vải toan (Norman Rockwell, 1960). -Ảnh: Wikipedia
“Vấn đề chúng ta đều phải sống cùng”, sơn dầu trên vải toan (Norman Rockwell, 1960). -Ảnh: Wikipedia

Rốt cuộc, đó là cuộc bầu cử lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ, là khi người phụ nữ đầu tiên, cũng là người da đen, gốc Nam Á đầu tiên, trở thành phó tổng thống, cùng cơn mừng vui điên loạn khắp các thành phố Mỹ. 

Không thể hiểu được những biến cố đó nếu tách rời chúng ra, hay nếu không biết tới hệ thống đại cử tri, lịch sử sắc tộc của đất nước, cũng như việc Donald Trump đã cố gắng tận dụng cả hai điều đó hòng thủ lợi cá nhân trong khi làm hại cho đất nước ra sao.

Hệ thống bầu cử và sự cản trở cử tri

Trong cuộc bầu cử năm 2016, dù bà Hillary Clinton nhiều hơn đối thủ 2,87 triệu phiếu phổ thông, bà vẫn thua với tỉ số 227-304. Điều tương tự từng xảy ra năm 2000 khi dù thua phiếu phổ thông, George W. Bush vẫn trở thành tổng thống.

Sự khác thường đấy mới xảy ra 5 lần trong cả lịch sử Mỹ: 1824, 1876, 1888, 2000 và 2016. Nước Mỹ có một hệ thống bầu tổng thống gián tiếp gồm hai bước. Dù các công dân chọn ứng viên của mình bằng lá phiếu cá nhân, người giành nhiều phiếu phổ thông hơn chưa chắc đã thắng.

Người thắng là người nhận được tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri. Trong trường hợp kết quả hòa, Hạ viện sẽ chọn tổng thống và Thượng viện chọn phó tổng thống.

Một số nền dân chủ khác cũng dựa trên hệ thống bầu tổng thống gián tiếp, nhưng các cơ quan lập pháp là nơi bỏ phiếu. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có hệ thống đại cử tri, một cơ quan riêng biệt được tạo ra chỉ với mục đích bầu tổng thống.

Mỗi bang ở Hoa Kỳ có một số đại cử tri cụ thể tương ứng với số đại biểu Quốc hội. Những đại cử tri được chờ đợi sẽ bỏ cho ứng viên nhận được đa số phiếu ở bang của mình. “Được chờ đợi” có nghĩa là về mặt kỹ thuật đại cử tri có thể bỏ phiếu cho người khác.

Vì đấy là một hệ thống “người thắng được hết”, nhiều học giả chính trị đã cho rằng nó vi phạm nguyên tắc dân chủ “mỗi người một lá phiếu”. Chỉ hai bang, Maine và Nebraska, chia phiếu đại cử tri theo đa số của từng khu vực bầu cử, qua đó ít nhiều tạo ra sự công bằng hơn.

Trang web usfacts.org chỉ ra rằng dựa trên ước tính dân số năm 2018, “một phiếu đại cử tri ở Wyoming đại diện cho khoảng 193.000 người, trong khi một phiếu ở Texas hay California là tới hơn 700.000 người”. Cũng đáng lưu ý rằng một tranh cãi gần đây giữa hai phe về cuộc tổng điều tra dân số Hoa Kỳ là có liên quan trực tiếp tới việc phân bổ phiếu đại cử tri.

Vừa rồi, liên danh Joe Biden và Kamala Harris thắng cả số phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri, tức thực tế đa số người dân Mỹ chưa bao giờ lựa chọn Trump.

Liên minh các quyền dân sự Mỹ giám sát những vụ cản trở cử tri trong nước và thông tin về sự đe dọa với quyền bỏ phiếu, nhất là của người Mỹ gốc Phi, người già, sinh viên, và người khuyết tật.

Những sự cố đấy bao gồm rút ngắn thời gian hay giảm bớt địa điểm bầu cử ở những khu vực mục tiêu, loại cử tri khỏi danh sách cử tri hợp lệ, và các quy định về giấy tờ nhân thân.

Lịch sử cản trở cử tri ở Mỹ có thể lần lại từ cuối thời chế độ nô lệ và đã nhất quán tập trung vào việc giới hạn quyền bỏ phiếu của cộng đồng người da đen và người thiểu số nói chung. Dù Tu chính án 13 của Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1865 đã bãi bỏ chế độ nô lệ, và Tu chính án 14 năm 1868 đảm bảo cho người da đen “quyền được bảo vệ bình đẳng theo pháp luật”, phải tới năm 1870, Tu chính án 15 mới cấm việc tước quyền bầu cử trên cơ sở “sắc tộc, màu da, hay tình trạng là cựu nô lệ”.

Việc thực thi tu chính án đấy, dù trên thực tế hay có tính biểu tượng, không hề là nghiễm nhiên hay nhanh chóng. Tennessee chỉ phê chuẩn Tu chính án 15 vào năm 1997, 127 năm sau khi nó được thông qua (tức là mới 23 năm trước)! Suốt lịch sử, sự hăm dọa, bạo lực, các khoản thuế bầu cử, và luật pháp cản trở cử tri đã được sử dụng để ngăn cản người Mỹ gốc Phi bỏ phiếu. Các biện pháp đó nhằm lách qua Tu chính án 15.

Phụ nữ cũng không có quyền bỏ phiếu tới năm 1920, nhưng vẫn chỉ là phụ nữ da trắng, còn phụ nữ da màu phải đợi tới Luật về quyền bầu cử 1965. Nhiều tiểu bang có lịch sử triển khai các luật lệ và biện pháp cản trở cử tri cũng là những nơi có lịch sử sắc tộc nhiều xung đột. Một trong các bang như thế là Georgia, nơi chiến thắng - dù với khoảng cách mong manh - của Biden là một ngạc nhiên lớn.

Kamala Harris với cái bóng là Ruby Bridges. Ảnh đồ họa của Raine Szramski
Kamala Harris với cái bóng là Ruby Bridges. Ảnh đồ họa của Raine Szramski

Biểu tượng mới Kamala Harris

Một bức ảnh photoshop đã gây nhiều chú ý trên mạng xã hội sau cuộc bầu cử là hình ảnh phó tổng thống tân cử Kamala Harris mặc vest đang bước đi, với bóng in trên tường là cô bé da đen nổi tiếng Ruby Bridges.

Ngày 14-11-1960, Bridges, lúc bấy giờ mới 6 tuổi, trở thành đứa trẻ gốc Phi đầu tiên chính thức đi học ở một trường da trắng, vượt qua những lằn ranh chia rẽ sắc tộc trong giáo dục. Hôm đó, hàng trăm người biểu tình đã tìm cách ngăn trở Bridges.

Những người biểu tình - mang theo búp bê màu đen để trong quan tài - đã lăng mạ, đe dọa và ném đồ vật vào cô bé. Bốn cảnh sát liên bang vũ trang phải đi cùng mẹ Bridges hộ tống cô bé đến trường. 60 năm sau, bà Harris - có cha là người da đen và mẹ gốc Ấn Độ - sắp sửa trở thành nhân vật quyền lực thứ hai nước Mỹ.

Bà Harris còn sở hữu một lý lịch công việc cực kỳ ấn tượng. Bà nổi lên trong vai trò công tố viên hình sự ở văn phòng tổng chưởng lý tiểu bang California và là nữ thượng nghị sĩ gốc Phi - Nam Á đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

Cũng có những điểm không được lòng phe Dân chủ, như chính sách mạnh tay với tội phạm thời bà còn làm tổng chưởng lý California, nhưng ở vai trò mới, bà Harris hẳn sẽ phải tìm kiếm một lập trường thiên hơn về bình đẳng xã hội, với các chính sách dung nạp và lời hứa cải cách hệ thống tư pháp.

Thật rõ ràng, bà còn là một nhà nữ quyền. Sau khi các hãng tin tuyên bố liên danh Biden - Harris chiến thắng, bà Harris đã xuất hiện trên sân khấu trong bộ vest trắng, biểu tượng cho cuộc chiến nhọc nhằn của phụ nữ Mỹ giành lấy những quyền dân sự cho mình, bao gồm quyền bỏ phiếu.

Bộ đồ trắng của bà là sự tri ân với những phụ nữ đã mở đường cho bà, những người trước đó cũng đã mặc đồ trắng trong những dịp trọng đại thế này.

Bà đã tri ân những người như Shirley Chisholm, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu vào Quốc hội năm 1968, hay Geraldine Ferraro, ứng viên phó tổng thống của Walter Mondale trong cuộc chạy đua năm 1984, và chính bà Clinton, người đã thất cử dưới tay ông Trump vào năm 2016 và mặc bộ vest trắng vào ngày diễn ra bầu cử.

Bà Harris mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách dẫn lại lời của nhà tranh đấu cho quyền tự do dân sự John Lewis: “Dân chủ không phải là một trạng thái. Nó phải là một hành động, và ý ông ấy là nền dân chủ Mỹ không có gì bảo đảm chắc chắn, nền dân chủ đấy chỉ mạnh mẽ ngang với quyết tâm đấu tranh cho nó, bảo vệ nó, và không bao giờ coi nó là điều nghiễm nhiên của chúng ta”.

Kết quả cuộc bầu cử này và những gì diễn ra tiếp đó cho thấy câu nói của Lewis đang phù hợp với cảnh huống của nước Mỹ hiện tại hơn bao giờ hết.■

H.M. (dịch)

Vì sao ông Trump thất cử?

Để hiểu được niềm vui của đám đông trên những đường phố ở các đô thị Mỹ, ta phải hiểu được những tổn thất tâm lý tập thể của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, bên phía những người chống ông.

Những người Mỹ ủng hộ Đảng Dân chủ cảm thấy Trump chia rẽ để cai trị, tạo ra và tận dụng sự hỗn loạn để tranh thủ lợi ích chính trị, cũng như thiếu hẳn lòng khoan dung với những người khác biệt - chứ đừng nói chống đối ông.

Viện Brookings cho biết kể từ khi Trump đắc cử, tội ác liên quan tới thù hận giai cấp và sắc tộc ở các hạt nơi ông nhận được nhiều phiếu nhất đã tăng mạnh, chỉ thua giai đoạn sau vụ 11-9. Nhiệm kỳ tổng thống của Trump cũng trùng với sự gia tăng hành vi khủng bố bài ngoại và thuyết âm mưu cực hữu, như trào lưu “QAnon” rất phổ biến trong giới ủng hộ ông.

Việc Trump hủy bỏ nhiều luật lệ về môi trường và rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng làm ông mất điểm. Và đòn kết liễu cuối cùng cho hi vọng tái cử của ông có lẽ là cách chính quyền ông xử lý đại dịch COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận